Friday, June 24, 2011

Bắc Kinh dọa 'sẽ diệt tàu chiến Việt Nam'

Hà Nội: Báo TQ gây phức tạp tình hình

Người Việt - HÀ NỘI (TH) - Súng đạn chưa thấy nổ nhưng chiến tranh tuyên truyền đe dọa từ Bắc Kinh liên tục nổ trên tờ Global Times (Hoàn Cầu Thời Báo), phụ bản anh ngữ của Nhân Dân Nhật Báo, tiếng nói chính thức của Ðảng Cộng Sản Trung Quốc, suốt từ đầu tháng 6, 2011 đến nay.

Hai bài viết trên Global Times ngày 21 tháng 6 thấy Bắc Kinh vừa dùng dân số hơn 1.3 tỉ người, vừa dùng sức mạnh quân sự để đe nẹt Việt Nam.

Phản ứng lại, ngày 23 tháng 6, bà Nguyễn Phương Nga, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hà Nội chỉ nhẹ nhàng nói rằng các lời bình luận của tờ Hoàn Cầu Thời Báo “gây phức tạp tình hình.”

Biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội lần 3 ngày 19 tháng 6, 2011. Ði đầu là nữ Luật Sư Nguyễn Thị Dương Hà (thứ 2 bên phải) (vợ TS Cù Huy Hà Vũ đang bị án tù). (Hình: Nữ Vương Công Lý)

“Các hoạt động vi phạm chủ quyền của Việt Nam mà tàu của Trung Quốc tiến hành đã gây bức xúc trong lòng người dân Việt Nam. Một số báo của Trung Quốc, trong đó có Thời Báo Hoàn Cầu đã đưa các bình luận thiếu thiện chí, không có lợi cho mối quan hệ Việt-Trung và khiến tình hình thêm phức tạp.” Lời tuyên bố này của bà Nga không tìm thấy trên website chính thức của Bộ Ngoại Giao Hà Nội và chỉ thấy trên báo điện tử VNExpress.

Bà Nga nói rằng: “Thời Báo Hoàn Cầu chỉ là tiếng nói của một nhóm người nhất định, không đại diện cho nhân dân Trung Quốc.”

VNExpress thuật lại lời bà Nga rằng “có những thông tin mà báo nói trên đưa là sai sự thật, gây tổn thương cho tình cảm của người dân hai nước.”

Trong một bài viết, ngày 21 tháng 6, Global Times nói một cuộc thăm dò dư luận (sic!) của báo này hôm Thứ Hai, 20 tháng 6, 2011 cho thấy Việt Nam làm người Trung Quốc “tức giận.” Tờ báo nói “gần 86% của hơn 13,000 người được phỏng vấn bày tỏ cảm nghĩ tiêu cực về Việt Nam liên quan đến Biển Nam Trung Hoa” (Việt Nam gọi là Biển Ðông).

Báo này thuật lời ông Trang Quốc Thổ, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Ðông Nam Á tại Ðại Học Gia Môn rằng vấn đề (tranh chấp) đang chia rẽ hai dân tộc Trung Quốc và Việt Nam.

Cùng ngày 21 tháng 6, bài bình luận: “Trung Quốc phải phản ứng với sự khiêu khích của Việt Nam” của Global Times nói: “Việt Nam đã có các hành động nguy hiểm ở Biển Ðông” suốt một thời gian.

Ngược lại các lời tố cáo của Việt Nam, báo này đổ tội cho các sự căng thẳng trên biển Ðông “phần lớn phát xuất từ Việt Nam.”

Tố cáo Việt Nam như thế, Global Times viết: “Trung Quốc cần phải gửi một thông điệp rõ rệt rằng họ (TQ) sẽ làm bất cứ gì để bảo vệ quyền lợi ở Biển Ðông. Nếu Việt Nam vẫn tiếp tục khiêu khích Trung Quốc ở vùng này, Trung Quốc sẽ đối phó bằng lực lượng cảnh sát biển, và nếu cần, đánh trả bằng lực lượng hải quân.”

Bài viết này tiếp tục nói rõ rằng: “Trung Quốc khi tuyên bố rõ là đánh trả, TQ sẽ lấy lại những hòn đảo đã bị Việt Nam chiếm trước đây. Nếu Việt Nam muốn phát động chiến tranh, Trung Quốc tin tưởng sẽ tiêu diệt các tầu chiến (xâm phạm) của Việt Nam, cho dù có sự chống đối của cộng đồng quốc tế. Hoa Kỳ có thể mang đến một số bất định trên Biển Nam Hoa. Trung Quốc sẽ đối phó cẩn thận và nhiều phần sẽ không trực diện đối đầu với lực lượng Mỹ.”

Lời lẽ này cho thấy những hành động khiêu khích, bắt nạt của Trung Quốc thời gian gần đây đều có sự tính toán từng bước.

Bên cạnh phản ứng của Bộ Ngoại Giao Hà Nội trước chiến dịch đe dọa bằng báo chí của Bắc Kinh, tờ Ðại Ðoàn Kết phản ứng về bài báo của tờ Global Times, nói rằng báo Trung Quốc “xuyên tạc sự thật và hăm dọa dân tộc Việt Nam.”

Tờ Global Times nói: “Nếu Việt Nam cứ tiếp tục gây rối, tưởng rằng cứ gây rối thì được hưởng lợi, chúng tôi thành thật xin nhắc các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam là hãy đọc lại lịch sử.”

Lịch sự mà báo này muốn nói đến là gì? Là một ngàn năm Bắc thuộc mà nhiều lần báo chí không chính thống Trung Quốc vẫn nhắc nhở rằng Việt Nam là một “phiên thuộc” của nước Tàu.

Câu kết luận của bài bình luận trên Global Times viết: “Mời quý vị hãy xem lại lịch sử đi. Ðúng vậy! Hãy xem lại lịch sử mấy ngàn năm sống bên cạnh nhau để ứng xử sao cho phải đạo là hai nước láng giềng hữu hảo!” được báo Ðại Ðoàn Kết thuật lại ở phần kết luận bài viết để nói: “Ứng xử sao cho đúng là hai nước láng giềng hữu nghị, đó là mong mỏi chân thành của mỗi người dân Việt Nam. Và chắc rằng đó cũng là ý nguyện của người dân Trung Quốc và khu vực cũng như cộng đồng quốc tế.” (TN)

0 comments:

Powered By Blogger