Phái đoàn Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội Việt Nam gặp Tổ chức Lao động Quốc tế Hàn Quốc, Seoul, 27/10/2010. KOILAF/Tổ chức Lao động Quốc tế Hàn Quốc
Từ đầu tháng 9/2011 đến nay, từ phía Hàn Quốc lại rộ lên nhiều tín hiệu, gây áp lực lên chính phủ Việt Nam, theo đó Hàn Quốc có thể chấm dứt các hợp đồng nhận lao động xuất khẩu với Việt Nam, nếu tình trạng lao động Việt Nam ở lại quá hạn hay bỏ trốn không được giải quyết. Tại sao có rất nhiều lao động Việt Nam chọn con đường sống bất hợp pháp và những giải pháp nào là khả dĩ cho vấn nạn này ?
Trên thực tế, vấn đề người lao động Việt Nam ở lại khi hợp đồng đã mãn hạn hay bỏ trốn khỏi doanh nghiệp, gọi chung là lao động bất hợp pháp, không phải bây giờ mới có. Ngay từ năm 2007, khoảng 10.000 người lao động Việt Nam đã bị chính phủ Hàn Quốc đe dọa trục xuất, vì hết hạn giấy tờ hay bỏ ra ngoài làm. Tình hình lao động bất hợp pháp Việt Nam tại Hàn Quốc 4 năm sau, về cơ bản vẫn chưa được cải thiện. Vào thời điểm đầu năm nay, trong số hơn 60.000 lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS (chương trình lao động phổ thông người nước ngoài) vẫn còn đến gần 9.000 lao động Việt Nam ở trong tình trạng bất hợp pháp.
Hàn Quốc là một trong các thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất, và cũng ở đây, người lao động có mức thu nhập cao so với nhiều nơi khác. Lao động từ Việt Nam cũng được đánh giá cao tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, dường như phía Hàn Quốc không có lựa chọn nào khác, nếu tình hình này tiếp tục kéo dài. Theo thông tin từ báo chí Việt Nam, Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc đã hủy bỏ kỳ thi dự kiến vào tháng 8, khiến 16.500 người mất cơ hội dự tuyển. Kỳ thi tới dự kiến vào tháng 4-5 năm 2012 cũng có thể sẽ bị hủy bỏ và Việt Nam có thể bị loại khỏi danh sách các quốc gia đối tác với Hàn Quốc trong lĩnh vực xuất khẩu lao động.
Để tìm hiểu về những nguyên nhân chính nào đã dẫn đến việc hàng loạt lao động Việt Nam chọn cuộc sống ngoài vòng pháp luật từ nhiều năm nay, RFI Việt ngữ đặt câu hỏi với tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng (từ Virginia – Hoa Kỳ), người có nhiều kinh nghiệm trợ giúp lao động xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt tại Malaysia và Đài Loan. Tiếp theo đó, là các nhận định của ông Đặng Như Lợi, phó Trưởng ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội Việt Nam. Đóng góp cho tạp chí còn có linh mục Nguyễn Thông, phụ trách mảng Việt Nam trong Văn phòng Phúc lợi Xã hội của Trung tâm Công giáo Busan và một công nhân Việt Nam từ Busan.
Nợ nần và các nguyên nhân khác của lao động bất hợp pháp
Từ Virginia (Hoa Kỳ), ông Nguyễn Đình Thắng cho biết ý kiến :
« Thực sự ra, chúng tôi thấy rằng, tình trạng như thế rất là phổ biến, không riêng ở Nam Hàn, mà ở nhiều quốc gia khác. Chẳng hạn năm 2005, tại Đài Loan, đã có 20.000 lao động Việt Nam, hoặc bỏ trốn trước khi hết hạn hợp đồng, hoặc hết hợp đồng nhưng vẫn trốn ở lại. Chính phủ Đài Loan lúc đó cũng đặt vấn đề tạo áp lực với Việt Nam phải giải quyết tình trạng ấy. Có một số lý do sau đây.
Chẳng hạn như, ở bên Đài Loan, rất phổ biến tình trạng những người ra đi lao động bị nợ nần ở Việt Nam quá nhiều, vì phí dịch vụ quá cao. Có những người phải thế chấp tài sản. Và khi đến nơi, họ nhận được đồng lương không như lời hứa hẹn, mà thực tế thấp hơn rất nhiều. Thành ra họ không thể trả được tiền, ngay cả tiền lãi cũng không đủ sức trả. Do đó, họ phải phá ngang và ra ngoài làm việc bất hợp pháp. Và vì làm bất hợp pháp không có giấy tờ, nên các chủ mới lại càng lợi dụng và bóc lột nặng hơn nữa. Thành ra cái vòng luẩn quẩn cứ như vậy. Họ phải ở nán lại để lao động và tìm tiền từ từ để trả dần khoản nợ ở Việt Nam.
