Đề nghị không giữ môn Lịch sử “độc lập” và “bắt buộc” phải học đối
với học sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã bị các nhà Giáo
dục hàng đầu Việt Nam lên án có chủ tâm tiến đến “xóa bỏ môn Lịch sử trong nền giáo dục phổ thông" .
Cuộc tranh luận từ ngoài xã hội đến Quốc hội được tập trung vào Dự thảo “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể”, sau 3 năm nghiên cứu và thu nhận ý kiến của Bộ GD&ĐT.
Theo đề nghị này thì môn học Lịch sử từ bậc Tiểu học (từ lớp 1 đến 5)
lên Trung học cơ sở (từ lớp 6 đến lớp 9) rồi qua Trung học Phổ thông (từ
10 đến 12) được tuần tự biến dạng từ "Cuộc sống quanh ta" đến "Tìm hiểu xã hội" sang "Khoa học xã hội" và sau cùng gọi là "Công dân với Tổ quốc", theo lời Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (HKHLSVN).
Nhưng trong ruột của môn mới “Công dân với Tổ quốc” của Dự thảo, Bộ GD&ĐT lại lồng ghép môn Lịch sử với hai môn học có từ trước không ăn nhậu gì với nhau là “Giáo dục công dân” và “An ninh quốc phòng”
Các nhà soạn thảo của Bộ giáo dục gọi cách tập trung hổ lốn này là “tích
hợp” với các môn khác nhưng Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ
Luận lại khoe với Quốc hội hôm 16/11 (2015) rằng tuy tích hợp nhưng môn
Lịch sử “không bị coi nhẹ và tôi khẳng định được coi trọng hơn so với chương trình hiện hành”.
Tuy nhiên khi bị Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vặn hỏi muốn ông “nêu quan điểm của mình về việc nên để môn Lịch sử là môn tích hợp hay độc lập”, thì ông Luận tỏ ra lúng túng và cho biết: “Ban
soạn thảo lắng nghe ý kiến người dân sẽ có báo cáo với Ban Tuyên giáo
trung ương, Hội đồng lý luận Trung ương, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh
niên Thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội và các hiệp hội.”
Rõ là chuyện nói vuốt đuôi cho xuôi buồm thuận gió. Khi soạn thảo Chương
trình giáo dục phổ thông tổng thể, Bộ GD&ĐT không hề hỏi ý kiến Hội
Khoa học Lịch sử Việt Nam; chưa hề tổ chức thảo luận rộng rãi với các
nhà giáo, thầy cô dạy môn sử, nhân dân hay với Mặt trận Tổ quốc là nơi
quy tụ cả trăm Tổ chức nghề nghiệp, xã hội và chính trị.
Đến khi bị tứ phía chỉ trích, tạt nước lạnh vào mặt thì ông Luận mới
“lắng nghe”, mới cầu thị nhưng vẫn phải tâu lại với Ban Tuyên giáo Trung
ương và Hội đồng lý luận Trung ương xin ý kiến những ông bà chuyên nghề
“lý luận Mác-Lênin” bảo thủ, giáo điều, chậm tiến và lạc hậu thì ông chưa mất chức hãy còn may!
Tiếng nói chuyên môn
Nhưng Tổ tiên người Việt từng có câu “họa vô đơn chí”. Các nhà
giáo, chuyên gia lịch sử hàng đầu Việt Nam trong Hội Khoa học Lịch sử
Việt Nam (HKHLSVN) và một số Đại biểu Quốc hội, trong đó có ông Dương
Trung Quốc (đơn vị Đồng Nai), Nhà sử học, Tổng thư ký HKHLSVN cũng nghi
ngại đối với đề án coi nhẹ môn Lịch sử vào lúc lãnh thổ và chủ quyền
biền đảo của Việt Nam đang bị Trung Quốc đe dọa.
Giáo sư Phan Huy Lê nói: “Thông tin nói trên đã làm xã hội kinh ngạc
vì nếu môn Sử bị xóa sổ sẽ gây hậu quả to lớn. Một thế hệ trẻ sẽ lớn
lên, trở thành công dân chỉ biết lờ mờ, thậm chí biết sai về lịch sử dân
tộc, không biết cội nguồn tổ tiên, những thành tựu dựng nước và giữ
nước của cha ông.
