“Giờ đây nhìn lại, chúng tôi thấy những lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh giá trị hơn bao giờ hết: Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Người Palestine chúng tôi có một giấc mơ, đó là được sống một cuộc đời tự do, độc lập, và bình thường như công dân của những nước khác, để có thể phát triển những khả năng của mình nhằm xây dựng một quốc gia yên bình và thịnh vượng”. Đó là những lời tâm sự của Đại sứ Palestine tại Việt Nam, ông Saadi Salama, khi từ Hà Nội, ông theo dõi từng bước đi của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại LHQ nhằm vận động độc lập cho Palestine.
Ngày 23-9, Tổng thống Nhà nước Palestine kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành pháp của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), ông Mahmoud Abbas, đã đệ trình lên Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon bản đề nghị công nhận Palestine là thành viên đầy đủ của LHQ, công nhận Palestine là một quốc gia độc lập với thủ đô là Đông Jerusalem, và đường biên giới như được xác định vào năm 1967 sau cuộc chiến giữa khối Ảrập với Israel.
Từ Hà Nội, Đại sứ Saadi Salama không giấu được tâm trạng hồi hộp, âu lo và xúc động. Ông theo dõi báo chí, xem truyền hình Việt Nam hàng ngày, hàng tối, rất phấn khởi khi thấy công luận Việt Nam ủng hộ Palestine độc lập. “Việt Nam đã trải qua một giai đoạn rất dài đầy hy sinh, mất mát, nên các bạn là một trong số những dân tộc trên thế giới dễ dàng phân biệt chính nghĩa với phi nghĩa. Nên Nhà nước Palestine tuyên bố thành lập ngày 15-11-1988 thì ngày 19-11, Việt Nam đã tuyên bố ủng hộ và công nhận. Ở Palestine chúng tôi có câu nói rất hay là “người Palestine nào cũng biết Việt Nam, và luôn coi những thắng lợi của Việt Nam là niềm động viên rất quý báu với chính mình trong sự nghiệp đấu tranh vì những quyền cơ bản bất khả xâm phạm của con người”. Đã đến lúc nhân dân Palestine phải được hưởng quyền tự do, độc lập, quyền có một nhà nước để tham gia cùng nhân dân khu vực và thế giới trong việc xây dựng một nền hòa bình bền vững”. Đó là điều đầu tiên Đại sứ Saadi Salama khẳng định trong cuộc trò chuyện.
Thay đổi luật chơi
- Thưa ông, vì sao Palestine lại chọn cách đưa vấn đề, thưa ông độc lập ra LHQ vào thời điểm này?
- Như bạn biết đấy, đã có một Hiệp định Oslo được ký kết ngày 13-9-1993 giữa PLO và Israel, quy định là vấn đề giữa hai bên phải được giải quyết trong thời hạn 5 năm kể từ khi ngày ký thỏa thuận. Bộ Tứ (Mỹ, Nga, EU và LHQ) cũng đã xác định một lộ trình để đi tới hòa bình. Theo đó, Palestine phải ngăn chặn các phong trào cực hữu có hành động vũ trang chống lại Israel, phải có sự hợp tác về an ninh giữa Palestine và Israel, và Palestine phải chuẩn bị những cơ sở pháp lý, cơ sở Nhà nước để chuẩn bị cho việc độc lập. Còn Israel thì không được đơn phương tiến hành các hành động thôn tính thêm đất đai của Palestine, không được xây dựng các khu định cư trên lãnh thổ của Palestine, không Do Thái hóa thành phố Jerusalem, không có những hành động bạo lực chống lại người Palestine.
Nhưng đến nay, đã gần 20 năm rồi mà vẫn không đạt kết quả nào cả. Nói đúng hơn, cả thế giới đều công nhận Palestine đã thực hiện những đòi hỏi quốc tế đó; nhưng còn Israel thì không. Ngược lại, họ vẫn tiếp tục xây các khu định cư mới mỗi ngày. Người ta lấn đất của chúng tôi như vậy thì chúng tôi còn đàm phán cái gì? Chừng nào Israel không chấm dứt việc xây dựng các khu định cư thì chừng đó chúng tôi sẽ không quay lại đàm phán với Israel.