Tôi cho rằng một phần lớn trong số những người ở tại Nam Hàn, không chịu về nước, ở lại bất hợp pháp, nếu như được giải quyết tận gốc tại Việt Nam, thì họ cũng không muốn sống trốn tránh đâu. Bởi vì, sống trốn tránh ngoài vòng pháp luật rất nguy hiểm, và dễ dàng bị bóc lột hơn là nếu như có đầy đủ giấy tờ. »
Cách giải thích kể trên của tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng không phải là cách duy nhất để lý giải về tình trạng lao động Việt Nam làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Sau đây là các nhận định của ông Đặng Như Lợi, phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Việt Nam :
« RFI : Theo anh, tại sao lại để tình trạng hàng nghìn lao động không về nước như thế ?
Ông Đặng Như Lợi : Thứ nhất là, bên ấy điều kiện sướng hơn, ăn ở quen rồi, lương thì cao, về trong nước thì không có công ăn việc làm theo ý muốn của mình như thế, thì làm gì mà họ chẳng trốn lại. [Đấy là] Cái quyền lợi cá nhân họ. Thôi thì cứ ở lại, bị bắt thì về. Nếu không bị bắt, thì ở thêm một hai năm nữa, thì cũng bằng ở nhà làm hàng chục năm. Mà khí hậu cũng khô ráo, mát mẻ, sạch sẽ, đã quen rồi, tiếng tăm cũng đã biết rồi. Con người nào cũng chẳng vậy ! Mà lại toàn là nông dân. Nông thôn thì cách nhìn đâu có phải là cách nhìn của dân thành phố. Họ chỉ cần có tiền thôi. Còn nguyên nhân gì khác nữa ? Nguyên nhân chính là như thế đấy !
RFI : Thưa anh, có ý kiến của một số nhà nghiên cứu, hình như ngay ở Ủy ban Quốc hội cũng đưa ra là, một số người lao động phải trả rất nhiều tiền trước khi sang đó. Vì họ nợ nần nhiều như vậy, nên …
Ông Đặng Như Lợi : Có hai vấn đề. Một là doanh nghiệp, hai là người lao động. Doanh nghiệp thì, đối với trường hợp của Đài Loan, về mặt ngoài thì công bố không có phí cho việc đưa người lao động sang. Nhưng không có phí thì không đến lượt mình. Thế là cái phí đó phải trả theo kiểu « đen ». Làm thế nào được ? Cái « đen » mình đâu có kiểm soát được ! Ngay cả các doanh nghiệp gọi là chính quy, làm ăn đâu ra đó ở Việt Nam thì không phải là nhiều. Nhưng ông nào làm được cũng tranh thủ cả. Thế là cứ đủ điều kiện là đăng ký [doanh nghiệp] thôi. [Trách nhiệm] việc kiểm soát của mình, của quản lý Nhà nước cũng có. Nhưng, năm 2009 đã có Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau đó, vào năm 2010, đã có Nghị quyết về vấn đề này, đánh giá tất cả, cái nào là cái hạn chế của Nhà nước, cái nào là hạn chế của doanh nghiệp, và cái nào là hạn chế của người lao động. Cái lớn nhất của người lao động của mình là cái tính tự giác rất kém, pháp luật thì không hiểu.
Khi [họ làm thủ tục] đi, doanh nghiệp đến tận các xã, nhưng họ không tin, họ cứ thích người trung gian cò mồi cơ. Họ có tin đâu. Đại đa số toàn đi theo « các trung gian ». Họ cứ đi theo kiểu, người này quen mách người kia, thì làm sao mình kiểm soát được. Mình tạo điều kiện là xã làm chứng nhận cho họ đi thôi, chứ cũng không gây khó khăn gì cả. Khi đi không thành, bắt đầu lại kêu. »
Trách nhiệm của việc ở quá hạn hay bỏ ra ngoài làm tại Hàn Quốc có phải là do người lao động phải trả quá nhiều lệ phí để được đi xuất khẩu, như phân tích của tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng và một bộ phận công luận tại Việt Nam, hay là do những người lao động muốn lợi dụng các điều kiện dễ dàng tại Hàn Quốc, như nhận xét của phó Chủ nhiệm Các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Như Lợi. Một công nhân làm việc tại Busan, hiện chưa hết hợp đồng cho chúng tôi biết ý kiến của anh :
« RFI : Thưa anh, trên báo chí nói rằng, mỗi người lao động sang Hàn Quốc phải trả từ 5.000 đến 7.000 đô la, có người phải mất nhiều hơn. Bản thân anh và những người bạn anh thì như thế nào ?
