Hình: Reuters
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga trong cuộc họp báo tại Hà Nội, ngày 9/6/2011
Chính phủ Việt Nam ngày 9/6 một lần nữa tố cáo Trung Quốc quấy nhiễu một tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam tại Biển Đông, theo tin Reuters đánh đi từ Hà Nội cùng ngày. Đây là sự cố thứ hai xảy ra trong vòng 2 tuần nay làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước cộng sản anh em có tranh chấp chủ quyền lãnh hải.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga, loan báo tàu đánh cá Trung Quốc số hiệu 6226 có gắn thiết bị cắt dây cáp chuyên dụng cùng với sự yểm trợ của hai tàu ngư chính Trung Quốc ngày 9/6 đã lao vào tuyến dây cáp thăm dò địa chấn của tàu Viking 2 khi con tàu do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thuê đang hoạt động trên khu vực mà Hà Nội khẳng định thuộc thềm lục địa Việt Nam nằm trong đặc khu kinh tế ngoài khơi bờ biển phía Nam của Việt Nam, tức không thuộc khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Ngay sau đó, hai tàu ngư chính cùng một vài tàu cá khác của Trung Quốc đã giải thoát cho con tàu 6226.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ tàu Trung Quốc đã bất chấp tín hiệu cảnh cáo của tàu Việt Nam trước vụ tấn công.
Bộ Ngoại giao Việt Nam tố cáo sự việc này một lần nữa gây thiệt hại lớn cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia của Việt Nam và là một phần trong chiến dịch vi phạm chủ quyền một cách cố ý và có hệ thống của Trung Quốc, vi phạm Công ước Liên hiệp quốc về luật biển năm 1982 cũng như Tuyên bố về cách hành xử tại Biển Đông.
Hà Nội một lần nữa yêu cầu Bắc Kinh bồi thường thiệt hại, tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Giới chức Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện của đại sứ quán Trung Quốc để phản đối hành động gây hấn vừa kể.
Ngày 5/6, hàng trăm người tập trung trước đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và vài ngàn người tuần hành quanh tòa lãnh sự Trung Quốc tại Sài Gòn phản đối Bắc Kinh sau khi tàu hải giám Trung Quốc cắt dây cáp thăm dò dầu khí của tàu Bình Minh 02 hôm 26/5 trên thềm lục địa Việt Nam.
Việt Nam khẳng định các hành động có tính toán kỹ lưỡng của Trung Quốc nhằm mục đích biến các khu vực không tranh chấp thành có tranh chấp để thực hiện kế hoạch 'đường lưỡi bò' hay 'đường chữ U' trên Biển Đông.
Nguồn: Reuters, Tuoitre Online
0 comments:
Post a Comment