Nguyễn Trang Nhung - Tháng
Tư tới đây, ông Đoàn Văn Vươn, nhân vật trung tâm trong vụ án cưỡng chế
đất tại Tiên Lãng, Hải Phòng sẽ bị đưa ra xét xử về tội giết người, cụ
thể là giết người thi hành công vụ, theo điểm d, khoản 1, Điều 93 Bộ
luật Hình sự [1].
Đã có nhiều tranh cãi về căn cứ pháp lý này. Câu
hỏi được đặt ra ở đây là liệu có thỏa đáng hay không khi căn cứ này bất
ổn ngay từ tiền đề 'người thi hành công vụ'?
Bất ổn thứ nhất: Không đúng 'người'
Bộ luật Hình sự hiện hành (1999) cùng các văn
bản hướng dẫn của nó, cũng như các văn bản quy phạm pháp luật về hành
chính không giải thích thế nào là ‘người thi hành công vụ’. Tuy nhiên,
theo Nghị quyết số 04/HĐTP ngày 29.11.1986 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án
Nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự
1985: "Người thi hành công vụ
là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước hoặc tổ chức xã
hội thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình và cũng có thể là những công
dân được huy động làm nhiệm vụ (như tuần tra, canh gác...) theo kế hoạch
của cơ quan có thẩm quyền, phục vụ lợi ích chung của Nhà nước, của xã
hội". [2]
Qua định nghĩa trên, có thể xác định ‘người thi
hành công vụ’, tức lực lượng cưỡng chế trong vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng,
chủ yếu là ‘những công dân được huy động làm nhiệm vụ theo kế hoạch của
cơ quan có thẩm quyền’, bên cạnh một số ít ‘người có chức vụ, quyền hạn
trong cơ quan nhà nước’.
Khi vụ cưỡng chế xảy ra vào ngày 5/1/2012, trong
lực lượng cưỡng chế hơn 100 người có cả bộ đội. Điều này làm dấy lên
một băn khoăn là liệu sự tham gia của bộ đội có phù hợp với tính chất vụ
việc, vốn là một vụ cưỡng chế hành chính thông thường?
Về nguyên tắc, bộ đội không được phép trực tiếp
tham gia các vụ việc không thuộc chức năng và nhiệm vụ của mình. Sự tham
gia của bộ đội trong những trường hợp như vậy chỉ được phép khi diễn
biến của vụ việc nằm ngoài khả năng kiểm soát của công an và các lực
lượng vũ trang khác. Trong vụ án Đoàn Văn Vươn, bộ đội xuất hiện trong
lực lượng cưỡng chế ngay từ đầu, tức là khi chưa có gì xảy ra để cho
thấy diễn biến của vụ việc nằm ngoài khả năng kiểm soát của công an và
các lực lượng vũ trang khác cả.
Nói về sự xuất hiện của bộ đội trong lực lượng
cưỡng chế, Đại tướng Lê Đức Anh – Nguyên Chủ tịch nước, Nguyên Bộ trưởng
Bộ Quốc phòng khẳng định “sử dụng bộ đội để cưỡng chế với dân là tuyệt đối sai” [3].
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu IV, Phó Chủ tịch
kiêm Tổng thư ký Hội Cựu chiến binh VN, cũng có khẳng định tương đồng,
rằng"người đưa bộ đội ra trong trường hợp này để gây hậu quả cho dân là phi pháp". [4]
Bất ổn thứ hai: Không đúng 'công vụ'
Các văn bản quy phạm pháp luật về hành chính
không đưa ra khái niệm thế nào là công vụ. Dựa vào khái niệm ‘người thi
hành công vụ’ đã nói đến ở trên và các tài liệu về chế độ công vụ, có
thể định nghĩa công vụ là “hoạt
động mang tính quyền lực nhà nước do cán bộ, công chức, hoặc các công
dân được huy động bởi người có thẩm quyền, tiến hành theo quy định của
pháp luật nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước, phục vụ
lợi ích nhà nước, nhân dân và xã hội.” [5] Từ định nghĩa này, có thể
thấy hai đặc điểm của công vụ là ‘theo quy định của pháp luật’ và ‘phục
vụ lợi ích nhà nước, nhân dân và xã hội’. Hai đặc điểm này cũng phù hợp
với hai trong số các nguyên tắc của công vụ mà bài viết này sẽ nói đến.
