Thiện Giao, phóng viên đài RFA
Trong bài thứ ba của loạt 5 bài tường thuật
tưởng niệm biến cố Mậu Thân tại Huế năm 1968, biên tập viên Thiện Giao
của đài chúng tôi sẽ tiếp tục gởi đến quí thính giả nghe đài những nét
chính yếu của cuộc phản công tái chiếm Huế mà đỉnh cao là ngày 22 tháng
Hai, khi quân lực Việt Nam Cộng Hoà tái chiếm Đại Nội và Kỳ Đài Phu Văn
Lâu.
Ngay sau những giờ khắc xúc động nhìn lá quốc kỳ
Việt Nam Cộng Hoà được kéo lên trên đỉnh Kỳ Đài, người dân Huế bàng
hoàng nhận ra rằng hàng ngàn thân nhân của mình, bị bắt trong vài tuần
lễ phía Bắc Việt làm chủ thành phố Huế, sẽ không bao giờ trở về nữa. Họ
đã bị thảm sát ra sao, và được che dấu trong các hầm chôn tập thể như
thế nào? Xin hãy điểm lại ký ức của những nhân chứng từ 40 năm trước.
“Người dân Huế bị dồn vào đường cùng, không
còn chọn lựa nào khác nên phải chọn chiến đấu. Chiến đấu để tự tồn.
Chiến đấu để có tự do. Chiến đấu để sống hay là chết.” , ông Trần
Ngọc Huế, người chỉ huy Đại Đội Hắc Báo thuộc Sư Đoàn Một Bộ Binh tái
chiếm Đại Nội ngày 22 tháng Hai năm 1968 nhớ lại.
Huế, tháng Hai năm 1968, mỗi tấc đất là một tấc
máu. Máu, của tất cả những ai có mặt tại Huế; của người dân Huế, của các
lực lượng Việt Nam Cộng Hoà, của các lực lượng Hoa Kỳ, và của các lực
lượng Bắc Việt.
Huế trở thành chiến trường đổ lửa, vì Huế là nơi không một ai muốn mất.
“Huế không lớn, nhưng đánh dai dẳng vì quyết
tâm của Cộng Sản, muốn thắng bằng bất cứ giá nào. Mà ý chí của miền Nam
và người dân Huế cũng bằng bất cứ giá nào cũng phải dành lấy mảnh đất
thiêng liêng của mình.” ,(Trần Ngọc Huế, Đại Đội Trưởng Đại Đội Hắc Báo Sư Đoàn 1 Bộ Binh).
Cuộc phản công tái chiếm Huế
Chỉ một thời gian rất ngắn sau khi vào Huế, phía
Bắc Việt Nam đã có thể tự do đi lại. Trong ngày Mùng Hai Tết, quân đội
Bắc Việt di chuyển trong thành phố kiểm soát dân chúng như chỗ không
người.
Và phía miền Nam, cùng đồng minh, phải bắt đầu từ đầu nhiệm vụ vãn hồi an bình cho Huế.
Hai bên quần thảo, tiến lên, rồi lui lại, rồi
lại tiến lên, rồi lui lại, tranh từng căn nhà, từng khu phố. Mỗi tấc đất
là một tấc máu. Từng cái nhà, đánh liên tục không có thời giờ ăn và
thời giờ ngủ. Đánh liên tục. Nhiều khi phải chia thành từng tổ 2, 3
người thay phiên nhau ngủ.
Huế, trở thành chiến trường của an ninh, của vận mệnh, và có lẽ, của cả danh dự.
Quân đội Bắc Việt, quân lực Việt Nam Cộng Hoà,
và quân đội đồng minh Hoa Kỳ đã quần thảo trên một chiến trường không
lớn, giữa thành vách kinh đô cũ và giữa nỗi kinh hoàng của dân Huế trong
nỗi lo sợ thảm sát, đã xảy ra ngay từ đầu khi miền Bắc kiểm soát và lập
chính quyền tại Huế.
Theo lời kể của hai người trong cuộc, là ông
Nguyễn Văn Ngẫu, vào năm 1968 là thiếu uý thuộc Trung Đoàn 3, Sư Đoàn 1
Bộ Binh và ông Trần Ngọc Huế, Đại Đội Trưởng Đại Đội Hắc Báo thuộc Sư
Đoàn 1 Bộ Binh, các lực lượng tham gia chiến trường Huế vào thời điểm
Mậu Thân gồm có:
Phía Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà có Sư đoàn 1 Bộ
Binh. Thiết đoàn 7 kỵ binh. Lực lượng sư đoàn nhảy dù và thuỷ quân lục
chiến Việt Nam. Các tiểu đoàn Biệt Động Quân Quân Đoàn 1. Một đại đội
trinh sát. Trực thăng và máy bay skyraider Việt Nam với sự yểm trợ của
máy bay phản lực và trực thăng Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ.
