Wednesday, November 16, 2011

Sự Suy Tàn Của Âu Châu

europe map

Nguyễn Xuân Nghĩa

..nhiều phần thì Âu châu sẽ suy tàn và phân rã, để sẽ bị thiên hạ chi phối sau hơn 500 năm khống chế thiên hạ…

Hai chục năm sau sự sụp đổ của Liên Xô, Liên Âu cũng đến lúc tàn?

Từ 22 tháng nay, thế giới bàng hoàng theo dõi cuộc khủng hoảng của Liên hiệp Âu châu. Riêng trong Tháng 11 chưa kết thúc, sau Hy Lạp đến nước Ý cũng trôi vào chấn động chính trị làm các thị trường tài chánh quốc tế đều tơi tả. Nhưng viễn ảnh Âu Châu có thể còn kinh hoàng hơn sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng hoặc nạn phân rã của đồng Euro: một sự đổi thay của trật tự thế giới!

Kỷ nguyên gọi là “Hiện đại” của chúng ta khởi sự từ năm 1492, với cuộc thám hiểm và việc phám phá ra “Tân Thế giới” của Columbus. Kể từ đó, Âu châu thống trị toàn cầu và đặt ra luật chơi cho cả nhân loại. Kỷ nguyên đó tồn tại được đúng 500 năm, vì kết thúc vào năm 1991, là khi một cường quốc truyền thống của Âu châu là Liên bang Xô viết tan rã. Hai chục năm sau, là giờ này đây, Liên hiệp Âu châu cũng đi tới mé vực đó. Và có thể sẽ chung số phận.

Nước Nga vẫn tồn tại, là một cường quốc có ảnh hưởng. Các nước Âu châu cũng thế. Nhưng dự án Liên Âu sẽ cáo chung. Sau đó là gì thì chưa ai biết – mà ai cũng nên sợ!

Nhìn cách khác: vì ở sát nách – bị kẹp sát nách – ta hay nói về chuyện “hợp tan” truyền thống của Trung Hoa mà ít chú ý đến lẽ hợp tan của một lục địa đã chinh phục toàn cầu và khuất phục nhiều dân tộc hay quốc gia khác trên thế giới. Âu châu đang đi vào tiến trình “hợp rồi tan” mà vụ khủng hoảng tài chánh chỉ là biểu hiện ngoài da.

***

Do địa dư hình thể phân tán và đầy khác biệt – chứ không vuông vức và đầy lợi thế trời cho như lãnh thổ Hoa Kỳ – Âu châu là một tập thể phức hợp của nhiều cộng đồng dân tộc đã tiến dần đến hình thái “quốc gia”.

Nhưng mỗi bước tiến lại là một trường chinh chiến, có khi kéo dài trăm năm. Trong lịch sử cận đại, đó là ba trận đại chiến, năm 1871 khi nước Đức thống nhất, năm 1914 là Thế chiến I và năm 1939 là Thế chiến II. Kể từ đó, từ 1945 trở về sau, Âu châu đã có hòa bình và các nước chịu sống chung với nhau, thậm chí còn lập ra một đồng tiền dùng chung giữa 17 nước là đồng Euro. Nói như Francis Fukuyama, “Lịch sử cáo chung”? Hay “Xã tắc Vững bền”?

Sự thật lại không được như vậy và cả thế giới, trước tiên là Âu châu, đã hiểu lầm!

Trước tiên là hiểu lầm về… Hoa Kỳ.

Nước Mỹ không muốn dính vào thiên hạ sự của Âu châu, đã tham chiến rất chậm trong cả hai trận Thế chiến và sau đó mưu tìm hòa bình cho đại lục địa Âu Á qua chính sách “quân bình bất ổn”. Chữ “chia để trị” thì dễ hiểu hơn mà cũng dễ bị hiểu sai vì khái niệm “trị”, không phải là cai trị mà là trừ khử mầm loạn – chủ nghĩa quốc gia cực đoan của Âu châu – bằng cách khác.

