Các Anh là Người Lính Quân Đội Nhân Dân Việt Nam. Xin gọi Người Lính Quân Đội Nhân Dân, ngắn gọn là “Các Anh” để tiện trình bày. Chữ “Các Anh” viết hoa mà tôi sử dụng ở đây, bao gồm từ người lính đến các cấp chỉ huy, ngoại trừ lãnh đạo cấp Sư Đoàn, Quân Đoàn, Binh Chủng, Quân Chủng, Bộ Tổng Tham Mưu, và Bộ Quốc Phòng. Là Người Lính trong quân đội “Nhân Dân”, Các Anh phải có trách nhiệm bảo vệ Tổ Quốc Nhân Dân, vì Tổ Quốc Nhân Dân là trường tồn, trong khi đảng cộng sản hay bất cứ đảng nào cầm quyền, cũng chỉ trong một giai đoạn của lịch sử, và nội dung tôi gởi đến Các Anh được đặt trên căn bản đó.
Nội dung thư này, tôi mời Các Anh theo dõi vấn đề sửa đổi Hiến Pháp mà nhiều giới trong xã hội tham gia, tiêu biểu là giới nhân sĩ và trí thức dưới hình thức “kiến nghị”. Nhưng Các Anh có đoán được kết quả sẽ ra sao không? Tôi thì không cần đoán, vì ít nhất cũng là 60 năm qua, tất cả những lần đảng CSVN kêu gọi người dân góp ý văn kiện đại hội đảng, góp ý sửa đổi Hiến Pháp, ..v..v.. cuối cùng tất cả “vẫn như cũ”, nói cho đúng là chỉ sửa đổi những điều khoản lặt vặt mà thôi. Hãy nhớ, dối trá là bản chất của cộng sản mà. Nhưng lần này, nhóm lãnh đạo không dốt gạt được đồng bào, mà bị đồng bào “nắm lấy cơ hội”.
Thứ nhất. Chuẩn bị sửa đổi Hiến Pháp.
Ngày 5/9/2012, các học giả pháp lý tham dự hội thảo tại Hà Nội, do Phó Chủ Tịch Quốc Hội Uông Chu Lưu chủ tọa. Đây là bước chuẩn bị cho việc góp ý sửa đổi Hiến Pháp năm 1992. Tóm tắt như sau:
(1) Tiến Sĩ Dương Thị Thanh Mai, Viện Trưởng Viện Khoa Học Pháp Lý, khi trả lời phóng viên đài BBC, cho biết: “Các học giả tham dự, đã thảo luận vấn đề phải có sự kiểm soát các cơ quan quyền lực của Nhà nước, và đây là một nét mới so với bản Hiến Pháp hiện hành”. Bà nói tiếp: …..“Việc kiểm soát phải được hiến định như một nguyên tắc, mà một trong các nguyên tắc chính của sửa đổi Hiến Pháp lần này, là phải làm sao để Hiến Pháp trở thành công cụ cho người dân thực hiện quyền làm chủ của mình…. Các học giả đã nghiên cứu bổ sung các quyền của người dân, trong đó có các quyền dân chủ trực tiếp, như quyền phát biểu, quyền biểu quyết, và nhất là quyền phúc quyết các vấn đề trọng đại của đất nước”. (2) Luật sư Triển nhấn mạnh: “Quyền của người dân được phúc quyết các vấn đề căn bản của đất nước mà Hiến Pháp 1992 không nói đến”….. (3)Tiến sĩ Trần Ngọc Đường, Viện Nghiên Cứu Lập Pháp: “ Nhu cầu phải có một Hiến Pháp dân chủ, để nhân dân được hưởng các quyền tự do dân chủ… Sức mạnh của Hiến Pháp là thực hiện chính quyền của nhân dân”. (4) Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng,Phó Chủ Nhiệm Văn Phòng Quốc Hội cho rằng: “Chúng ta không thể vượt lên phía trước với chiếc vòng kim cô trên đầu và tấm mai rùa trên lưng, vì vậy mà năm 2013 là cơ hội bằng vàng trong việc góp ý sửa đổi Hiến Pháp”.
Trong khi đó, báo VnEconomy được ông Nguyễn Bắc Son, Bộ Trưởng Bộ Thông Tin và Truyền Thông, cho biết: “… Năm 2013 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XI. Ngành thông tin và truyền thông, sẽ chủ động trong việc cung cấp thông tin chính thống kịp thời và đầy đủ, tích cực phát triển nội dung lành mạnh trên mọi phương tiện truyền thông theo phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”… Ông nói tiếp: “Báo chí là công cụ, là phương tiện của nhà nước, trí thức nghề báo không có quyền suy nghĩ độc lập hay phản biện, mà phải biết vâng lời”.
