Friday, November 15, 2013

Chống tham nhũng, nói ra chỉ để mà nói

images883449_1-305.jpg
Quốc hội Việt Nam khoá 13 nhóm họp lần thứ 6 tại Hà Nội hôm 25-10-2013.
Courtesy chinhphu.vn
 
Hội nghị lần thứ 6, quốc hội khoá 13 của CHXHCN Việt Nam lại có vẻ sôi động và nóng với chủ đề chống tham nhũng. Nhiều giải pháp được đưa ra như tập trung chiến dịch “bắt hổ”, đánh thẳng vào “tử huyệt” của tham nhũng, trao “bảo kiếm” cho cơ quan chuyên trách…

Bất khả kháng với căn bệnh nan giải

Thế nhưng chuyện bàn để mà bàn, nói để mà nói, hệ thống chính trị Việt Nam đã bất khả kháng với căn bệnh ung thư và nan giải này.
Bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thừa nhận “tham nhũng là vấn nạn, là giặc nội xâm, là đe dọa đến sự tồn vong của chế độ” nhưng chống nó thì “quá nhiều kỳ vọng không thực tế”.
“Chúng ta dường như quá kỳ vọng vào tự chống, tự phát hiện tự thân của mỗi cơ quan, tổ chức và còn nặng về hô hào. Các phong trào kiểu như “nói không với phong bì”, “nói không với tiêu cực” là ví dụ rất điển hình. Rồi tư duy theo cách đặt kỳ vọng vào thanh tra phát hiện tham nhũng. Thanh tra là tai mắt của thủ trưởng thì chỉ nên đặt vào nó trách nhiệm như một công cụ phục vụ quản lý nhà nước thôi. Thanh tra để thủ trưởng chấn chỉnh kỷ luật nội bộ chứ đừng hy vọng ông thủ trưởng đẩy mạnh thanh tra tìm ra khuyết điểm trong quản lý của mình để rồi công bố công khai ra ngoài. Và liệu thủ trưởng có quyết liệt chống tham nhũng nội bộ không, khi mà treo trên đó là trách nhiệm người đứng đầu?”.
“Tư pháp với hành chính lại gắn với nhau, lệ thuộc với nhau như thế thì làm sao phát hiện được tham nhũng. Cứ nhìn vào các vụ tham nhũng lẽ ra thuộc thẩm quyền của công an tỉnh mà cơ quan điều tra Bộ Công an phải rút lên thụ lý là thấy rõ điều đó”.
“Thiết chế chống tham nhũng bằng hệ thống tư pháp, còn phát hiện qua thanh tra thì có lẽ nên tổ chức một hệ thống cơ quan thanh tra quốc hội”.
Bà Nga cho rằng, muốn đấu tranh tham nhũng chuyển biến thì phải có tính minh bạch công khai. “Thế nhưng, toàn bộ quy trình tố tụng lại được đóng dấu mật. Điều này khiến cho một lực lượng đấu tranh tham nhũng rất hiệu quả là báo chí bị hạn chế, thậm chí, “dấu mật dễ dàng đưa phóng viên vào tội làm lộ tài liệu mật”.
Ông Lê Nam, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Thanh Hóa nói:
“Phải tập trung vào chiến dịch “bắt hổ”, cơ quan thanh tra, điều tra, kiểm toán… phải đi vào chỗ nhiều tiền, nhiều quyền lực vì chỉ vài vụ này đã bằng hàng ngàn vụ tham nhũng vặt. Cán bộ, thủ quỹ, nhân viên xã/phường chỉ có 3-5 triệu đồng thôi phải đứng vành móng ngựa, trong khi cả một tình trạng tham nhũng lớn gây nhức nhối như thế thì xử lý không được bao nhiêu. Cần tập trung vào người lắm tiền, sử dụng và quản lý ngân sách, có hưởng lạc, tư lợi không”.

Làm sao bắt được “hổ”?

