Xưa có ông thầy Phù Thủy chuyên bịa đặt chuyện ma quỷ, lừa bịp người để hành nghề kiếm sống. Ông ta còn thu nạp thêm một đồ đệ để phụ giúp mình. Vì tính tình bủn xỉn nên ông ta đối xử với anh đồ đệ kia cũng không được tử tế gì. Tuy vậy hai thầy trò cũng như hình với bóng, đi đâu cũng có nhau.
Một lần hai thầy trò được mời đến để cúng đuổi tà ma cho một gia đình nọ. Gia đình này vốn là một phú hộ, tiền bạc đầy nhà, ruộng đồng thẳng cánh cò bay. Vì vậy mà hai thầy trò được gia chủ tiếp đón long trọng và đầy đủ. Khi công việc cúng tế hoàn thành là buổi tiệc mừng linh đình với đủ thức ngon vật lạ. Ông thầy phù thủy phởn phơ đắc ý cùng gia chủ và quan khách đánh chén say sưa, người hầu thì chỉ được ăn cơm nguội với đám gia nhân đầy tớ. Ăn cỗ xong, thầy Phù Thủy cùng Phú Hộ ngồi uống nước, anh đồ đệ thì chắp tay đứng hầu bên cạnh. Sau lời cảm tạ thầy phù thủy đã đánh đuổi ma quỷ ra khỏi nhà, Phú Hộ bảo người nhà mang ra mấy cái bánh và nói:
- Đây là bánh ngon do nhà làm, kính biếu hai thầy trò để làm đồ ăn lúc đi đường.
Rồi ông đưa cho anh đồ đệ. Vốn lễ phép và biết giữ lễ, anh nhìn thầy chờ đợi. Đang phởn phơ sau buổi tiệc ngon, lại muốn tỏ ra là người rộng rãi trước mặt mọi người nên ông ta nói:
- Ông đã cho thì cầm lấy mà ăn đi con!
Tuy có ngạc nhiên về thái độ hào phóng đột xuất của thầy, nhưng vì đang đói và được thầy cho phép nên anh ăn hết chỗ bánh đó.
Rồi hai thầy trò phù thủy từ biệt gia đình Phú Hộ để lên đường trở về nhà. Trên đường đi, học trò khiêm tốn đi sau thầy như mọi khi cho phải phép. Ông thầy với dáng điệu giận dữ, quay lại gắt:
- Tao có phải là tù binh đâu mà mày đi sau áp tải?!
Vừa sợ vừa lúng túng, anh học trò sánh vai đi ngang với thầy. Ông phù thủy lại quát:
- Tao có phải là bạn của mày đâu mà lại đi ngang hàng?!
Nghe thầy nói vậy anh lại đi vượt lên phía trước, hy vọng là thầy hài lòng mà không quát mắng nữa. Nào ngờ ông thầy lại quát:
- Mày là thầy hay sao mà lại đi trước mặt tao?!
Lần này thì bí quá, anh đành khẩn khoản hỏi thầy:
- Thưa thầy, con đi sau cũng không được, đi ngang hàng với thầy không được, đi trước thầy cũng không cho. Vậy thầy dạy con phải đi như thế nào mới phải ạ!
Nét mặt hằm hằm, ông thầy quát lớn:
- Thế bánh của tao đâu?
o0o
Nông dân Nguyễn Dân Đen tuy ít học những cũng có biết đôi chút lễ nghĩa, đặc biệt là đối với truyền thống cha ông. Vì thế mà anh cũng biết câu chuyện trên, tuy nhiên không thể hình dung được là dù hai thời điểm cách nhau đến hàng trăm năm mà chuyện lại giống nhau đến vậy. Vốn là công dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nên anh cũng thuộc giai cấp tiên phong lãnh đạo cách mạng như Hiến Pháp quy định. Ruộng thì chỉ được chia cho vài sào, không đủ để nuôi mấy miệng ăn trong gia đình, lại còn đủ thứ thuế má và phân bón nữa. Tuy không thấy vai trò giai cấp tiên phong lãnh đạo cách mạng của mình đâu, nhưng anh cũng không oán hận nhà nước, mà chỉ lo chăm chỉ làm ăn để nuôi vợ con.
Vào một sáng đẹp trời mùa xuân năm 2010, người vợ kêu anh vào và nói:
- Hôm nay rảnh rỗi, ông đi lên huyện để làm thủ tục xin cấp sổ đỏ cho miếng đất mà vợ chồng mình đang ở. Chứ bây giờ tôi thấy cứ quy hoạch này nọ suốt, có sổ đỏ rồi cùng mất như chơi chứ đừng nói là không ông ạ. Tốt nhất là cứ làm sổ đỏ để rủi có bị quy hoạch thì họ còn đền bù cho giá cao hơn tí tẹo.