Người công nhân ở Busan : Có chứ, mình sang đây phải chạy tiền thôi, chứ biết làm sao được. Cái ấy ở bên này, 100 người thì 100 đều phải nợ cả. Sang bên này, mới biết là mất từng này, ở Việt Nam không biết, « cò » kiếm chác, lấy tiền của mình, mình không biết [để tránh]. Mình chỉ mất chỗ tiền « cò » ấy thôi.
RFI : Anh tính, nếu đi làm thì khoảng bao lâu hoàn trả được khoản nợ đó ?
Người công nhân ở Busan : Cứ tính lương trung bình, 1.000 đô một tháng, thì khoảng tầm 5, 6 tháng thì giả được. Nhưng trong 5, 6 tháng ấy, mình cũng phải chi tiền tiêu, tiền ăn thêm, vì bên này mình mới sang, lạ nước, lạ cái chưa biết, phải mua thêm ở ngoài ăn nữa, nên tốn kém hơn.
RFI : Giả sử anh và các bạn anh, nếu muốn kiếm thêm tiền, sau khi hết hợp đồng, có « dám » sống không giấy tờ không ? hay anh sẽ về nước ?
Người công nhân ở Busan : Cũng nhiều người chưa trả hết nợ, có người kiếm chưa đủ tiền về trang trải. Cả đời đi sang nước ngoài một lần kiếm tiền, cũng phải kiếm đủ để cho vài chục năm, hai chục năm đủ sống. Hiện tại bây giờ, có những chỗ làm « lưu vong » lương lậu chưa đủ tiền để về Việt Nam sống. Nhiều người cũng nợ nần nhiều. Có phải nợ tiền đi đâu, nợ tiền ở nhà chứ. Nói chung là nhiều khoản. Cũng có người ăn học mấy năm, có người đợi mấy năm mới đi được sang bên này. Có phải đơn giản đâu ! Tiền đấy cũng phải cộng vào. Tiền ấy cũng phải giả. Mình đi làm để giả nợ, với lại kiếm đồng tiền về để rồi làm ăn, chứ đâu phải được cái sang bên này vài năm, vài tháng là đủ tiền đâu. »
Lao động bất hợp pháp và tình trạng tội phạm gia tăng
Tình trạng lao động bất hợp pháp kéo dài tại Việt Nam, bên cạnh ảnh hưởng lớn được công luận quan tâm hàng đầu là ngăn cản việc Hàn Quốc và Việt Nam tiếp tục hợp đồng xuất khẩu lao động, còn có một hậu quả nghiêm trọng khác là làm tình trạng phạm tội gia tăng trong cộng người Việt tại Hàn Quốc. Sau đây là ý kiến của linh mục Nguyễn Thông, phụ trách mảng Việt Nam trong Văn phòng Phúc lợi Xã hội của Trung tâm Công giáo Busan :
« Một số mặt xấu là người ta cũng lợi dụng cái vấn đề gọi là « bất hợp pháp », và cũng nói rằng, ở Việt Nam làm không bao nhiều tiền, trong khi làm ở đây bằng ở Việt Nam làm năm năm, và v.v. và họ lấy những lý do khác để họ nán lại ở đây. Và khi ở đây, [trong môi trường] người bất hợp pháp, thường là xảy ra các ẩu đả, và làm những điều không nghĩ về hậu quả. Trong khi người hợp đồng, thì rất sợ về luật, cũng như sợ về các tệ nạn xã hội. Nếu có chuyện gì xảy ra thì họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Còn những người bất hợp pháp, không có trong danh sách hộ khẩu của Hàn Quốc, nhiều khi họ làm càn, họ làm tăng thêm mức độ tội phạm, cũng như là các rắc rối trong xã hội. Đương nhiên đây là số ít thôi. Nhưng ở đất Hàn, hiện giờ cảnh sát và Nhà nước đang sợ vụ đó, và chính vì vụ đó mà Nhà nước Hàn đang khuyến khích những người lưu vong và bất hợp pháp nên về Việt Nam, vì sợ những rủi ro, cũng như những tệ nạn xã hội phát xuất từ những người bất hợp pháp. »