Trong vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng, đất bị cưỡng chế
được xác định là loại đất nuôi trồng thủy sản, thuộc nhóm đất nông
nghiệp. Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ đã nêu
rõ điều này khi trả lời báo chí. [6] Ông cũng chỉ ra rằng không có
trường hợp thu hồi đất nông nghiệp khi hết thời hạn, vì theo quy định
tại Nghị định 181 năm 2004 của Chính phủ về thi hành luật đất đai, việc
thu hồi đất nông nghiệp chỉ được thực hiện trong 5 trường hợp:“(1)
Nhà nước thu hồi để thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch (thực
hiện theo quy định tại Nghị định 69/2009/NĐ-CP); (2) Thu hồi khi không
có người thừa kế; (3) Thu hồi khi người sử dụng đất tự nguyện trả lại;
(4) Người sử dụng đất có hành vi hủy hoại đất; (5) Người sử dụng đất
không đưa đất vào sử dụng ngay sau từ 12 cho tới 24 tháng tùy theo từng
loại đất." Từ đó ông khẳng định: "Việc thu hồi đất ở Tiên Lãng chắc chắn là sai pháp luật”. [7]
Điều này đã được khẳng định hơn nữa bởi thủ
tướng chính phủ qua kết luận trong cuộc họp với nhiều cơ quan vào ngày
10/2/2012 về vụ cưỡng chế, rằng quyết định thu hồi đất không đúng với
pháp luật. [8]
Như vậy có thể thấy rằng, ‘công vụ’ ở đây là
‘công vụ’ sai pháp luật, mà đã sai pháp luật thì việc truy tố một người
chống hay giết người thi hành ‘công vụ’ là bất ổn, bởi ‘công vụ’ sai
pháp luật là một phần nguyên nhân dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật của
người này, và khiến cho hành vi vi phạm pháp luật của người này trở nên
có lý. Trong vụ án Đoàn Văn Vươn, mặc dù không thể biện minh cho hành vi
vi phạm pháp luật mà ông Vươn đã thực hiện, nhưng cũng không thể truy
cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm pháp luật của ông mà
không xét đến mối quan hệ nhân quả giữa ‘công vụ’ sai pháp luật và hành
vi vi phạm pháp luật. Bởi ‘công vụ’ sai pháp luật đã khiến ông trở thành
nạn nhân, và từ chỗ là nạn nhân, khi bị dồn đến đường cùng, ông trở
thành người phạm tội.
Pháp luật Việt Nam không quy định liệu có thể
truy tố một người chống hoặc giết người thi hành công vụ khi ‘công vụ‘
sai pháp luật hay không, nên về mặt hình thức, căn cứ truy tố một người
theo các tội danh này không phụ thuộc vào tính hợp pháp của công vụ. Tuy
nhiên, về mặt bản chất, ‘công vụ’ sai pháp luật khó có thể được xem là
công vụ theo định nghĩa đã nêu. Hơn nữa, xét từ căn cứ pháp lý, công vụ
phải đảm bảo các nguyên tắc của nó được quy định tại các khoản 1 và 2,
Điều 3 của Luật Cán bộ Công chức 2008, mà hai trong số các nguyên tắc đó
là “tuân thủ Hiến pháp và pháp luật” và “bảo vệ lợi ích của nhà nước,
quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. [9] Ở đây, trong vụ án
Đoàn Văn Vươn, ‘công vụ’ đã vi phạm cả hai nguyên tắc này, vì sai pháp
luật, và do đó, làm tổn hại tới lợi ích của nhà nước (chưa kể đồng thời
làm tổn hại tới quyền, lợi ích hợp pháp của công dân). [10]
Bất ổn hệ thống: Bất chấp lý luận
Như trên đã phân tích, căn cứ truy tố ông Đoàn
Văn Vươn về tội giết người theo điểm d, khoản 1, Điều 93 BLHS là bất ổn
ngay trong tiền đề của nó, ở ‘người’ lẫn ở ‘công vụ’. Nếu bất ổn thứ
nhất có thể bỏ qua (trong chừng mực nào đó), thì bất ổn thứ hai nhất
thiết là không thể chấp nhận. Một khi ‘công vụ’ là sai pháp luật thì
việc truy tố một người chống hay giết ‘người thi hành công vụ’ là hết
sức bất hợp lý. Dùng căn cứ truy tố như vậy là áp dụng pháp luật một
cách hời hợt, nông cạn, thô thiển, và bất chấp lý luận về các nguyên tắc
của công vụ, trong đó có nguyên tắc về tính hợp pháp – một nguyên tắc
cần được xem như một đòi hỏi đương nhiên khi truy tố các tội danh liên
quan đến ‘người thi hành công vụ’.