Trời đất! Cái ông Bộ Trưởng của Các Anh lại nói đến “năm bản lề”. Nhóm chữ này cứ sau mỗi đại hội đảng cộng sản độc tài là cả hệ thống truyền thông rầm rộ “ca tụng Nghị Quyết đúng đắn”, rồi sau đó 2 năm lại nói đến “năm bản lề” (tức là năm thứ 3 của nghị quyết 5 năm) thực hiện nghị quyết thành công. Để rồi, “đúng đắn hay thành công”, tất cả đều thất bại. Vậy mà ông Son tự ca tụng cái ngành “truyền thông một chiều” của ông đã cung cấp tin tức chính thống kịp thời và đầy đủ, được hiểu là tuyên truyền và dối trá.Cuối cùng ông ta tự nhận cái bản chất độc tài của chế độ, qua câu: “…Trí thức nghề báo không có quyền suy nghĩ độc lập mà phải biết vâng lời”. Vậy là Các Anh hiểu thêm chính sách truyền thông của đảng với nhà nước rồi chớ? Với 812 tờ báo gìấy, 70 báo điện tử, và 1.084 ấn phẩm các loại, nhưng tất cả chỉ một tiếng nói của chính sách bịt mắt bịt tai bịt miệng 90 triệu người Việt Nam. Thực tế thì mọi người trong xã hội mà điển hình là quan điểm của những nhà trí thức tham dự hội thảo, đều xoay quanh mục tiêu một Hiến Pháp tự do và nhân quyền để xây dựng một xã hội dân chủ tự do, từ đó dẫn đến sự phát triển toàn diện đúng nghĩa.
Thứ hai. Kêu gọi góp ý sửa đổi Hiến Pháp.
Ngày 29/12/2012, ông Phan Trung Lý, Trưởng Ban Biên Tập Dự thảo Sửa Đổi Hiến Pháp tuyên bố: “Nhân dân có thể cho ý kiến đối với mọi nội dung trong bản dự thảo Hiến Pháp, kể cả điều 4”. Cùng lúc, ông Lý lại tuyên bố: “Mỗi lần trình và thảo luận đều có những vấn đề cụ thể được sửa đổi, nhưng những định hướng lớn, nguyên tắc căn (cơ) bản vẫn giữ nguyên”.
Các Anh hãy đọc lại câu: “….. nhưng những định hướng lớn, nguyên tắc căn (cơ) bản vẫn giữ nguyên”, hóa ra đảng chỉ sửa đổi những điều khoản lặt vặt thôi, còn những điều khoản căn bản giành cho đảng độc tài cái quyền lãnh đạo, quyền sở hữu đất đai, quyền “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, quyền nắm giữ hệ thống ngân hàng của nhóm lợi ích, quyền quyết định toàn bộ sinh hoạt xã hội,…và hơn hết là cái “quyền xét và cho”, còn người dân chỉ có mỗi cái “quyền xin” mà thôi.
Sau đó, ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng ban hành “chỉ thị 22”, nói lên sự kiện lấy ý kiến nhân dân cho bản dự thảo Hiến pháp là “một đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn trong toàn đảng, toàn dân, và cả hệ thống chính trị”. Nhưng ngay sau đó,ông Trọng lại ra lệnh Công An và Quân Đội phải “ngăn chặn những hành vi lợi dụng dân chủ trong việc lấy ý kiến nhân dân để tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá đảng và nhà nước”.
Lời tuyên bố có phần sợ hãi của ông Trọng, làm tôi nhớ lại sự sợ hãi của ông Nguyễn Minh Triết, lúc ấy là Chủ Tịch nước, đã tuyên bố: “… Tôi khằng định trước sau như một, là chúng ta vẫn tiến lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta phải xây dựng đảng của chúng ta. Dù ai nói ngả nói nghiêng, dù ai có muốn bỏ Điều 4 Hiến Pháp thì không có chuyện đó. Bỏ cái đó đồng nghĩa với chúng ta tuyên bố tự sát, cho nên phải củng cố công tác tư tưởng, củng cố vai trò của đảng”
Các Anh thấy không, bởi cộng sản là độc tài, mà độc tài thì lúc nào cũng sợ người dân lật đổ vì thế giới ngày nay trên đà phát triển dân chủ, và lịch sử đã chứng minh “độc tài thì sụp đổ”. Vì vậy mà nhóm lãnh đạo CSVN thường xuyên bị ám ảnh, những nhà lãnh đạo độc tài miền Đông Âu Châu bị người dân phẫn uất đã giết chết như thế nào khi chế độ cộng sản sụp đổ, đến những nhà độc tài vùng Trung Đông và Bắc Phi cũng tương tự như vậy. Các Anh hãy nhớ, trong đời sống của mỗi con người, “làm điều tốt sẽ nhận lại điều tốt, làm điều xấu sẽ nhận lại điều xấu”. Thực tế từ ngàn xưa đến nay, đã chứng minh quy luật này và tuyệt nhiên không ngoại lệ.
