Huỳnh Việt Lang
"Khi bài báo này được đưa lên mạng, tại ga xe lửa Sài Gòn chỗ Hòa Hưng có nhiều bạn trẻ sinh viên và công nhân lủi thủi ra về. "
Mở đầu đợt bán vé năm nay là lộ trình từ Sài Gòn tới các ga từ Đông Hà (Quảng Trị) trở ra đến Hà Nội. Đây là những tuyến có lượng khách đông nhất và khó mua vé vào dịp Tết. Hình thức đặt vé qua mạng năm nay bắt đầu từ ngày 15/11 với tình trạng mạng quá tải cả buổi sáng. Nếu như ngày 15/11 còn vé thì mạng kẹt, rồi qua ngày 16/11 được thông mạng thì chỉ còn vé giá cao. Bổn cũ được soạn lại, nếu năm 2009 chơi trò nhắn tin qua mạng, năm 2010 với màn đặt vé qua mạng - cả hai năm mạng đều bị nghẽn mạch, tình trạng ác mộng vé tàu Tết lặp lại đến năm thứ ba.
Sau hàng loạt tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra trên quốc lộ 1 trong thời gian qua, làm dân ta cảm thấy quá ớn lạnh. Mỗi lần leo lên xe đò đi đâu xa đều có cảm giác tựa Kinh Kha sang Tần… Ai cũng ngại chết đường chết chợ, nên ráng giữ cái thân mà còn về gặp mẹ cha nhân ngày Tết, điều này khiến mọi người đổ xô đi mua vé tàu lửa. Mặc dù vé xe lửa mắc hơn nhiều so với giá xe đò, đã vậy vé tàu Tết năm nay còn mắc hơn năm trước, tùy từng đoàn tàu, mức tăng tối đa so với năm ngoái tới 39%.
Hình thức đặt chỗ trên mạng, khách hàng buộc phải đăng ký một tài khoản, theo quy định của Cty vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn (KSG) cũng lắm điều nhiêu khê. Nhiều người đã có tài khoản (từ những lần đặt chỗ mua vé các dịp Tết trước đây), vì lâu ngày không xử dụng nên quên mật khẩu, quên tên đăng nhập nên buộc phải đăng ký lại. Tuy nhiên, khi thực hiện các bước đăng ký tài khoản lại thì hệ thống không cho phép đăng ký, với lý do một số thông tin (số CMND, tên, email) đã được đăng ký. Hay hệ thống đặt vé qua mạng của KSG không thể ghi nhận được khách người lớn hay khách trẻ em, nên giá vé luôn được tính là người lớn, tiền chênh lệch trả sau.
Qua trưa ngày thứ hai (16/11), website vetau.com.vn đã hoạt động lại bình thường; một nửa trong tổng số vé của đợt 1 đã bán ra, các chỗ ghế ngồi và giường nằm không máy lạnh cũng bán hết. Đến hôm nay (17/11), vé tàu trên website www.vetau.com.vn đã hết chỗ đi vào những ngày cao điểm từ 23 - 27 tháng chạp âm lịch, đối với các ga đến như: Vinh, Thanh Hóa, Phủ Lý, Nam Định...
Liệu có bao nhiêu công nhân và sinh viên có đủ tiền đi tàu giường nằm máy lạnh, với giá 2.088.000 đồng/vé - nhiều hơn gấp rưỡi (54%) mức lương tối thiểu một tháng của công nhân. Tuy nhiên, tính ra giá 2 cái vé này cũng rẻ rề so với tiền một chai Ballantines 30 loại 0.75l (*).
Câu chuyện bán vé tàu tết qua mạng quả còn lắm điều suy nghĩ. Rốt cuộc thì nhà tàu đã bán hết vé song liệu khách hàng có nhu cầu mua được vé hay không còn là một vấn khó có thể trả lời ngay được. Phải chăng một trò chơi trục lợi cổ điển được trình bày với công nghệ hiện đại năm nay lại tái diễn.