Phía Pháo binh có 2 tiểu đoàn cơ hữu thuộc sư đoàn 1. Phía Hải Quân có Giang đoàn 11 và 12 yểm trợ chiến trường.
Phía đồng minh Hoa Kỳ có Thuỷ Quân Lục Chiến, Sư Đoàn 101 Nhảy Dù và Sư Đoàn 1 Không Kỵ.
Thiếu uý Nguyễn Văn Ngẫu nhớ lại những ngày chuẩn bị phản công:
“Sau 31 tháng Giêng, dân chúng đang ăn tết
vui vẻ. Thành phố Huế trở thành trọng tâm của chiến trường. Đặc công và
nội thành do trung tá Khánh Lửa dẫn quân vào bốn Kỳ Đài và 4 con đường
chính gồm vùng An Hoà, Thượng Tứ, Cửa Ngăn, Cửa Sập từ vùng núi đi về
tập kích. Lực lượng Nội Thành gần đó đang đóng ở Thượng Tứ, Cửa Ngăn,
Cửa Sập cũng tiến vào. Đơn vị tôi đang đóng tại quận Hương Trà. Một ngày
sau khi nổi lên, tướng Ngô Quang Trưởng trực tiếp điện đàm với quân Khu
1, tướng Hoàng Xuân Lãm, tổng tham mưu và sau hai ngày là bắt đầu phản
công phản công.”
Đại Đội Trưởng Hắc Báo, ông Trần Ngọc Huế hồi tưởng:
“Huế không lớn nhưng đánh dai dẳng vì quyết
tâm của Cộng Sản là muốn thắng lợi bằng bất cứ giá nào. Mà ý chí của
miền Nam và Huế cũng bằng bất cứ giá nào phải dành lấy mảnh đất thiêng
liêng của mình.”
Cuộc phản công tái chiếm Huế diễn ra ác liệt. Hai bên giằng co từng căn nhà, từng khu phố, từng tấc đất.
Ông Trần Ngọc Huế nhớ lại:
|
Các quan tài của những nạn nhân chưa nhận dạng
nằm trong một trường học tại Huế, Tết Mậu Thân,
1968. Photo courtesy of Wikipedia.
|
“Hai bên quần thảo, tiến lên, rồi lui lại,
rồi lại tiến lên, rồi lui lại, tranh từng căn nhà, từng khu phố. Mỗi tấc
đất là một tấc máu. Từng cái nhà, đánh liên tục không có thời giờ ăn và
thời giờ ngủ. Đánh liên tục. Nhiều khi phải chia thành từng tổ 2, 3
người thay phiên nhau ngủ.”
Vòng vây ngày càng xiết chặt. Phía Bắc Việt bắt đầu nao núng, lui vào Đại Nội cố thủ.
Dựng lại cờ VNCH trên Kỳ Đài ở Phú Văn Lâu
Đại Nội, biểu tượng của kinh thành Huế, nằm gần
Kỳ Đài ở Phu Văn Lâu. Lúc ấy, cờ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam vẫn
đang bay giữa trung tâm Huế.
Thế rồi, đến ngày 18 tháng Hai, ông Nguyễn Văn
Ngẫu và đơn vị nhận được lệnh trình diện Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh.
Tại đây, tướng Tư Lệnh Ngô Quang Trưởng trực tiếp giao nhiệm vụ đặc biệt
cho tiểu đoàn của thiếu uý Nguyễn Văn Ngẫu: Đánh chiếm và dựng lại cờ
Việt Nam Cộng Hoà ở Kỳ Đài.
“Hướng dẫn đại đội ra khỏi sư đoàn và đến
đường Mai Thúc Loan, tướng Trưởng chỉ vào lá cờ Mặt Trận Giải Phóng cách
khoảng 1 cây số, nói “nhiệm vụ của toa đấy.” Rồi ông đưa bản đồ hành
quân, các cơ quan liên lạc, và hỏi tôi hai câu. Tôi trả lời, chính tôi
là kẻ muốn thắng trận, và tôi ngỏ ý cần một lá cờ để thay thế cờ Mặt
Trận.”
