SVSQ K 25 TB/TĐ Phạm Đình Cần
Trước Tết, nhận được thư của anh Nguyễn Khắc Sơn – Tổng Thư Ký Hội Cựu Quân Nhân Vương Quốc Bỉ, mời tham dự “ Ngày Của Lính “ tại thủ Đô Bruxelle của Bỉ, tôi liên lạc với một số anh em ở Hòa Lan để cùng đi chung.
Như đã hẹn trước, tôi đến đón anh Tấn tại nhà.
Bộ Lư Hương , 3 Lá Quốc Kỳ và một số vật liệu cần thiết cho bàn thờ Tổ Quốc,…được sắp xếp ngăn nắp nằm một góc, trước cửa nhà, chờ đem đi. Đó là phần công việc mà Ban Tổ Chức “ Ngày Của Lính “ đã nhờ anh Tấn lo. Đó là tài sản do sự đóng góp tích cực của một số đồng hương tỵ nạn cộng sản ở Hòa Lan. Nhóm Vinh Danh Cờ Vàng có trách nhiệm cất giữ để một khi có tổ chức nào cần, Nhóm sẽ cung cấp, yễm trợ.
Nhìn anh Tấn lăng xăng cho chuyến đi, tôi liên tưởng lại những ngày còn ở đơn vị. Cứ mỗi lần có lịnh hành quân, tập họp anh em lại , tôi kiểm soát súng đạn, lương thực, vật dụng cá nhân cho đủ trước khi xuất quân.
Giữa trưa ngày thứ bảy, chúng tôi lên đường. Trời Hòa Lan đang đi vào giữa Đông. Có chút nắng khô và gió lạnh.
Thường khi anh Tấn lấy xe chở đi anh em đi. Gần đây, chiếc xe già của anh, chiếc xe đã từng chở anh em và mang dụng cụ đi đến khắp các quốc gia ở Âu Châu, nay không còn lăn bánh nữa..…Thuở ấy, nơi nào có tổ chức biểu tình chống Việt cộng, bất luận ở đâu… Berlin, Paris, Geneve, Munchen,…Frankfort hay Bruxelle,….anh cũng lái xe chở anh em đến tham dự.
Giờ này, tuy máu đấu tranh của anh vẫn còn hừng hực và bạn bè đồng đội của anh chưa hề mỏi gối,….nhưng chiếc xe già của anh đã rã mục. Con ngựa sắt co rúm, chui vào nghĩa trang của sắt vụn. Người kỵ mã đành bó chân, thở ra bất lực khi nghĩ đến các chiến trường chống cộng ở phương xa.
Anh đành phải đi theo xe của bạn bè!
Khởi hành từ giữa trưa, đến xế chiều chúng tôi có mặt tại địa điểm tổ chức “ Ngày Của Lính”.
Nếu không biết trước về thành phố đang tổ chức hoặc chỉ giới hạn tầm mắt vào khoảng không gian trước nhà hàng và trong khuông viên của nhà hàng, tôi sẽ nghĩ rằng, tôi đang đi đến một câu lạc bộ quân đội của một đơn vị nào đó ở Sài Gòn để mừng ngày khao quân.
Anh Sen – 81 BKD - một thời “ An Lộc Địa Sử Ghi Chiến Tích, Biệt Kích Dù Vị Quốc Vong Thân”… Nhìn các bộ quân phục, quân hiệu,…tôi thấy mình dường như còn thiếu một cái gì đó không đồng điệu với anh em. Thì ra bộ quân phục màu xanh tác chiến cùng với hiểu tượng con số 5 trên vai. Tôi không còn bộ chiến y Sư Đoàn 5 BB hồi nào và những Anh Dũng Bội Tinh cùng các chiến thương gởi lại vùng đất mẹ.