Sau Thế chiến II, Hoa Kỳ chia đôi cường quốc đã ba lần gây đại chiến tại Âu châu, là nước Đức, trong một Âu châu cũng bị chia đôi giữa hai ngả Đông-Tây (Cộng sản và Dân chủ) bên cạnh một khối Cộng sản lại có hai đầu là Nga và Tầu đều tranh nhau bắt bí để giao kết với Mỹ.

Hoa Kỳ gìn giữ trật tự bất ổn đó bằng sự hiện diện quân sự, nuôi dưỡng nền kinh tế bị tàn phá bằng viện trợ và phát triển bằng quy luật thị trường. Tình trạng đó kéo dài suốt thời Chiến tranh lạnh, cho đến khi nước Đức tái thống nhất năm 1989, Liên Xô tan rã năm 1991 thì Hoa Kỳ ngó qua chuyện khác.

Việc bảo vệ Âu châu – hay chiếm đóng nước Đức tùy cách gọi – hết là ưu tiên về quân sự.

Sau đấy, cả Hoa Kỳ lẫn thế giới, nhất là Âu châu, đã lại có một sự hiểu lầm khác.

Nước Mỹ lạc quan tin rằng “lịch sử cáo chung” với sự sụp đổ của đối thủ và bắt đầu an hưởng “cổ tức hoà bình” thời Bill Clinton, mà không thấy ra là hòa bình chưa có, vùng Balkans gặp loạn và cuộc chiến với lực lượng Hồi giáo quá khích đã manh nha. Trong 10 năm đầu, từ 1991 đến vụ khủng bố 2001, Hoa Kỳ ngao du trong hoang tưởng vì trở thành độc bá. Đó là “Hội chứng Tiêu Bán Sơn” trong truyện võ hiệp Kim Dung, sự trống vắng tâm lý khi kẻ thù truyền kiếp đã tự diệt.

Nhưng sự hiểu lầm của Âu châu lại còn thê thảm hơn.

***

Không biết rằng – mà dù một số lãnh đạo có biết thì cũng chẳng nói ra – hoà bình Âu châu là trạng thái bất ổn được Hoa Kỳ bảo vệ, khi Chiến tranh lạnh kết thúc, các nước Âu châu đều vui mừng là mình được “giải phóng”.

Bờ Tây thì Mỹ rút, bờ Đông thì Nga gục. Cả bốn hướng Nam Bắc Đông Tây đều rạo rực bước vào tiến trình thống nhất với Thỏa ước Maastritch và sự hình thành của Liên Âu năm 1993. Nhiều nhà lãnh đạo Âu châu, nhất là Pháp, còn mơ ước xây dựng một thế giới đa cực làm lực đối trọng với nước Mỹ độc bá.

Mà đấy là chuyện nhỏ!

Chuyện lớn hơn vậy về sự hồ hởi là khi một số quốc gia Âu châu muốn tiến xa hơn qua thống nhất tiền tệ và sự ra đời của đồng Euro năm 1999. Y như dự án Liên Âu, đồng Euro sẽ là lực đối trọng với Mỹ kim, trở thành ngoại tệ dự trữ có thế giá của thế giới khả dĩ cạnh tranh với đồng bạc xanh.

Tổng hợp lại về thế là Liên Âu và về lực là đồng Euro, các nước Âu châu mơ ước sự hình thành của Liên bang Âu Châu, United States of Europe, như Liên bang Hoa Kỳ, United States of America.

Từ nay, bên này Đại tây dương sẽ có một thế lực mới, cũng lại như xưa là giữ vị trí cân bằng giữa Hoa Kỳ và Liên bang Xô viết. Nhưng dũng mãnh hơn xưa vì có dân số hơn 500 triệu và sản lượng 16.200 tỷ, lớn hơn sức mạnh kinh tế chừng 15 ngàn tỷ của Mỹ. Mà khỏi phải lo lắng gì về ngân sách quốc phòng, vì đã có Minh ước NATO cáng đáng, với tay chủ chi ngờ nghệch là Chú Sam. Đấy là một sự hiểu lầm của Âu châu, không về nước Mỹ mà về chính mình.

