Tuesday, June 7, 2011

Vì sao Biểu Tình yêu nước lại bị đuổi học ?

Biểu tình ở Việt Nam ngày 05/06/2011 thực sự là một cuộc biểu tình bất bạo động đáng trân trọng cho lòng yêu nước, suy tư trăn trở về nạn xâm lăng của Trung Cộng đối với Việt Nam. Cuộc biểu tình này hoàn toàn rất có tổ chức chứ không hề mang tính tự phát như báo chí lề phải đưa tin . Cuộc biểu tình chẳng những đưa người Việt Nam sánh vai trên trường quốc tế, thể hiện người dân Việt Nam với dân trí đã được nâng cao đến mức đã có những đòi hỏi dân chủ như vậy mà còn cho thấy rõ lòng yêu nước của người dân đứng lên chống lại ngoại bang , chống lại những kẻ luôn âm mưu nhòm ngó tài nguyên , đất đai va thậm chí là cả sinh mạng của dân tộc Việt Nam .

Những sinh viên tham gia vào cuộc biểu tình với lòng yêu nước sục sôi ấy là niềm hy vọng cho tương lai của một xã hội Việt Nam phát triển thực sự , quyết không bằng lòng với vị trí thấp kém của bản thân , của dân tộc .

Sinh viên là tầng lớp những người trẻ đầy nhiệt huyết cùng sự năng động , có suy nghĩ chính kiến riêng của mình . Ở nước Anh , có lúc sinh viên đã cùng nhau biểu tình chống lại việc tăng học phí trong các trường đại học, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của họ.Ở Mỹ hay châu Âu , sinh viên biểu tình đôi khi vì những vấn đề việc làm hay vấn đề nhà ở tăng giá quá cao.

Sẽ là nghịch lý nếu chỉ biết phục tùng một cách vô thức vì xã hội ngày nay không còn là thời đại tôn thờ vua chúa một cách mù quáng, ngay cả khi bản thân những ông vua bà chúa đó chỉ là những đống rác của xã hội hay lịch sử .Thời đại của kỷ nguyên công nghệ và khoa học với sự xây dựng và góp sức của tất cả loài người mà thật nực cười nếu như một đơn vị hay tổ chức ,đảng phái,quốc gia nào đó nói rằng ,đó là nhờ công lao của họ.

Bản chất của xã hội là luôn tiến về phía trước chứ không phải đứng yên hay lùi lại . “ Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông”.

Con thuyền trên biển lớn tự nó sẽ chạy theo dòng lưu của biển hoặc theo chiều gió dù không có bánh lái chứ không bao giờ đứng yên cả, xã hội cũng luôn tuân theo quy luật biến đổi ấy. Chúng ta trước đây không có xe đạp mà đi , nhưng ngày nay chúng ta có xe máy – đó không phải là “ơn Đảng” , ơn chính phủ hay ơn một cá nhân nào đó mà là hệ quả của những gì xã hội loài người đã và đang phát triển.Tại sao ở những nước mà người ta sử dụng đến cả trực thăng , phi cơ hay tầu vũ trụ , người ta không hát những bài hát ca ngợi những nhà cầm quyền hay đảng phái đã cho họ những thứ đó?

Chúng ta sử dụng Internet để vận hành xã hội , quản lý ngân hàng , tiền tệ và giải quyết hầu hết những nhu cầu học tập , giải trí nhưng chúng ta không hát hay ca ngợi Billgate , không mất thời gian nhiều cho việc ngợi khen những gì đã đạt được mà không ngừng tìm tòi những cái mới để nhằm thay đổi và cải thiện những cái cũ.Với chính phủ hay nhà nước cũng vậy , ta thể hiện sự tín nhiệm đơn giản qua những phiếu bầu cho đảng , cho cá nhân khi ta thấy họ đem lại cho ta nhiều quyền và lợi ích nhất, đáng để điều hành và quản lý xã hội, Ta trao cho họ công cụ để họ quản lý xã hội – đó là luật pháp và ta có quyền biểu tình tước bỏ quyền đó nếu họ không tôn trọng những luật pháp đó , không làm đúng vai trò của những người làm thuê , công bộc của nhân dân .

