Wednesday, June 6, 2018

Kim Jong-un: Ngôi sao mới nổi trong lớp lãnh đạo 2018 - (Laura Bicker-BBC)

Kim Jong-un: Ngôi sao mới nổi trong lớp lãnh đạo 2018
AuthorLaura BickerSourceBBCPosted on: 2018-06-06


Có phải chúng ta đang chứng kiến sự lột xác của Kim Jong-un, nhà lãnh đạo quốc tế mới?
Kim Jong-un đang dần trở thành một ngôi sao nổi tiếng của lớp các nhà lãnh đạo quốc tế năm 2018.
Sau nhiều năm cô lập, giờ ông đã nổi lên như người chơi đầy quyền lực. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nga, Syria, Hàn Quốc và Mỹ đều đã gặp hoặc đang dự kiến sẽ gặp ông Kim trong năm nay.
Theo nghĩa đen, họ đang xếp hàng để được gặp Kim Jong-un.
Vladimir Putin vừa mời ông Kim đến Vladivostock vào tháng Chín và Tổng thống Syria, ông Assad nói cũng muốn thăm Bình Nhưỡng.
"Chúng ta đang chứng kiến sự chào đời của 'Kim Jong-un, chính trị gia quốc tế'," Jean Lee, cựu trưởng phòng báo chí Associated Press tại Bình Nhưỡng cho biết.


Cả Tổng thống Syria (trái) và Tổng thống Nga (phải) đều bày tỏ mong muốn gặp ông Kim
"Đây là một sự ra mắt quốc tế khác với những gì chúng tôi thấy trong năm 2010, khi Kim Jong-un xuất hiện như một người thừa kế lạ mặt, non trẻ.
"Bây giờ, khi có trong tay các tên lửa đạn đạo liên lục địa, Kim đang bước ra thế giới như một nhà lãnh đạo của một quốc gia tự coi mình là một cường quốc hạt nhân ngang bằng với các cường quốc hạt nhân khác trên thế giới, kể cả Hoa Kỳ."
Đây tất nhiên là điều mà ông ta mong muốn khi tăng tốc chương trình thử nghiệm tên lửa vào 2017, theo Ken Gause, tác giả của North Korean House of Cards.
"Kim Jong-un rất có thể đã đi đến kết luận rằng cách duy nhất để đảm bảo thành công trên mặt trận ngoại giao là leo thang để xuống thang ... Bắc Hàn sẽ tự đưa nó đến bàn đàm phán trong một vị thế đầy sức mạnh."
Nhưng chắc Kim Jong-un cũng không thể ngờ tới việc ông ta sẽ được gặp Tổng thống Hoa Kỳ. Điều này đã đem lại cơ hội ngoại giao mà ông ta luôn hằng mong đợi. Và điều này cũng cho ông ta cơ hội để nói Bắc Hàn đang mở cửa với thế giới.
"Kim đã luôn giữ khoảng cách với thế giới bên ngoài trong một thời gian dài nên các nhà lãnh đạo nước ngoài sẽ chộp lấy bất cứ cơ hội nào để gặp ông ta, dù chỉ để hiểu hơn về ông ta và những gì ông muốn cho đất nước," Jean Lee nói.
Và họ đã chộp lấy cơ hội đó.


Ông Kim và ông Tập trong một cuộc gặp khá thân mật
Điều gì đã xảy ra?
Có hai điều đã giúp Kim Jong-un hình thành chiến lược ngoại giao mới.
Thứ nhất là Nam Hàn đã bầu được một tổng thống dân chủ, người hứa hẹn sẽ tiếp cận với miền Bắc. Điều này cho phép ông ta thiết lập một mối quan hệ tốt đẹp với người láng giềng.
Sau đó là lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ. Các vị Tổng thống trước luôn đòi hỏi nhiều sự chắc chắn, đảm bảo trước khi một cuộc hội nghị thượng đỉnh có thể xảy ra.
Nhưng không phải Donald Trump. Vị tổng thống thứ 45 là một nhân tố không thể đoán trước. Ông Trump đã dành cả một năm đe dọa Bình Nhưỡng với các lời lẽ công kích thù địch, nhưng sau đó lại đột ngột quyết định đồng ý gặp trực tiếp ông Kim.
Khi Kim Jong-un bước ra để gặp Donald Trump ở Singapore, thì phải nhớ lại rằng trong 6 tháng qua, ông Kim đã đi từ việc bị quốc tế cô lập đến việc trở thành một trong hai nhà lãnh đạo được cả thế giới chú ý.
Chính cuộc hội nghị thượng đỉnh là một lợi thế chính trị của Kim Jong-un.
Chiến lược ngoại giao mới này không chỉ phát sinh từ một vị thế đầy sức mạnh, mà cũng còn vì sự tất yếu sống còn.