Ngày xưa trên chiến trường Bình Dương, Bình Long,…lực lượng Sư Đoàn 5 BB của chúng tôi thường được các đơn vị Tổng Trừ Bị tăng phái phối hợp mở các cuộc hành quân quy mô đánh vào sào huyệt, mật khu , cục R của VC. Chúng tôi cùng với các chiến sĩ mũ đỏ Tiểu Đoàn 11 Dù lùng giặc ở Lái Thiêu, An Sơn, An Mỹ vào những tuần lễ sau tết Mậu Thân. Cùng với Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên Thủy Quân Lục Chiến tiến quân tái chiếm Ấp Nhà Việt, Phú Hòa Đông, Củ Chi, Hố Bò… Cùng nằm chận địch với các thiên thần Biệt Kích 81, từ Bến Cát qua Đồng Xoài, Bù Đăng , Bù Đốp. Áo quần đủ màu sắc, huy hiệu nhiều mô hình biểu tương, đó đây khắp chiến trường,…
Rồi anh Thuận, cũng là một chiến sĩ thuộc lưc lượng Biệt kích 81, anh đã để lại chiến trường 2 ngón tay và hai ngón chân. Tuy đã mất hai ngón tay, nhưng anh vẫn còn các ngón tay khác để chỉ mặt từng thằng Việt cộng bán nước, từng thằng trở cờ, từng thằng phản bội đồng đội, từng thằng vì ham danh lợi đi bợ đít, hòa hợp hòa giải với Việt công. Anh Hiệp với bộ quân phục trắng như bọt nước biển, đã từng chống cự lại giặc tàu bảo vệ hải đảo Hoàng Sa.
Một vài anh , trước đây tôi chưa có dịp làm quen, khoát trên mình chiếc áo với phù hiệu binh chủng Không Quân. Các anh là những con chim sắt, không những chỉ tung bay trên bầu trời Miền Nam bảo vệ vùng không gian yêu dấu của quê hương mà còn lao đầu vào những vùng lửa đạn để dập tắt những ổ súng , những căn cứ, những chiến xa của địch,…và đồng thời cũng vô cùng gan dạ đáp sát lưng địch, trong lòng địch để bốc các chiến sĩ bị thương hay tử thương, đưa họ an toàn trở về hậu cứ.
Càng đi sâu vào trong hội trường, tôi càng bắt gặp và làm quen thêm nhiều khuôn mặt mới . Anh Phước, trong bộ y phục Cảnh Sát Quốc Gia và các anh em khác thuộc thế hệ thứ hai.
Rừng Cờ Vàng uy nghi bên khán đài bao quanh biểu tương nghiêm trang :
TỔ QUỐC- DANH DỰ- TRÁCH NHIỆM.
Đây là biểu tượng, là kim chỉ nam là thước đo chuẩn mà mỗi một công dân khi khoát áo chiến binh đều phải ghi sâu vào con tim của mình.
Có Tổ Quốc mà không lấy Danh Dự để bảo vệ Tổ Quốc, không có Trách Nhiệm bảo vệ Tổ Quốc, thì không xứng đáng là một quân nhân và cũng không phải là người con yêu của Tổ Quốc.
Địa điểm sinh hoạt thật thích hợp cho một ngày họp mắt như “ Ngày Của Lính “ hôm nay.
Địa điểm dễ tìm, tương đối là trung tâm điểm của anh em cư ngụ trong các quốc gia ở Âu Châu. Từ Pháp lên, từ Đức qua, từ Hòa Lan….xuống …thật là thuận tiện.
Phòng rộng rãi và thoáng. Có sức chứa từ 150 đến 200 người.
Lúc còn ở đơn vị, thì “ Là quân nhân, tôi bạn với sông hồ “, nhưng nay “ bạn đời “ là phu nhân là chiến hữu. Thế nên chen lẫn với màu sắc quân phục khác nhau, người ta cũng không thể nào bỏ qua các chiếc áo dài,…trông rất thời trang và lộng lẫy. Vàng, tím, xanh lơ,…ôi muôn màu muôn sắc.
Có người nói rằng, chiếc áo không làm nên nhà tu, nhưng ở đây nhìn Người Lính, người ta có thể nhận ra ai, chiến sĩ nào đã từng khoát chiếc chiến bào gì. Và cũng cùng cung cách đó,…chiếc áo của các phu nhân đã thoát ra hương vị một Việt Nam thương yêu của tôi ở bên kia bờ đại dương
Lễ khai mạc “ Ngày Của Lính “ với bài Quốc Ca hùng hồn vang trong hội trường, với nghi lễ nghiêm trang, đồng hương đứng lên hướng về Lá Quốc Kỳ thân yêu Màu Vàng 3 Sọc Đỏ.
