Tiến Hồng -“...Trung Quốc rất cần sự phục hồi của Âu châu và đồng Euro, vì 1/3 xuất khẩu nước này là châu Âu. Những tháng gần đây nhiều nhà máy xuất khẩu sang châu Âu đã phải đóng cửa vì hoạt động sa sút. Cứu Euro là cứu chính mình...”
Kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế năm 2008 với sự vỡ nợ của ngân hàng Lehman Brothers, kinh tế các nước Âu Mỹ đang bước vào cuộc khủng hoảng kế tiếp và trầm trọng. Cuộc khủng hoảng lần này khác với lần trước là nó đã được tiên báo từ mùa hè năm nay với những biến động sau cuộc khủng hoảng về nợ trần và sự tụt hạng AA+ của Mỹ do cơ quan đánh giá Standard & Poor’s. Biến động đó đi kèm với tình trạng xáo trộn lớn trên thị trường chứng khoán châu Âu từ cuối tháng 7/2011(CAC40 của Pháp từ trên 4000 có lúc xuống dưới 3000) do mất tin tưởng về khả năng các nước khu vực Euro giải quyết món nợ 350 tỷ euros của nước Hy Lạp nhỏ bé đang trên bờ phá sản. Nước Hy Lạp đã bị cơ quan đánh giá tín dụng uy tín Standard & Poor’s xếp hạng áp chót CC (chuẩn bị phá sản) vào ngày 27/7/2011(1). Hệ thống ngân hàng châu Âu cũng chao đảo mạnh và mất giá nhiều, nhất là sau khi ngân hàng lớn Pháp-Bỉ Dexia bị sụt giá và tái cấu trúc do khối lượng tích sản độc hại quá lớn. Hàng chục ngân hàng lớn châu Âu (Tây Ban Nha, Ý) bị sụt điểm, một số nằm trong tầm ngắm của Standard & Poor’s như : BNP Paribas, Deutsch Bank, Goldman Sachs và Morgan Stanley (Mỹ)…
Cuộc khủng hoảng lần này lại đi kèm với xáo trộn xã hội. Phong trào « Những người phẫn nộ » từ Tây Ban Nha (15/5) đã lan ra nhiều thành phố lớn thế giới kể cả Nhật, Mỹ. Tại Mỹ, phong trào mang tên « Chiếm phố Wall » hay « 99% » (ý nói sự cách biệt với 1% người giàu nhất) (2) đã kéo dài hàng tháng vào ngày thứ bảy, nay đã lan sang các thành phố tiểu bang như Los Angeles, Orange County. Các phong trào biểu tình nói chung ôn hoà (ngoại trừ ở Ý) nhưng quyết liệt, có vài nơi kéo dài, tỏ rõ sự bất mãn về tình trạng thất nghiệp cao, sự tham lam, thao túng của giới tài phiệt, ngân hàng, và giới giàu có nhất không bị đánh thuế đúng mức.
Chắc chắn, giới lãnh đạo chính trị các quốc gia Âu Mỹ sẽ phải xét lại thái độ, chính sách kinh tế nếu không muốn cho phong trào phản kháng kéo dài thành một cuộc « cách mạng xã hội » như một số biểu ngữ ở Tây Ban Nha. Các nước độc tài đảng trị như Trung Quốc, Việt Nam cũng sẽ thấy hậu quả nếu các bất công xã hội dâng cao do tham nhũng đưa người dân đến con đường phản kháng quyết liệt.
Hậu quả rõ nét của cuộc khủng hoảng nợ là Quỹ Tiền tệ thế giới IMF vào cuối tháng 9/2011 đã hạ thấp nhiều các dự đoán về mức tăng trưởng năm 2011, 2012 của Âu Mỹ theo hướng suy thoái, so với ước tính vào tháng 6/2011(3). IMF tiên đoán nền kinh tế thế giới sẽ gặp suy thoái vào năm 2012 nếu các nước khu vực Euro (17 quốc gia) không giải quyết toàn diện và lâu dài cơn khủng hoảng nợ trong vùng. Tổng thống Obama cho biết rất lo lắng e sợ khủng hoảng nợ khu vực Euro ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ chưa hồi phục và đang đi vào khủng hoảng suy thoái kép (4).
