Wednesday, March 27, 2013

Đăklăk: công an vi phạm Luật Cư trú đối với một Linh mục

VRNs (27.03.2013) – Sài Gòn – Vừa mới ra mắt, tuy chưa đến ngày chính thức hoạt động (8/4/2013), Văn phòng Công lý và Hòa bình của DCCT Sài Gòn đã tiếp nhận trường hợp đầu tiên là vụ việc một linh mục Công giáo đang làm việc tại tỉnh Đăklăk, giáo phận Ban Mê Thuột bị công an lạm dụng quyền để xâm phạm quyền tự do cư trú của công dân.

Điều 8 Luật Cư trú 2006 quy định 9 nhóm hành vi bị nghiêm cấm, trong đó 6 nhóm đầu liên quan đến những cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi lạm dụng quy định về hộ khẩu làm hạn chế quyền lợi ích hợp pháp của công dân, gồm:
1. Cản trở công dân thực hiện quyền tự do cư trú.
2. Lạm dụng quy định về hộ khẩu để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
 
Các hành vi lạm dụng quy định về hộ khẩu để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân bị nghiêm cấm được quy định tại Khoản 2, Điều 3, Nghị định số 107/2007/NĐ-CP ngày 25/06/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Cư trú, cụ thể như sau:
a) Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản khác liên quan đến quy định về hộ khẩu mà làm hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân;
b) Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản khác liên quan đến quy định về hộ khẩu trái với quy định của Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn Luật Cư trú;
c) Ban hành quy định hạn chế quyền tự do c­ư trú của công dân trái thẩm quyền, trình tự, thủ tục do pháp luật quy định;
d) Đư­a ra các quy định về hộ khẩu làm điều kiện để hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trái với quy định của pháp luật;
đ) Cố ý giải quyết hoặc từ chối giải quyết các yêu cầu về hộ khẩu của công dân trái quy định của pháp luật cư trú, làm hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
 
3. Nhận hối lộ, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây phiền hà trong việc đăng ký, quản lý cư trú.
 
4. Thu, sử dụng lệ phí đăng ký cư trú trái với quy định của pháp luật.
5. Tự đặt ra thời gian, thủ tục, giấy tờ, biểu mẫu trái với quy định của pháp luật hoặc làm sai lệch sổ sách, hồ sơ về cư trú.
 
6. Cố ý cấp hoặc từ chối cấp giấy tờ về cư trú trái với quy định của pháp luật.

Linh mục A (xin không nêu tên) có hộ khẩu thường trú tại xã Hoà Hiệp, huyện Cư Kuin, tỉnh Đăklăk từ năm 2003. Ngày 24/03/2010, cha A đề nghị chuyển hộ khẩu thường trú từ xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin về hộ ông B ở thôn 4, thị trấn Liên Sơn, huyện Lăk. Ông B là người đã sang nhượng đất và nhà cửa cho cha A. Công an Xã Hòa Hiệp đã làm thủ tục chuyển đi gửi Công An thị trấn Liên Sơn. Thế mà hơn hai năm nay chính quyền vẫn chưa giải quyết hộ khẩu thường trú cho Cha. Trái lại, còn cố tình làm sai luật, xóa thường trú của ngài, sau đó hô hoán lên là ngài không có hộ khẩu.

Ngày 02/04/2010, Công An thị trấn Liên Sơn từ chối cho Cha A nhập hộ khẩu với lý do chủ yếu là liên quan đến tôn giáo vì ngài là chức sắc tôn giáo và công an thị trấn Liên Sơn cho rằng ông B không đủ tư cách bảo lãnh Cha A (!), mà đất đai và nhà cửa của Cha A thì chính quyền không giải quyết việc chuyển nhượng.

Việc làm này của Công An thị trấn Liên Sơn là vi phạm pháp luật. Bởi lẽ, Cha A là công dân Việt Nam, căn cứ quy định tại Điều 9 Luật Cư Trú, ngài được tự do lựa chọn, quyết định nơi thường trú. Điều 19 Luật cư trú cũng qui định “Điều kiện đăng ký thường trú tại tỉnh: Công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh đó. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.”. Trong khi ở đây, Cha A đã được ông B bảo lãnh và ông B có đầy đủ tư cách và Giấy tờ chứng minh “có chỗ ở hợp pháp” theo qui định tại Luật Cư trú; Điều 5 Nghị định số 107/2007 (đã được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 56/2010); và Thông tư số 52/2010 của Bộ Công an.