Chúng ta lạnh lùng trở lại chuyện bạc tiền, chỉ vì có thực mới vực được đạo.

***

Trên tổng thể, Âu châu quả là đông dân và có sản lượng giàu hơn của Mỹ. Âu châu còn có tiếng nói quốc tế khác, với khảo hướng – approach – ôn tồn và ngoại giao hơn nước Mỹ thiếu văn hoá. Đó là “quyền lực mềm” – soft power – của các nước có lịch sử và dày kinh nghiệm về thiên hạ sự từ khi Hoa Kỳ chưa ra đời. Nhờ vậy, Âu châu không bị thế giới Á Rập thù ghét như nước Mỹ và rất được lòng dân Á Rập tại Palestine hay nhiều nơi khác. Âu châu lại còn một thị trường tiêu thụ và nhập cảng hàng hóa mạnh nhất từ một thế lực đang lên là Trung Quốc.

Khách quan thì Âu châu có dư thế lực góp tiếng nói và cả hành động cho cộng đồng thế giới.

Nhưng tất cả kiến trúc vĩ đại ấy nằm trên hai sự thật rất dễ mất lòng.

Thứ nhất, sau mấy trăm năm nội chiến liên tục, nếu Âu châu có được hòa bình để sống chung với nhau trong thời Chiến tranh lạnh cũng là do sự can thiệp hay bảo vệ của Mỹ. Nhu cầu bảo vệ ấy không còn và nước Mỹ theo đuổi ưu tiên khác. Thứ hai, nếu Âu châu có dự tưởng lớn lao như vậy về thiên hạ sự thì vẫn chưa có cơ chế chính trị thích hợp: lãnh đạo Liên Âu ở trên là bộ máy thư lại vô thẩm quyền trước đòi hỏi chính đáng mà đầy mâu thuẫn của từng thành viên, của từng quốc gia. Chủ nghĩa quốc gia chưa cáo chung bên dưới lớp men thống nhất của Âu châu.

Vụ khủng hoảng tài chánh hiện nay xuất phát từ sự thật thứ hai này.

Mọi sự khởi đầu vào năm 2008 khi Hoa Kỳ bị khủng hoảng tài chánh. Khi ấy, Âu châu chưa nhìn ra nhược điểm nội tại mà cứ tưởng và còn làm cho thế giới lầm tưởng rằng tất cả xảy ra tại vì sự bất cẩn hay bất lương của các doanh nghiệp tài chánh Mỹ, hoặc sự bất toàn của tư bản chủ nghĩa.

Về an ninh, đáng lẽ người ta đã phải thấy ra sự rạn nứt và sụp đổ tất nhiên của “kiến trúc Âu châu” khi Liên bang Nga tấn công Georgia Tháng Tám năm 2008. Vì khi ấy, Đức và Pháp không có phản ứng bảo vệ các nước Đông Âu và Trung Âu vừa gia nhập mà lại mau mắn hòa giải với Tổng thống Vladimir Putin của Nga. Lý do hoà giải là quyền lợi kinh tế quốc gia. Là khí đốt hay cơ hội đầu tư… Sự thống nhất về chính trị của Liên Âu như một thế lực quốc tế chỉ là ảo giác.

Thứ nữa, sự thống nhất về kinh tế cũng vậy.

Đáng lẽ người ta đã phải thấy ra sức xâm nhập và giao kết rất sâu của hệ thống ngân hàng Âu châu, dưới sự chỉ đạo của từng quốc gia Âu châu. Các ngân hàng đã đầu tư và cho vay tới ngập đầu để thi hành chánh sách kinh tế quốc gia. Khi gặp khủng hoảng rồi bị nguy cơ vỡ nợ vì mất vốn thì cơ chế lãnh đạo Âu châu không có khả năng giải quyết, một cách linh động, chủ động và mau lẹ. Khủng hoảng lan rộng còn phơi bày ra một thực tế khác là nhiều quốc gia đã tận dụng lợi thế thống nhất để mưu tìm quyền lợi riêng, cũng vì chủ nghĩa quốc gia. Đến khi hữu sự thì không muốn và không có khả năng đắp vốn để chuộc nợ. Ở giữa, đồng Euro là đồng sứt!