Ông Kim và ông Moon đã có hai cuộc gặp lịch sử chỉ trong một tháng qua
Sau khi tuyên bố rằng chương trình vũ khí của mình đã hoàn tất, ông Kim cũng thông báo rằng trọng tâm chính của ông là kinh tế. Để làm điều đó, ông cần phải tạo liên minh và tái thiết mối quan hệ cũ.
Điểm dừng đầu tiên là, tất nhiên, Trung Quốc, đối tác thương mại chính của Bắc Hàn.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã giúp thực thi chiến lược gia tăng áp lực của Donald Trump lên Bắc Hàn vào cuối 2017, cắt đứt nhiều nguồn cung cấp quan trọng và gây ra sự phẫn nộ từ Bình Nhưỡng.
Bắc Hàn thậm chí còn từ chối tiếp một phái viên Trung Quốc khi ông này đến thăm vào cuối năm ngoái.
Nhưng bây giờ đôi chân của Kim Jong-un đi không nghỉ: hai chuyến thăm Trung Quốc trong vòng hai tháng. Đầu tiên đến Bắc Kinh và sau đó đến Đại Liên vào đầu tháng Năm, nơi ông đi dạo dọc bãi biển với ông Tập và dường như bàn luận về thương mại.
Và cuộc gặp lịch sử với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào tháng Tư tại biên giới cũng gây tiếng vang. Như một đôi bạn đi dạo, nói về tương lai của hai nước.
Kim Jong-un đã sẵn sàng mở cửa theo cái cách mà cha và ông của ông chưa bao giờ có thể làm được.
Cũng phải nhắc đến thời điểm mà ông Kim lựa chọn thăm Trung Quốc. Các chuyến đi được thực hiện chỉ vài ngày trước khi ông Kim gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Một động thái chiến lược xảo quyệt cho phép ông ta có thể thao túng hai bên.
Trung Quốc thì ủng hộ một cách tiếp cận chậm rãi hơn về quá trình phi hạt nhân và muốn các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ để nền kinh tế Bắc Hàn ổn định.
Ông Kim có thể quay sang Mỹ và nói - nhìn xem tôi cũng có người đỡ đầu đây.


Chuyến thăm của ông Lavrov là chuyến thăm đầu tiên của một nhà ngoại giao cấp cao của Nga tới Bắc Hàn trong hơn một thập kỷ qua
Kế hoạch mới và liên minh cũ
Ông Kim cũng có một động thái tương tự khi dùng Moscow làm đòn bẩy vào tuần trước. Khi cựu lãnh đạo ngành tình báo Bắc Hàn Kim Yong-chol đang trên đường tới Hoa Kỳ với bức thư khá lớn từ nhà lãnh đạo tối cao, thì Kim Jong-un quyết định gặp gỡ Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ở Bình Nhưỡng.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nhà ngoại giao cấp cao của Nga trong hơn một thập kỷ qua. Tất nhiên đó có thể là một sự trùng hợp, nhưng Donald Trump không hài lòng về điều đó.
"Tôi không thích cuộc họp của họ với Nga. Tôi hỏi mục đích của cuộc họp Nga là gì. Nếu đó là một cuộc họp tích cực, tôi thích nó. Nếu đó là một cuộc họp tiêu cực, tôi không vui," ông nói với các phóng viên.
Ông Trump có thể có lý do chính đáng để không vui về điều này. Nga tự coi mình là một phe hòa giải trong bất kỳ các cuộc thương thảo hạt nhân nào. Nó cũng có chung biên giới với Bắc Hàn và có các lợi ích kinh tế quan trọng.
Vì vậy, nếu Washington nghĩ rằng Bắc Hàn đang đã bị mắc kẹt trong một góc, Kim Jong-un đã gửi cho họ một thông điệp rõ ràng về các phương án dự phòng của ông.
Adam Mount từ Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ nói rằng: "Mỗi mối quan hệ mới là thêm một đòn bẩy chống lại những nỗ lực của Mỹ để gây áp lực lên chế độ.