Cùng thời điểm ấy, người chỉ huy Đại Đội Hắc Báo
cũng ngỏ lời với tướng Ngô Quang Trưởng, yêu cầu được giao nhiệm vụ tái
chiếm Đại Nội:
“Cuối cùng chúng tôi yêu cầu Tướng Tư Lệnh
được tái chiếm Đại Nội, là biểu tượng về nền tự chủ và độc lâp của Việt
Nam từ năm 1802. Chúng tôi được vinh dự lãnh trách nhiệm tái chiếm Huế
từ tay Cộng Sản. Và chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của con dân Huế và
miền Nam.”
10 giờ sáng ngày 22, cờ Việt Nam Cộng Hoà được kéo lên Kỳ Đài sau khi 2 người lính đã bị phía Bắc Việt từ Đại Nội bắn tỉa.
“Bên kia là toà tỉnh, các phái đoàn tổng
tham mưu, truyền hình, truyền thanh, hàng chục ngàn dân nhìn lên lá cờ
để tưởng niệm những ngày tang thương nhất qua đi. Nhìn lá cờ mà rưng
rưng nước mắt, bao nhiêu ngày bị bao phủ bởi khổ đau.”
Hai giờ chiều cùng ngày, Đại Đội Hắc Báo chiếm Đại Nội:
“Tấn công nhưng phải bảo vệ di tích lịch sử.
Phải bảo tồn. Chúng tôi cũng yêu cầu người Mỹ như vậy. Tôi là con dân
Việt Nam, tôi tôn trọng di tích tổ tiên để lại.”
Hàng ngàn người vô tội bị giết hại
Hai ngày sau, Huế hoàn toàn được vãn hồi an
bình. Người dân trở lại thành phố, vừa ngơ ngác, vừa vui mừng, vừa chờ
đợi. Họ chờ đợi sự trở lại của những người thân đã bị bắt đi trong thời
gian phía Bắc Việt chiếm Huế.
Chờ đợi, để rồi họ bàng hoàng nhận ra: Tất cả đã bị giết.
Hành trình đau đớn truy tìm các hố chôn tập thể bắt đầu.
Một trong những người tham gia đi tìm các hố
chôn tập thể thời ấy là ông Võ Văn Bằng, Trưởng Ban Truy Tìm và Cải Táng
Nạn Nhân Tết Mậu Thân, nói rằng Uỷ Ban của ông đã tìm được khoảng 3,000
hài cốt. Trong số ấy, đau đớn nhất, chỉ khoảng 10% được nhận diện và
được gia đình mang về cải táng.
Thân nhân họ hàng đứng cạnh các bộ phận thân thể vừa được đào lên từ các mộ tập thể trong dịp Tết Mậu Thân 1968. Photo courtesy of Wikipedia. |
Số nạn nhân còn lại phải được an táng tập thể
tại 2 nghĩa trang ở Huế gần núi Ngự Bình là Ba Đồn và Ba Tầng. Dựa trên
thi hài và các đồ vật còn sót lại của nạn nhân, ông Bằng phỏng tính là
20% số nạn nhân là quân nhân, 40% là công chức và 40% là dân thường:
“Sau Mậu Thân, khoảng 1 đến 2 tháng, chúng
tôi biết những cái chết rất vô lý. Ví dụ: tại vùng Gia Hội, có một chị
tên Tuý. Chị là một sinh viên. Khi Cộng Sản đến tìm anh, không có nên
bắt chị thay thế. Chị Tuý bị bắn và chôn tại cồn Gia Hội. Còn tại Vỹ Dạ,
có chị tên Hương Sen. Hương Sen có nhiều anh tham gia quân đội. Khi vào
bắt thì không có các anh của chị nên họ bắt chị ra hành quyết tại chỗ.
Hoàn toàn là người vô tội.”
Về nguyên nhân thành lập Uỷ Ban Truy Tìm và Cải
Táng Nạn Nhân, ông Võ Văn Bằng cho biết nhờ một sự tình cờ, mà sau đó
người dân Huế mới vỡ lẽ ra là thân nhân mình bị thảm sát tập thể:
“Một năm sau, nhân cuộc hành quân của tiểu
khu Thừa Thiên ngang qua khu vực giáp giới của Phú Vang, Hương Thuỷ và
Phú Thứ, người ta thấy một đầu lâu trồi lên dưới một trảng cát dài hàng
cây số. Đào lên, đó là thi hài của thiếu uý Trần Văn Đỉnh, nhận biết nhờ
tấm thẻ bài. Tin này loan ra rất nhanh nên tạo phong trào tìm xác ở Phú
Thứ.”