Chính vì thế, sau bao nhiêu năm đàm phán không có kết quả, Ban lãnh đạo Palestine quyết định đưa vấn đề này trở lại LHQ. Điều đó có nghĩa là Palestine không tin tưởng nhiều vào các bên đang tham gia tìm kiếm cho Palestine và Israel một giải pháp hòa bình. Chúng tôi thay đổi luật chơi. Chúng tôi không muốn các bên trung gian tiếp tục làm trung gian. Chúng tôi muốn vấn đề Palestine trở thành một vấn đề quốc tế hơn nữa, chứ không phải là chỉ nằm trong tay Mỹ. Chúng tôi muốn EU có vai trò, chúng tôi muốn Phong trào Không Liên Kết có vai trò, chúng tôi muốn LHQ có vai trò.
Chúng tôi thấy những cuộc đàm phán giữa hai bên không đem lại kết quả cho Palestine thì chúng tôi quyết định đi đến LHQ để trở thành một quốc gia.
- Mỹ đã phản đối, cho rằng việc Palestine đòi độc lập thông qua LHQ có thể làm hỏng các nỗ lực hòa bình theo tinh thần Hiệp định Oslo. Ông nghĩ sao về quan điểm này?
Về phía Palestine, chúng tôi đã thực hiện đúng những đòi hỏi của Hiệp định Oslo và tiến trình hòa bình. Trong những năm qua, Palestine đã tập trung xây dựng các cơ sở của một Nhà nước. Tất cả các tổ chức tài chính, hành chính trên thế giới đều công nhận Palestine đã chuẩn bị đầy đủ, thậm chí những việc Palestine làm còn vượt xa nhiều nước đã được thành lập từ cách đây hơn 50 năm. Tức là Palestine đã sẵn sàng.
Chúng tôi không định đàm phán chỉ để đàm phán, mà muốn đàm phán trên một cơ sở rõ rệt như sau: Thứ nhất, chúng ta phải xác định là đàm phán để dẫn tới việc thành lập một Nhà nước Palestine độc lập. Thứ hai, thời gian đàm phán phải được ấn định cụ thể chứ không phải kéo dài thêm cả thế kỷ. Thứ ba, Nhà nước Palestine độc lập phải được thành lập dựa trên những đường biên giới xác lập năm 1967.
Trong khi đó Israel vẫn tiếp tục xây các khu định cư. Ngày nào cũng có những nhà thầu tiếp tục việc thi công. Israel còn đưa người Do Thái từ nhiều nước về đó ở, và không đánh thuế như với người Israel ở các nơi khác trong nước họ. Không thể đàm phán với một người vào nhà mình ở và xây nhà khác trong đó được.
Dân chủ và nhà nước thế tục
- Ông nói rằng Palestine đã chuẩn bị sẵn sàng các cơ sở của một Nhà nước. Nhưng dường như bản thân Palestine cũng có những bất đồng nội bộ. Hamas cho rằng đề nghị LHQ công nhận Nhà nước Palestin đồng nghĩa với việc công nhận các đường biên giới xác lập trong cuộc chiến tranh 1967, chứ không phải toàn bộ Palestine lịch sử như Hamas mong muốn. Phương Tây cũng không thích sự cực đoan của Hamas?
Palestine đã chuẩn bị sẵn sàng để trở thành một Nhà nước độc lập và dân chủ. Thực ra dân chủ có cái hay, có cái dở. Cá nhân tôi cho rằng, dân chủ là một quá trình liên quan đến nhiều thứ khác nhau. Dân chủ không chỉ là vấn đề đa đảng, mà còn là quyền tự do thể hiện, tự do tuyên ngôn. Chính nền dân chủ Đức khi xưa đã đưa Hitler lên cầm quyền. Nền dân chủ của Palestine đã giúp Hamas có được đa số trong Quốc hội. Nhưng chúng tôi không có con đường nào khác ngoài xây dựng một thiết chế dân chủ. Chúng tôi là chính thể duy nhất của thế giới Ảrập thể hiện một sự dân chủ khác. Ở dưới sự chiếm đóng của Palestine, chúng tôi vẫn đi bầu. Palestine là một nhà nước thế tục và sẽ là một đất nước dân chủ. Chúng tôi đã sẵn sàng để độc lập.
- Những biểu hiện của nhà nước thế tục ấy như thế nào?
