Lưu Nhĩ Mục * Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Tù chính trị là hiện tượng duy nhất chỉ có ở xã hội toàn trị. Tù chính trị có thể là những người phản kháng chính trị công khai, hay họ có thể phản kháng chính trị theo những cách khác, ít công khai hơn. Những kẻ thống trị coi họ là nhóm người đe dọa đến chế độ cho nên nhà cầm quyền phải đàn áp họ tàn bạo bằng bạo lực. Ở xã hội văn minh hiện đại, thay đổi chế độ diễn ra theo cơ chế định kỳ. Sự chuyển giao quyền lực này diễn ra cứ độ mỗi năm năm hay bảy năm, như thế sẽ không có chuyện lật đổ chế độ, và sẽ không có tù chính trị. Chỉ ở xã hội toàn trị những kẻ thống trị mới tấn công rất tàn bạo tù chính trị để họ hưởng lâu dài đặc quyền của kẻ cai trị trong xã hội chuyên chế, hay vì họ sợ sau khi mất quyền lực họ sẽ bị xét xử về nhiều tội ác họ đã phạm. Chính bản tính tự nhiên của con người là mưu cầu tự do và nhân quyền. Cho dù xã hội toàn trị đến thế nào chăng nữa thì cũng chẳng ngăn cấm được mưu cầu ấy. Do đó dòng tù chính trị với đủ tất cả các loại nối gót nhau bước đến không ngừng như thác đổ.
Xã hội toàn trị dùng nhiều cách thức pháp lý để cáo buộc những người bất đồng chính kiến nhiều tội khác nhau nhằm làm cho họ khiếp sợ mà bỏ cuộc. Luật pháp có nghĩa là những quy tắc mà toàn xã hội phải tuân thủ. Luật pháp có nghĩa là khích lệ ổn định xã hội và văn minh tiến bộ. Nhưng theo Marx, luật pháp là ý chí của kẻ thống trị-luật pháp là công cụ giữ gìn sự thống trị của họ. Lý giải của Marx về luật pháp về cơ bản lệch lạc với lý giải của nền văn minh hiện đại. Cho nên từ khi ra đời cho đến nay luật Mác-xít chỉ toàn không ngừng gây ra biết bao tai họa cho nhân loại. Vì vậy tôi bảo với nhân viên an ninh lập hồ sơ tôi rằng tôi không vi phạm luật pháp. Tôi chỉ vi phạm một vài điều lệ chính trị. Tôi bảo với anh ấy tôi chấp nhận bất kỳ bản án nào họ dành cho tôi, nhưng tôi sẽ không bao giờ nhận tội, và tôi cũng không bao giờ thưa kiện, vì cái gọi là luật pháp ấy không phải là luật pháp.
Ở Trung Quốc hiện nay, rất ít người tham gia vào việc phản kháng chính trị. Nhưng tại sao những kẻ thống trị lại sợ hãi đến mức phải tiêu diệt họ? Chính vì hàng chục năm qua kể từ khi thiết lập chế độ tới nay, chế độ đã gây ra đại họa cho đất nước và con người, mặc dù không phải toàn dân ai cũng biết đại họa này. Nhưng bây giờ do tất cả những vi phạm cố ý chống lại nhân dân và tình trạng tham nhũng thối nát chung trong thể chế, chế độ cai trị của họ đã mất sạch tất cả quyền uy đạo đức. Điều duy nhất nhà cầm quyền có thể trông mong vào là uy hiếp qua nòng súng. Đồng thời họ đang thực hiện tiếp quản kinh tế. Cho dù thể chế tiếp quản được kinh tế thì điều này cũng không nhất thiết thật sự được công nhận. Đối với kẻ thống trị đã hoàn toàn mất hết quyền uy đạo đức thì chỉ một cơn gió thoảng rất nhẹ thôi cũng đủ có thể thật sự lật đổ họ một cách cực kỳ kịch tính. Vì vậy họ rất sợ hãi.
Sau hàng chục năm cai trị, mặc dù hằng ngày mỗi ngày chúng ta đều nghe hô hào về đạo đức, nhưng đạo đức đã mất. Đạo đức đã mất này không có nghĩa là xã hội thiếu đạo đức. Bất luận bị đàn áp biết bao nhiêu trong suốt cả hàng chục năm nay, chúng ta thật sự vẫn không bao giờ thiếu đạo đức và chính trực. Ít nhiều những điều này vẫn còn. Người giữ quyền đạo đức để lên tiếng chính là những người bất đồng chính kiến. Tuy ít người, nhưng có lẽ nhờ cơ hội ngẫu nhiên mà những người bất đồng chính kiến có thể đánh bại những kẻ thống trị vào bất kỳ lúc nào. Những kẻ thống trị đã mất quyền uy đạo đức, còn hiện nay những người bất đồng chính kiến đang giữ quyền uy này. Những kẻ thống trị vừa phần nào ganh tỵ vừa phần nào kinh sợ trước điều này. Một khi quan chức bị bắt, bất kỳ chức vụ cao hay thấp, không ai dám lên tiếng chính thức. Còn dân chúng cũng không nói gì. Họ chỉ thích thú nhìn chế độ trên đà sụp đổ, giống như đang xem phim. Cho nên bất luận là Giang Thiên Vĩnh hay Hùng Phi Quân, hay tôi, chúng tôi đều thu hút nhiều sự chú ý và sự đoàn kết từ bên trong và bên ngoài Trung Quốc và trên mạng. Trong hoàn cảnh như hiện nay, lẽ nào họ chẳng kinh sợ?
Ở Trung Quốc, bạn hoặc là chủ hay nô lệ của thể chế. Nếu bạn muốn là con người, muốn tự do, muốn khỏe mạnh, muốn biết sự thật, thì bạn là kẻ thù của thể chế này. Bạn đang trên đường trở thành tù chính trị. Tôi hy vọng tất cả các tù chính trị và các tù chính trị dự khuyết ở đâu đấy sẽ nhận ra mình là ai. Chúng ta không phải là tội phạm. Chúng ta không vi phạm luật pháp. Luật pháp ấy không phải là luật pháp, chúng chỉ là những điều lệ chính trị. Những tên tay sai nhân danh luật pháp thẩm vấn bạn chính là những kẻ thật sự có tội. Chúng ta không được coi mình là tội phạm mà phải cúi đầu. Đúng hơn, chúng ta nên ngẩng cao đầu, nhìn thẳng chăm chăm vào họ, xem họ hoàn tất cuộc thẩm tra như thể họ không có tội. Chúng ta phải dũng cảm tiếp tục đấu tranh, càng dũng cảm hơn khi đối diện với họ. Tù chính trị chẳng gì phải xấu hổ-tù chính trị là vẻ vang.
Lưu Nhĩ Mục là nhà hoạt động mạng ở Trung Quốc từng chỉ trích chính quyền về việc đối xử thô bạo với những người tham gia biểu tình về môi trường ở Thành Đô, Tứ Xuyên.
Nguồn:
Dịch từ báo mạng China Digital Times ngày 19 tháng 12, 2016. Bản dịch tiếng anh của Little Bluegill.
0 comments:
Post a Comment