Ngẫm nghĩ, thấy vợ nói cũng đúng, vả lại đây là công việc mà gia đình nào cũng phải làm, nên anh vui vẻ nghe theo lời vợ. Vừa huýt sáo vang lừng anh vừa dắt chiếc xe máy cà tàng để lên huyện làm thủ tục đăng ký đất đai. Đi qua cánh đồng làng, anh cho xe chạy lên con đường huyện lộ trải nhựa. Vì đường có ít ổ gà hơn đường làng nênDân Đen cho xe chạy bon bon, miệng thì huýt một điệu sáo hành quân rộn ràng. Vừa chạy xe anh vừa nghĩ tới nét mặt tươi cười của người vợ khi anh thấy anh hoàn thành nhiệm vụ trở về. Mãi suy nghĩ mà Dân Đen không nghe rõ tiếng còi của cảnh sát giao thông, anh hốt hoảng trở về với thực tại và vội vàng thắng gấp chiếc xe máy của mình lại. Trước mặt anh là 3 – 4 chiến sĩ cảnh sát giao thông, người nào cũng mặc sắc phục màu vàng thật đẹp mắt và trang nghiêm. Một chiến sĩ giơ tay chào anh kiểu quân ngũ rồi nói:
- Đề nghị anh cho kiểm tra giấy tờ xe!
Dân đen hốt hoảng nhìn quanh, thấy mấy cô gái đang khóc sướt mướt van xin vì bị giữ xe. Một anh tuổi trung niên có vẻ hiểu luật và thạo đời hơn dấm dúi đưa cho viên cảnh sát cái gì đó rồi lên xe rồ ga chạy mất. Còn lại Dân Đen với mấy cô gái, anh vội vã mở túi áo trước ngực để lấy giấy tờ xe máy đưa cho viên cảnh sát. Tuy là nông dân nhưng Dân Đen là người biết tuân thủ pháp luật, nên giấy tờ xe máy bao giờ cũng đầy đủ. Viên cảnh sát thấy giấy tờ anh đầy đủ, nên nói:
- Đề nghị anh bật xi nhan, đèn pha và đèn cốt, kiểm tra phanh trước, phanh sau.
Anh liền làm theo lời của họ, ơn trời mọi thứ đều hoạt động tốt và đầy đủ. Anh tự hào về chiếc xe và ý thức chấp hành pháp luật của mình, và chờ đợi viên cảnh sát trả lại giấy tờ để anh tiếp tục lên đường. Một hồi lâu mà vẫn không thấy họ trả lại giấy tờ cho mình, anh sốt ruột vì sợ hỏng mất công việc. Mấy viên cảnh sát vẫn điềm nhiên giơ chiếc gậy giao thông để bắt những chiếc xe khác dừng lại mà kiểm tra giấy tờ, coi như anh không có mặt ở đó. Nhìn đồng hồ thấy đã hơn 10h, như vậy là mất đứt một buổi sáng rồi, thế này thì chỉ còn cách quay về nhà rồi buổi chiều hoặc hôm khác đi lên huyện làm việc thôi. Sốt ruột quá, anh đành mon men đến gặp viên cảnh sát giao thông lúc nãy thu giấy tờ xe của mình và hỏi:
- Xin anh cho lại giấy tờ xe, nếu tôi không có lỗi gì thì anh cho đi để còn có chút việc phải làm!
Viên cảnh sát bây giờ mới nhìn anh và nói:
- Xe của anh xi nhan bị lỏng ốc vít mà anh không vặn lại cho chặt, phanh sau thì hơi sâu mà anh vẫn để thế mà đi. Như vậy là vi phạm luật an toàn giao thông, cộng hai lỗi này lại, đề nghị anh nộp phạt 100.000đ (một trăm ngàn đồng).
Lúc này thì anh mới ngớ người ra và bất ngờ vì sự văn minh của luật pháp nước mình. Xin xỏ một hồi không được, Dân Đen đành đưa cho viên cảnh sát một trăm ngàn, lúc này anh ta mới trả lại giấy tờ và giao xe cho anh. Đã hết giờ làm việc buổi sáng, Dân đen đành cay đắng quay xe trở về nhà. Trên đường về anh cứ thắc mắc mãi về thái độ của mấy viên cảnh sát nọ. Tại sao họ lại không trả lại ngay giấy tờ xe mà cứ im lặng như vậy để làm mất thời gian của mình? Họ nghĩ là ngoài họ ra thì người khác không có việc gì để làm hay sao? Rõ ràng là xi nhan và phanh sau của mình đều tốt, thế mà họ cũng nghĩ ra lý do để mà phạt được. Thật là không biết như thế nào thì không bị phạt nữa? Mà nếu mình cãi lại, họ giữ luôn xe thì khốn, như vậy vừa mất tiền giam xe lại mất thêm thời gian, chi bằng nộp phạt cho xong. Lúc này anh mới nhớ đến lời của mấy người bạn: “Đã gặp cảnh sát giao thông thì kiểu gì cũng mất tiền, dù mình không có lỗi nhưng cứ dúi tiền đút lót cho họ là khôn và nhanh nhất”. Giờ thì anh đã hiểu về thái độ im lặng của mấy viên cảnh sát nọ, đúng là: “Bánh của tao đâu?” mà!
Minh Văn
0 comments:
Post a Comment