Thứ ba. Nhân sĩ và trí thức góp ý.
Tóm lược nội dung Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang trả lời phỏng vấn đài Á Châu Tự Do về sửa đổi Hiến Pháp. (chữ nghiêng là nội dung của ông Giang, chữ đứng là của tôi)
Kể từ ngày 02/01/2013 đến ngày 30/03/2013, người dân Việt Nam được mời tham gia đóng góp ý kiến cho bản dự thảo sửa đổi Hiến Pháp. Theo dự thảo sửa đổi Hiến Pháp, có 8 nội dung sửa đổi được lấy ý kiến nhân dân, trong đó có: (1) Lời nói đầu. (2) Chế độ chính trị. (3) Quyền con người. (4) Quyền và nghĩa vụ công dân. (5) Bộ máy Nhà nước. (6) Hiệu lực của Hiến Pháp. Và .. v..v…
Trong bản Hiến Pháp 1992, điều 4 quy định: “Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”….“Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật…..”. Trong bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp, điều 4 vẫn quy định Đảng lãnh đạo nhà nước, nhưng có thêm một câu: “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”….“Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình” mà sao không tự xử thích đáng, không tự bãi nhiệm, từ chức trước những sai lầm tệ hại như chủ trương công nghiệp nặng làm then chốt đã từng tàn phá nền kinh tế, đẩy đất nước vào kiệt quệ, nhân dân chịu đói nghèo, như chủ trương khu lọc dầu Dung Quất đã gây lãng phí hằng trăm hằng nghìn tỷ đồng …”
Tôi giúp Các Anh nhận ra câu mà nhóm lãnh đạo cộng sản đưa thêm vào Điều 4 Hiến Pháp, bằng cách tách riêng từng ý ngắn, và chẻ nhỏ những ý đó ra để Các Anh nhìn rõ sự thật nhé:
(1) Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân…, mà thẳng tay đàn áp nhân dân chỉ vì bày tỏ lòng yêu nước trong hòa, để phản đối Trung Cộng lấn đất chiếm biển, ủi chìm tàu cá và bắt ngư dân nộp tiền chuộc. (2) …Phục vụ nhân dân…, vậy mà mỗi khi người dân có việc phải đến bất cứ cơ quan nào của nhà nước, thậm chí đến người gác cửa nhà xác của bệnh viện, cũng phải nạp tiền mới mong được “nhà nước đầy tớ” giải quyết công việc, dù công việc đó là nhiệm vụ của nhà nước phải làm cho dân. Tham nhũng trong xã hội chủ nghĩa ngày nay nó len vào tận cùng ngóc ngách sinh hoạt xã hội, đến mức người dân không còn chỗ nào để tránh được nữa. (3) …Chịu sự giám sát của nhân dân…, nhưng tất cả những tổ chức có kèm theo hai chữ nhân dân, đều do nhà nước tổ chức và có đảng “kềm kẹp”, thì làm sao nhân dân giám sát đảng với nhà nước, vì đảng đứng trên đầu nhân dân mà! Hơn thế nữa, khi người dân bất mãn vì đảng với nhà nước đã vô cảm trước sự lấn áp khống chế của Trung Cộng trên Biển Đông, tuổi trẻ Việt Nam chỉ dám nói một lời, chỉ dám viết câu thơ, chỉ dám hát bài nhạc, chỉ dám cất cao lời than cho số phận người dân Việt Nam bị tước mất cái quyền yêu quê hương đất nước của mình, đã quá đủ để Công An bắt rồi, vì nhóm lãnh cho rằng bất cứ ai biểu lộ chống Trung Cộng thì điều đó cũng là chống Việt Cộng”, mà Việt Cộng chính là họ. (4) Chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”, vậy mà bản tin ngày 14/11/2012 của AFP, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, lần đầu tiên bị một trong số 500 đại biểu Quốc Hội kêu gọi ông từ chức, vì những kém cõi trong lãnh đạo đã đẩy nền kinh tế đất nước vào tình trạng nguy ngập hiện nay. Đại Biểu Dương Trung Quốc nói: “Đã đến lúc phải đề cao trách nhiệm pháp luật chứ không phải chỉ là lời xin lỗi”. Rồi ông đặt câu hỏi:“Thứ nhất. Thủ Tướng nghĩ gì về ý kiến cho rằng, mình đã nặng trách nhiệm với đảng, mà nhẹ trách nhiệm với dân? Và thứ hai.Thủ Tướng có tán thành là sẽ khởi đầu cho một sự tiến bộ của chính phủ, hướng tới một văn hóa từ chức để từng bước đoạn tuyệt với lời xin lỗi suônghay không?”