Do ngày nay trong sự giao thoa một cách tự nhiên , sinh viên Việt Nam được tiếp cận ngày càng nhiều với sinh viên quốc tế , các doanh ngiệp nước ngoài nên họ ngày càng nhìn nhận lịch sử và xã hội với cách nhìn khác đi lối tư duy nhồi sọ . Điều này cũng tự nhiên như đứa trẻ khi lớn lên thoát khỏi tầm ảnh hưởng của bố mẹ , nhìn đời bằng con mắt của riêng mình . Điều này còn là tất yếu bởi xã hội mà đứa trẻ sẽ sống khác hoàn toàn xã hội trước đó mà bố mẹ chúng sống . Sinh viên tại những nước tiến bộ ngày nay, họ luôn có tiếng nói riêng và lập trường quan điểm của mình , nhờ thế họ nhanh chóng rũ bỏ đươc vai trò “trẻ con” trong nhận thức . Họ trực tiếp xây dựng và khám phá thế giới đang thay đổi từng ngày với tốc độ chóng mặt này.Chính vì thế mà họ ngày càng phát triển hơn và đạt được nhiều thành tựu hơn .

Tuy nhiên đó chỉ là ở những nước dân chủ , những nước mà “dân biết” hết mọi việc thông qua báo chí – cơ quan quyền lực thứ tư không phụ thuộc vào nhà nước, dân có quyền hội họp để bàn về những chuyện chính trị hay xã hội mà không phải nơm nớp lo sợ bị tống cổ vào nhà giam mặc dù họ không phải là khủng bố, không hề đe dọa gì đến an ninh quốc gia . Và khi dân biểu tình là lúc “dân làm” cho nhà chức trách hiểu những nguyện vọng của họ , đó là những cuộc biểu tình bất bạo động. Và chính dân sẽ là những người “kiểm tra” xem phản ứng của nhà cầm quyền đối với những yêu cầu của họ cho đến khi đạt được sự đồng thuận tốt nhất giữa hai bên .

Chính vì thế ý nghĩa của những cuộc biểu tình bất bạo động được đánh giá rất cao trong sự phát triển của các quốc gia dân chủ,nó làm cho đất nước phát triển nhanh chóng bởi chính chính sực mạnh của người dân nước đó, làm cho dân quan tâm nhiều hơn đến quyền lợi của họ và làm chủ chính cái xã hội mà họ đang sống.Những người dân biểu tình đó họ có làm trái pháp luật không?họ chỉ đóng thuế khi mà họ thấy những quyền lợi của họ được phục vụ chính đáng, vì trong mắt họ, nhà nước chỉ là người làm thuê , công bộc cho dân , phục vụ cho dân . Nếu cơ quan nhà nước tham nhũng hay lam sai , vì cớ gì mà cơ quan đó tồn tại mãi? Những người dân đó họ xem trọng pháp luật và họ thực sự sống trong nhà nước pháp quyền. Nếu có điều luật nào không phù hợp , những người dân hoàn toàn có quyền được bày tỏ ý kiến của họ thông qua kiến nghị hay biểu tình mà hoàn toàn không có gì trái pháp luật hay mang trọng tội gì với quốc gia cả.

Trong khi có nhiều sinh viên thao thức mong mỏi một Việt Nam phát triển ,cùng chung tay xây dựng và bảo vệ Việt Nam độc lập bằng chính tiếng nói của mình thì nhà trường , đoàn trường đại diện cho Đảng bảo vệ dân tộc lại ngăn cẩm sinh viên bằng mọi cách không cho tham gia buổi biểu tình trong hòa bình thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc , lấy việc đuổi học ra để dọa nạt những người sinh viên yêu nước này .Việc này phải chăng thể hiện những nghi ngờ của nhiều người về thái độ khúm núm của chính phủ dưới sự tham mưu của Đảng cộng sản Việt Nam trước ngoại bang Trung quốc là hoàn toàn có căn cứ? Đoàn trường – đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh , nơi tập trung những Đảng viên tương lai , những con người ưu tú , những thủ lĩnh sinh viên , …bình thường không có việc gì làm ngoài biên soạn những thông tư , sách cho những buổi họp chi bộ gì đó xem ra rất quan trọng nhưng chẳng mấy ai quan tâm nay bỗng xem ra bận rộn bởi việc đe nẹt sinh viên trước và trong cuộc biểu tình mang tính chất yêu nước.

Đảng và nhà nước không cho phép sinh viên đươc biểu tình , cài người của Đảng đến tận nơi xem xét , kiểm tra và đe dọa . Nếu như người của Đảng thay vì ngăn cấm những trái tim yêu nước kia , hãy mở mắt mà xem thế lực Trung Quốc đang ngày càng ăn sâu vào đất nước , dân tộc với tốc độ “đồng hóa” đến chóng mặt trên phương diện văn hóa , tinh thần và đồng thời ở ngoài khơi, biên giới thì đang vô cùng hống hách khoa trương sức mạnh , giết hại đồng bào ta một cách công khai trong sự vô tâm của các bậc cấp cao đến mức không nghe không thấy?

