Wednesday, November 20, 2013

Dạy trật

Dạy trật

BBT: Người dân quốc nội không ngửi nổi những sai quấy của chính quyền VC tự xưng là đỉnh cao trí tuệ nhưng luôn “làm đâu sai đó, càng làm càng sai, càng sai càng sữa, càng sửa càng sai..”. Báo Tuổi Trẻ Cười (TTC) thưòng phác hoạ những nụ cười châm biếm như dưới đây.

TTC - Tôi đồ chừng rằng trong các bộ ngành có nhiều cán bộ giữ vai trò tham mưu về pháp luật rất huỡn việc. Họ có thể thuộc con số 30% cán bộ công chức không biết làm gì hoặc cũng có thể thuộc 30% cán bộ công chức làm được việc. Lâu lâu theo lệnh của lãnh đạo, họ mở máy lạnh cho thật mát, bóp trán vò đầu chế ra một dự thảo nghị định trớt he, trình lãnh đạo duyệt. Lãnh đạo chẳng có thì giờ đâu mà rà soát lại, bèn trình lên Chính phủ cho phép ban hành. Chính vì vậy mà đất nước ta có khá nhiều nghị định xa vời thực tế, mang nặng đấu ấn quan liêu bao cấp; đến trời cũng phải kêu trời chứ đừng nói là dân mới kêu.




Thí dụ cụ thể nhất là nghị định số 145/2013 do Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch tham mưu và đề xuất nhằm chống lãng phí, đề cao lối sống có văn hóa… vừa được ban hành. Điều ngộ nhất là nghị định này không phân biệt được cơ quan nhà nước và tổ chức kinh tế (doanh nghiệp). Nghị định túm chung họ vào 1 duộc; không cho phép doanh nghiệp tặng quà trong các buổi lễ, dịp kỷ niệm… Những vị tham mưu viết ra dự thảo nghị định này đã ngồi chồm hổm lên Luật Doanh nghiệp vốn công nhận quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng và định đoạt tài sản của doanh nghiệp mình.

Nói đến tiết kiệm chi tiêu, chống quà cáp lãng phí là nói đến trách nhiệm của cơ quan nhà nước bởi chỉ có các đơn vị, ban ngành này mới dùng đồng tiền nhà nước mà chi tiêu và làm quà cáp. Chính vì xài tiền “chùa” nên có dịp là họ lên kinh phí “xin” tài chính rót cho. Họ xài như cái cối nên phần thiệt thòi, phần lãng phí là nhà nước phải gánh chịu.
Còn tư nhân và doanh nghiệp thì lại khác. Họ xài đồng tiền riêng của họ và không cần ai kêu gọi phải chống lãng phí thì tự họ đã biết chống lãng phí từ năm Tý qua năm Thìn rồi. Tôi từng đi dự nhiều lễ tổng kết của các cơ quan nhà nước. Thôi thì tràn trề nghê ngói hoa sói hoa môn, từ bàn chủ tọa cho đến bàn quan khách. Đã vậy, còn đeo nơ, thắt hoa, tặng giỏ quà lỉnh kỉnh, lại kính thỉnh cơm trưa. Tôi so với lễ tổng kết của một doanh nghiệp lớn; chỉ có 1 giỏ hoa nhỏ trên bàn chủ tọa, uống chai nước trắng tinh khiết và 1 cuốn Agenda làm quà. Ai tiết kiệm hơn ai?
Cùng một chuyện tặng quà nhưng mục đích thì khác nhau xa. Cơ quan nhà nước tặng quà chỉ nhằm o bế lẫn nhau, thậm chí là nhằm hướng tới “liên gia thông cảm”; còn doanh nghiệp tặng quà chủ yếu là nhằm tiếp thị, quảng bá thương hiệu của mình. Điều 8 Luật Doanh nghiệp có qui định rõ ràng rồi, cớ làm sao Bộ VH-TT và DL lại cứ muốn “ôm” doanh nghiệp vào lòng để dạy dỗ họ cho chỏi tông với pháp luật hiện hành vậy cà?
Lễ lộc diễn ra chủ yếu là bảo đảm tính trang nghiêm. Nay, nghị định lại cứ muốn cầm tay chỉ việc họ; bình bông để chỗ nào, câu khẩu hiệu treo nơi đâu, cái này cách cái kia bao nhiêu mét… Trời ạ, có những buổi lễ của cơ quan nhà nước tràn đầy các diễn văn, kéo dài lê thê mà không truyền đạt được thông điệp nào đến người dự lễ. Có những buổi lễ diễn ra rất kệch cỡm, cà xịch cà đụi cứ như sân khấu cải lương. Bộ lo mà chấn chỉnh giúp họ những cái ấy, đừng bận tâm lo cho doanh nghiệp làm gì.
Bậc hậu sinh làm trật cũng do bậc tiền bối từng làm sai. Trước đây, đã có những bộ ngành đưa ra các qui định buồn cười như người thấp bé nhẹ cân không được cấp giấy phép đi xe gắn máy, đưa tên cha mẹ vào chứng minh nhân dân… Những qui định ấy đã được rút lại nhưng không có “tác giả nhà văn” nào dự thảo ra nó bị rầy rà gì. Có lẽ thấy ngon ăn nên các đại tham mưu văn hóa mới dự thảo ra nghị định 145/ 2013 này gọi là làm quà cho bá tánh. Cuối cùng thì nghị định này đã được Bộ Tư pháp thẩm định và tuýt còi. Lại thêm quê!
Thời quan liêu bao cấp đã xa xưa, như áng mây chiều trôi mãi không về, như người tình đi biền biệt; ấy vậy mà tư duy quan liêu bao cấp vẫn còn - đặc biệt là bao cấp tư tưởng. Cho nên cái chuyện làm khôn, dạy đời, phi thực tế, coi nhân dân như con cháu cần phải được dạy dỗ tận tình mới xuất hiện ra trong nghị định của một ngành văn hóa. Những người viết dự thảo cũng quên mất một nghị định ra đời như vậy là tốn bao nhiêu tiền bạc của nhà nước, lại gây tác động khiến nhân dân nhảy nhổm lên vì không thể thực hiện được!
Tóm lại, cái tốt là muốn dạy dỗ bá tánh; cái dở là dạy trật.
ĐỒ BÌ

0 comments:

Powered By Blogger