Ðáp lại những chỉ trích công khai của ông Quốc, Thủ Tướng Dũng nói: “Đối với tôi, còn 3 ngày nữa tròn 51 năm tôi theo Đảng, hoạt động cách mạng, chịu sự quản lý trực tiếp của Đảng. Trong 51 năm qua, tôi không xin với Đảng cho tôi đảm nhiệm chức vụ này hay chức vụ khác. Mặt khác, tôi cũng không thoái thác hay từ chối bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng và Nhà nước giao phó cho tôi. Là cán bộ, đảng viên, tôi đã nghiêm túc báo cáo với Bộ Chính Trị, Ban Chấp Hành Trung Ương về bản thân mình. Đảng, Ban Chấp Hành Trung ương đã hiểu rõ về tôi, cả về sức khỏe, thương tật, cả về năng lực, phẩm chất, đạo đức cả về tâm tư, nguyện vọng của tôi. … Đảng ta là đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội. Đảng đã phân công tôi tiếp tục làm nhiệm vụ Thủ Tướng. Quốc hội bỏ phiếu bầu tôi làm Thủ Tướng thì tôi sẵn sàng chấp nhận và hoàn thành nghiêm túc mọi quyết định của Đảng, của Quốc Hội”.
Các Anh thấy chưa? Mới gợi ý Thủ Tướng Dũng khởi động cho tập quán “văn hóa từ chức”, thì ông Thủ Tướng Các Anh vội vàng “kê ra cái toa như toa thuốc thần”, nào là sức khỏe, thương tật, nào là phẩm chất đạo đức, nào là đảng hiểu rõ ông ta, ông ta với đảng hiểu rõ nhau (vì cùng tham nhũng và cùng bao che mà). Nhưng từ đầu đến cuối lời phát biểu, cái ông Thủ Tướng Các Anh chỉ nói đến đảng, chỉ tuân phục đảng, mà không một lời nào nói đến trách nhiệm đối với dân, với nước. Bản chất của cộng sản là dối trá, và dối trá ngay trong Hiến Pháp của đảng mới là khủng khiếp, vì Hiến Pháp là văn kiện qui định thể chế cho lãnh đạo và quản trị quốc gia. Họ viết lời lẽ tốt đẹp vào đó để dối trá với dân, dối trá với quốc tế, vì họ chỉ áp dụng những gì có lợi cho họ. Thậm chí, những văn kiện nhà nước ban hành để áp dụng Hiến Pháp lại trái ngược với Hiến Pháp nữa. Tôi nói“bản Hiến Pháp của đảng”, vì lãnh đạo đảng viết ra rồi đưa Quốc Hội -mà Quốc Hội thì hầu hết đại biểu là đảng viên- theo lệnh Bộ Chình Trị mà thông qua, còn nhân dân có được đọc chữ nào đâu mà nói Hiến Pháp của dân.
Các Anh hãy đọc bài viết trên báo Saigon Online ngày 13/02/2013, tường thuật Chủ Tịch Trương Tấn Sang đến thăm gia đình một đảng viên tại Phường Thảo Điền, Quận 2. Chủ nhà là Giáo sư tiến sĩ Phan Thị Tươi, giới thiệu chồng bà là ông Hoàng Thái Lai, đã nghỉ hưu. Chủ Tịch Sang hỏi: “Đồng chí có gửi gắm gì không?”. Ông Lai trả lời: “Tôi mong mỗi cán bộ lãnh đạo hãy làm đúng những gì đã nói”. Ông Sang nói ngay: “Đúng. Làm đúng những gì đã nói đang là thách thức rất lớn đối với chúng ta hiện nay” …. .“Từ trước đến nay, chúng ta có “cái bệnh” rất lớn là không dám nói lên sự thật. Nhiều cán bộ không muốn nghe sự thật, và không dũng cảm nói lên sự thật, chỉ vì lợi ích…”
Phái đoàn trao kiến nghị góp ý. Ngày 4/2/2013, phái đoàn 16 nhân sĩ và trí thức, đến văn phòng tiếp nhận ý kiến của nhân dân, số 37 Hùng Vương, Hà Nội, và trao bản kiến nghị góp ý cho Ủy ban.