Cần phải học tác phong công nghiệp
Về những hành vi tiêu cực của nhiều lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội Đặng Như Lợi cho rằng, vấn đề cơ bản là do nhận thức hạn chế của lao động Việt Nam, vốn ít được giáo dục trong môi trường lao động công nghiệp tiên tiến :
« Người Việt mình hạn chế lắm, ví dụ như [về chuyện] học hành, lớp 9 bây giờ chỉ như lớp 4, 5 thời xưa. Mà có được dạy làm người bao nhiêu đâu. Việc hình thành tính cách con người [của họ] chủ yếu hình thành theo lối tự nhiên. Chứ ai dậy, để được giáo dục, rèn luyện trong môi trường tốt để « làm người ». Đa số con em mình là từ nông dân đi. Mà cái lỗi của mình kinh nhất là ăn cắp vặt. Thì cái đó là cái hạn chế của mình. Có người lao động nào học hành chăm chỉ đâu. Chỉ đối phó cho qua, để được đi nhanh. Sang bên đó tưởng bốc được tiền. Đó là cái tâm lý nặng nề nhất hiện nay. »
Lý giải của ông Đặng Như Lợi cũng khá gần với nhận xét của linh mục Nguyễn Thông :
“Đa số người Việt Nam lớn lên tại một nước nông nghiệp, khi sang đây là một nước công nghiệp. Nhiều người Việt Nam sang đây chưa thích ứng được, chưa quen được, đó là điều bất lợi cho người Việt Nam mình.”
Tình trạng bạo hành lao động
Trên thực tế, tại Hàn Quốc, kỷ luật lao động nhìn chung rất nghiêm ngặt, môi trường lao động nói chung không dễ dàng với nhiều lao động nước ngoài. Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động Việt Nam bị bạo hành, theo một số nghiên cứu, là khá cao. Sau đây là ý kiến của linh mục Nguyễn Thông :
« Tôi làm việc ở đây năm năm về an sinh xã hội và bảo vệ nhân quyền cho người lao động. Những trường hợp đó, xảy ra mỗi ngày, không những mỗi ngày mà còn mỗi giờ. Hàn Quốc là một nước rất là văn minh, cũng như là nhân quyền cao. Nhưng cũng không tránh khỏi, có những ông chủ rất tàn ác.
Ngày hôm qua, có một cô bé ở Bắc Giang. Cô ta sinh năm 1989, có chồng và một con ở quê nhà rồi. Sang đây đi làm, cô ta mệt lắm và cứ đau trong ngực, vì bị áp lực công việc. Người thì rất bé, khoảng ba mươi mấy, bốn chục cân thôi, mà làm liên tục từ sáng đến tối. Chủ bắt làm thêm, mà cô ta sức khỏe yếu quá, làm thêm không nổi. Cô có điện đến cho tôi và nói rằng, cha nói giúp với chủ, vì con quá yếu, chỉ có thể làm được tám tiếng thôi, mà chủ cứ bắt làm 12 tiếng. Khi trình bày với ông chủ, thì ông chủ đổ thừa là cô này giả vờ. Ông chửi rất nặng và nếu không làm được, thì ông cũng không cho chuyển xưởng.
Trường hợp thứ hai, một anh thanh niên cũng thế. Sinh năm 1990, sang đây làm trong một xưởng hóa chất. Bị hóa chất nhiễm vào trong bao tử, bị nhiễm độc, ói mửa, mửa ra mật xanh. Vậy mà, chủ không cho chuyển xưởng. Khi tôi đến, ông chủ nói rằng, ông là linh mục, ông không có trách nhiệm gì trong phân xưởng của tôi, ông chỉ làm việc nhà thờ, còn công nhân của tôi làm việc ở đây, tôi đã mua hết bảo hiểm. Nó bệnh thì tôi chữa, nó chết, thì tôi trả tiền bồi thường. Không ai có quyền can thiệp.
Còn những trường hợp linh tinh, đánh đập, chửi mắng thì không có lúc nào ngưng, vì người Hàn rất nóng tính ».