Quả thực nền kinh tế Mỹ chưa hồi phục từ sau khủng hoảng nợ subprimes năm 2008. Sau đợt tung 1700 tỷ USD nới lỏng định lượng QE1 vào cuối năm 2008 chủ yếu để mua nợ xấu ngân hàng suy sụp, bù đắp vốn cho một số đại xí nghiệp phá sản, và mua công khố phiếu trả nợ cũ, nền kinh tế Mỹ đã vực lên nhưng rất yếu. Do đó, cuối năm 2010, Ngân hàng trung ương Mỹ FED phải bơm thêm 600 tỷ USD mua công khố phiếu, mong giảm lãi suất và kích thích đầu tư. Hiêu quả của gói nới lỏng định lượng QE2 đã không đạt được mong muốn đề ra. Tình trạng thất nghiệp vẫn ở mức cao 9,1%. Các ngân hàng lớn sau khi được tiếp sức đã trở lại lời đáng kể và chia nhau tiền thưởng « bonus » (140 tỷ USD năm 2010) trong khi sa thải nhân viên và không nới lỏng cho các xí nghiệp cần đầu tư. Các đạo luật nhằm tách rời hoạt động kinh doanh đầu cơ (banques d’affaires) và ký thác (banques de dépôts) đã bị trì hoãn trong việc thực thi vì áp lực của lobby ngân hàng. Chính việc không tách rời này tại châu Âu đã khiến ngân hàng Dexia bị khủng hoảng do nợ xấu bất động sản hơn 100 tỷ euros và phải tái cấu trúc với cái giá đáng kể. Việc tiêu chuẩn hoá phát hành các loại tín dụng thứ cấp (dérivés de crédits, credit swaps) mang tính hiểm tai như CDS (credit default swaps- hiểm tai không trả)- nhân tố chủ yếu trong việc lan rộng của nợ subprimes- đã không được thực hiện. Đây chính là những tích sản được coi là độc hại (actifs toxiques) mà hiện các ngân hàng lớn Âu Mỹ đang nắm giữ với số lượng rất lớn. Trong gói nợ khổng lồ của Ái Nhĩ Lan và Hy Lạp, thành phần CDS chiếm tỷ lệ đáng kể. Các ngân hàng Tây Ban Ban Nha được ước tính chứa 230 tỷ euros tích sản độc hại trong đó 50 tỷ liên quan đến bất động sản. Ngân hàng Pháp Société Générale chứa đến 35 tỷ euros tích sản độc hại. Ngân hàng Dexia với trên 100 tỷ euros tích sản độc hại đã khiến chính phủ Pháp phải bảo đảm 33 tỷ euros cho phần tái cấu trúc ‘bad bank’. Pháp đang lo ngại bị xuống hạng bởi cơ quan đánh giá tín dụng Moody’s (5). Đây là mối lo thực sự vì sẽ ảnh hưởng đến lãi suất công khố phiếu hiện đã khá cao (3%) so với Đức (2,4%).
Bài học nợ subprimes đã không được cả Mỹ lẫn Âu rút tỉa vì thế lực của giới tài chính.
Hiện ông Obama đang ở trong tình thế bị đảng Cộng hoà ngăn cản (tái cử !) khi đưa ra những biện pháp chống suy thoái như kế hoạch trợ giúp tăng việc làm 447 tỷ MK và tăng thuế nhà giàu trên 200 000 USD. Mỹ, mặc dù những hạn chế vì nợ công và khiếm hụt ngân sách cao vẫn còn khả năng để áp dụng một chính sách tăng chi phí đầu tư (với sự hỗ trợ của FED) đối với những lĩnh vực mũi nhọn gia tăng công ăn việc làm (hạ tầng cơ sở, môi sinh, giáo dục..). Lý do là Mỹ có khả năng phát hành Mỹ kim, một đồng tiền được dùng làm dự trữ quốc tế và vẫn cao giá. Đây là điều mà các nước sử dụng đồng Euro không làm được, và khiến đi đến bất đồng quan điểm giữa Mỹ và châu Âu trong việc giải quyết khó khăn hiện nay. Cuối cùng thì Mỹ thừa nhận là châu Âu phải ưu tiên giải quyết vấn đề nợ công nhưng đề nghị một chính sách khắc khổ đúng mức để không làm tụt giảm phát triển. Điểm quân bình này vẫn là điều gây tranh cãi và khó thực hiện (vì phải tăng thu, giảm chi nói chung mà vẫn có biện pháp kích thích đầu tư). Giáo sư được giải Nobel kinh tế Joseph Stiglitz thì dứt khoát phê phán chính sách khắc khổ (‘quy tắc vàng’ về quân bình ngân sách), cho rằng nó kềm hãm phát triển. Chúng tôi cho rằng phải nhìn vấn đề theo chính sách đối phó đoản kỳ hay trường kỳ và tùy thực trạng từng nước. Hiện nay chỉ hai nước Thụy Điển và Gia Nã Đại là thực hiện thành công chính sách khắc khổ. Đối với các nước châu Âu đang gặp khủng hoảng trầm trọng, chắc sẽ phải ưu tiên « quy tắc vàng » về quân bình ngân sách vì các nước này đã quá buông lỏng quản lý ngân sách.
