Monday, November 7, 2011

Người giàu Trung Quốc đóng vali ra đi




Maria Kruczkowska – Lê Diễn Đức dịch

Những chiếc du thuyền của các triệu phú Trung Quốc ở đảo Hải Nam – Ảnh: OnTheNet
Đó là kết quả của báo cáo chung của Viện nghiên cứu Hurun của Thượng Hải và Ngân hàng Trung Quốc, được công bố trên tờ báo Bắc Kinh “China Daily”.
Từ năm 1999, hàng năm Viện nghiên cứu Hurun đưa ra danh sách những người Trung Quốc giàu có nhất.
Bản báo cáo cho thấy đến 46 phần trăm số người được Viện Hurun khảo sát trong năm nay từ tháng Năm đến tháng Chín trong 18 thành phố – những người tham gia cuộc khảo sát trung bình ở tuổi là 42 và có tài sản trị giá 9,6 triệu USD – muốn ra đi khỏi nước, và 14 phần trăm trong số đó đã làm các thủ tục giấy tờ liên quan. Hầu hết người Trung Quốc giàu có đều muốn sống ở Mỹ hoặc Canada.

Quyết định ra đi thường không phải từ lý do chính trị, mà là thực dụng. Người Trung Quốc giàu có đi du lịch nhiều nơi và so sánh chất lượng cuộc sống ở đất nước mình với các quốc gia khác.
- Giá nhà ở Bắc Kinh cũng giống ở nước ngoài, trong khi ở Trung Quốc người dân không được tiếp cận với nhiều phúc lợi xã hội khác. Chi phí cho cuộc sống ở nước ngoài và tại Trung Quốc như nhau, nhưng cuộc sống ở nước ngoài tốt hơn – Một phụ nữ Trung Quốc giàu có đã di cư sang Anh Quốc tự giới thiệu mình là La Chí Tường nói trên báo Trung Quốc.
Có đến 60 phần trăm người giàu có quyết định rời Trung Quốc với lý do vì chất lượng giáo dục thấp trong trường học. Và như mọi người biết, dân của các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đặt giáo dục ở vị trí đầu tiên và sẵn sàng hy sinh mọi thứ cho con cái được học hành, đào tạo tốt nhất.
Những người Trung Quốc giàu có là những người được hưởng lợi của hệ thống chính trị-kinh tế hiện nay tại Trung Nam Hải, có thể tạo ra một tài sản lớn, nhưng họ không muốn sống ở đó – Báo cáo của Viện Hurun kết luận.
Môi trường bị ô nhiễm, dân chúng quá đông đúc trong nhiều khu vực, sự tương phản ngày càng tăng từ sự giàu có và cùng với tâm lý bị nguy hiểm đối với những người giàu (cho dù họ sống trong những khu khép kín), thiếu sự đảm bảo pháp lý về tài sản tư nhân và tòa án lương thiện – là những lý do thường được đưa ra – làm hỏng chất lượng cuộc sống. Những người can đảm hơn thì nói thêm rằng ở phương Tây, người dân được tự do hơn.
Một phần ba số người giàu Trung Quốc quyết định di cư bằng cách tận dụng các ưu đãi trong luật nhập cư của những quốc gia muốn thu hút đầu tư của người Trung Quốc. Chỉ cần tuyên bố sẽ đầu tư một số tiền nhất định theo đạo luật, chẳng hạn như ở Canada, Mỹ hoặc Anh, là có thể nhận được quy chế thường trú. Bởi vì khi người Trung Quốc di cư, họ mang theo tiền của mình và mua những căn hộ sang trọng hoặc nhà tại London, Florence hay Toronto.
Tuy nhiên, nhiều người giàu ở lục địa thường thích qua sống ở Hồng Kông, mặc dù là một phần của Trung Quốc, nhưng ở đây có quyền tự trị rộng và thực tế là nhà nước trong một nhà nước. Để đáp ứng nhu cầu của người giàu có, người ta xây dựng tại Hồng Kông những khu phố đắt tiền, mở rộng các bệnh viện và ký túc xá đại học
Mới 30 năm trước đây Trung Quốc Cộng sản là một trong những quốc gia mà mọi người có cuộc sống bình đẳng nhất trên thế giới. Bước ngoặt diễn ra sau cái chết của người sáng lập nhà nước cộng sản Mao Trạch Đông vào năm 1976, khi đảng cộng sản tuyên bố rằng làm giàu là vinh quang.
Ngày nay ở Trung Quốc có 271 tỷ phú đô la, gấp đôi so với năm 2009. Nhiều hơn chỉ có ở Hoa Kỳ với con số 400.
Bản Việt ngữ © 2011 Lê Diễn Đức
———————————————————————-
* Bài được dịch từ tiếng Ba Lan, đăng trên nhật báo Ba Lan Gazeta Wyborcza ngày 6/11/2011, tại link: http://wyborcza.pl/1,75248,10599443,Chinscy_bogacze_pakuja_walizki.html
Tác giả bài viết là bà Maria Kruczowska, ký giả kỳ cựu chuyên viết về đề tài Trung Quốc và Á châu. Năm 2006 bà đã sang Việt Nam trong vai du khách và khi trở về bà viết bài “Việt Nam: Con Rồng không bay”. Bài này cũng do tôi dịch dưới bút danh Lưu Vũ, hiện lưu tại link: http://dcvonline.net/modules.php?name=News&file=article&sid=86

0 comments:

Powered By Blogger