Nhà nước Việt Nam cần đối thoại với người lao động để tìm giải pháp
Hiện tại, trong khi vấn đề lao động Việt Nam ở quá hạn vẫn chưa được giải quyết, sang năm 2012, phía Việt Nam lại phải đối mặt với việc hàng nghìn lao động sang Hàn Quốc sắp hết hạn hợp đồng, có thể ở lại bất hợp pháp. Trả lời phỏng vấn của chúng tôi, người công nhân từ Busan cho biết, nhiều lao động muốn được gia hạn để có thể có thu nhập thêm, bù vào thời gian ít việc làm do khủng hoảng kinh tế :
« Những người được đi từ năm 2007 đến cuối năm 2011 hay đầu năm 2012 là hết hạn. Nhiều người muốn gia hạn. Nếu được gia hạn, có thể họ sẽ ít lưu vong. Họ làm thêm bằng ấy thời gian, rồi họ về gia đình thôi. 2007, 2008, anh cũng biết là khủng hoảng tài chính. Bắt đầu 2009 bắt đầu mới đơ đỡ. Đợt đấy, bên Hàn Quốc không nhận người. Đầu năm 2010, mới lấy lại người Việt Nam sang bên này. Nếu mà người lao động Việt Nam được ký thêm hợp đồng, thì họ sẽ làm thêm, tranh thủ kiếm thêm rồi về Việt Nam thôi. Ở từng bấy năm cũng được rồi. Trong hai năm khủng hoảng tài chính, nếu có được tiền thì cũng chỉ đủ ăn. Có những người phải về nước vì không có công ăn việc làm. Nhiều công ty phải đóng cửa. Tính ra chỉ làm được hai đến ba năm thôi ».
Các tâm sự mà người công nhân Việt Nam từ Pusan chia sẻ với chúng tôi cho thấy : Nhiều lao động Việt Nam đang ở trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan, nếu về nước đúng theo hợp đồng, thì không thực hiện được những mơ ước dự định, được gửi gắm vào chuyến đi xuất khẩu, vốn đòi hỏi rất nhiều chi phí và nỗ lực. Ngược lại, nếu phá hợp đồng, hoặc ở quá hạn, thì lại rơi vào tình trạng bất hợp pháp. Đây là điều mà anh, cũng như rất nhiều người không muốn. Giải pháp gia hạn mang tính thỏa thuận kể trên có thể là một trong các biện pháp khả dĩ, giúp cho từng cá nhân, giảm bớt gánh nặng trong quan hệ Hàn Quốc – Việt Nam trong lĩnh vực xuất khẩu lao động.
Trong thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, đi lao động xuất khẩu tại Hàn Quốc là một giấc mơ đổi đời của hàng vạn người lao động Việt Nam. Tuy nhiên, sự buông lỏng của nhà nước Việt Nam trong việc quản lý các doanh nghiệp môi giới xuất khẩu lao động là một trong các nguyên nhân chủ yếu gây áp lực, khiến nhiều lao động Việt Nam rơi vào tình trạng bất hợp pháp. Đây là một thực tế để lại nhiều hệ lụy không đáng mong muốn đối với tất cả các phía : xã hội Hàn Quốc – nơi tiếp nhận, chính quyền Việt Nam, bản thân những người lao động ở trong tình trạng này và đặc biệt là hàng vạn người Việt Nam muốn tới Hàn Quốc làm việc.
Để tìm ra một giải pháp khả dĩ, điều thiết yếu là cần phải nhìn thẳng vào sự thật, tránh đổ lỗi cho nhau, và đặc biệt là chính quyền Việt Nam cần phải thực sự đối thoại với những người lao động.
Các trợ giúp xã hội cho người lao động nước ngoài tại Hàn Quốc
Tại Hàn Quốc, có hai bên giúp rất mạnh, là Công Giáo và Tin Lành. Hiện giờ, chắc có khoảng 50 đến 60 văn phòng giúp những người lao động nước ngoài. Mỗi văn phòng lo tất cả những chuyện bệnh hoạn, chuyển xưởng, nhân quyền, bảo hiểm, hoặc những người không được trả lương, hoặc bị chủ đàn áp. Các văn phòng đó trực tiếp đến hiện trường, hoặc tới nơi, để hỏi và phân xử, để giúp đỡ về vật chất và tinh thần cho người lao động, đỡ phải gặp hoạn nạn, cũng như bất công. Tin Lành rất mạnh, và Công giáo là hai [mạng lưới] mạnh nhất.
Còn bên nhà nước Hàn, thì chỉ có Bộ Lao động, mà Bộ Lao động thì không giải quyết những chuyện « linh tinh », như đánh nhau, như không trả tiền lương, mà họ chỉ làm điều chính yếu. Nếu chủ trả công nhân về bộ Lao động, thì bộ có quyền giới thiệu qua xưởng khác. Bộ Lao động chỉ làm những điều chủ yếu mà thôi. Còn những điều nho nhỏ, con con như thế không bao giờ Bộ Lao động đếm xỉa tới.
Theo linh mục Nguyễn Thông (Busan – Hàn Quốc)
0 comments:
Post a Comment