Dù sao cái vòng luẩn quẩn giữa tăng trưởng giảm và nợ cao rất khó giải quyết. Nước Nhật hơn 20 năm nay vẫn chưa ra khỏi vòng luẩn quẩn này vì số nợ khổng lồ hơn 220% GNP, mặc dù chỉ có 5% là nợ nước ngoài. Mỹ sẽ phải đối phó với vấn nan này trong tương lai vì đã sống quá lâu trên mức khả năng của mình (cả chinh quyền và người tiêu thụ) (6) như ông Obama đã thừa nhận. Nợ quá nhiều là giới trẻ sẽ phải trả. Trước mắt, những tranh chấp có tính cách giáo điều và phe phái (Cộng hoà, Dân chủ) sẽ khiến Mỹ không giải quyết thực sự tình trạng thất nghiệp cao. « Giấc mơ Mỹ quốc » giờ đây không còn nữa.
Châu Âu hiện cũng phải giải quyết vấn đề nợ công và khiếm hụt ngân sách mà nếu tính chung khu vực euro thì khối nợ tổng cộng (85,1% GDP, 2010) và khiếm hụt trung bình (6% GDP) còn thấp hơn nhiều so với Mỹ (100% và 10% GDP). Vấn đề là đối với các nước ngoại vi (pays périphériques) như Hy Lạp, Ái Nhĩ Lan, Ý chưa kể Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha thì mức nợ công và khiếm hụt ngân sách rất cao. Năm 2010, 14 trên 17 thành viên khu vực Euro ( kể cả Đức, Pháp) đã vượt mức nợ công tối đa 60%, một trong 4 tiêu chuẩn của hiệp ước Maastricht. Sự vượt mức này phần lớn do hậu quả của chính sách đối phó với khủng hoảng năm 2008 (Pháp, Đức), và chạy theo bong bóng bất động sản ở một số nước như Ái Nhĩ Lan, Tây Ban Nha. Về khiếm hụt ngân sách các nước như Ái Nhĩ Lan (32,4% GDP), Hy Lạp (10,5%), Tây Ban Nha (9,2%), Bồ Đào Nha (9,1%), Pháp (7%) đều đã vượt mức tối đa 3% GDP của tiêu chuẩn Maastricht mà không có cơ chế cảnh báo, chế tài thích đáng. Chỉ có Đức là tuân thủ tiêu chuẩn. Ủy ban châu Âu (ủy viên kinh tế) và chủ tịch nhóm Euro, ông Jean Claude Juncker, bất lực, trông vào hai nước Đức, Pháp thường xuyên bất đồng trong việc giải quyết. Điểm bất đồng chính cho đến nay: Đức không chấp nhận giải pháp phát hành « euro-bonds » được ông J.Cl.Juncker và hầu hết các kinh tế gia cho là toàn hảo nhất để giải quyết vấn đề nợ. Đức cũng không chấp nhận đề nghị của Pháp muốn FESF vay BCE hầu gia tăng khả năng tác dụng đòn bảy 440 tỷ euro vì cho là trái với quy lệ của BCE (điều 123) và quốc hội Đức không chấp nhận.