Phái đoàn gồm các vị: Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện IDS, Hà Nội. Phan Hồng Giang, TSKH ngành nghiên cứu văn học, Hà Nội. Lê Công Giàu, nguyên Phó Bí thư thường trực Đoàn TNCS/TPHCM. Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ KH & CN, Hà Nội. Phạm Duy Hiển, nguyên Phó Viện trưởng Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam, Hà Nội. Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Hà Nội (vắng mặt đột xuất). Tương Lai, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội. Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội. Hồ Uy Liêm, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH & KTVN, Hà Nội. Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Hà Nội, Trưởng đoàn. Huỳnh Tấn Mẫm, nguyên Chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn, TPHCM. Nguyên Ngọc, Nhà văn, Hội An. Hoàng Xuân Phú, GS, Viện Toán học, Hà Nội. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ Nhiệm Ủy Ban Văn Hóa Giáo Dục & Thanh Thiếu Niên Nhi Đồng Quốc Hội, Hà Nội. Nguyễn Trung, nguyên thành viên Ban Nghiên Cứu của Thủ Tướng chính phủ, Hà Nội. Tô Nhuận Vỹ, Nhà văn, Huế.
Tóm tắt nội dung: Ông Lê Minh Thông, Phó Chủ Nhiệm Ủy Ban Pháp Luật của Quốc hội, Phó Ban Biên Tập Sửa Đổi Hiến Pháp 1992, và một số cán bộ trong văn phòng Ủy Ban, tiếp phái đoàn: “Thay mặt Ban Biên Tập (BBT), Chúng tôi xin được lắng nghe ý kiến các bác. Ông Nguyễn Đình Lộc, trưởng đoàn: “Chúng tôi, có tên trong danh sách 16 người, đại diện cho 72 người đã trực tiếp ký tên vào “Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992” (gọi tắt là Kiến Nghị 72). Hôm nay, chúng tôi trao Bản Kiến Nghị và dự thảo Hiến Pháp gồm 79 Điều trong 7 Chương cho quý Ủy Ban. Hai văn bản này, chúng tôi đã đưa lên trang boxit, và đã có hơn 2000 chữ ký đồng ý với nội dung (đến cuối tháng 2/2013 lên đến 5.000 người).Ông Lê Minh Thông: “Tôi xin nhận Bản Kiến Nghị của các bác. Trách nhiệm của Ban Biên Tập là chuyển tận tay Ủy Ban Sửa Đổi Hiến Pháp, còn việc lắng nghe ý kiến như thế nào thì thuộc thẩm quyền của Ủy Ban”. Các bác còn có ý kiến gì nữa không? Ông Nguyễn Đình Lộc: “Những buổi như thế này, cũng nên ngồi lâu lâu tí chăng? … Chúng tôi với tất cả thành tâm mà đến đây, chắc các anh tiếp chúng tôi cũng vì … thành tâm”. Ông Nguyễn Trung: “… Hiến pháp là một văn bản cao nhất, quyết định vận mệnh của quốc gia… Tôi thẳng thắn mà nói rằng, dư luận trong nước rất sôi nổi về vấn đề này… Tôi đề nghị, nên có một diễn đàn thực sự của nhân dân bàn về vận mệnh của đất nước, từ đó có thể dẫn đến một sức mạnh chung”. Ông Phạm Duy Hiển: “Tôi rất mong là những ý kiến này được phản hồi trong buổi họp giữa những người trách nhiệm sửa đổi Hiến Pháp và lãnh đạo Quốc Hội, cùng đối thoại với chúng tôi, để tìm ra điểm đúng sai”. Ông Nguyễn Đình Lộc: “…Trước kia, Hiến Pháp nói đến chuyên chính, còn bây giờ thì Hiến Pháp không thể nói đến chuyên chính nữa. Vậy, chúng ta cần tạo cho sự góp ý sửa đổi Hiến Pháp lan rộng trong nhân dân như làn sóng, để thay đổi và phát triển xã hội”. Ông Tương Lai: “Hiến Pháp phải do dân kiểm soát quyền lực nhà nước, và với tinh thần ấy, chính là nội dung trong Kiến Nghị sửa đổi Hiến Pháp sắp tới của nước Việt Nam dân chủ. Vì cho đến nay, chúng ta đã đổ bao nhiêu xương máu để giành được độc lập, nhưng khi độc lập thì không có tự do, không có dân chủ, không có hạnh phúc thì độc lập không có ý nghĩa gì”.
