Nhã Nam “...Hôm
nay, đối diện với một phong trào đang lớn dần, đối diện với một thế hệ
hiểu biết, họ lo sợ cho địa vị, cho quyền lực đang bị thách thức, họ gia
tăng phương cách duy nhất: bạo lực...”
Bầu trời u ám và những cơn mưa mùa hạ tại Việt
Nam vẫn không làm nguội đi những trái tim nóng bỏng của người yêu nước.
Chỉ vài ngày trước đó, khi Quốc hội Việt Nam thông qua "Luật Biển Đảo
Việt Nam" đã làm nức lòng đại đa số người dân biết quan tâm đến vận mệnh
đất nước. Điều này đã khiến nhà cầm quyền Trung Quốc nổi giận, họ triệu
tập đại sứ Việt Nam đến để "la rầy", họ nâng cấp các quần đảo Hoàng Sa,
Trường Sa của Việt Nam thành "Tam Sa Thị" và ngang ngược mời thầu khai
thác 9 lô dầu khí nằm hoàn toàn trong đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Ngay lập tức, các cư dân mạng cùng nhiều tờ báo
Việt Nam lên tiếng phản đối. Mạnh mẽ nhất vẫn là các blogger tại Sài Gòn
và Hà Nội, các trí thức, nhà văn, nhà thơ, đồng loạt tố cáo nhà cầm
quyền Trung Quốc. Một nhóm các blogger đã lên tiếng kêu gọi biểu tình,
nhiều người ủng hộ sáng kiến kịp thời đó. Ngay cả Đức Tăng thống Thích
Quảng Độ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cũng hưởng ứng và
góp tiếng vận động biểu tình.
Không khí tại Sài Gòn và Hà Nội chợt nóng rực.
Lực lượng công an, an ninh tung hết nhân sự để đối phó với các lời kêu
gọi trên Internet, những người đã từng đi biểu tình chống Trung Quốc năm
2007 và 2011 đều bị canh chừng gay gắt, nhiều giấy mời lên đồn công an
phát ra vô tội vạ. Từng nhóm an ninh chìm lảng vảng và bám sát mọi bước
đi của những người yêu nước. Cuộc bố ráp bắt đầu, nhưng không thể ngăn
cản được xu thế của một xã hội dân sự đang dần lớn mạnh.
Mờ sáng 01/7/2012 đã có những người bị ngăn cản,
bị sách nhiễu, bị bắt bớ công khai giữa đường phố Sài Gòn. Cuộc biểu
tình vẫn nổ ra như một hệ quả tất yếu, đã có khoảng 500 người cùng tuần
hành về phía lãnh sự quán Trung Quốc, những tiếng hô vang đòi chủ quyền,
chống Trung Quốc xâm lược. Tại Hà Nội, dù trời đổ mưa lớn, nhưng những
bước chân vẫn rộn ràng về điểm hẹn. Dẫn đầu cuộc biểu tình Sài Gòn, là
những gương mặt của các trí thức như GS Tương Lai, Lê Công Giàu, Cao
Lập, Hạ Đình Nguyên, Nguyễn Phú Yên, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Thị Từ Huy,
Lê Hiếu Đằng, Andre Mendras Hồ Cương Quyết, Nguyễn Hòa, Nguyễn Quốc
Thái...
Ở Hà Nội là khuôn mặt quen thuộc của Ts Nguyễn
Quang A, cụ bà Lê Hiền Đức, Bác sĩ Phạm Hồng Sơn, ông Tạ Trí Hải, Phương
Bích, Người Buôn Gió, JB Vinh... Nếu ở Hà Nội cuộc biểu tình diễn ra
suông sẻ thì tại Sài Gòn là những cuộc bố ráp, bắt nguội với hàng trăm
an ninh thường phục, công an sắc phục và hàng hàng lớp lớp thanh tra đô
thị, thanh niên xung phong, cảnh sát du lịch. Hầu hết những người bị bắt
là những gương mặt biểu tình nổi bật tại Sài Gòn mùa hè cách nay một
năm 2011 thứ đến là những người cầm máy camera quay phim, chụp ảnh. Đã
có những đòn đánh nguội vào thân thể những người bị bắt được đương sự kể
lại, có những người bị giam giữ đến sáng hôm sau... Đoàn biểu tình ở cả
hai nơi đều không đến được cơ quan thuộc sứ quán Trung Quốc vì bị công
an Việt Nam ngăn chận quyết liệt. Dù phải giải tán sớm nhưng dù sao hai
cuộc biểu tình cũng đã bày tỏ một cách mạnh mẽ tiếng nói của công dân
Việt yêu nước.