Cuộc khủng hoảng nợ khu vực Euro trước hết là khủng hoảng lãnh đạo
Chúng ta biết khâu yếu nhất của khu vực Euro là Hy Lạp. Trong việc xin gia nhập khu vực Euro, Hy Lạp đã tìm cách gian lận các con số thống kê mà phải đến năm 2009, sự thật mới được chính phủ Papandréou công bố (khiếm hụt 12,7% rồi 13,6% GNP thay vì 6%) và hậu quả là bị cơ quan đánh giá tín dụng S&P xuống hạng BBB+ và gia tăng lãi suất công khố phiếu. Ở đây, tất cả các nhà phân tích đều thừa nhận là khu vực Euro đã quá dễ dãi để Hy Lạp gia nhập mặc dù không đủ tiêu chuẩn. Đi kèm với khiếm hụt ngân sách là khối nợ tăng vọt vì nước nhỏ bé 10 triệu dân này đã sống quá khả năng của mình nhiều lần (nợ 350 tỷ euros). Lý do mà người đều biết là nền kinh tế nước này sống dựa vào mọi hình thức « kinh tế ngầm» để trốn thuế, từ người lái taxi đến ông chủ nhà hàng, bác sĩ..(khoảng 35 tỷ euro năm 2010), đặc quyền đặc lợi về đất đai (giáo hội Chính thống), miễn thuế lợi tức (giới vận chuyển hàng hải), xây cất bất hợp pháp, về hưu quá sớm (50 tuồi), viên chức tham ô (ban tổ chức thế vận hội 2004 đã tăng chi phí hàng chục lần)….
Trước tình trạng có nguy cơ phá sản, vào tháng 5/2010, cộng đồng châu Âu và IMF đã phải phải đưa ra kế hoạch cứu trợ 110 tỷ euro trong 3 năm (gói thứ sáu 8 tỷ euro vừa được chấp thuận để tránh phá sản, nhưng chỉ là tạm thời). Khu vực Euro cũng đề ra Quỹ ổn định tài chính châu Âu (FESF) với 750 tỷ euro (440 tỷ do khu vực Euro đóng góp mà Đức, Pháp chiếm phân nửa, 250 tỷ do IMF) để trợ giúp cho các nước gặp khó khăn. Quỹ này phải đến 21/7/2011 mới mở rộng thẩm quyền (cho phép mua lại trái phiếu trên thị trường, cho các quốc gia đang gặp khó khăn vay và trợ giúp các ngân hàng gặp khó khăn). Quy chế mở rộng này phải chờ đến trung tuần tháng 10/2011 mới được 17 nước phê chuẩn. Đi kèm theo sự trợ giúp, Hy lạp phải chấp nhận một chính sách khắc khổ gắt gao và đã đưa đến đình công liên tục. Mặc đù vậy, tiêu chỉ hạ khiếm hụt không thực hiện nghiêm chỉnh (năm 2011, khiếm hụt khoảng 8,5% so với 7,4% đề ra. Kế hoạch khắc khổ mới dự trù cho nghỉ việc 30 000 nhân viên, giảm lương, tư nhân hoá một số lĩnh vực… Việc không thực hiện còn do mức tăng trưởng của Hy Lạp trong ba năm liền là số âm (-5% năm 2011) nên không có đủ thuế thu. Đây là cái vòng luẩn quẩn mà Hy lạp sẽ không có đường giải quyết món nợ nếu không được xoá nợ đáng kể và đặc biệt là phải được trợ giúp đầu tư.
Vào cuối năm 2010, nợ công của Ái Nhĩ Lan (Ireland) cũng bùng nổ đưa đến kế hoạch cứu trợ 85 tỷ euro của cộng đồng châu Âu và IMF. Ngân hàng trung ương châu Âu (Banque Centrale Européenne - BCE) cũng phải phá rào mua lại hàng chục tỷ trái phiếu. Cho đến nay, kế hoạch khắc khổ đi kèm với khích lệ đầu tư đã có phần hiệu quả.
Về nợ công của Bồ Đào Nha (Portugal) cũng bùng nổ vào tháng 5/2011 khiến cộng đồng châu Âu và IMF cũng phải cứu trợ đặc biệt 78 tỷ euro chưa kể ngân hàng trung ương châu Âu mua lại hàng chục tỷ trái phiếu. Bồ Đào Nha phải cam kết đưa ra kế hoạch khắc khổ giảm khiếm hụt còn 5,9% năm 2011 so với 9,1% năm 2010.
