Sunday, December 7, 2014

Việt Nam vẫn là nước bị siết chặt tự do internet nhất thế giới


Tổ chức Freedom House vừa công bố một bản phúc trình mới, có tựa đề là Tự do Mạng năm 2014, là một cuộc thăm dò thường niên của 65 chính phủ và các chính sách của họ có liên quan đến việc sàng lọc, kiểm duyệt nội dung trên mạng.
Phúc trình cũng cứu xét các hình thức theo dõi điện tử mà các chính phủ thực hiện, và cách thức họ trừng phạt công dân có các hoạt động trên mạng không được họ tán thành. Trong số 65 quốc gia được thăm dò, 36 nước bị đánh giá thấp hơn về tự do Internet so với năm trước, 12 nước là có khá hơn. Các quốc gia bị coi là kém tự do hơn trước đây gồm những nước vi phạm thường xuyên như Ả Rập Sê-út, Zimbabwe và Việt Nam.
“Sự tự do sử dụng Internet trên thế giới đã liên tiếp thụt lùi suốt 4 năm qua. Số quốc gia kiểm duyệt thông tin và sử dụng internet gia tăng đồng thời lại hung hăng hơn và tinh vi hơn khi nhắm vào các cá nhân sử dụng.” Freedom House nhận định như thế trong bản tường trình năm nay.
Hậu quả là có nhiều người dân bị bắt giữ và bỏ tù hơn trước. Các nhà cung cấp dịch vụ Internet đều bị áp lực của nhà cầm quyền buộc phải tự siết chặt thông tin nếu không muốn các biện pháp trừng phạt của nhà cầm quyền.
Một lãnh vực gây quan ngại đối với Freedom House là những nỗ lực mới tại các nước như Việt Nam và Nga, quy định rằng tất cả mọi dữ liệu phát xuất từ trong nước phải được trữ trong các máy chủ điện toán nằm trong phạm vi biên giới quốc gia. Việt Nam có Nghị định 72, có hiệu lực vào ngày đầu tháng 9 năm 2013, bị quốc tế chỉ trích là nỗ lực kiểm soát thông tin mà người dân chia sẻ với nhau trên mạng.
Dường như tốc độ phát triển và lan rộng quá nhanh của mạng xã hội, khiến chính quyền bối rối trong việc làm sao vươn tay ra kiểm soát hàng triệu người dùng internet liên tục 24/7. Với những giải thích ngược xuôi tùy nhu cầu của nhà cầm quyền, như tuyền truyền chống nhà nước, hay làm mất đoàn kết, lợi dụng các quyền tự do dân chủ và những giải thích hồ đồ khác, đó là cái cớ để họ bỏ tù người dân. (Thanh Lan-SBTN)

0 comments:

Powered By Blogger