Mỹ hiện nợ tổng cộng 15 ngàn tỷ USD, Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất cho vay khoảng 1.300 tỷ (8%). Trong khi đó Âu châu đang nài nỉ Hoa Lục góp vốn hàng trăm tỷ USD vào quỹ cứu trợ để thoát khỏi cơn khủng hoảng hiện thời.
Trước nay khi kinh tế bị khủng hoảng các nước thường nhìn về Hoa Kỳ chờ cứu giúp. Lần này ông nhà giàu không còn là Mỹ nhưng lại chính là Trung Quốc với hầu bao hơn 3.000 tỷ USD. Miệng người sang có gang có thép, thật khó lòng tránh để Bắc Kinh không đòi hỏi các điều kiện thuận lợi về cả chiến lược lẫn tài chánh.
Trung Quốc có thể sẽ lên chức Chủ Tịch Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) trước giờ vẫn do Tây Âu nắm giữ. Hoa Lục lại sẽ đòi thêm quyền phủ quyết trong IMF để ngang hàng với Âu-Mỹ.
Bắc Kinh sẽ yêu cầu Âu Châu gỡ bỏ lệnh cấm bán các thiết bị quân sự và điện tử tối tân – để khi mua rồi sẽ tìm cách bắt chước; đòi Tây Âu ủng hộ việc WTO công nhận Trung Quốc là một thi trường tự do sớm hơn hạn định; hay áp lực các nước Tây Phương không tiếp đón và cô lập đức Đạt Lai Lạt Ma, hoặc không ủng hộ cho các phong trào dân chủ.
Đối với Mỹ thì việc thương lượng sẽ khó khăn hơn vì dù gì Hoa Kỳ vẫn còn là siêu cường hàng đầu. Hoa Lục cần thị trường tiêu thụ của Mỹ để xuất cảng hàng hoá; cần cho Hoa Kỳ vay tiền vì hết chỗ tín nhiệm để gởi! Hơn nữa Mỹ lại có lợi thế mượn bằng đồng đô-la, nếu kẹt quá thì in thêm tiền, đô-la bị hạ giá lại khiến hàng hoá của Hoa Lục lên giá khó bán, thêm vào đó các khoản nợ lại mất giá trị.
Nhưng nếu nhìn tầm xa thì tình trạng này sẽ thay đổi trong vòng 10-20 năm nữa. Với đà phát triển dù chậm lại ở mức 7% (thay vì 10% như trong 20 năm nay) thì GDP của Trung Quốc có thể qua mặt Hoa kỳ vào khoảng năm 2020 đến 2030.
Khi đó thương mại giữa thế giới và Hoa Lục sẽ ngang bằng hay nhiều hơn so với Mỹ. Các nước không còn muốn chỉ ôm đô la vốn ngày càng mất giá; nên đa phương hoá một phần dự trữ sang Nhân Dân Tệ thì vừa giữ giá, lại thêm mua bán với Trung Quốc được thuận lợi vì không phải qua một đơn vị tiền tệ thứ ba.
Bắc Kinh nắm vai trò trọng yếu của IMF sẽ vận động để đồng Nhân Dân Tệ trở thành một trong các loại tiền tệ chính trên thế giới bên cạnh đô-la và euro (nếu lúc đó còn euro!)
Giả sử Hoa Kỳ lại cần vay mượn để tránh một cơn khủng hoảng khác. Nước Mỹ bị hạ điểm tín dụng, các chủ nợ nay có lối thoát nên đòi Hoa Kỳ phải nâng cao lãi suất công phiếu. Mỹ lâm vào thế khó nên đến IMF nhờ bảo đảm nợ thì Bắc Kinh có thể dùng quyền phủ quyết bắt chẹt.
Năm 1956 Anh-Pháp đem quân chiếm đóng kênh đào Suez tại Ai Cập bị Mỹ phản đối vì không muốn bị gán với thế lực thực dân. Khi đó đồng Bảng xuống giá khiến kinh tế nước Anh rơi vào khủng hoảng, Hoa Kỳ đã doạ dùng quyền phủ quyết không cho IMF trợ giúp. Kết cuộc Anh đồng ý rút quân thì Mỹ đã chấp thuận cho IMF vay với con số khổng lồ là 1.2 tỷ USD (so với thời đó). Bài học này cho thấy việc Trung Quốc dùng sức mạnh tài chánh để áp lực Hoa Kỳ nhân nhượng các quyền lợi ở Thái Bình Dương không phải là không thể xảy ra.
Nhưng cho dù các cường quốc có buôn bán quyền lợi theo thời cơ thì chỉ có nội lực, và lòng yêu nước là mãi mãi không đổi. Theo chính sách ngoại giao đu dây giữa các thế lực bên ngoài mà không phát huy sức mạnh của dân tộc không thể là kế sách lâu dài giữ nước.
© Đoàn Hưng Quốc
0 comments:
Post a Comment