Tinh trạng của Ý cũng rất trầm trọng. Nợ công lên đến 1900 tỷ euro (120% GNP), bị sụt hạng A và hiện phải vay với lãi suất 6%. Ngân hàng BCE đã phải mua lại cấp thời hàng chục tỷ trái phiếu nhưng không đủ. Ý đã đưa ra kế hoạch khắc khổ mạnh mẽ và hứa thực hiện cân bằng ngân sách năm 2013 nhưng vì tỷ lệ phát triển quá thấp (thu thuế giảm) nên khó có khả năng thực hiện. Chưa kể những khiếm khuyết cơ cấu trầm trọng ( lậu thuế, tuổi về hưu thấp..) và tình hình bất ổn chính trị nội bộ.
Kế hoạch cuối cùng để cứu Hy-Lạp và đồng Euro
Bị thế giới thúc bách và tình thế nợ ngày càng nguy ngập, khu vực Euro và Liên minh châu Âu đã họp bàn ngày 23/10 và 26/10/2011 để đưa ra kế hoạch giải quyết tổng thể và lâu dài, được coi là cơ hội cuối để cứu Hy Lạp và đồng Euro. Đêm 26/10/2011 được coi là đêm dài nhất tại Bruxelles (10 giờ thương thảo căng thẳng) với 20.000 ký giả theo dõi. Kết quả là những bước tiến đáng kể sau, đã khiến thị trường chứng khoán thế giới tăng vọt (CAC40 tăng 6,2%..):
-Đối với Hy Lạp : Các ngân hàng, sau nhiều cò kè đã phải chấp nhận xoá nợ 50% trên trị giá trái phiếu Hy Lạp 200 tỷ euro trong tổng số 350 tỷ nợ (7). Đây là một bước tiến và là thành công chính của hội nghị vì ngày 21/7/2011, các ngân hàng chỉ « tự nguyện » xóa nợ 21%. Tất nhiên điều này gây khó khăn cho các ngân hàng giữ nhiều trái phiếu Hy Lạp nhất, đặc biệt là các ngân hàng Hy Lạp chiếm giữ 22% trái phiếu. Để bù đắp vào sự mất mát và để đáp ứng tiêu chuẩn Bâle 3 về vốn tự hữu (9%), các ngân hàng được yêu cầu tái bổ sung vốn (recapitaliser) 108 tỷ euro nhưng không nói phương cách thực hiện. Đối với Pháp, các ngân hàng chỉ cần bổ sung 10 tỷ và có thể tự thực hiện bằng cách lấy từ trị giá lợi nhuận tương ứng, không cần Nhà nước đóng góp. Trong mọi trường hợp, các ngân hàng sẽ hạn chế cấp tín dụng cho các tư nhân, xí nghiệp cần vốn và do đó ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế.
Hy lạp cũng được cho vay 100 tỷ euro (trong kế hoạch trợ giúp 2) trong 4 năm với lãi suất thấp 3,5%. Hơn nữa, trên 400 triệu euro sẽ được đầu tư để phục hồi phát triển (đi đúng hướng).
-Về vai trò của Ngân hàng trung ương châu Âu BCE: Tân chủ tịch người Ý đã can đảm hứa sẽ tiếp tục mua lại các trái phiếu những nước gặp khó khăn như trước đây mặc dù có phần « không mấy hợp lệ » (non conventionnelle) so với nội quy.
-Về việc tăng cường khả năng tác dụng 440 tỷ euro của FESF. Thực ra khả năng cho vay 440 tỷ euro đã bị giảm gần một nửa vì đã dùng để cứu Ái Nhĩ Lan và Bồ Đào Nha, chưa kể phải dành ra 100 tỷ euro cho kế hoạch thứ hai để cứu trợ Hy Lạp. Để có thể đối phó với nhu cầu của các nước ngập nợ cần được giúp đỡ (trong đó có cả Ý), phải sử dụng phương thức đòn bảy tăng hiệu lực gấp bốn để có được khoảng 1.000 tỷ euro trong thời gian đầu. Các biện pháp tăng hiệu lực của FESF gặp trở ngại vì giới hạn mà quốc hội Đức đưa ra:Không cho phép FESF nhờ BCE và không tăng đóng góp. Hai biện pháp đề ra có thể kết hợp để tăng hiệu lực: Một là FESF sẽ bảo lãnh một phần các trái phiếu của các nước mang nợ cần vốn, hai là thiết lập một quỹ đặc biệt dựa vào IMF để có thể nhận đóng góp của các nhà đầu tư bên ngoài (kể cả Trung Quốc, Nga, Nhật, tỏ ý rất muốn ‘đóng góp’). Trung Quốc với khối dự trữ ngoại tệ khổng lồ 3200 tỷ USD và giữ hàng trăm tỷ trái phiếu Hy Lạp, Ý nay rất cần sự phục hồi của Âu châu và đồng Euro, vì 1/3 xuất khẩu nước này là châu Âu. Những tháng gần đây nhiều nhà máy xuất khẩu sang châu Âu đã phải đóng cửa vì hoạt động sa sút. Cứu Euro là cứu chính mình.
