Kenneth Corbin, Datamation (Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ) -Với môt tuyên bố mạnh mẽ nhất từ trước đến nay từ chính phủ Obama về vấn đề tự do Internet, Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton hôm thứ Ba đã kêu gọi cộng đồng quốc tế phản đối việc theo dõi, kiểm duyệt và cấm đoán mạng tại “khu vực công cộng” của thế kỷ thứ 21.
Trong một bài phát biểu tại Đại học George Washington, bà Clinton đã cảnh báo rằng các chính phủ nào tìm cách ngăn cấm tự do ngôn luận trên mạng sẽ rơi vào mặt xấu của lịch sử, và cam kết sẽ tăng cường nguồn lực của Hoa Kỳ để hỗ trợ những tổ chức trên thế giới đang hoạt động để giữ những phương tiện kỹ thuật số được mở cửa tại những quốc gia đang bị các chính phủ thô bạo kềm chế.
“Chúng ta tin rằng những chính quyền nào đang đặt ra những rào cản với tự do Internet, dù bằng những sàng lọc bằng kỹ thuật hoặc bằng những hệ thống kiểm duyệt, hoặc bằng cách tấn công những ai đang thực hiện quyền tự do ngôn luận và quyền tự do tổ chức trên mạng, cuối cùng sẽ thấy chính mình bị phong toả. Họ sẽ phải đối diện với tình trạng tiến thoái lưỡng nan của kẻ độc tài, và sẽ phải lựa chọn giữa việc để bức tường sụp đổ hoặc phải trả giá cho việc giữ nó đứng vững,” bà Clinton nói.
“Tôi kêu gọi các quốc gia ở mọi nơi thay vì thế nên cùng chúng tôi tham gia vào cuộc đánh cược mà chúng tôi đã đưa ra, rằng một hệ thống Internet mở sẽ làm các quốc gia trở nên hùng mạnh và giàu có hơn.”
Clinton đã nhấn mạnh vấn đề tự do Internet toàn cầu vào tháng Giêng năm trước sau khi Google thông báo rằng đã có một làn sóng tấn công trên mạng bắt nguồn từ Trung Quốc khi công ty này tuyên bố sẽ ngừng hợp tác với những yêu cầu kiểm duyệt của quốc gia này.
Từ dạo ấy, Bộ Ngoại giao đã thảo ra một chính sách mà hôm nay bà Clinton nói rằng phải đề cập đến tính hai mặt vốn có của Internet — rằng nó có thể được dùng như một công cụ của tự do ngôn luận và là người môi giới cho chống đối dân sự, trong khi đó cũng tạo cho các chính phủ một loại công cụ mới để tiến hành việc theo dõi điện tử và tìm kiếm bắt giữ những tổ chức chống đối.
“Hiện đang có một tranh luận trong những nhóm người về việc liệu Internet là công cụ để giải phóng hay chế ngự. Nhưng tôi cho rằng tranh luận này đã nằm ngoài trọng điểm,” bà Clinton nói, lưu ý rằng những cuộc nổi dậy gần đây tại Ai Cập, Iran và những quốc gia khác đã cho thấy những người biểu tình cũng như chính quyền đều dùng những phương tiện kỹ thuật thông tin mới như là một mở rộng của những mục đích chính trị và xã hội chính của họ.
“Ai Cập không gây hưng phấn cho mọi người vì họ liên lạc bằng Twitter. Nó gây hưng phấn vì người dân đã cùng nhau nhấn mạnh việc đòi hỏi một tương lai tốt hơn. Iran không phải tồi tệ vì chính quyền dùng Facebook để theo dõi và bắt giữ những thành viên của các tổ chức đối nghịch. Iran tồi tệ bởi vì chính quyền thuờng xuyên vi phạm quyền tự do của người dân,” bà nói.
Trong ba năm qua, bà Clinton nói rằng chính phủ bà đã dành riêng 20 triệu Mỹ kim làm phần thưởng thi đua cho các nhóm hoạt động và các nhà kỹ thuật nhằm phát triển những công cụ để vượt qua những hệ thống thanh lọc Internet và lẫn tránh theo dõi của những chính phủ bạo tàn. Chỉ trong năm nay, bà nói rằng Hoa Kỳ đã dự định tăng cường hỗ trợ cho những tổ chức này với ngân sách lên đến 25 triệu Mỹ kim.