Trên thế giới, hầu hết nước văn minh xem Lịch sử là môn cơ bản và bắt
buộc trong nền giáo dục quốc dân. Với yêu cầu của giáo dục phổ thông,
môn học nào cũng quan trọng, nhưng xét về chức năng giáo dục thì các môn
quốc ngữ, quốc văn, quốc sử và toán học là cơ bản nhất, hay còn gọi là
cốt yếu, cốt lõi nhất và đều mang tính bắt buộc" (Trích từ hội thảo “Môn lịch sử trong giáo dục phổ thông” do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức ngày 15-11 ở Hà Nội)
Giáo Sư Trần Thị Vinh (Khoa Sử, Đại học Sư phạm Hà Nội) giải thích, theo tường thuật của báo chí Việt Nam: “Ba
môn Giáo dục đạo đức, Lịch sử, Giáo dục quốc phòng - An ninh có đối
tượng, mục tiêu, nội dung, phương pháp giảng dạy khác nhau. Lịch sử là
môn khoa học cơ bản giúp học sinh thông hiểu kiến thức lịch sử cốt lõi
của nhân loại, dân tộc. Đối tượng là toàn bộ tiến trình phát triển của
nhân loại, khu vực, dân tộc. Còn mục tiêu của môn Quốc phòng an ninh là
đảm bảo cho học sinh có hiểu biết ban đầu về quốc phòng, an ninh nhân
dân, mang tính thực hành cao do tính chất rèn luyện kỹ thuật, chiến
thuật. Còn môn Đạo đức là giáo dục những giá trị đạo đức truyền thống, ý
thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm, nghĩa vụ công dân...”
Theo Nghị định 116/NĐ-CP ngày 10/07/2007 thì các đối tượng của giáo dục quốc phòng - an ninh gồm:
"Học sinh, sinh viên Việt Nam trong các trường trung học phổ thông,
trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng, cao đẳng nghề và đại
học (sau đây gọi là trung học phổ thông đến đại học), học viên các
trường thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã
hội (sau đây gọi là các trường chính trị, hành chính, đoàn thể); bồi
dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho cán bộ đảng viên, công chức các
cấp, các ngành…”
Các thành phần này được học về: “Truyền thống chống giặc ngoại xâm,
tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; đường lối, quan điểm cơ
bản của Đảng, Nhà nước về quốc phòng, an ninh; công tác quốc phòng, an
ninh của Đảng và Nhà nước; các văn bản pháp luật về quốc phòng, an ninh;
phổ cập những kiến thức cần thiết về lực lượng vũ trang nhân dân; nghệ
thuật quân sự Việt Nam; phòng, chống chiến lược "Diễn biến hòa bình",
bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam;
kiến thức cơ bản cần thiết về kỹ thuật, chiến thuật quân sự, phòng thủ
dân sự.”
Như vậy rõ ràng môn Lịch sử, khi được lồng chung với Quốc phòng-an ninh thì không còn giá trị chính chuyên nữa.
Vì vậy, Phó Giáo Sư Vũ Quang Hiển (Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) mới lên án: “Cắt
ghép và xuyên tạc lịch sử vốn là cách làm của những người muốn bôi nhọ
lịch sử dân tộc và nhân loại. Ngày càng có nhiều công bố trên phương
tiện thông tin đại chúng làm lung lạc tinh thần thế hệ trẻ Việt Nam bằng
cách lắp ghép và xuyên tạc lịch sử theo một logic chủ quan đã định
trước, nhưng lại núp bóng "cách nhìn mới" về lịch sử. Vì vậy, việc giáo
dục lịch sử thiếu tính hệ thống và toàn diện sẽ đặt thế hệ trẻ Việt Nam
đứng trước hiểm họa thấy rõ.”
Trong khi đó, Nhà sử học, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đã công khai hoài nghị: “Bộ GD&ĐT luôn lập luận không bỏ môn Lịch sử nhưng theo tôi, đó chỉ là cách nói và chúng tôi rất nghi ngờ”. (báo Người Lao Động, 8/11/2015).
Giáo Sư Vũ Dương Ninh, ĐHQG Hà Nội, cũng lo lắng: “Đúng là từ trước
đến nay, chưa bao giờ Bộ GD-ĐT có một văn bản, một chỉ thị nào coi nhẹ
môn lịch sử hoặc loại bỏ môn sử nhưng thực tế hoàn toàn khác. Vị trí của
môn sử và vài môn khác đã bị đẩy lùi dần và đến nay thì mất tên chính
danh trong chương trình THPT. Nó bị lẫn vào môn khoa học xã hội (tự
chọn) trong chương trình cho học sinh theo phân ban khoa học tự nhiên,
chỉ còn là môn chính thức đối với học sinh chọn ban khoa học xã hội. Có
nghĩa là lớp trí thức trẻ tương lai, ngoại trừ số ít chọn ngành khoa học
xã hội, sẽ không hiểu hoặc hiểu biết lơ mơ về lịch sử của dân tộc mình,
đất nước mình.”