Khủng hoảng tài chánh và ngân hàng, khủng hoảng quốc trái – sovereign debt – và khủng hoảng Euro là ba cái mặt của một hình tháp, mà cốt lõi bên trong là một tình trạng vô quyền vì Âu châu không có cơ chế cưỡng hành dự án phiêu hốt của mình.

Kiến trúc Âu châu là một khối tự do mậu dịch thống nhất, nhưng quyết định về ngân sách hay thuế khóa từng nước vẫn thuộc chính quyền của từng quốc gia mà các cơ chế thống nhất không thể điều động hay kiểm soát. Hội đồng hay Uỷ ban Âu châu và các công chức quốc tế tại thủ phủ Âu châu là Bruxelles của Bỉ, hoặc Ngân hàng Trung ương Âu châu tại Frankfurt của Đức, là những cơ chế không có thẩm quyền khi suy trầm kinh tế hay giông bão thị trường nổi lên.

Y như về đối ngoại – Âu châu không có sức mạnh quân sự bảo vệ tiếng nói nên mới phải dùng quyền lực mềm – về đối nội, Âu châu không có sức mạnh pháp chế để bảo vệ kỷ cương của chi tiêu.

Thí dụ nổi bật là cách suy nghĩ của hai nước trong cuộc, Hy Lạp và Đức.

Hy Lạp có thể khôn ngoan hay gian manh vay mượn để tiêu xài quá khả năng vì từng là nạn nhân của nội chiến và Chiến tranh lạnh nên nghĩ rằng mình phải được các nước đền bù. Vì vậy họ mới man khai sổ sách để gia nhập khối Euro và thoải mái xài đồng tiền chung, vì nếu có gì thì đã có kinh tế Đức hay các xứ khác cáng đáng.

Sống nhờ xuất cảng, kinh tế Đức cũng thoải mái đầu tư và hào phóng cho vay để xứ khác tiếp tục mua hàng Đức. Hãy nghĩ đến một nhà nước như nhà băng, cứ khôn ngoan cho thân chủ vay tiền để mua nhà mua xe do chính mình sản xuất ra…. Khi hữu sự là ngày nay, dân Hy Lạp cho rằng mình là nạn nhân của những đòi hỏi quá đáng của Đức. Còn dân Đức thì mất kiên nhẫn vì cứ phải đóng thuế cho dân Hy Lạp được về hưu sớm, với đầy đủ bổng lộc.

Dưới cái dù lủng lỗ của tập thể, xứ nào cũng nghĩ đến quyền lợi tối thượng của Tổ quốc, của dân tộc, quốc gia. Và tin vào khả năng can thiệp của chính quyền hơn là phản ứng của thị trường. Vụ khủng hoảng 2008 đã quạt vào ảo giác Âu châu: sự bất lực của chính quyền và hốt hoảng của thị trường.

***

Người dân Âu châu đang gặp sự chọn lựa sinh tử: bảo vệ thành quả của hơn nửa thế kỷ hội nhập trong hoà bình hay bảo vệ quyền lợi kinh tế xã hội của từng quốc gia? Nếu muốn hội nhập thì phải tiến tới thể chế liên bang và mặc nhiên thủ tiêu chính quyền của mình, để chấp nhận quy chế của một “tiểu bang” Âu châu. Nhiều người không muốn vậy và đã từng làm kiến trúc Âu châu rúng động khi từ chối Hiến pháp mới của Âu châu qua các cuộc trưng cầu dân ý từ năm 2005.

Một số quốc gia, cả chục nước, nhất là tại miền Bắc, còn từ chối thủ tiêu đồng bạc quốc gia để dùng chung đồng Euro. Lập trường hoài nghi của Anh là một thí dụ tiêu biểu. Kỷ cương về chi thu ngân sách và nghiệp vụ ngân hàng của các nước Bắc-Âu là thí dụ khác.