Nhớ cuộc biểu tình 09/12/2007, lần đầu tiên sau
32 năm giới trẻ Sài Gòn đã làm nhà cầm quyền bất ngờ, chắc chắn họ không
thể ngờ sức mạnh của thông tin qua internet. Những người trẻ với danh
xưng mới mẻ là Blogger đã liên kết lại một cách đáng ngạc nhiên. Blogger
Điếu Cày là một điển hình của giới blogger Sài Gòn, tuy ông không còn
trẻ. Qua những trang blog, ông kêu gọi hình thành một xã hội dân sự, ông
đòi bằng được các quyền lợi căn bản của một công dân. Tác động của
trang blog Điếu Cày và nhóm Câu lạc bộ Nhà Báo Tự Do hiển nhiên đã khiến
nhà cầm quyền lo ngại. Hình ảnh Điếu Cày bị bắt giữa trung tâm thành
phố không làm giới blogger trẻ sợ hãi, họ chỉ học thêm được kinh nghiệm
đối phó
Ngày 19/01/2008, lại là blogger Điếu Cày, CLB
Nhà báo Tự do cùng vài thân hữu đã hiên ngang cầm băng rôn chống Trung
Quốc xâm lược, chống rước đuốc Olympic Bắc Kinh qua Sài Gòn... Đứng ngay
trước nhà hát thành phố, họ biểu tình và công khai vinh danh những
chiến sĩ quân đội VNCH đã hy sinh bảo vệ Hoàng Sa năm 1974, họ đã bước
qua lằn ranh của cấm kỵ và sợ hãi. Dù bị bắt bớ, bị đe dọa và sách
nhiễu, nhưng thái độ đó đã tác động mạnh vào suy nghĩ của giới blogger
trẻ.
Mùa hè năm 2011, mặc dù Điếu Cày và CLB Nhà báo
Tự do đã bị cầm tù hoặc quản thúc chặt chẽ. Các công dân mạng ở đủ độ
tuổi, xuất phát từ mọi thành phần xã hội cũng đã liên kết lại và làm
thành nhiều cuộc biểu tình vang dội, ở Sài Gòn có cuộc biểu tình lên đến
hàng ngàn người. Lại là những cuộc bắt bớ, dã man hơn, thô bạo hơn, như
cảnh viên an ninh quắp một sinh viên như diều hâu bắt gà ngay sau nhà
thờ Đức Bà, cảnh Nguyễn Chí Đức bị khiêng, bị đạp vào mặt như bọn đồ tể
giết thú vật, là những hình ảnh tiêu biểu. Danh sách những người bị công
an đàn áp và theo dõi tăng thêm nhiều lần. Vẫn không e ngại, những biểu
tình viên ở khắp nơi đã kết hợp chặt chẽ hơn, đa dạng hơn và tất nhiên,
họ thành thạo kỹ thuật thông tin hơn nên hình ảnh, video, bài viết bùng
nổ trên mạng internet, phanh phui mọi ngõ ngách mờ khuất. Một thế hệ
mới, năng động, mạnh mẽ đang dần hình thành... và tiếp tục đòi hỏi quyền
lợi chính đáng của mình. Không chỉ cùng nhau biểu tình, họ đã cùng nhau
ca hát, cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau đá bóng, cùng nhau làm từ
thiện, cùng nhau lên tiếng bảo vệ dân oan... Họ cũng công khai cầu siêu
cho các chiến sĩ đã ngã xuống vì tổ quốc, bất kể phe phái.
Trở lại cuộc biểu tình 01/7/2012, nếu như công
an Hà Nội không ra tay đàn áp, họ chỉ ngăn đoàn người đến ĐSQ Trung Quốc
thì tại Sài Gòn, công an đã tung hết lực lượng để bao vây, trấn áp
những người trẻ "biểu tình viên" năm 2011, từ vài ngày trước ngày 01/7.
Thế nhưng, cuộc biểu tình mới nhất lại xuất hiện thêm nhiều nhân tố
mới. Quan sát kỹ, có thể thấy tại Hà Nội cuộc biểu tình thường đỏ rực
màu cờ trong khi tại Sài Gòn màu cờ đỏ chỉ lác đác. Nếu Sài Gòn thường
đông đảo những gương mặt mới mẻ thì ở Hà Nội người mới tham gia lại hiếm
hơn. Có lẽ chính vì thế, nhà cầm quyền Sài Gòn lo sợ hơn và có thêm cái
cớ để đàn áp. Những kẻ nắm quyền ở Việt Nam và Sài Gòn hôm nay chính là
những kẻ đã núp bóng thanh niên, sinh viên năm xưa để kích động, dẫn
dắt các cuộc lãn công, biểu tình chống chế độ VNCH, họ thừa kinh nghiệm
và mánh lới từ năm xưa trong các cuộc biểu tình. Hôm nay, đối diện với
một phong trào đang lớn dần, đối diện với một thế hệ hiểu biết, họ lo sợ
cho địa vị, cho quyền lực đang bị thách thức, họ gia tăng phương cách
duy nhất: bạo lực.
Công an Sài Gòn dù đã mạnh tay, lại khó có thể
kiểm soát hoặc theo dõi một lực lượng đông đảo những người lần đầu biểu
tình nhưng khí thế hừng hực. Những gương mặt mới của biểu tình như mang
lại luồng sinh khí. Hình ảnh cô gái trẻ Huỳnh Thục Vy cùng chồng và các
em bị bắt, bị trấn áp thô bạo ngay đường phố cũng làm liên tưởng đến
cảnh blogger Điếu Cày bị bắt giữa phố vài năm trước. Nhưng Sài Gòn của
năm 2012 đã khác, giữa Điếu Cày và các em bị bắt hôm nay là cách biệt
tuổi tác hơn một thế hệ và sẽ càng ngày càng trẻ. Nếu như Điếu Cày và
CLB Nhà báo Tự do đứng khá cô đơn trên bậc thềm Nhà hát Thành phố thì
hôm nay, các em đã sát cánh bên nhau để đến tận đồn công an đòi người.
Một thế hệ trưởng thành qua đàn áp sẽ tiếp nối cho một xã hội dân sự
lành mạnh hình thành ■
Nhã Nam
0 comments:
Post a Comment