Saturday, June 25, 2011

Không bán hàng cho giặc!!!

Trong quá khứ, lúc nguy nan, người Việt tự biết bảo nhau "Không bán hàng cho giặc". Một lịch sử bất khuất sau đó được viết lên bởi chính thế hệ những người Việt vừa mới bước ra khỏi 80 năm nô lệ.... Cái tinh thần không bán hàng cho giặc hiện giờ ở đâu? Chúng ta giữ độc lập bằng cách nào? Khi mọi thứ dường như chỉ dừng ở việc hô khẩu hiệu..."

*

Năm 1946 cuộc chiến Pháp Việt bùng nổ. Người Việt Nam khi ấy vừa trải qua 80 năm dài nô lệ với thói quen cúi đầu trước người Pháp, nhưng chỉ sau 1 năm, khi lòng tự hào dân tộc được khơi dậy, và đoàn kết dưới sự lãnh đạo của một lãnh tụ xứng tầm là ông Hồ, vẫn những người Việt Nam ấy, đã trở thành một loại người hoàn toàn khác.

Khi dấu hiệu của một cuộc chiến bắt đầu manh nha, người Việt lúc đó lập tức quay lưng với Pháp. Lịch sử vẫn còn ghi lại phong trào tẩy chay buôn bán với Pháp của người Việt: "Không bán hàng cho giặc, không giao lưu với giặc và không chỉ đường cho giặc".

Tiêu thổ kháng chiến, nhiều người Việt sau đó tự tay đập đi những ngôi nhà của mình, 9 năm sau, họ quay trở về sau trận Điện Biên Phủ. Một cuốn sách của Pháp xuất bản trong thời kỳ này, khi đề cập đến người Việt Nam, họ dùng cụm từ Annamit. Sau năm 1954, cuốn sách được tái bản, tác giả bỏ toàn bộ cụm từ Annamit và thay thế bằng cụm từ "người Việt Nam".

Nếu không có sự quyết tâm, không có cái tinh thần "Không bán hàng cho giặc" ấy, ắt hẳn, chúng ta đã không có một nước Việt Nam như hiện nay.

Những năm qua, lãnh thổ của chúng ta liên tục bị chiếm từng phần một. Năm 1974, Việt Nam mất trọn quần đảo Hoàng Sa. Năm 1988, hơn 80 thủy binh Việt Nam tử trận và chúng ta mất 9 đảo và đá tại Trường Sa. Từ 1979 đến 1988, chiến tranh liên miên tai biên giới phía Bắc với cái chết của hàng chục nghìn người. Thời kỳ được coi là hòa bình từ 1991 đến nay, máu của ngư dân Việt Nam vẫn liên tục rơi trên biển. Ít ai có thể quên sự kiện tàu hải quân Trung Quốc xả súng bắn chết 9 ngư dân Việt Nam năm 2005. Trên biển Đông đã có bao nhiêu vụ tàu thuyền Việt Nam bị tông chìm? bao nhiêu sinh mạng ngư dân Việt trôi dạt vĩnh viễn trên biển?

Hạm tàu Trung Quốc ngày một càn quét xa hơn xuống phía Nam, từng chút một, kế sinh nhai của người Việt ngày một cạn kiệt trên biển.

Giặc đối với người Việt, là ai???

Trong những ngày biển Đông đang nóng như một lò lửa, khi tàu thuyền của ngư dân Việt Nam vẫn liên tục bị chèn ép khi ra khơi. Mỗi chuyến mưu sinh, trở thành một chuyến đi có tính sinh tử, trong khi đó, trên đất liền, thương lái Trung Quốc vẫn càn quét như đi vào chỗ không người. Ngoài biển, Trung Quốc liên tục xâm lấn lãnh hải Việt Nam, và trên đất liền, người Trung Quốc đi lại tự do và mua bất cứ gì cần cho cái đất nước ấy.

Hậu quả có thể nhìn thấy ngay: Trong lúc Việt Nam đang lạm phát nặng nề, Trung Quốc mua vét hầu hết các mặt hàng thuộc nhóm sinh hoạt thiết yếu như thực phẩm, gạo, thịt ... nguồn hàng khan hiếm hơn, giá cả tiếp tục tăng, trong khi người Việt đang vật lộn với chỉ số lạm phát ngót 20%. Việt Nam sẽ chống lạm phát bằng cách nào? Trong lúc tàu thuyền đánh cá của Việt Nam ra khơi ngày một khó khăn, ngày một đánh đu với sinh mạng trước họng súng của Trung Quốc, thì thương nhân Trung Quốc mua vét hải sản trên đất liền. Báo chí Việt Nam loan tin, hơn 100 nhà máy chế biến hải sản phải ngừng hoạt động.

Tại sao những câu chuyện đó lại diễn ra quá dễ dàng? Cái tinh thần không bán hàng cho giặc hiện giờ ở đâu? Chúng ta giữ độc lập bằng cách nào? Khi mọi thứ dường như chỉ dừng ở việc hô khẩu hiệu.

Hàng hóa độc hại của Trung Quốc tràn lan tại Việt Nam, tiền thuế của dân chi ra để nuôi đủ thứ bộ máy công quyền, gồm thuế, hải quan, công an, quản lý thị trường, bộ công thương, bộ khoa học công nghệ ... và đủ thứ biên chế ăn lương khác, họ đang làm gì để bảo vệ người Việt Nam, để ngăn chặn dòng thương mại độc hại đang bóp chết người Việt về sức khỏe, bóp chết nền sản xuất Việt về giá cả?

Công an Việt Nam đang làm gì? Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đang làm gì và bản thân chính người Việt Nam đang làm gì để thương nhân Trung Quốc đi lại tự do trên lãnh thổ Việt và mua bất cứ gì họ muốn như một công dân bản địa, khi thậm chí hành vi thương mại của họ đang làm xói mòn chính sách tài chính của Việt Nam?

Trong quá khứ, lúc nguy nan, người Việt tự biết bảo nhau "Không bán hàng cho giặc". Một lịch sử bất khuất sau đó được viết lên bởi chính thế hệ những người Việt vừa mới bước ra khỏi 80 năm nô lệ.

Ngày nay, những người dân Việt Nam của một nước độc lập về lý thuyết từ năm 1975, tính đến nay, đã có gần 40 năm độc lập, dễ dãi và bắt tay với giặc, phải chăng chúng ta đang đi ngược lại con đường mà người Việt từng đi?


0 comments:

Powered By Blogger