Tuyên bố thành lập Nhà nước Palestine năm 1988 đã chỉ rõ: Tất cả mọi người Palestine có quyền sống bình đẳng; phụ nữ có vai trò tích cực trong xã hội (bạn biết đấy, phụ nữ Palestine không phải che mạng khi ra đường); một nhà nước dân chủ, tôn trọng tự do tuyên ngôn và tôn trọng các tôn giáo. Đây là nguyên tắc, và người Palestine từ trong lịch sử không bao giờ cực hữu. Chỉ khi Israel thi hành chính sách đàn áp, Palestine mới bắt đầu có những phong trào Hồi giáo chống lại Israel mạnh mẽ. Nếu người Palestine thấy được những dấu hiệu của một nền hòa bình lâu dài, tôi nghĩ những tư tưởng cực hữu ở Palestine sẽ không còn tồn tại nữa vì người Palestine thật ra là một dân tộc hòa nhập rất dễ dàng.
Trong thời gian có hòa bình ở Palestine từ năm 1994 cho đến năm 1999, trước khi cuộc nổi dậy lần thứ hai của Palestine bùng nổ thì người Palestine đã đưa đất nước phát triển rất nhanh. Thu nhập của Palestine tăng lên, mức tăng trưởng có lúc đạt gần 9%.
Mà này, bạn biết không, người Palestine có năng lực xây dựng đất nước, bởi vì người ta luôn chú ý đến việc cho con đi học. Học hành đối với người Palestine là một nghĩa vụ thiêng liêng, vì Palestine không còn nhiều đất đai. Người ta không có điều kiện trở thành nông dân vì đất đai bị cướp đoạt hết, người ta cũng không thể trở thành công nhân vì nền kinh tế không dựa vào công nghiệp nặng được. Cho nên người ta tập trung vào học hành. Ai có con thì phải đưa con cái đi học – tôi thấy cái đó hoàn toàn giống với miền Trung Việt Nam. Hầu hết dân miền Trung không có đất đai, không có điều kiện làm kinh tế, nên người ta tập trung đầu tư vào chuyện học hành của con em mình. Palestine cũng như thế đấy.
- Ông có thể nói gì về cuộc sống của người dân Palestine?
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Đó là một chân lý mà các dân tộc như Việt Nam, Palestine quá hiểu. 44 năm chiếm đóng, quân đội Israel can thiệp vào từng chi tiết trong cuộc sống của người Palestine. Dân Palestine muốn đi đâu phải có giấy phép của Israel. Khi thấy có vấn đề an ninh, là người ta có thể dùng cọc, dùng xích khóa cổng một ngôi làng, một thành phố, không cho ai được ra ngoài. Có những con đường chỉ dành riêng cho người Do Thái, lại có những con đường dành riêng cho người Palestine, nghĩa là hệt như doanh trại ở Nam Phi thời apartheid.
Bạn có tin được rằng, người Palestine không bao giờ dám hứa với người khác là “tôi sẽ đến thăm anh vào giờ đó, ngày đó”. Bởi vì chỉ trong một khoảng cách 10km, người Palestine có thể gặp biết bao nhiêu trạm kiểm soát của Israel. Những nơi đó có thể bắt họ phải chờ tới 2-3 tiếng hoặc thậm chí không cho họ đi qua.
- Có thể Israel có những nguyên tắc nào đó? Họ phải làm như thế vì lý do an ninh, họ cần bảo vệ sự an toàn của chính họ?
Tất nhiên khi Israel thi hành bất cứ quy định nào thì họ đều dựa vào lý do an ninh, mà an ninh gì không biết. Như tôi chẳng hạn, tôi làm công tác ngoại giao đã 27 năm, được nhiều người biết đến, đi đến đâu ở Palestine, ai cũng biết tôi. Nhưng khi muốn đến Jerusalem, tôi vẫn phải xin phép, mà đến bây giờ vẫn chưa được trả lời là có được vào không. Thậm chí Tổng thống Abbas khi muốn đi thăm các nước cũng phải xin phép Israel để họ cho ông đi qua các trạm kiểm soát.