Việc cản trở Linh mục A thực hiện quyền tự do cư trú là hành vi bị nghiêm cấm, quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Cư Trú. Đồng thời, cũng vi phạm các qui định tại điểm a, b, c, d, đ khoản 2, Điều 3 Nghị định số 107/2007 (đã được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 56/2010) mà ở trên đã nêu. 

Cũng cần lưu ý, Luật Cư Trú không hề có quy định nào hạn chế quyền tự do chọn lựa nơi thường trú của chức sắc tôn giáo, cũng không thấy có chỗ nào cấm công dân là chức sắc tôn giáo nhận quyền sử dụng đất để lao động sản xuất.

Khi cha A đăng ký chuyển đi, Công an xã Hòa Hiệp (tên Tuấn) đã ghi: thay đổi nơi cư trú, ngày 24/03/2010Ngày 02/04/2010, Công An thị trấn Liên Sơn từ chối cho cha A đăng ký thường trú, nhưng trên thực tế, sổ hộ khẩu thường trú (cũ) ở Hòa Hiệp vẫn có tên ngài. Bằng chứng là ngày 21/12/2011 cha A vẫn sử dụng hộ khẩu này để đăng ký và được cấp hộ chiếu.

Điều quan trọng là, sau đó, Công An xã Hòa Hiệp đã cắt hộ khẩu của cha A, chắc chắn là sau ngày 21/12/2011 – nhưng lại vẫn đề ngày 24/03/2010 là ngày anh Công An Tuấn xã Hòa Hiệp ghi nhận cha A: thay đổi nơi cư trú. Đồng thời cái sai của Công An xã Hòa Hiệp là cha A chưa được Công An Liên Sơn cho đăng ký thường trú tại thị trấn Liên Sơn, nhưng Công An xã Hòa Hiệp đã xóa tên thường trú của ngài.

Đây là việc làm sai quy định của Luật Cư trú. Cụ thể, theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 22 Luật Cư trú: chỉ khi công an thị trấn Liên Sơn (nơi cư trú mới của cha A) hoàn tất thủ tục đăng ký thường trú mới cho cha A, công an TT Liên Sơn mới gửi thông báo cho công an xã Hòa Hiệp (nơi đã cấp Giấy chuyển hộ khẩu), lúc đó Công an xã Hòa Hiệp mới được xóa đăng ký thường trú của cha A. Sai quy trình xóa đăng ký thường trú quy định tại khoản 3 Điều 11 Thông tư số 52/2010 của Bộ Công An. Theo đó như trường hợp của cha A, nếu được đăng ký thường trú tại Liên Sơn, Công an Liên Sơn phải thông báo cho ngài, và trong vòng 5 ngày làm việc, đích thân cha A hoặc đại diện trong hộ (cũ) của ngài mang sổ hộ khẩu đến Công an xã Hòa Hiệp, lúc này Công an xã Hòa Hiệp mới được xóa hộ khẩu thường trú của cha A. Và cũng trong vòng 5 ngày làm việc, sau khi nhận Thông báo của Công an TT Liên Sơn về việc đã đăng ký thường trú cho cha A, Công an xã Hòa Hiệp mới chuyển hồ sơ hộ khẩu của tôi cho công an TT Liên Sơn và thông báo cho tàng thư căn cước.

Chính vì những việc làm sai pháp luật một cách khó hiểu của các cơ quan như trình bày trên mà gây thiệt hại bao công sức, thời gian cho công dân kéo dài gần ba năm nay, gây bức xúc cho linh mục A, gây ra sự nghi ngờ về chính sách phân biệt và kỳ thị đối với tôn giáo. 

Được biết, ngày 20/03/2013 cha A đã viết đơn khiếu nại gửi đến Ủy ban Nhân dân và công an tỉnh Đăklăk yêu cầu xử lý hành vi vi phạm luật cư trú do công an xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin) và công an Thị trấn Liên Sơn (huyện Lăk) gây ra cho ngài.

Theo chúng tôi, cha A còn có quyền khởi kiện vụ án hành chính để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời với yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại do các cơ quan nhà nước đã thực hiện hành vi trái pháp luật cản trở quyền tự do cư trú của công dân, song song với hành vi không thực hiện quy định pháp luật tiến hành thủ tục đăng ký thường trú, gây thiệt hại cho công dân.

Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc để hướng dẫn cha A và thông tin kết quả giải quyết (nếu có).

VP. Công lý – Hòa bình DCCT Sài Gòn
http://www.chuacuuthe.com/2013/03/27/daklak-cong-an-vi-pham-luat-cu-tru-doi-voi-mot-linh-muc/

0 comments:

Powered By Blogger