Nhưng làm sao có thể bắt được “hổ”? Các vụ tham nhũng ở Việt Nam thông thường chỉ tóm được”mèo” và nếu có tóm được thì bí bát lắm cũng được xử lý bằng bản án nào đó cho hợp lý nhưng sau đó ân xá giảm án.
Chính vì thế, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị), tâm sự rằng, “nhiều người khuyên ông đừng nói về tham nhũng”.
“Do sợ liên đới trách nhiệm của người đứng đầu khi có người trong cơ quan bị phát hiện tham nhũng, nên có tâm lý “muốn đóng cửa bảo nhau”, nhiều bộ, địa phương, thậm chí ra văn bản xin “xử lý nội bộ”, ông Tiến nói.
000_Hkg9116352-250.jpg
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, trước lễ khai mạc kỳ họp Quốc hội tại Hà Nội vào ngày 21 tháng 10 năm 2013. AFP PHOTO.
Trong khi đó đại biểu Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) nói: “Nhất là trong xét xử, án treo cao, xử đúng thì không sao, nhưng có vụ dư luận lên án: từ huyện, tỉnh rồi đến giám đốc thẩm, phúc thẩm… thì quay lại bản án ban đầu… làm mất lòng tin của dân”. Bà Sinh dẫn chứng: qua vụ án “Vườn mít”, quay đi quay lại mà thẩm phán trước xử sai có bị xử đâu?!
Có thể nêu một ví dụ điển hình gần đây. Từ ngày 21/10 đến 1/11, Tòa án tỉnh An Giang xét xử 23 bị cáo về tội đã tự ý san lấp ruộng để thành lập 7 khu dân cư tại thành phố Long Xuyên rồi phân lô, bán nền lấy tiền chia nhau, gây thiệt hại cho công quỹ khoảng 20 tỷ đồng. Phát quyết cuối cùng là miễn trách nhiệm hình sự cho 6 bị cáo, 3 bị cáo được hưởng hình phạt cải tạo không giam giữ (nghĩa là… tự cải tạo tại gia), 6 bị cáo được hưởng án treo, 7 bị cáo mức án vừa đúng thời hạn tạm giam để được trả tự do ngay tại tòa. Chỉ một bị cáo (Giám đốc Văn phòng Ðăng ký quyền sử dụng đất thành phố Long Xuyên) được xem như chủ mưu bị phạt… ba năm tù.
Theo báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, tình trạng tham nhũng trong năm 2013 đã gây thiệt hại khoảng 9.260 tỷ đồng cùng 51.000 lượng vàng SJC, nhưng trong số đó chỉ thu được 900 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước. Ủy ban Tư pháp cũng thừa nhận, nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực ngân hàng nhưng vẫn bị đình chỉ điều tra, hoặc tội phạm chỉ bị xử lý kỷ luật hành chính. Có những vụ án xảy ra từ năm 2000 nhưng đến năm 2012 mới được xét xử (vụ Hoàng Đình Dung, giám đốc Chi nhánh Centrime 3).
Theo thống kê từ tháng 10/2010 đến tháng 4/2013 Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã đình chỉ 4 vụ với 27 bị can và đình chỉ 11 bị can trong các vụ tham nhũng khác. Bản báo cáo đã cho thấy một vài con số khá nhạt nhòa như: 07 vụ, 06 bị can được đình chỉ điều tra, 09 vụ, 23 bị can tạm đình chỉ, thậm chí có đến 19 vụ, 30 bị can được đình chỉ điều tra trong giai đoạn tố tụng.
Trong đó đã có 30% bị cáo chỉ bị áp dụng hình phạt nhẹ, phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, án treo, hoặc cải tạo không giam giữ. Số “người đứng đầu” bị xử lý hình sự cũng chỉ đạt tỷ lệ 4/41 người.
Như vậy tổng số tiền tham nhũng (được biết đến) trong năm 2013 là 90.000 tỷ đồng (tương đương 4,5 tỷ USD) chỉ thu hồi được 900 tỷ, tức là 0,01%!
Theo Tổ chức minh bạch quốc tế (Transparency International -TI) Việt Nam thuộc nhóm nước tham nhũng nghiêm trọng, trong năm 2011 có điểm số thấp và đứng ở phía cuối bảng xếp hạng.
Năm 2013, Tố chức Minh bạch Quốc tế tại Việt Nam đã làm một cuộc khảo sát và cho biết, số người cho rằng chống tham nhũng không hiệu quả chiếm đến 60% vào năm 2013, tăng mạnh so với 35% của năm 2010.