-Đặc biệt quan tâm đến tình trạng khả năng trả nợ 1900 tỷ của Ý. Khu vực Euro quy trách Ý không thực hiện các cam kết về giảm khiếm hụt ngân sách và cải tổ kinh tế (tăng tuổi về hưu lên 67, kế hoạch kích thích đầu tư). Thủ tướng Berlusconi đã hứa chấp hành nghiêm chỉnh để có thể hưởng sự giúp đỡ của FESF.
-Về cải tổ khả năng lãnh đạo khu vực Euro, hội nghị đồng ý để uỷ viên kinh tế của Ủy ban châu Âu kiêm nhiệm đặc trách về khu vực Euro. Đây chỉ là bước tiến nhỏ đối với yêu cầu một cơ chế lãnh đạo kinh tế châu Âu (gouvernance économique européenne) do Pháp đề nghị.
Phải nói là những quyết định của hội nghị Bruxelles tuy chưa đầy đủ nhưng đã tạm thời xoa dịu những nỗi lo ngại của thị trường nhất là đối với sự phá sản của Hy Lạp. Nhưng sự xoa dịu này chỉ là nhất thời.
Thực vậy, nếu những quyết định của hội nghị Bruxelles có thể nhất thời làm giảm nguy cơ tan rã của đồng Euro và châu Âu, nhưng những thách đố kế tiếp không nhỏ. Thách đố thứ nhất là khả năng thực hiện những biện pháp đã đề ra mà không có xáo trộn xã hội do những biện pháp khắc khổ quá đáng và không công bình gây ra. Thách đố thứ hai là sự đổ vỡ hệ thống ngân hàng (hiện đang bị xáo trộn và càng xáo trộn hơn) như đã xảy ra cho Lehman Brothers. Nhưng thách đố quan trọng hơn vẫn là khả năng thực hiện những biện pháp kích thích sự tăng trưởng, đặc biệt là tại những nước yếu nhất trong khu vực Euro. Bởi nếu không tăng trưởng thì thu càng ít và nợ cùng khiếm hụt càng tăng, cái vòng lẩn quẩn mà chúng ta đã biết. Giáo sư Mỹ nổi tiếng Nouriel Roubini, người đã đoán trước hai năm về khủng hoảng nợ subprimes 2008, vừa cho rằng có xác suất trên 50% nền kinh tế các nước phát triển sẽ gặp suy thoái mới năm 2012 (suy thoái kép). Ông đưa ra hai giải pháp: Giảm giá đồng Euro để tăng xuất khẩu và đưa mức lãi suất cho vay xuống gần mức 0% để phục hồi phát triển ngắn hạn. Đây cũng là ý kiến của người vừa được giải Nobel kinh tế năm 2011 (Thomas Sargent và Christopher Sims) .
Chúng tôi cho rằng chúng ta phải chuẩn bị cho khả năng suy thoái mới năm 2012 khi mà chính những nước đầu đàn khu vực Euro như Đức và Pháp đã đưa ra những dự kiến theo hướng này. Điều mà chúng ta muốn biết là hậu quả sự suy thoái đó đối với nền kinh tế hàng thứ nhì thế giới: Trung Quốc.
Theo giáo sư Roubini, sự giảm nhu cầu nhập cảng của châu Âu và Mỹ cũng như mức nợ xấu rất cao, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản (8) khiến cho người ta có thể dự kiến một sự hạ cánh mãnh liệt của Trung Quốc trong hai, ba năm sắp tới. Ông thêm rằng hiện chưa có một trường hợp thoát hiểm nhẹ nhàng nào trong quá khứ đối với tăng phát (boom) do siêu đầu tư gây ra.
Kinh tế thế giới suy trầm hơn vào thời kỳ 2008 với những hệ quả chính trị, xã hội. Trung Quốc hạ cánh với những hệ quả khó lường cả đối nội lẫn đối ngoại. Phải chăng đây là bức tranh đen tối đang chờ đợi chúng ta.