Các Anh có thấy là tất cả ý kiến đều tập trung vào xây dựng dân chủ trong nội dung Hiến Pháp rồi chớ? Điều này thể hiện quan điểm chính trị của nhiều giới trong xã hội. Nếu nhóm lãnh đạo CSVN có vứt những ý kiến đó vào sọt rác như bao nhiêu lần trước đây đi nữa, sự kiện này vẫn chứng tỏ người dân càng ngày càng mạnh mẽ hơn lên, cùng lúc với sự giảm dần nỗi sợ hãi, chứng tỏ người dân không còn tin vào chế độ độc tài tàn bạo với dân, nhưng vô cùng hèn hạ với Trung Cộng đến độ mất dần đất đai biển đảo do tổ tiên gầy dựng, mở mang, và gìn giữ.
Thứ tư. Quốc Hội trả lời nhân sĩ và trí thức.
Ngày 7/2/2013, ông Phan Trung Lý, Chủ Nhiệm Ủy Ban Pháp Luật Quốc Hội, Trưởng Ban Biên Tập Dự Thảo Sửa Đổi Hiến Pháp, đã phúc đáp bản kiến nghị của phái đoàn nhân sĩ trí thức. Nội dung: “Bác bỏ bản dự thảo của phái đoàn vì không đúng quy định trong Nghị quyết số 38 của Quốc Hội”.
Vậy là, chỉ mới bước đầu, đồng bào mà tiêu biểu là nhóm nhân sĩ trí thức đông đảo, với hy vọng góp ỳ xây dựng bản Hiến Pháp dân chủ cho tương lai Việt Nam phát triền lành mạnh, như vừa bị “cái tát” từ Ban Biên Tập Sửa Đổi Hiến Pháp. Nhưng “cái tát” đó lại giúp cho mọi người nhận ra điều đạt được rất quan trọng, vì một lần nữa, nhóm lãnh đạo cho thấy chính sách “tay này mở cửa, tay kia lập tức đóng lại”, tương tự như từ đầu những năm 1990 khi tuyên bố “mở cửa kinh tế xã hội, cùng lúc đóng chặt thêm nữa cánh cửa chính trị và nhân quyền”. Đó là hành động của nhóm lãnh đạo độc tài luôn luôn sợ hãi bị lật đổ.
Ngày 25/2/2013, tại Vĩnh Phúc, ông Tổng Bí Thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng phát biểu: “Vừa rồi đã có các luồng ý kiến cũng có thể quy vào được là suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức … Xem ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Có tam quyền phân lập không? Có phi chính trị hóa quân đội không? Người ta đang có những quan điểm như thế, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa!”
Ngày 26/2/2013, nhà báo Nguyễn Đức Kiên 29 tuổi(báo Gia Đình & Xã Hội) có bài viết trên nhiều Diễn Đàn ở hải ngoại. Bài viết như tiếng thét, như nòng súng đại bác, nhắm thẳng vào ông Nguyễn Phú Trọng, người đang đứng đầu một đảng chính trị Việt Nam. “Ông nói điều đó với ai? Tôi nói ông không có tư cách để nói với nhân dân, mà ông chỉ có thể nói với đảng viên của ông thôi. Ông nói suy thoái về đạo đức. Đạo đức nào? ….Tôi tạm đoán là ông muốn nói đến đạo đức người cộng sản của các ông. Vậy, các ông cho rằng chỉ có đạo đức cộng sản của các ông là đạo đức đích thực? Thế ra, cha ông tổ tiên chúng ta, khi chưa có chủ nghĩa cộng sản là vô đạo đức hết à? Và những người không theo cộng sản trên thế giới là vô đạo đức hết à? Ông nói suy thoái chính trị, tư tưởng, ông hãy đọc lại Cương Lĩnh Chính Trị và Điều Lệ đảng của các ông, trong đó không có điều nào nói xóa bỏ Điều 4 là suy thoái cả. Và Bây giờ, tôi trân trọng tuyên bố những điều tôi muốn:
(1) Tôi không chỉ muốn bỏ Điều 4 trong Hiến Pháp hiện hành, mà tôi muốn tổ chức một Hội Nghị Lập Hiến, lập một Hiến Pháp mới để Hiến Pháp đó thực sự thể hiện ý chí của toàn dân Việt Nam, không phải là ý chí của đảng cộng sản như Hiến Pháp hiện hành. (2) Tôi ủng hộ đa nguyên, đa đảng, ủng hộ các đảng cạnh tranh lành mạnh vì tự do, dân chủ, vì hòa bình tiến bộ của dân tộc Việt Nam, không một đảng nào, lấy bất cứ tư cách gì để thao túng, toàn trị đất nước. (3) Tôi không chỉ ủng hộ xây dựng một chính thể tam quyền phân lập, mà còn muốn một chính thể phân quyền theo chiều dọc, tức là tăng tính tự trị cho các địa phương, xây dựng chính quyền địa phương mạnh, xóa bỏ các tập đoàn quốc gia, các đoàn thể quốc gia tiêu tốn ngân sách, tham nhũng của cải của nhân dân, phá hoại niềm tin, ý chí và tinh thần đoàn kết dân tộc. (4) Tôi ủng hộ phi chính trị hóa quân đội. Quân đội là để bảo vệ nhân dân, bảo vệ tổ quốc, bảo vệ cương vực, lãnh thổ không phải bảo vệ bất cứ một đảng phái nào. (5) Tôi khẳng định mình có quyền tuyên bố như trên, và tất cả những người Việt Nam khác đều có quyền tuyên bố như thế. Tôi khẳng định, mình đang thực hiện quyền cơ bản của con người là tự do ngôn luận, tự do tư tưởng; quyền này mỗi người sinh ra đã tự nhiên có, nó được nhân dân Việt Nam thừa nhận và tôn trọng; quyền này không phải do đảng cộng sản của các ông ban cho, nên các ông cũng không có quyền tước đoạt hay phán xét nó. Vì thế, tôi có thể xem những lời phán xét trên của ông, nếu có hướng đến tôi là một sự phỉ báng cá nhân. Và tôi cho rằng, những người nào chống lại các quyền trên là phản động, là đi ngược lại với lợi ích của nhân dân, dân tộc, đi ngược lại xu hướng tiến bộ của nhân loại.
Các Anh có công nhận anh nhà báo Nguyễn Đắc Kiên là một công dân đúng nghĩa không? Với tư cách một công dân, anh Kiên đã dũng cảm nói lên tiếng nói của mình thật rõ ràng về một chế độ chính trị thật sự của dân, do dân, vì dân, để phục vụ dân. Về phần tôi, “Người Lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa” từ 38 năm về trước, tôi hoàn toàn ủng hộ những điều mà nhà báo Nguyễn Đắc Kiên muốn.
Cũng trong ngày 26/02/2013, báo Gia Đình & Xã Hội thông báo rằng: “Phóng viên Nguyễn Đắc Kiên, vi phạm Quy Chế hoạt động của báo và hợp đồng lao động, nên hội đồng kỷ luật của báo Gia Đình & Xã Hội đã họp, và ra quyết định kỷ luật, buộc anh Nguyễn Đắc Kiên thôi việc”. Trả lời AFP hôm nay qua điện thoại, nhà báo Nguyễn Đắc Kiên tuyên bố: “Tôi không ngạc nhiên. Sau các bài viết của tôi, việc tôi bị sa thải là chuyện dễ dự báo”. Anh nói tiếp: “ Điều thôi thúc tôi viết, chính là bài phát biểu của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Không thể chấp nhận được phát biểu đó“. Và anh tuyên bố: “Tôi sẽ tiếp tục đấu tranh cho dân chủ ở đất nước tôi”.
“Những điều tôi muốn” của anh Kiên, chỉ sau 24 tiếng đồng hồ đã có 33 người lên tiếng ủng hộ, gồm: Chủ một số trang Blog, những vị nhân sĩ, trí thức, sinh viên, thi sĩ, nhạc sĩ, doanh nhân, và người lính Các Anh.
Ngày 27/2/2013, trong khi chỉ thị cho cấp lãnh đạo Hà Nội, Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Tuyên truyền vận động nhân dân chống lại đảng, phải kiên quyết đấu tranh và ngăn chặn”. Chưa hết. Cũng ngày 27/2/2013, bản tin tối trên đài VTV Hà Nội nói về “không thể phi chính trị hóa quân đội”. Tướng Phùng Khắc Đăng, nói: “Quân đội do đảng sinh ra để bảo đảm thực hiện đường lối, chủ trương của đảng với nhà nước”. Tiến sĩ (giả hay thiệt đây) Hồ Trọng Ngũ, Phó Chủ Nhiệm Ủy ban Quốc Phòng An Ninh của Quốc Hội, cảnh báo: “Các nước xã hội chủ nghĩa trước đây sụp đổ khi phi chính trị hóa quân đội, công an”.
