Hai mươi hai năm trước, vào mùa xuân đặc biệt đó của Trung Quốc năm 1989, một trận cuồng phong ập đến đất nước đang đối mặt với những vấn đề chính trị gay cấn.
Thực ra, thời tiết đã thay đổi từ hai năm trước, khi Chủ tịch Hồ Diệu Bang từ nhiệm vì "khác biệt trong tranh luận" về con đường phía trước của đảng Cộng sản.
Những xung khắc trong ban lãnh đạo lại càng trở nên gay gắt bởi một phong trào sinh viên đòi cải tổ chính phủ và dân chủ ở Trung Quốc. Sau
đó cuộc biểu tình này bị đàn áp khốc liệt làm hàng ngàn người bị Quân Đôi Trung Cộng bắn chết.


Dũng cảm

Hồ Diệu Bang đã có được sự tin yêu của sinh viên từ khi ông chuyển đổi tư duy, rời khỏi cách nghĩ cực tả trong đảng.
Từ khi ông rời vị trí Chủ tịch đảng do áp lực ghê gớm, ông vẫn được đa số người Trung Quốc ủng hộ, những người còn nhớ lòng dũng cảm và nỗ lực của ông để bảo vệ những nạn nhân bị oan khốc muốn tìm sự thật sau Cách mạng Văn hóa.
Vào đúng ngày 15 tháng Tư 1989, Hồ Diệu Bang qua đời vì truỵ tim ở Bắc Kinh và không lâu ngay sau đó, sinh viên trong thành phố đổ xuống quảng trường Thiên An Môn để tưởng niệm ông.
Khi phong trào lan ra, nó đã biến từ chỗ chỉ là tình cảm tưởng nhớ ông thành một cuộc phản đối nhắm vào những điều tiêu cực trong hệ thống cầm quyền của đảng cộng sản ở Trung Quốc.


Hồ Diệu Bang (1915-1989) bị hạ bệ năm 1987 nhưng người lên thay là Triệu Tử Dương cũng thất bại trong cải cách chính trị

Hai tháng sau đó, ngày 4 tháng Sáu, một vụ thảm sát kinh khủng đã xảy ra ngay tại Thiên An Môn và trở thành cột mốc trong lịch sử Trung Quốc hiện đại. Thiên An Môn cũng vẫn là vết thương lòng mà cả dân tộc Trung Hoa ôm lấy trên con đường cải cách chính trị và dân chủ.
Nay, đã hai thập niên trôi qua từ trận cuồng phong đó, người Trung Quốc có thời gian để suy ngẫm về hai mươi năm những gì đất nước họ trải qua.

Lần đầu tiên, nhóm Bà mẹ Thiên An Môn tiết lộ: công an Trung Quốc tiếp cận họ để nói về khả năng “trả tiền” cho những vụ việc đến nay vẫn bị che giấu.
Trong thư ngỏ công bố trên các trang mạng nhân quyền về Trung Quốc hôm nay 31/5/2011, các bà mẹ có con bị giết, mất tích hoặc truy bức sau cuộc thảm sát Thiên An Môn năm 1989 nói họ vẫn muốn đối thoại với chính quyền.
Theo bức thư nói rằng “Không được làm ô danh các gia đình Thiên An Môn”, chừng 27 người đã ký tên, nhắc lại cuộc đàn áp sinh viên vào tháng 6/1989 dưới thời Đặng Tiểu Bình ở thủ đô Bắc Kinh.

Kể từ ngày đó, ngày người Trung Quốc gọi là Lục Tứ (4 tháng 6), các gia đình có con cái bị giết tại quảng trường Thiên An Môn không ngừng kêu gọi phục hồi danh dự cho họ. Họ nêu ra tên tuổi của các thanh thiếu niên mà có người mới chỉ 13 tuổi khi bị thương vì đạn của quân đội.

Đối thoại vì sự thật
Lá thư viết họ chỉ nêu ra ba điều cơ bản: đối thoại để tìm ra sự thật về con số người bị quân đội Trung Quốc giết chết; đánh giá lại bối cảnh chính trị khi đó để xác định công và tội của các nhà lãnh đạo; và đòi bồi thường.
Dù con số chính thức do nhà nước đưa ra chỉ là 203 người bị giết, các giới vận động nhân quyền cho rằng Bắc Kinh có trách nhiệm điều tra để biết con số thực mà họ tin là cao hơn khi xe tăng của Hồng quân Trung Hoa tràn vào giải tán người biểu tình ở Thiên An Môn.

Công an Trung Quốc ngăn các thân nhân của sinh viên bị giết tại Thiên An Môn năm 1989 tụ tập hồi 2009 để tưởng niệm con cái họ

Nay, lần đầu tiên các bà mẹ Thiên An Môn cũng tiết lộ rằng hồi tháng 2/2011, các quan chức ngành công an Trung Quốc đã tiếp cận một số gia đình và sau đó, vào tháng 4 vừa qua, có đề nghị “trả tiền bao nhiêu thì đủ” cho những cá nhân có người thân thiệt mạng năm 1989.

Theo BBC Tiếng Trung tại London, hoạt động của các quan chức công an có thể là dấu hiệu lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc đang tìm cách giải quyết chủ đề Thiên An Môn hiện vẫn bị cấm nêu ra tại nước này.
Tuy nhiên, lá thư của các bà mẹ cho hay giới chức không hề đưa ra một lời giải thích nào về vụ Thiên An Môn, không hứa hẹn điều tra gì.
Các cuộc gặp cũng được phía nhà nước cho là “riêng tư”, nhằm “trao đổi ý kiến” mà thôi.
Điều các bà mẹ Thiên An Môn muốn không chỉ là cuộc đối thoại công khai về sự kiện Thiên An Môn, mà cả việc phục hồi danh dự cho thân nhân của họ.

Cho đến nay, truyền thông chính thức của Trung Quốc gọi biến cố Thiên An Môn là do “bọn phản cách mạng” và “gây rối” tạo ra. Chính quyền cho tới nay cũng không muốn coi tổ chức Các bà mẹ Thiên An Môn như một nhóm chung, mà chỉ tiếp xúc riêng tư với từng gia đình.Họ cho rằng để cho công an đứng ra “nói chuyện riêng” với các gia đình nạn nhân Thiên An Môn là điều bất thường.
Nay, các bà mẹ yêu cầu chính quyền chỉ định ra một vị trí hay cơ quan có chức danh hẳn hoi để đối thoại với họ.
Đặc biệt, họ cũng nêu ra rằng kể từ đầu năm nay, làn sóng dân chủ ở Trung Đông và Thế giới Ả Rập khiến chính quyền Trung Quốc lo sợ và chỉ muốn tiếp tục im lặng về vụ Thiên An Môn dù nhiều năm đã qua.

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2011/05/110531_tiananmen_mothers_letter.shtml