Thiếu tướng Nguyễn Thiện Minh (Vụ trưởng Giáo dục Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo), theo báo chí Việt Nam, cho rằng: “Vị
trí của môn Lịch sử trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phải được
đặt đúng tầm quan trọng của nó. Đó là môn học cốt lõi nhất trong các
môn học cốt lõi, phải được hệ thống lại, bổ sung cho đủ nội dung, không
thể lồng ghép vào một môn học khác.”
Ông nói: "Nếu không coi trọng lịch sử, chúng ta sẽ nhận lại hệ luỵ không thể lường trước cho chính chế độ, an nguy của đất nước."
Gọi dự thảo của Bộ GD&ĐT là “ép duyên”, chắp vá, thiếu cơ sở khoa
học”, GS Đỗ Thanh Bình, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng: “Có những
vấn đề đặt ra mà những người làm chương trình phải tính toán lại, đừng
chỉ vì cố hoàn thành dự án mà để lại hậu quả, sẽ tác động không tốt tới
xã hội. Trước hết, chương trình này sẽ dẫn đến hệ lụy làm “teo” môn lịch
sử trong trường phổ thông, lớp trẻ không còn biết sự hy sinh của các
bậc tổ tiên để có đất nước như ngày nay. Chương trình vừa mới “thai
nghén” đã gặp phải nhiều ý kiến tâm huyết trái chiều, liệu khi hoàn
thành, đưa vào thực tiễn thì “tuổi thọ” của nó có được lâu dài? Giáo dục
không thể là nơi thí nghiệm.”
Vậy ai, hoặc những ai là Tác giả của quyết định liều lĩnh cố ý làm lu mờ môn Lịch sử dân tộc?
Chủ quyền Hoàng-Trường Sa đâu?
Cũng rất kinh ngạc khi nghe Giáo sư Phan Huy Lê cho biết: “Trong sách
Giáo Khoa lịch sử, địa lý đang lưu hành hoàn toàn chưa đề cập lịch sử
xác lập, thực thi và đấu tranh bảo vệ chủ quyền với 2 quần đảo Hoàng Sa,
Trường Sa. Hội nghị khẩn thiết đề nghị Bộ GD-ĐT bổ sung ngay nội dung
về chủ quyền của Việt Nam với 2 quần đảo này, không thể chờ đợi đến khi
biên soạn lại SGK - phải vài ba năm sau mới hoàn thành.”
Đề nghị bổ sung sách Lịch sử của HKHLSVN để xác nhận chủ quyền của Việt
Nam trên Hoàng Sa và Trường Sa và cuộc chiến chống quân Khmer đỏ ở Tây
Nam (miền Nam) đã được đặt ra từ năm 2012, nhưng Bộ Giáo dục vẫn tai
điếc thì không biết lỗi tại ai và lệnh không làm đến từ đâu?
Nhưng nếu là quyết định của Bộ Chính trị thì hành động này phải bị lên
án và Quốc hội phải có nhiệm vụ điều tra để trả lời cho dân biết.
Bằng chứng làm ngơ chủ quyền ở Biển Đông của đảng Cộng sản Việt Nam
không mới. Tuy vẫn ra rả nói Hoàng Sa-Trường sa là của Việt Nam, nhưng
hành động thì ngược lại, và được chứng minh trong sách “Những sự kiện
Lịch sử Việt Nam-1975-2000” của Viện sử học-Viện Khoa học Xã hội VN.
Cuốn sách do Nhà xuất bản Giáo dục in phổ biến đã không ghi một chữ nào
về Trận chiến xâm lược của quân đội Trung Quốc đã chiếm 7 bãi đá ngầm ở
Trường Sa ngày 14/03/1988.
Trong khi ấy thì tài liệu của Bách khoa Toàn thư (mở) viết: “Hải chiến Trường Sa 1988 là tên gọi của cuộc chiến trên biển Đông năm 1988 khi Hải quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Hoa đưa quân chiếm đóng bãi đáCô Lin, bãi đá Len Đao và bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. Do ba bãi đá này không có quân đội đồn trú nên Hải quân Nhân dân Việt Nam phải đưa quân ra bảo vệ, đánh trả và cuộc chiến nổ ra vào ngày 14 tháng 3 năm 1988.