Tuần trước, Bộ Ngoại giao đã phát động việc nhắn tin bằng Twitter bằng tiếng Farsi và A Rập như là công cụ để tiếp xúc với những tổ chức chống đối tại Trung Đông. Bộ Ngoại giao cũng đã dự định nhắn tin bằng tiếng Trung Quốc, Nga và Ấn Độ.
“Theo dõi và phản ứng những đe doạ đối với tự do Internet đã trở thành một phần việc hằng ngày của những chuyên gia phát triển và những nhà ngoại giao của chúng tôi,” bà Clinton nói.
Bà nói rằng chính phủ dự định hoàn thành một cuộc thẩm định toàn diện về chiến lược về thế giới mạng toàn cầu của mình trong năm nay, đề cập đến những quan ngại về kinh tế và an ninh toàn cầu, được dẫn đầu bởi Christopher Painter, người gần đây đã nắm vai trò giám đốc tối cao về an ninh mạng của Hội đồng An ninh Quốc gia.
Trong khi tính phức tạp của nạn kiểm duyệt và đàn áp mang mức độ khác nhau trong những quốc gia mà bà Clinton đề cập đến, bao gồm Trung Quốc, Cuba và Việt Nam, bà nói rằng hướng đi của Bộ Ngoại giao là mở rộng hoạt động để đề cập đến những thử thách chính yếu mà các chính phủ phải đối đầu với chính sách Internet, như va chạm về quan điểm tự do và an ninh. Rất thường xuyên, bà Clinton cảnh báo, các chính phủ hà khắc thường đàn áp các nhà chống đối chính trị và quấy nhiễu các blogger hoặc các nhà chống đối khác trên danh nghĩa an ninh quốc gia. Đồng thời bà cùng lặp lại cam kết sẽ điều hợp với các chính phủ và các cơ quan an ninh nước ngoài để tìm kiếm những tổ chức tội phạm hoặc khủng bố đang hoạt động trên mạng.
Đề cập đến một thử thách khác là mối căng thẳng giữa minh bạch và bí mật quốc gia, bà Clinton đã bảo vệ phản ứng của Hoa Kỳ trong việc công bố những bức điện ngoại giao bị rò rỉ trên Wikileaks, bà cho rằng các chính phủ, giống như các doanh nghiệp, cần phải giữ kín một số thông tin khỏi tầm nhìn của công chúng. Quan điểm mà Wikileaks và những người ủng hộ nó rằng bí mật và minh bạch thì khác biệt nhau trên căn bản là một “lựa chọn sai,” bà nói.
Hơn nữa, bà lưu ý rằng nguồn gốc của những bức điện bị rò rỉ xuất phát từ một “hành động trộm cắp,” ám chỉ đến việc một binh nhì Mỹ bị cáo buộc là đã đánh cắp các phiên bản điện tử của các tài liệu trên và gửi đến Wikileaks để công bố. Hành động này, bà nói, về cơ bản thì không khác gì những văn bản giấy của những tài liệu trên bị tuồn lậu ra khỏi một văn phòng trong một chiếc cặp.
“Sự hiện hữu của những kết nối kỹ thuật có thể gây khó khăn trong việc giữ gìn bí mật, nhưng nó không làm thay đổi nhu cầu về nó,” bà nói.
Bà Clinton cũng thẳng thừng phủ nhận rằng chính phủ bà đã ép buộc bất cứ công ty tư nhân nào cắt đứt quan hệ với WikiLeaks như đã từng được tường thuật rộng rãi. Bà nói rằng những nhận định công khai của các nhà lập pháp như Thượng Nghị sĩ Joseph Lieberman, người đã phát động cuộc điều tra đối với những hỗ trợ tài chính cho WikiLeaks và đòi hỏi công ty Amazon đưa ra chi tiết về những dịch vụ cloud-computing mà họ đã chu cấp cho trang WikiLeaks, thì không nên được hiểu nhầm như là chính sách của chính phủ.
Nguồn: Kenneth Corbin, Datamation
0 comments:
Post a Comment