Trong tư thế của Trung Tâm Trưởng của Tập Thể Chiến Sĩ tại Âu Châu, Niên Trưởng Trung Tá Nguyễn Nhựt Châu với ánh mắt triều mến nhìn về phía các chiến hữu, là những người đã cùng với niên trưởng giữ vững Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ trong suốt 36 năm qua kể từ ngày trốn chạy khỏi bàn tay độc tài cộng sản để đi tìm cuộc sống tự do ở xứ người, tha thiết kêu gọi anh em hãy sống với nhau trong tình huynh đệ chi binh và luôn quyết tâm nuôi dưỡng ý chí giải thể chế độ cộng sản độc tài Hà Nội.
Lần lượt đứng trước máy ghi âm bày tỏ lập trường Quốc Gia, các chiến sĩ đại diện của một số đoàn thể từ các quốc gia Âu Châu có mặt hôm nay, đã dứt khoát chống lại mọi hình thức liên hệ, kết nối, hòa hợp, làm ăn với độc tài cộng sản Việt Nam
Trong những lần trò chuyện với một số chiến hữu của các binh quân chủng thuộc quân lực Việt Nam Cộng Hòa, mặc dù mỗi chiến hữu có cuộc sống riêng tư, nhưng mọi người đều có cùng cái nhìn thân thiện về cái tình của Người Lính.
Không sống trong những giờ phút nguy nan, chết sống trong đường tơ kẽ tóc trên chiến trường, chưa chia nhau từng ngụm nước trong những ngày hành quân nắng cháy, thì chưa có thể cảm nhận sâu xa được cái tình của Người Lính.
Trước mặt tôi, chung quanh tôi, các chiến hữu của tôi , cho dù không cùng thời, không cùng binh chủng, không cùng đơn vị và cũng không cùng cấp bực,…tất cả là những chiến sĩ đã từng trải qua các giờ phút đối đầu với giặc thù, đã từng đứng trước tử thần và cũng đã từng chia ngọt sẻ bùi với đồng đội,…cho nên cái tình của Người Lính vẫn còn thể hiện trên từng gương mặt, trong từng trái tim của họ.
Nhưng không phải chiến sĩ nào cũng có cơ hội may mắn để trốn khỏi bàn tay thâm độc và chính sách trả thù vô nhân đạo của Việt cộng. Một số nhờ ơn trên, hiện có mặt trên các quốc gia tự do trên thế giới. Phần lớn không may, đã phải sống dưới gông cùm của Việt cộng ở trong nước. Với thân thể vẹn toàn, người lính VNCH sống sót lại ở quê nhà đã phải đương đầu khó khăn với chính sách trả thù hèn hạ của Việt cộng, thì đối với các chiến sĩ đã hy sinh một phần thân thể cho quê hương,… cuộc sống còn thê lương nguy khốn biết chừng nào. Tôi muốn nói đến các Thương Phế Binh của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa còn ở lại quê nhà.
Đã từng là và hiện cũng là một Thương Phế Binh, tôi sống và hiểu tâm trạng của chính tôi và của từng anh em TPB. Qua điện thư gần đây, tôi biết thêm cuộc sống của một số TPB khác.
Như Thiếu Úy TPB Trần Quang Trung với những lời sau đây:
…..
Qua bài viết cũa Anh về Thương phế binh, tôi rất đồng cảm, những suy nghĩ, tâm tư, cái nhìn sâu sắc cũa Anh về những đồng đội T.P.B, ở quê nhà.
Nay tôi muốn xin Anh, địa chỉ Hội Cứu Trợ T.P.B(ở Hòa Lan), hy vọng Anh có thể giúp thông tin về các Hội bên đó mà Anh biết.
Nhân dịp năm mới 2012, tôi chúc Anh, và gia quyến, được nhiều sức khỏe, mọi sự an lành, vạn sự như ý, phước lộc thọ.