Tiến Hồng
Rennes, 28/10/201
Rennes, 28/10/201
© Thông Luận
(1)Thứ hạng một vài nước tiêu biểu: AAA: Anh, Pháp, Đức, Gia Nã Đại, Úc. AA+: Hoa Kỳ, Bỉ, Tân Tây Lan. AA : Tây Ban Nha. AA-: Nhật Bản, Trung Quốc. A : Ý (mới bị xuống hạng từ A+). A- : Ái Nhĩ Lan. BBB- : Bồ Đào Nha. Việc xếp hạng này do nhiều yếu tố (triển vọng tăng trưởng, tình trạng nợ công, khiếm hụt ngân sách…) và ảnh hưởng đến lãi suất công khố phiếu trả cho các nhà đầu tư. Ý phải trả lãi suất 6% so với Đức 2,4%. Tại nhiều nước, riêng việc trả lãi nơ công khố phiếu chưa kể trả vốn đã là khoản chi lớn nhất nhì của ngân sách (Pháp).
(2)Hiện nay 1% người giàu nhất nước Mỹ làm chủ 40% tài sản của Hoa Kỳ (so với 33% một phần tư thế kỷ trước). Trong khi 80% người dân ở mức thấp nhất làm chủ chỉ có 7% tài sản nước Mỹ. Hiện 46 triệu người Mỹ phải nhờ đến phiếu thực phẩm.
(2)Hiện nay 1% người giàu nhất nước Mỹ làm chủ 40% tài sản của Hoa Kỳ (so với 33% một phần tư thế kỷ trước). Trong khi 80% người dân ở mức thấp nhất làm chủ chỉ có 7% tài sản nước Mỹ. Hiện 46 triệu người Mỹ phải nhờ đến phiếu thực phẩm.
(3)Theo lượng định của IMF, mức tăng trưởng của khu vực Euro năm 2011 được ước tính là 1,6% (so với 2% trước đó). Còn năm 2012, mức tăng trưởng sẽ chỉ còn 1,4% (so với 1,7% trước đó). Tại Đức, mức tăng trưởng sẽ là 2,9% năm 2011 và chỉ còn 1% năm 2012. Tại Pháp, mức tăng trưởng dự trù năm 2012 mới được hạ thấp từ 1,75% còn 1%. Tại Mỹ, mức tăng trưởng năm 2011 được ước tính là 1,5% (so với 2,5% trước đó). Năm 2012, mức tăng trưởng này chỉ là 2% (so với 2,7% trước đó).
(4)Suy thoái kép (double dip- récession à double creux) là diễn trình đi từ suy thoái đầu (2008), sau đó hồi phục nhẹ rồi lại suy thoái tiếp (hiện nay) trước khi sẽ hồi phục. Cả Mỹ lẫn Âu châu đều đang đi vào quỹ đạo này.
(5)Có 3 cơ quan đánh giá tín dụng hàng đầu: Standard & Poor’s, Ficht Ratings và Moody’s. Trong dĩ vãng các cơ quan đánh giá tín dụng đã đánh giá sai lầm về khủng hoảng nợ subprimes (2008). Việc Mỹ bị tụt hạng cũng do sự tính toán sai về nợ. Sự thống trị của các cơ quan này bị chỉ trích vì nhiều khi đã châm dầu vào lửa.
(6)Mức tiết kiệm của người dân Mỹ đã xuống mạnh hàng chục năm gần đây, hiện chỉ là 1,5% lợi tức, quá thấp không đủ cho nhu cầu đầu tư. Lý do chính là do sử dụng nhiều thẻ tín dụng để tiêu thụ quá khả năng lợi tức. Ở Pháp tình trạng khá hơn nhiều (17%) nhưng không được tận dụng cho đầu tư.
(7)Trong tổng số nợ 350 tỷ euro, có phần tiền vay 150 tỷ không bị ảnh hưởng bởi xóa nợ 50%.
(8)Nợ địa phương của Trung Quốc lên tới 25% GNP do các ngân hàng cho vay ngắn hạn chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản và không đem lại kết quả khiến chính quyền địa phương không trả được nợ. Nợ của chính quyền trung ương cũng gia tăng mạnh và lên tới 40% GNP.http://ethongluan.org/component/content/article/890-khung-hoang-no-va-suy-thoai-kep-di-ve-dau.html
0 comments:
Post a Comment