“So với năm 2010, kết quả khảo sát năm 2013 cho thấy sự mất lòng tin đáng kể của người dân đô thị về việc chống tham nhũng. Năm 2010, cư dân đô thị thể hiện quan điểm cân bằng về những nỗ lực của Chính phủ chống tham nhũng thì năm 2013, họ lại nhìn nhận tiêu cực hơn nhiều”, Giám đốc TI tại Việt Nam, cho biết.
Khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (Cecodes) và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện, với sự hỗ trợ của Liên hiệp quốc, lấy ý kiến của gần 14.000 người dân, chọn ngẫu nhiên tại 63 tỉnh thành, công bố ngày 14/5/2013, cho thấy tình trạng chạy chọt xin việc, cũng như phải đưa hối lộ để được giải quyết thủ tục giấy tờ, đã tăng gấp rưỡi năm ngoái. Số người đồng tình với việc phải hối lộ mới được chăm sóc y tế cũng tăng từ 31% lên 42%, hay phải lót tay mới có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tăng từ 21% lên 32%.
Có đến 72,88% người được hỏi tin rằng tố cáo cũng không mang lại lợi ích gì, 24% cho rằng, chính quyền các tỉnh, thành phố đã không nghiêm túc trong xử lý những vụ việc tham nhũng đã phát hiện được.
Như vậy tham nhũng đã trở nên hiện tượng phổ cập, biến thành một thứ văn hoá sinh hoạt trong mọi lĩnh vực đời sống của xã hội Việt Nam.
Hệ thống chính trị độc quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) tạo ra những đặc quyền, đặc lợi cho các phe nhóm lợi ích và tạo điều kiện cho các quan chức kiếm chác. Mọi thứ xảy ra đều chịu trách nhiệm trước đảng, còn đảng thì không chịu trách nhiệm với ai. Nếu đảng có sai lầm thì sửa, lỡ có trói chặt quá thì “cởi trói”, “đổi mới”. Tóm lại đảng là toàn diện. Đảng đứng trên tất cả. Hiến pháp mà đảng tạo ra đã mặc nhiên cho ĐCSVN quyền lực như thế. Khi nắm quyền lực tuyệt đối con người luôn luôn có xu hướng dẫn tới lạm quyền và lộng quyền.
Quốc gia nào cũng có tệ nạn tham nhũng, chỉ vấn đề là ít hay nhiều mà thôi, nhưng quan trọng hơn là các định chế của xã hội nằm ngăn ngừa và chống tham nhũng ra sao.
Trước hết trong một quốc hội đa đảng, các đảng đối lập là lực lượng luôn luôn kiểm soát, xem xét chính sách của đảng cầm quyền và sẵn sàng đưa ra ánh sáng các hiện tượng tham nhũng khi thấy có tín hiệu.
Thứ nhì, báo chí tự do là phương tiện hiệu quả nhất, lành mạnh hoá xã hội thông qua thông tin đa chiều, minh bạch. Trong các nước dân chủ, báo chí tự do góp phần tích cực đưa các vụ tham nhũng ra trước công luận, chứ không phải cảnh sát hay các cơ quan chức năng khác.
Điều tiên quyết cuối cùng là ngành tư pháp phải hoàn toàn độc lập, không là công cụ của đảng cầm quyền. Như thế các vụ án mới có thể được điều tra, xét xử công bằng.
Theo như phát biểu của bà Lê Thị Nga thì bà ta biết cả đấy! Tất cả ba điều cơ bản nhất cho việc chống tham nhũng đều không có trong hệ thống chính trị hiện tại của ĐCSVN. Làm sao mà chống? Nói ra chỉ cốt xoa dịu dư luận mà thôi. Có lẽ câu ngạn ngữ “vừa ăn cướp, vừa la làng” là chuẩn nhất!

0 comments:

Powered By Blogger