Thân ái chào Huynh Trưởng,
T.P.B Trần Quang Trung.
DĐ: 098.542.3702
Tôi đã viết thư hồi âm và cũng đã chuyển nguyện vọng của anh Trung đến Hội trưởng Hội Cựu Quân Nhân Hòa Lan. Được biết hằng năm Hội Cựu Quân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa thường hay tổ chức các sinh hoạt gây quỹ giúp TPB/VNCH ở quê nhà. Tôi hy vọng cũng cùng với mục đích quý báu và tình đồng đội đó, Hội sẽ liên lạc với anh em TPB trong nước và giúp cho anh em TPB qua điện thư trên.
Văn nghệ , nhất là văn nghệ chiến đấu, vẫn luôn luôn là những tiếng kèn thúc quân, tạo sinh khí, làm gia tăng tinh thần chiến đấu của anh em đồng đội. Người ta thường nói thời gian là liều thuốc vô cùng quý giá để thoa dịu vết thương lòng; nhưng với người chiến sĩ trước tình thế của đất nước, thời gian là nỗi lo bất hạnh. Bởi lẽ, lâu dần theo thời gian, vì không nắm giữ vững lập trường quốc gia , vì yếu lòng trước những lợi ích cá nhân do Việt đưa ra nhữ mồi,…đã có một số người tỵ nạn lung lay thay lập trường, đã đổi lòng thay dạ. Trong tình huống đó, những lời hát chiến đấu lại càng phải được thường xuyên vang lên để nung đúc để giữ vững lập trường. Tiếng hát của anh Lưu Phát Tấn trong Nhóm Vinh Danh Cờ Vàng ở Hòa Lan đã lập lại “ thông điệp “ yêu nước nồng nàn của một tâm hồn vì quê hương tổ quốc vì muốn bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam của chàng thanh niên hiên ngang đi vào lịch sử. Đó là nhạc sĩ VIỆT KHANG,…Tiếng hát tưởng như đã làm cho con tim của đồng hương trong hội trường hội trường ngưng tiếng đập. Vì chỉ cần một tiếng động nhỏ cho dù là nhịp đập của trái tim cũng sẽ làm cho mất đi một lời vàng ngọc, một câu nói tha thiết, chân tình, đáng yêu, đáng quý của Việt Khang.
Anh là ai? Anh là ai? Và anh là ai? mà không cho tôi chống lại bọn Tàu đang cướp đất tôi, đang giết hại dân tôi?
Vâng, anh là ai? mà anh bịt miệng đồng bào tôi khi họ lên tiếng phản đối bọn bá quyền trịch thượng Tàu cộng?
Chỉ có những người không còn biết mình là người Việt, không còn biết mình là một phần tử của dân tộc Việt, không còn yêu nước Việt, không còn tình nghĩa “ ĐỒNG BÀO “, mới nhẫn tâm làm ngơ trước hành động tham lam bạo ngược của giặc Tàu. Chỉ có người cộng sản, chỉ có đảng cộng sản, vì quyền lợi riêng tư, đã bị Tàu cộng mua chuộc cho nên mới nghe theo lời chúng ra tay đàn áp, bắt bớ giam cầm những người yêu nước, những người đã can đảm đứng lên, đã hiên ngang phản đối hành động xâm lăng của Tàu cộng.