Tôi kể bạn nghe câu chuyện có thật này nhé. Tôi có bốn con, trong đó ba đứa sinh ở nước ngoài. Khi đứa con thứ ba sắp ra đời, chúng tôi quyết định phải sinh nó ở Palestine. Tôi không có mặt ở Palestine thời gian đó. Vợ tôi chuyển dạ, anh tôi phải đưa em dâu đi bệnh viện. Từ nhà đến bệnh viện chỉ khoảng 8 km, cách viện chừng 1 km thì mọc lên một trạm kiểm soát. Phải nói thêm với bạn là có những trạm kiểm soát được đặt cố định, nhưng cũng có những cái tự mọc lên, mà chúng tôi gọi là “flying checkpoint”, tức là “trạm kiểm soát bay”.
Và người ta đã không cho phép anh tôi lái xe ô-tô vào trung tâm thành phố. Anh tôi giải thích là “em dâu tôi sắp chuyển dạ sinh con”, họ bảo sinh con hay sinh gì cũng không được qua đây, không cho phép. Vợ tôi phẫn nộ lắm. Anh trai tôi phải làm ầm lên, nói rằng: “Các người sẽ phải chịu trách nhiệm”, họ mới cho đi qua.
Đó là chuyện xảy ra với gia đình tôi. Nhưng trong cộng đồng người Palestine đang phải tị nạn trên chính quê hương mình, có rất nhiều trường hợp như thế. Nếu xem được những video clip ghi lại hình ảnh người Palestine bị đàn áp, chúng ta sẽ thấy có những cảnh tượng chỉ có thể tồn tại ở thời Đức quốc xã. Giới chính trị Mỹ chưa thấy tầm quan trọng của việc thành lập một quốc gia Palestine độc lập, nên người ta chỉ ủng hộ Israel. Luôn luôn họ sử dụng hệ thống truyền thông để khiến dân chúng tưởng rằng Israel là một nước nhỏ, yếu thế, cần được sự hỗ trợ, rằng dân Do Thái từng bị thảm sát nên giờ đây họ cần được bảo vệ… Người ta không hiểu rằng chúng tôi – người Palestine – đang là những nạn nhân của nạn nhân.
“Nhất định phải tự do, độc lập”
- Vì sao một nước luôn nhấn mạnh những giá trị cá nhân độc lập, nhân quyền, tự do v.v. như Mỹ lại có sự thiên vị như vậy đối với Israel?
- Chính sách của Mỹ trong vấn đề Trung Đông thật ra là một chính sách liên quan đến đối nội nhiều hơn là đối ngoại. Cộng đồng người gốc Do Thái chiếm một tỷ lệ cao ở Mỹ và có ảnh hưởng rất lớn đến chính sách, đến nền kinh tế, tài chính-ngân hàng, khoa học-công nghệ ở nước này. Tôi cho rằng hoạt động lobby của người Do Thái ở Mỹ đóng một vai trò tích cực trong việc truyền bá thông tin có lợi cho Israel.
LHQ vốn vẫn có cơ chế công nhận Palestine là một Nhà nước, dù không phải thành viên đầy đủ. Nhưng một khi đã là thành viên đầy đủ thì địa vị của Palestine ở LHQ sẽ thay đổi. Palestine sẽ có thể tham gia tất cả các tổ chức quốc tế của LHQ, thậm chí tham gia vào các tòa án hình sự. Theo pháp luật quốc tế và Hiến chương LHQ, tất cả những gì Israel đã làm trên lãnh thổ Palestine từ năm 1967 đến giờ hoàn toàn bất hợp pháp. Tòa án hình sự quốc tế có đủ thẩm quyền để tố cáo Israel, những nhà lãnh đạo Israel và những công dân Israel sinh sống trên phần lãnh thổ bị chiếm đóng kể từ năm 1967. Đó sẽ là vấn đề rất lớn với Israel và những người ủng hộ họ, chính vì thế, Mỹ và Israel không muốn cho Palestine trở thành một quốc gia. Người ta cũng không muốn Nhà nước Palestine được thành lập thông qua LHQ mà phải qua thương lượng kéo dài.
- Nếu Mỹ dùng quyền phủ quyết của mình ở Hội đồng Bảo an để bác bỏ mọi nỗ lực giành độc lập mà không thông qua đối thoại với Israel của Palestine, thì sao?