Cách đây không lâu, Bắc Hàn vẫn còn đang thử nghiệm tên lửa hạt nhân
Cuộc tiếp cận với Bắc Kinh khiến việc suy giảm lệnh trừng phạt là một điều chắc chắn, nhất là khi đội của Trump mới là đội trông có vẻ đang ảnh hưởng đến tiến trình hòa bình."
"Những dấu hiệu về một mối liên kết với Moscow ngày càng tăng và rất đáng lo ngại. Nếu mối quan hệ tiếp tục mở rộng, thì có thể trong tương lai, họ sẽ chu cấp cho Bình Nhưỡng rất nhiều cách để thoát khỏi sự kiểm soát trong tương lai."
Mối quan hệ của Tổng thống Syria Bashar-al Assad với Bình Nhưỡng cũng là một mối quan tâm có thể khiến Mỹ và LHQ lo ngại.
Cơ quan truyền thông Bắc Hàn nói ông Assad dự định đến thăm Bình Nhưỡng.
Syria là một liên minh cũ. Bắc Hàn thiết lập quan hệ ngoại giao với Syria năm 1966 và gửi quân đội và vũ khí cho đất nước trong cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel vào tháng 10/1973.
Một báo cáo của Liên Hợp Quốc bị rò rỉ vào tháng 2 đã cáo buộc Bắc Hàn đã đưa 40 lô hàng đến Syria từ 2012 đến 2017, bao gồm gạch, van và ống chịu axít có thể được sử dụng để chế tạo vũ khí hóa học.
Cộng đồng quốc tế bây giờ đang dần xem xét mối quan hệ này một cách cẩn trọng hơn.
Sự tuyệt vọng?
Nhưng không phải mọi thứ luôn đi theo đúng hướng mà Bắc Hàn mong muốn.
Ngoại trưởng Bình Nhưỡng hồi tháng trước đã đưa ra một tuyên bố gay gắt chỉ trích Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence là "ngu ngốc" và cảnh báo Hoa Kỳ có thể đối mặt với một cuộc chiến hạt nhân nếu biện pháp ngoại giao thất bại.
Hầu hết bán đảo Triều Tiên biết đây là một thái độ và lời lẽ thách thức điển hình của Bắc Hàn và chính quyền Hàn Quốc đã rất cẩn thận để không đưa ra phản ứng tương tự.
Và điều này có lẽ cũng hoàn toàn có thể dự đoán được, nhất là sau khi ông Pence và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton so sánh quá trình phi hạt nhân hóa của Bắc Hàn với Libya.
Nhưng những lời nói này đã làm rung chuyển Nhà Trắng. Nó đã cho Donald Trump quyền để hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh. Rất nhiều nhà phân tích từ Washington phân vân tự hỏi liệu Bình Nhưỡng có tấn công, thử một tên lửa khác.
Họ đã không làm điều đó. Thay vào đó họ cư xử cao thượng hơn. Họ nhanh chóng thu xếp một cuộc gặp với Tổng thống Moon để xoa dịu vấn đề với Nam hàn.
Kim Jong-un ôm người láng giềng - một cử chỉ để cho thấy một khía cạnh con người dịu dàng hơn của ông. Sau đó, ông cử cánh tay phải của mình đến New York để cố gắng làm mọi thứ trở lại đúng hướng và viết cho Tổng thống Trump.
Một số có thể đã cảm thấy có một làn gió tuyệt vọng từ lãnh đạo Bắc Hàn. Cũng có thể ông ta chỉ sốt sắng cứu vớt cuộc hội nghị thượng đỉnh ông hằng mong đợi.
Nhưng may mắn thay, những điều trên thì chẳng là gì so với những bê bối ồn ào ở Nhà Trắng. Và nhiều người còn tự hỏi liệu Donald Trump có thực sự biết những gì ông ta đang làm hay không.
Kim Jong-un đã đổi luật chơi. Năm ngoái, những tên lửa hạt nhân của ông ta là một gánh nặng, giờ thì chúng lại trở thành công cụ ngoại giao chiến lược.
Nhưng mục đích cuối cùng của Bắc Hàn là gì? Và điều gì sẽ xảy ra sau hội nghị?
Cựu quan chức bộ ngoại giao Hoa Kỳ Joel Wit, người nghiên cứu lâu năm về Bắc Hàn nói tại một buổi họp báo rằng:
"Đây không phải một 'sự rù quến' (công kích bằng mê hoặc - charm offensive - BCT), đây không phải một mánh khóe chiến lược gì. Lần này có một khí thế rất lớn từ phía Bình Nhưỡng trong những việc mà họ đang làm. Cá nhân tôi nghĩ là bởi vì các lệnh trừng phạt".
"Điều đó có thể đã đóng một vai trò nhỏ. Nhưng đó là một cái gì đó họ quyết định nội bộ và chắc cũng liên quan đến số lượng kho vũ khí hạt nhân, tên lửa của họ và mong muốn hiện đại hóa nền kinh tế.
"Và tôi nghĩ rằng những gì bạn cần làm là chú ý đến những gì người Bắc Hàn đang nói. Đó không chỉ là tuyên truyền. Ông ấy không chỉ nói những điều sáo rỗng. Đây là một điều gì đó rất mới mẻ và cũng rất quan trọng."
Xem thêm về Kim Jong-un:

Vệ sỹ chạy bộ theo xe chở Kim Jong-un

Tên tôi cũng là 'Kim Jong-un'

0 comments:

Powered By Blogger