Đảng sợ gì khi ngăn cấm dân biểu tình chống ngoại bang? Đảng sợ dân biểu tình chống Trung quốc vì lòng yêu nước, mai này biết đâu lại cũng vì lòng yêu nước mà biểu tình tống cổ Đảng ra khỏi vị trí độc tôn? Đảng điên cuồng khủng bố những người yêu nước , bắt giữ họ vì lo họ nói ra tiếng nói của chính họ , nói ra sự thật hay vì tiếng nói yêu nước ấy ngày càng được nhiều người quan tâm và đồng tình hưởng ứng?

Sinh viên bị trói chân bởi tấm bằng mà phải trả bắng mười hai năm ăn học nhồi sọ , nay nếu tham gia biểu tình để nói lên tiếng nói của chính mình thì sẽ vô cùng nguy hiểm vi chắc chắn sẽ bị trù dập đến mức không bao giờ qua được môn tư tưởng Hồ Chí Minh hay đường lối cách mạng Đảng cộng sản Việt Nam để có điểm tốt nghiêp ra trường, để có thể bon chen tìm một chỗ làm tạm bợ với mức lương khỏi chết đói trong tình trạng lạm phát phi mã như hiện nay . Với uy tín hiện nay của chính phủ chuyên muốn “ xù nợ” này thì liệu còn có nhiều cơ hội như vậy cho những sinh viên mà kiến thức được đào tạo theo kiểu “hổ lốn”? Nếu bị đuổi học thì coi như cả tương lai mất trắng, bao tiền ăn học mồ hôi xương máu của bố mẹ coi như đổ xuống sông xuống biển. Đánh vào tâm lý an phận đó , sinh viên dù sôi sục lòng yêu nước nhưng vẫn đành lòng cam chịu để trở thành một con cừu vô cảm, đi trong đàn mà chỉ biết dương cặp mắt nhìn những con cừu khác bị con sói ăn thịt. Chỉ một con sói mà sai khiến được cả hàng ngàn con cừu vì con sói có sức mạnh tối cao ? hay vì những con cừu hèn nhát, sợ sệt và ích kỷ ?

Sinh viên Việt Nam ngày nay bị phê phán là dính đến nhiều tệ nạn như sống thử , học kém , đạo đức xuống cấp , lối sống thác loạn và thờ ơ với thời cuộc do đâu? Vì sao sinh viên sử dụng máy tính để học thì ít mà chơi điện tử thì nhiều? Phải chăng tâm lý chán chường và buông xuôi ấy phần nào thể hiện sự chán ghét thời thế, xã hội? Nếu Đảng chặn Facebook , chặn những trang báo có nội dung nhạy cảm về chính trị vậy sao không chặn những trang có nội dung đồi trụy ? Nếu Đảng bỏ công sức cho việc này biết đâu có thể ngăn chặn được nhiều vụ án đáng tiếc do sự nông nổi của những đứa trẻ chưa kịp lớn?

Những chân lý lúc đầu chỉ một nhóm người nhận thức được. Vì vậy đã có những sinh viên đã dám dũng cảm bày tỏ lòng yêu nước , vượt qua sự sợ hãi , sự đe dọa của quyền lực . Họ sẽ là những người đi tiên phong cho tiếng nói yêu nước của những người trẻ và ngày càng được số đông hưởng ứng ủng hộ. Đã đến lúc xã hội cần phải nhìn thẳng vào sự thật chứ không phải chạy trốn hay bàng quan với những gì đang diễn ra xung quanh . Mỗi người trẻ đã đến lúc không thể chấp nhận sự thua kém , không thể bằng lòng với ngục thất tinh thần giam giữ chính kiến , lòng nhân đạo và tính sáng tạo của thế hệ mới .

Chúng ta hãy khẳng định biểu tình yêu nước là một việc làm cao quý của người thanh niên thời đại và hãy cùng nhau lên án việc nhà trường đuổi học. Hãy cầu nguyện cho các thầy cô minh mẫn và sáng suốt để nhìn thấy việc làm của những học sinh sinh viên yêu nước là điều đúng. Thầy cô hãy bảo vệ chúng em như là bảo vệ cho tương lai dân tộc..

Châu Sơn Lương

Duc H. Vu :

Câu chuyện "Sinh viên, Học sinh đi biểu tình sẽ bị đuổi học" đem kể cho người Mỹ, hay cdân nước khác nghe thì họ sẽ trợn tròn to mắt, há hốc mồm ra nói : "You Must Be Kidding Me" (Anh nói chơi, nói giỡn phải không ?". Họ làm sao có thể tin có chuyện này xảy ra ở thế kẻ 21 này !?. Đúng là chuyện khôi hài, chuyện diễu dở ở nước CHXHCN-VN ! Bất cứ chuyện gì có thể xảy ra được !

0 comments:

Powered By Blogger