Các Anh thấy nhiều cấp lãnh đạo của Các Anh sợ hãi quá phải không? Đúng vậy. Vì họ độc tài, nên lúc nào cũng bị ám ảnh cái cảnh “sẽ phải trốn chui trốn nhũi trong ống cống” như nhà độc tài Gadhafi của Lybia, cuối cùng bị giết chết như con chó chết bên đường. Các Anh hãy đọc lại Thư số 4, với bài viết “Ngày Phán Xét Sẽ Đến” của tác giả Tuổi 20 ở Hà Nội, có đoạn: “…. Bây giờ là lúc đảng CSVN sợ hãi, chính vì sợ hãi nên chúng ra tay bắt bớ giam cầm bất cứ ai, như con chó điên cắn càn trước khi nhận viên đạn thi ân và bị vất xuống cống.… Việt Nam hôm nay có hằng triệu triệu người trẻ không buồn đọc báo, không thèm nghe đài, và đang âm thầm cùng nhau xây thêm ống cống đủ cỡ cho các vị và các quan tham …”
Kết luận.
Các Anh là Người Lính trong quân đội nhân dân Việt Nam, tôi nghĩ, có Anh 5 năm, 10 năm, thậm chí 20 hay 25 năm cầm súng. Có bao giờ Các Anh suy ngẫm về quảng đời quân ngũ với súng đạn và bạn bè, hằng triệu người đã gục ngã trên chiến trường, hằng triệu người thương tật tàn phế sống vất vưỡng đó đây, lớp lớp người về hưu, và Các Anh đang còn súng đạn trong tay, để nhận ra những khác biệt giữa lời nói với hành động của lãnh đạo Các Anh từ khi nhuộm đỏ một nửa nước vào năm 1954, đến nhuộm đỏ toàn cõi Việt Nam năm 1975, và đến nay không? “Nói giải phóng, nhưng thật sự là xâm lăng. Nói thống nhất, nhưng là nhuộm đỏ toàn cõi Việt Nam theo lệnh của cộng sản quốc tế. Nói nhân dân làm chủ, nhưng thật ra nhân dân chỉ là một phương tiện lót đường cho họ nắm quyền lực mà thâu tóm tài sản. Nói độc lập, nhưng họ nhận lệnh từ Trung Cộng. Nói tự do, nhưng họ là độc tài. Nói hạnh phúc, nhưng toàn dân như bị họ nhốt trong cái lồng chim. Nói tự do ngôn luận, nhưng mọi người bị họ bịt mắt bịt tai bịt miệng. Nói giáo dục tân tiến, nhưng chỉ đào tạo những thế hệ thần dân để tuân phục họ. Mở miệng ra là khoa học kỹ thuật, nhưng sử dụng côn đồ của luật pháp rừng rú đàn áp người dân yêu nước chống Tàu xâm lấn. Nói đến quê hương dân tộc, họ lại nhân danh lãnh đạo đảng cộng sản để đứng trên đầu Tổ Quốc với Nhân Dân”.
Tôi mong Các Anh hãy suy nghĩ từ chiều sâu tâm hồn của chính mình, rồi quyết định…. Và quyết định đó giúp Các Anh quyết tâm bước vào hàng ngũ tuổi trẻ, trí thức, đồng bào, bằng bất cứ hình thức nào và thời gian nào mà Các Anh cho là thích hợp nhất, để cùng nhau xây dựng một xã hội dân chủ tự do, để hãnh diện trước những người ngoại quốc đến Việt Nam du lịch, tìm hiểu nếp sống văn hóa dân tộc với chiều dài lịch sử ngàn năm trước đã lừng danh thế giới, và mỗi khi cầm sổ “Thông Hành” (hộ chiếu) trong tay mà ngẫng cao đầu giữa thế giới văn minh, lịch sự,
Tôi vững tin rằng, bà con trong Cộng Đồng Việt Nam tị nạn cộng sản tại hải ngoại -đặc biệt là Những Người Cựu Lính Chúng Tôi- vẫn hết lòng hỗ trợ Các Anh và quí vị đồng bào, những thế hệ làm nên lịch sử.
Hãy nhớ: “Tự Do, phải chính chúng ta tranh đấu, vì Tự Do không phải là quà tặng, và Tự do, không phải là điều đáng sợ, mà là nền tảng cho sự thịnh vượng của đất nước” (trích trên internet).
Texas, tháng 03 năm 2013.
Phạm Bá Hoa
0 comments:
Post a Comment