Chúng tôi biết Mỹ đã đã sử dụng quyền phủ quyết để bảo vệ Israel hơn 30 lần trong lịch sử Israel từ năm 1948 đến giờ. Nhưng Palestine vẫn sẽ tiếp tục. Chúng tôi có nhiều hình thức đấu tranh khác nhau và sẽ hoàn toàn vận dụng theo pháp luật quốc tế.
Thực sự, Mỹ sẽ không có lợi nếu không công nhận Palestine trong tương lai. Rõ ràng chúng ta chỉ có thể có được một nền hòa bình và an ninh ổn định và bền vững ở Trung Đông nếu nhân dân Palestine được hưởng quyền tự do độc lập, được có một Nhà nước riêng.
- Trở lại câu chuyện cuộc sống của người Palestine, tôi từng nghe nói có tới 50% thanh niên Palestine đi tù vì chống Israel?
- Từ năm 1967 đến nay đã có hơn 850.000 người Palestine phải vào tù của Israel, chiếm gần 25% tổng số người Palestine sống trong các vùng lãnh thổ Đông Jerusalam và Dải Gaza. Tức là, cứ 4 người Palestine thì có 1 người đã ngồi tù Israel vì tội chống Israel, biểu tình ném đá chẳng hạn. Có những người ở tù đến 32 năm. Đó là một vấn đề mà Tổng thống Mahmoud Abbas đã nêu trong bài phát biểu của ông trước Đại hội đồng LHQ, ngày 23-9. Ông yêu cầu Israel phải thả ngay các tù nhân chính trị và những người bị họ giam giữ.
Tôi đã tham gia biểu tình phản đối ách chiếm đóng của Israel từ khi còn nhỏ. Thậm chí tôi đã vào nhà tù Israel khi mới 16 tuổi (ông Saadi Salama sinh năm 1961 – PV). Tôi là một trong 850.000 người Palestine đã vào nhà tù Israel. Tôi đã nhìn thấy rõ rệt những hành động đàn áp của Israel, những gì họ đang làm tại các trạm kiểm soát. Người ta chỉ muốn hành hạ chúng tôi mà thôi, một sự hành hạ tập thể.
Nhưng chúng tôi không sợ. Chúng ta chỉ sống có một cuộc đời thôi. Sống mà cứ luôn sợ hãi thì sống làm gì, đứng dưới lá cờ Palestine làm gì?
- Con đường độc lập của Palestine liệu có thể đi đến thành công trong cuộc đời ông không?
- Nhất định phải thành công. Vì tôi nghĩ Israel đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất, chưa từng có trong lịch sử của Nhà nước Do Thái từ khi thành lập đến bây giờ. Sự đồng tình của thế giới đối với họ giờ đây không còn như trước nữa. Israel không thể tiếp tục lừa dối thế giới. Tôi tin là bây giờ mà điều tra xem nước nào đe dọa an ninh thế giới nhiều nhất thì cả châu Âu sẽ nói đó là Israel chứ không phải Iran.
Con đường để hòa nhập với thế giới là tìm kiếm một giải pháp hòa bình và phải ý thức được rằng mình không phải là tinh hoa của thế giới, không phải là “dân tộc của Chúa”. Người Israel không có cơ sở nào để chứng minh rằng họ có quyền trên lãnh thổ Palestine, nên họ viện đến tôn giáo, nói rằng Chúa Trời đã nói đó là đất nước của họ. Chúa Trời nói thế khi nào, ở đâu, lúc đó ai biết viết để có thể nghe mà ghi lại những lời ấy? Khi không thuyết phục được ai thì người ta dùng tôn giáo, mà đấy chính là cách làm của những kẻ khủng bố Hồi giáo – họ luôn tập trung vào những người không có tương lai, những người thù hận và tuyệt vọng.
Cơ sở hợp lý để hình thành nên một dân tộc là họ có chung một nền văn hóa, một lịch sử, một hệ thống phong tục tập quán. Và người Palestine là như vậy.
Giấc mơ Palestine, là giấc mơ được sống một cuộc đời tự do, độc lập, và bình thường như phần còn lại của nhân loại. Bạn có biết đến một câu thơ của đại thi hào Mahmoud Darwish không? Ông ấy đã viết: Đứng đây, ở đây, vĩnh cửu ở đây, mãi mãi ở đây, và chúng ta có một mục đích, một và chỉ một thôi: tồn tại.
Theo Blog Đoan Trang
0 comments:
Post a Comment