Những cảnh tượng kinh hoàng
Nhà báo Vũ Ánh, nguyên phóng viên mặt trận hệ
thống truyền thanh quốc gia Việt Nam Cộng Hoà, đã có mặt tại Huế từ mùng
Năm đến 29 Tết Mậu Thân và đi theo nhiều nhóm tìm hầm chôn xác tập thể,
kể lại cảm giác của ông khi lần đầu nhìn thấy những cảnh tượng ấy:
“Vùng nhiều nhất là quận Phú Thứ và Dạ Lê
Thượng có nhiều hầm chôn xác tập thể. Cảm giác tôi lúc ấy rất lạ, như là
bị tê liệt khi nhìn các hình ảnh đó.”
Những hình đó là gì? Ông kể tiếp.
Ngay ở hầm Phú Thứ, chắc khoảng gần 1,000 người.
Khi khui lên, đầu của họ phía sau sọ bị bể hết. Những thi hài bị nối
nhau bằng dây điện thoại. Có những người không có vết thương, chứng tỏ
bị chôn sống. Sau này môt nhân chứng cho biết: Họ được lệnh đập đầu bằng
đầu cuốc, từ phía lưỡi vào. Quan trọng nhất là, theo nhân chứng: người
này phải đập người kia. Cứ 10 người bị cột vào điện thoại và đều bị đập
vỡ từ phía sau.”
Sau này tôi có hỏi các nhân chứng, là một phóng
viên bị bắt đi theo Việt Cộng và bị An Ninh VNCH bắt lại, cho biết: Họ
được lệnh đập đầu bằng đầu cuốc, từ phía lưỡi vào. Quan trọng nhất là,
theo nhân chứng: người này phải đập người kia. Cứ 10 người bị cột vào
điện thoại và đều bị đập vỡ từ phía sau.”
Ông Võ Văn Bằng kể tiếp rằng, vì người ta bị
chôn lớp này trên lớp khác, đến khi tìm được vị trí, thân xác đã không
còn nguyên vẹn. Để giúp các thân nhân tìm được người thân, Uỷ Ban đều
đánh số lên thi hài và ghi các chi tiết liên quan, chẳng hạn đầu vỡ, sọ
bể, tay bị cột như thế nào, dây lạt hay điện thoại, vạt áo, nilông còn
sót.
Và rồi đến bước cuối cùng: “Sau đó loan tin trên đài phát thành Huế để đồng bào nhận dạng.”
Huế, trước Tết 1968, bình thường như mọi Tết khác!
Huế, trong Tết 1968, kinh hoàng như chưa bao giờ!
Huế, từ sau Tết 1968, đón Xuân trong niềm ngậm ngùi.
40 năm, có đủ để làm lành một vết thương?
Thế hệ Mậu Thân của Huế vẫn còn đang sống, và
năm nay, người dân Huế, ở trong nước thì chốn riêng tư, ở nước ngoài thì
nơi công khai, vẫn tiếp tục tưởng niệm những nạn nhân xấu số của vụ
thảm sát 40 năm về trước.
Quí vị và các bạn vừa theo dõi một vài sơ
lược những nét chính của cuộc tấn công tái chiếm cố đô Huế trong Tết Mậu
Thân 40 năm trước và hành trình đi tìm các mồ chôn tập thể nạn nhân
cuộc thảm sát Mậu Thân năm 1968. Bài tường thuật này được thực hiện
trong khuôn khổ tưởng niệm biến cố Mậu Thân ở Huế, vào thời điểm và địa
điểm mà nhiều ngàn người vô tội, không có vũ khí trong tay, đã bị thảm
sát. Trong bài tường thuật thứ tư của buổi phát thanh sau, biên tập viên
Thiện Giao sẽ tiếp tục gởi đến quí vị bài tìm hiểu về một số nhạc phẩm
và hồi ký ra đời trong biến cố Mậu Thân. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ
điểm lại 3 bức thư Linh Mục Bửu Đồng viết, nhưng chưa kịp gởi đến thầy
mẹ, tín hữu và các em ngài. Những bức thư này chỉ được tìm thấy sau khi
thi hài linh mục được tìm thấy trong lòng đất.
0 comments:
Post a Comment