Phía Việt Nam mất ba tàu vận tải của hải quân Việt Nam, 64 thủy binh
Việt Nam đã thiệt mạng. Trung Quốc bị hư hại tàu chiến, thương vong 24
thủy binh. Kể từ đó Trung Quốc đã chiếm đóng bãi đá Gạc Ma và hai nước
cùng cho hải quân ra đóng giữ một số đá ngầm khác mà hai bên cùng tuyên bố chủ quyền.
Trong các tài liệu của Hải Quân Việt Nam, sự kiện này được biết đến với tên gọi CQ-88 (Chủ quyền-88).”
Về cuộc chiến ở Hoàng Sa giữa Quân đội Việt Nam Cộng hòa và quân Trung Quốc tháng 1/1974 thì sách này chỉ viết vắn tắt: “Ngày
19 tháng Một-1974, Trung Quốc cho hải quân tiến đánh quân ngụy Sài Gòn
và chiếm quần đảo Hoàng Sa. Ngày 20 tháng Một-1974, Trung Quốc cho máy
bay ném bom xuống ba đảo Hữu Nhật, Quang Anh và Hoàng Sa, sau đó quân
Trung Quốc đánh chiếm phần phía tây của quần đảo Hoàng Sa. Đồng thời Bội
Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố về tình hình quần đảo Hoàng Sa để
biện hộ hành động của họ.
Đại diện chính quyền Sài Gòn tại Liên Hiệp Quốc gửi Công hàm thông
báo hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc tại Hoàng Sa
cho Hội đồng Bảo an và Tổng Thư ký Liên hợp quốc. Chính quyền Sài Gòn
thông báo tình hình Trường Sa cho các bên Định ước Pari và các nước khác
trên thế giới.”
Có 74 chiến sỹ Việt Nam Cộng hòa đã hy sinh tại cuộc chiến này, nhưng
cuốn sách không nói gì đến họ, coi như họ không phải là “người Việt của
phe mình”!
Vì vậy mà dù đã có nhiều tầng lớp nhân dân, Trí thức và cựu đảng viên
công khai xuống đường biểu dương và ghi ơn 74 lính VNCH, nhà nước vẫn lờ
đi và còn không cho tổ chức truy điệu 64 chiến sỹ đã hy sinh ở Trường
Sa vì sợ mất lòng Trung Quốc.
Bách khoa Toàn thư (mở) viết: “Báo chí Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không đề cập gì đến việc Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa. Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu
nhận định về phản ứng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước việc Trung
Quốc chiếm Hoàng Sa: "Một điều lạ, là trong khi dư luận phản ứng như thế
ở miền Nam, mà Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không có phản ứng gì.”
Cho đến bây giờ, 41 năm sau trận Hoàng Sa, và 27 năm sau trận Trường Sa,
nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (hậu thân của Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa) vẫn chưa dám in sách Sử để xác nhận chủ quyền lãnh thổ ở
Hoàng Sa và Trường Sa là một nghi vấn sợ hãi Trung Quốc sẽ lật ngửa quân
bài nhìn nhận chủ quyền của Trung Hoa trên 2 quần đảo này trong Công
hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Chu Ân Lai năm 1958.
Một điều ngạo ngược khác của Dự thảo “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể” là khi cố tình làm lu mở môn học Lịch sử Dân tộc thì Bộ Giáo dục lại ca tụng Chủ nghĩa ngoại lai Mác-Lênin.
Dự thảo viết: “Nội dung giáo dục phổ thông bảo đảm tinh giản, hiện
đại, thiết thực, thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, phù hợp
với đặc điểm tâm - sinh lý lứa tuổi học sinh; giáo dục nhân cách, đạo
đức, văn hóa pháp luật và ý thức công dân; tập trung vào những giá trị
cơ bản của văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa
nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin
và tư tưởng Hồ Chí Minh.”
Vậy giá trị cốt lõi và nhân văn của những trang sử oai hùng Việt Nam
trong công cuộc giữ nước và dựng nước từ thời Hồng Bàng đến nay đã bị Bộ
GD&ĐT cất ở xó nào?
Lịch sử cũng có mắt và bất diệt đấy. Không ai có thể bóp méo và xuyên tạc để mất gốc được đâu. -/-
(11/2015)
0 comments:
Post a Comment