Nhìn qua lãnh vực an ninh, người ta cũng thấy dị biệt về quan điểm về phương hướng phòng thủ của lá chắn chiến lược.

Các nước miền Bắc vẫn đề cao mục tiêu phòng vệ Bắc Đại Tây dương của Minh ước NATO qua sự hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ. Các nước miền Nam thì muốn NATO nhìn xuống khu vực Trung Đông vì mối nguy xuất phát từ đó. Các nước Đông Âu và Trung Âu lại không quên được mối nguy truyền thống từ nước Nga, hoặc một sự liên kết loạn luân giữa hai cường quốc Nga và Đức ở hai hướng Đông và Tây.

Vì vậy, Âu châu đang bị sức ly tâm rất mạnh từ trong ruột gan và trật tự bất ổn từ sau Thế chiến II đang chuyển dịch, hoặc sụp đổ.

Một trật tự mới sẽ chỉ thành hình khi Hoa Kỳ chấp nhận là cường quốc “vạn năng mà không toàn năng”, có ảnh hưởng tỏa rộng mà không thể chi phối được thiên hạ sự của toàn cầu. Cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo là cơ hội thức tỉnh cho lãnh đạo nước Mỹ. Thứ hai, Liên bang Nga đã tái xuất hiện như cường quốc có ảnh hưởng trên khu vực quỹ đạo truyền thống, vùng biên ngoại, như Georgia và Ukraine, sẽ can dự mạnh hơn vào Âu châu, hợp tác chặt chẽ hơn với nước Đức để tìm nguồn tiếp vận kỹ thuật cho hệ thống sản xuất lạc hậu của mình. Điều này đã xảy ra.

Yếu tố thứ ba là tham vọng của Trung Quốc với sự lớn mạnh của kinh tế và quân sự nhằm bảo vệ quyền lợi toả rộng hơn xưa của mình. Tại Đông Á, người ta đang chứng kiến hiện tượng này.

Yếu tố sau cùng thuộc về Âu châu: các cường quốc trong tập thể muốn gì và có khả năng thực hiện ra sao khi Hoa Kỳ đã giảm dần ảnh hưởng và không còn giữ chức năng gián chỉ – can gián – những phản ứng quốc gia cực đoan đã từng thấy tại Âu châu?

Trong khi chờ đợi sự thành hình của “trật tự mới” ở bốn khía cạnh đó (Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Trung Quốc và Âu châu), các nước Âu châu phải chọn lựa. Nếu đồng Euro tan rã thì Âu châu sụp đổ, Tổng thống Pháp đã nhiều lần cảnh báo như vậy. Nhưng nếu đồng Euro có hồi phục và tìm lại ảnh hưởng dự tưởng của nó, chưa chắc Liên hiệp Âu châu đã có thể tồn tại theo khuôn khổ hiện nay. Nước Đức phải can thiệp và chi phối chính sách kinh tế tài chánh của từng nước, nghĩa là đạt mục tiêu cố hữu của quốc gia dân tộc, y như Đức quốc xã, nhưng bằng cách khác.

Khi đó, Anh quốc hay Ba Lan và nhiều nước khác có chấp nhận không?…

Khó ai biết trước được tương lai. Nhiều phần thì phản ứng quốc gia cực đoan sẽ trỗi dậy, hiện tượng đã thấy từ vụ Tổng khủng hoảng 1929-1933 – với minh diễn bi đát là phong trào phát xít và Thế chiến II. Nhẹ hơn thế là phản ứng hoài nghi sự thống nhất Âu châu. Các chính đảng chủ trương chống lại sự thống nhất sẽ thắng cử, khiến giải pháp chung cho vụ khủng hoảng hiện nay càng thêm khó khăn.

Vì vậy, nhiều phần thì Âu châu sẽ suy tàn và phân rã, để sẽ bị thiên hạ chi phối sau hơn 500 năm khống chế thiên hạ. Chỉ mong rằng không vì đó mà chiến tranh liên-Âu sẽ lại tái phát.

0 comments:

Powered By Blogger