“Không thành công thì cũng thành... Thăng”
Bàn về cái sự đi lại chẳng thể không nhớ đến ông tư lệnh ngành giao thông tân nhiệm là Đinh La Thăng. Đây là một nhân vật đã làm cho giới báo chí trong nước tốn khá nhiều giấy mực, có những tuyên bố đầy ấn tượng đến mức… vi hiến kiểu như, cấm cán bộ đi đánh golf. Trong dân gian, ông này thành danh với câu vè: “Không thành công thì cũng thành... Thăng”. Xe gì cũng là xe, giả sử thay vì đi xe bus mỗi tuần, dạo cuối năm này ông Thăng nên thử quá bộ một chuyến xe lửa để hiểu thêm dân tình.
Mong sao ông Bộ trưởng Đinh La Thăng làm giống như từng tuyên bố cho dân nhờ, chớ tệ như mấy tổng công ty quốc doanh mà ông từng nắm thì buồn lắm lắm. Các công nhân trong Tổng công ty Sông Đà đận nay bói không ra việc, họ nhớ ông lắm. Tổng công ty này có giá trị đầu tư thấp hơn kế hoạch 59%, trong khi giá trị đầu tư bình quân trong khối doanh nghiệp trung ương đạt từ 60 – 70% kế hoạch. Theo đánh giá của Kiểm toán nhà nước, hệ số nợ phải trả/nguồn vốn đầu tư chủ sở hữu của Tổng công ty Sông Đà là 11 lần; tình trạng thiếu vốn do chưa được chủ đầu tư thanh toán công nợ lên đến trên 5.500 tỷ đồng. Tổng công ty Sông Đà từng do ông Thăng làm Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty những năm 2001 – 2003.
Bô. trưởng Đinh La Thăng Nguồn ảnh: http://dinhlathang.net |
Cho nên có vị đại biểu Nguyễn Bá Thuyền chuẩn bị một câu chất vấn kỳ họp Quốc hội này thoạt nghe tào lao, song nghĩ kỹ lại rất ‘tình hình’, “Không học về chuyên ngành giao thông, nhưng được giao nhiệm vụ làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, khó khăn lớn nhất của Bộ trưởng là gì?” Té ra ông này hỏi theo kiểu chặn họng, vì trước đây khi một số vị bộ trưởng có khuyết điểm Quốc hội chất vấn thì thường nhận được câu trả lời: tôi không học chuyên ngành mà do đảng phân công.
Đại biểu Thuyền còn đặt ra tiếp một giả sử: nếu anh không làm được thì anh phải xin từ chức chứ không thể nói là anh không học chuyên ngành được. Cái đáo để của đại biểu Thuyền nằm chỗ: đây chỉ là giả sử chớ phải một lẽ thường tình tất yếu. Bởi ông đại biểu này cũng dư sức biết: làm không được việc mà ai đó không thèm từ chức, chẳng phải do vô liêm sỉ/mặt thớt mà do đảng chưa cho từ chức (?)
Thượng lộ bình an nhe!
Khi bài báo này được đưa lên mạng, tại ga xe lửa Sài Gòn chỗ Hòa Hưng có nhiều bạn trẻ sinh viên và công nhân lủi thủi ra về. Hoặc họ vì nghèo nên không đủ tiền mua được vé tàu hạng sang, hoặc đơn giản là vé tàu giá chính thức đã hết. Nhiều người trong họ đành cắn răng giao trứng cho ác, leo lên những chuyến xe đò tử thần, những chuyến xe đường xa mà đôi khi tài xế không có bằng lái xe… Chuyện bất hạnh đường xa năm nào cũng có… nhiều người trong họ đang nghẹn ngào chúc nhau một câu: thượng lộ bình an nhe.
Ngày 17/11/2011
© DCVOnline
0 comments:
Post a Comment