Cũng bởi bất chấp lý luận như vậy nên chính quyền rất dễ có xu hướng sử dụng ‘người’ tùy tiện vào các ‘công vụ’ tùy tiện.
Cũng bởi bất chấp lý luận như vậy nên khó tránh
khỏi làm nảy sinh những mầm mống chống hoặc giết ‘người thi hành công
vụ’ như trong vụ án Đoàn Văn Vươn.
Cũng bởi bất chấp lý luận như vậy nên cả hệ
thống pháp luật trở nên bất ổn, vì chính quyền tùy nghi trong việc diễn
giải pháp luật và áp dụng pháp luật để lấn áp kẻ yếu thế.
Nếu chính quyền huyện Tiên Lãng còn biết xấu hổ
thì cần thành thật nhận lỗi về các sai phạm trong vụ cưỡng chế, về
‘người’ lẫn về ‘công vụ’!
Nếu cơ quan truy tố còn biết lẽ phải thì cần
thay ngay lập tức căn cứ truy tố này bằng một căn cứ truy tố khác chí ít
là dễ chấp nhận hơn (chứ chưa nói đến công bằng)!
Nếu cơ quan xét xử vụ án (tòa án nhân dân TP.
Hải Phòng), còn biết công lý thì cần xét xử vụ án một cách công tâm nhất
có thể, thay vì chịu sự chi phối của cá nhân hay cơ quan nào!
Vụ án Đoàn Văn Vươn cho thấy rõ một số lỗ hổng
của pháp luật, mà ở đây là các quy định liên quan đến công vụ, làm cơ sở
cho sự lạm dụng của các cơ quan nhà nước, dẫn đến những thực trạng bất
cập trong việc thực hiện pháp luật tại Việt Nam. Thực trạng này đặt cơ
quan lập pháp trước đòi hỏi phải xem xét và sửa chữa những lỗ hổng của
pháp luật, sao cho cải thiện được tính công bằng, tính khách quan và
hướng đến công lý.
27/03/2013
Nguyễn Trang Nhung
Sinh viên Luật, ĐH Luật TP. HCM
*
[1] Xem Điều 93 về tội giết người
[2] Tìm Nghị quyết trên website của tòa án nhân dân tối cao, với số hiệu văn bản là 04/HĐTP:
[3] Đại tướng Lê Đức Anh: "Sử dụng bộ đội để cưỡng chế là tuyệt đối sai"
[4] Vụ cưỡng chế: Đã sai luật còn bao biện
[5] Tham khảo khái niệm công vụ từ tài liệu bồi dưỡng thi nâng ngạch chuyên viên cao cấp khối đảng, đoàn thể năm 2011:
[6][7] như [4]
[8] Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng kết luận về vụ việc cưỡng chế thu hồi đất tại Tiên Lãng
Trích: “Do quyết định thu hồi đất không đúng với
quy định của pháp luật đất đai nên Quyết định cưỡng chế thu hồi đất
cũng không đúng pháp luật. Mặt khác, việc tổ chức cưỡng chế thu hồi đất
của UBND huyện Tiên Lãng cũng có nhiều thiếu sót, sai phạm.”
[9] Luật Cán bộ Công chức 2008:
[10] Cần đặt vấn đề thêm rằng, một khi ‘công vụ’ là sai pháp luật thì liệu nó còn có thể được gọi là công vụ nữa hay không?
0 comments:
Post a Comment