Chen lẫn với những tiếng hát gây khí thế đấu tranh, các chiến hữu cũng có dịp trở về những giây phút dừng chân sau các cuộc hành quân diệt địch. Những giây phút được các em gái hậu phương trao đổi những nụ cưới thân thương trong những ngày các đoàn Tâm Lý Chiến đến ủy lạo tại chiến trường. Hình ảnh đó, sinh hoạt đó,…hôm nay, ngay trong hội trường này,..các anh cũng đã tận hưởng. Cho dù không có bóng dáng của các em gái hậu phương như thuở nào, nhưng đêm hôm nay cũng hiện diện đủ các tà áo màu sắc của ngày xưa, với những lời ca trữ tình, tha thiết. Không chỉ ngồi thưởng thức mà chính các anh cũng đã trình diễn, đóng góp các tiết mục văn nghệ không thua kém gì các văn nghệ sĩ chuyên nghiệp. Ai nói các chiến sĩ 81 BKD chỉ biết lùng và giết Việt cộng, không có trái tim nghệ sĩ? Coi kìa các chàng Biệt kích 81 đang quay cuồng theo các nhạc điệu của những năm thập niên 60 của thế kỷ trước, uyển chuyển nhẹ nhàng như những lúc lén lút âm thầm len lõi tiến chân vào tận sao huyệt của địch; giọng hát rất điêu luyện thu hút như khi điều trần trước hàng quân. Khán giả cũng thưởng thức say mê với các nhạc điệu tình tiết, ngậm ngùi, qua giọng hát của Tr/U TQLC Xương – tốt nghiệp khóa 26 Võ Bị Đà Lạt.
" bỗng tiếng Minh vang lệnh truyền buông thả
Nửa đời còn gì cung kiếm ngang trời "
Chàng trai trẻ hào hùng của Tiểu đoàn 18 TQLC đã nghẹn ngào uất hận qua lời của “ Người Lính già xa quê hương “.
Tr/U TĐ 18 TQLC Nguyễn hữu Xương
Bên cạnh những chành lính phong sương theo năm tháng, tôi còn bắt gặp một vài gương mặt non trẻ của thế hệ con em. Các em sinh ra và trưởng thành sau chiến tranh, thế mà các em vẫn còn biết phân biệt đâu là tà và đâu là chính. Này là Bích Xuân vui với chiếc máy chụp hình, cái máy quay phim. Hỏi Bích Xuân làm gì ở đâu và nghĩ sao? Sinh viên ở Pháp, thích sinh hoạt với cộng đồng, thích màu áo Lính. Việt cộng hã, đó là các tên sát hại nhân dân Việt Nam, bán nước cho Tàu cộng, em thù muôn thuở .
Được biết Bích Xuân yêu nghệ thuật phim ảnh và thường ghi lại các sinh hoạt của các anh chiến sĩ và trình làng trên Youtube cho mọi người thưởng thức. Vậy thì có chịu ghi lại hình ảnh các Ngọn Cờ Vàng tung bay trên nền trời Hòa Lan trong những ngày đi bộ Quốc tế không? Dạ, em sẽ đi Hòa Lan.
Có đến với nhau, có cùng hàn huyên tâm sự với nhau mới có thể chia sẻ và thấu hiểu nhau. Từ đó, những lời thị phi, ganh tỵ, chia rẻ, đố kỵ,… sẽ không còn tồn tại giữa cái tình của Người Lính.
Biết nhau, không chấp trách lẫn nhau, cảm thông với nhau …sẽ là ngọn đuốc kỳ diệu soi sáng con đường của chúng ta đi. Chúng ta đến với nhau, giúp đở nhau, cùng nhau hợp lực, chung sức, và cùng đánh một kẻ thù duy nhất là cộng sản Việt Nam; cùng đạt đến một mục tiếu duy nhất là giải tán chế độ độc tài cộng sản, đem lại tự do cho dân tộc Việt.
Đó là những tâm tình của niên trưởng Châu, của niên trưởng Rớt, của chiến sĩ Lộc , của chiến hữu Sơn, chiến hữu Sen….và của nhiều chiến hữu khác nữa trong những giờ phút chia tay .
Chia tay rồi lại hẹn gặp nhau vào những ngày sắp tới, vào năm sau…
Thôi thì, chúng ta hiện nay dù sống ở nơi nào, hiện đang làm việc gì,… cũng vẫn luôn luôn là Người Lính Việt Nam Cộng Hòa. Chúng ta hãy cùng giữ vững lấy Ngọn Cờ Vàng để rồi, một ngày nào đó không xa, chúng ta sẽ trở về, cùng với toàn dân, tung Lá Cờ Vàng trên bầu trời của nước Việt Nam Tự Do.
Hòa Lan, một ngày tháng giêng năm Nhâm Thìn.
Phạm Đình Cần.
Wednesday, February 8, 2012
Ngày Của Lính Việt Nam Cộng Hòa
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment