Tuesday, February 14, 2012

Cơ hội của quan tham là địa ngục của người nghèo

Hiện nay người xác nhận hiệu quả sử dụng đất để người có đất được tiếp tục sử dụng hay không chính là chính quyền địa phương. Cơ chế này tiềm ẩn nguy cơ xung đột lợi ích. Trong nhiều trường hợp, người dân buộc phải cầu cạnh chính quyền để giữ đất, cơ hội cho nguy cơ tham nhũng rất cao.

>> Kỳ 1: "Người dân thực sự làm chủ ruộng đất được bao lâu?"

Hạn chế quyền thu hồi đất của Nhà nước để chặn tham nhũng

Nhà báo Thu Hà: Có một vấn đề đã được đặt ra trên nhiều diễn đàn công khai rằng "chính địa ngục của người nghèo đã làm nên thiên đàng cho người giàu"? để ám chỉ những quan chức tham lam, nhân danh tập thể chiếm dụng ruộng đất của dân. Theo các ông, những quan chức tham lam đã lách qua những kẻ hở luật pháp nào để tư lợi?

GS. Đặng Hùng Võ: Thời hạn sử dụng đất nông nghiệp là vấn đề lớn trong chính sách đất đai nông nghiệp, đang tạo nên nhiều bức xúc trên thực tế. Thời hạn được quy định từ Luật Đất đai 1993 với tinh thần hết thời hạn vẫn được tiếp tục sử dụng nếu việc sử dụng đất có hiệu quả.

Vấn đề đặt ra ở chỗ, người xác nhận hiệu quả sử dụng đất để người có đất được tiếp tục sử dụng hay không lại chính là chính quyền địa phương. Như vậy, cơ chế này tiềm ẩn nguy cơ xung đột lợi ích. Trong nhiều trường hợp, người dân buộc phải cầu cạnh chính quyền để giữ đất, cơ hội cho nguy cơ tham nhũng rất cao.

Ông Nguyễn Đình Lộc: Khi chúng ta nói đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhà nước đại diện quản lí tạo ra một cái hấp dẫn cho bộ máy. Sau này vi phạm đất đai thì chính cán bộ ta, nhà nước ta. Vi phạm luật đất đai chính là những người trong bộ máy nhà nước. Nhà nước quản lý thì cụ thể là ai?

Nhà báo Thu Hà: Như vậy người ta có thể hiểu là, do chúng ta định nghĩa "sở hữu toàn dân" là quá chung chung, mập mờ khiến cho một số quan chức tham lam nhân danh tập thể làm giàu bất chính?

Ông Nguyễn Đình Lộc: Tôi còn nhớ sau này mỗi lần xử lí vấn đề gì về đất đai ai cũng nói đất đai thuộc về toàn dân, bây giờ chúng ta có vũ khí rất chắc trong tay là sở hữu toàn dân nhưng thực chất là sở hữu nhà nước, nói toàn dân cho đẹp vậy thôi. Nói đất đai sở hữu toàn dân gây cảm nhận không đúng.

Bà luật sư nổi tiếng Ngô Bá Thành từng bảo, không biết nói đùa hay nói thật: "sở hữu toàn dân là mỗi người có một đám đất".

GS. Đặng Hùng Võ: Sở hữu toàn dân là khẩu hiệu. Nó có nội hàm, nội dung cụ thể tùy từng quốc gia. Sở hữu đối với đất đai là một loại hình sở hữu đặc biệt. Nó đặc biệt ở chỗ, có một phần quyền sở hữu do nhà nước định đoạt, và một phần của người giữ đất thực hiện, dù anh có chấp nhận nó là sở hữu tư nhân, sở hữu toàn dân thì về bản chất vẫn vậy.

Hiến pháp năm 1959 có định danh quyền sở hữu trong đó chấp nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai. Đến Hiến pháp năm 1980, chúng ta định nghĩa đất đai, tài nguyên thiên nhiên thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện quản lý. Hiến pháp năm 1992 cũng vậy. Vì thế Luật Đất đai năm 2003 ra đời trong điều kiện phải quy định sở hữu toàn dân và không thảo luận thêm về vấn đề này.

0 comments:

Powered By Blogger