Trung Quốc liên tục có các động thái
chính thức hóa ‘thành phố Tam Sa’
Bắc Kinh đã long trọng tổ chức buổi lễ thành lập ‘thành phố Tam Sa’ trên hòn đảo hiện đang có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam trên Biển Đông.
Hãng tin Tân Hoa Xã cho biết một buổi lễ khai sinh cho ‘Tam Sa’ đã diễn ra trên đảo Vĩnh Hưng mà Việt Nam gọi là Phú Lâm, đảo lớn nhất và là thủ phủ thuộc quần đảo Hoàng Sa, vào sáng thứ Ba ngày 24/7.
Bắc Kinh đã dùng sức mạnh cưỡng chiếm quần đảo này từ tay quân đội Việt Nam Cộng hòa vào năm 1974.
Trước đó, Việt Nam đã lên tiếng mạnh mẽ phản đối ‘thành phố Tam Sa’ vi phạm chủ quyền của nước này.
Với sự thành lập này, ‘Tam Sa’ đã thay thế Tam Á trên đảo Hải Nam trở thành thành phố cực nam của Trung Quốc.
Truyền hình trực tiếp
Buổi lễ tại đảo Phú Lâm được truyền hình trực tiếp trên kênh CCTV của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc.
Hình ảnh truyền hình cho thấy binh sỹ Trung Quốc thượng quốc kỳ nước này và các quan chức kéo tấm vải phủ tấm bảng có đề dòng chữ ‘Thành ủy Tam Sa’ ở cổng của trụ sở chính quyền ‘Tam Sa’.
Các quan chức cũng kéo tấm vải đỏ phủ lên tấm bảng đá có khắc dòng chữ: ‘Thành phố Tam Sa, tỉnh Hải Nam, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa’.
Nhân vật vừa được bầu làm chủ tịch thành phố và một số quan chức khác đã đọc diễn văn tại buổi lễ này.
“Việc thành lập thành phố Tam Sa là một quyết định sáng suốt của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc vụ viện để bảo vệ chủ quyền quốc gia cũng như để tăng cường bảo vệ tài nguyên và sự phát triển chung của Nam Hải (Biển Đông),” ông Tiêu Kiệt, thị trưởng vừa được bầu của Tam Sa, phát biểu.
“Việc thành lập thành phố Tam Sa là một quyết định sáng suốt của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc vụ viện để bảo vệ chủ quyền quốc gia cũng như để tăng cường bảo vệ tài nguyên và sự phát triển chung của Nam Hải (Biển Đông).”Tiêu Kiệt, thị trưởng ‘thành phố Tam Sa’
Các quan chức Trung Quốc cũng ca ngợi ‘vai trò quan trọng’ của Tam Sa trong việc bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc.
‘Thành phố Tam Sa’ cách đại lục Trung Quốc 13 giờ di chuyển trên biển. Hiện tại trên đảo Phú Lâm có một bưu điện, một ngân hàng, một siêu thị và một bệnh viện. Ngoài ra không có gì khác.
Động thái này chắc chắn sẽ làm Việt Nam, quốc gia có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa mà phía Trung Quốc gọi là Tây Sa, tức giận.
Trước đó hai ngày, Quân ủy trung ương Trung Quốc cũng ra lệnh thành lập lực lượng đồn trú của ‘Tam Sa’ đóng trên đảo Phú Lâm và đặt dưới sự điều động của quân khu Quảng Châu.
Đồng thời, Trung Quốc cũng bầu 45 đại biểu lập pháp của hội đồng ‘thành phố Tam Sa’ và bầu ban lãnh đạo thành phố này. Trong đó, ông Phù Tráng, một nhân vật từng nằm trong Giải phóng quân Trung Quốc, được bầu làm chủ tịch Hội đồng nhân dân.
Kể từ khi loan báo quyết định thành lập ‘thành phố Tam Sa’ hồi tháng trước, chỉ trong thời gian ngắn Trung Quốc đã có một loạt các động thái liên tiếp để khẳng định tính chính danh của thành phố này.
0 comments:
Post a Comment