Phản ứng xã hội sẽ không quá khó để biến thành phản ứng chính
trị, một khi không còn gì có thể kìm nén được nó. Nếu đến một thời điểm
nào đó, nhân dân không chỉ chạm vào mà còn vượt qua cả “giới hạn sợ
hãi”, liệu tình hình và thế cuộc sẽ ra sao?
Sự khởi đầu
Vụ việc “gây rối trật tự công cộng” ở Vĩnh Yên – một khu vực chỉ cách
trung tâm của đảng cầm quyền sáu chục cây số – vẫn chưa có gì được coi
là kết thúc.
Cho dù tới nay cơ quan công an tỉnh Vĩnh Phúc vẫn xem tin tức về một
trong những thủ phạm giết người là con rể của vị chủ tịch tỉnh này có
thể chỉ là loại “thông tin đồn thổi”, nhưng quá trình điều tra hình sự
về nhân vật “người nhà” kia lại đang bắt đầu, thậm chí được khởi động
một cách nhanh chóng đáng ngạc nhiên, song trùng và có vẻ logic với việc
một cơ quan pháp y của Bộ Công an đã có mặt tại hiện trường để khám
nghiệm tử thi chỉ một ngày sau khi xảy ra cơn chấn động “biểu tình quan
tài” với ít nhất hàng ngàn người dân tham gia.
Tất cả chỉ mới là sự khởi đầu của một chủ đề xã hội học mà đã từng
xảy ra nhiều tiền lệ cũng như biến diễn thật khó lường đối với chính
quyền trong những năm gần đây – như một hiện tượng không thuần túy là
cái thể hiện ra bên ngoài, mà sâu xa hơn nhiều là những nguồn cơn vừa ẩn
giấu vừa lộ liễu.
Khi chứng kiến làn sóng “biểu tình quan tài” ở Vĩnh Yên mới đây hay
một hành động phản ứng tương tự của hàng chục ngàn người dân ở tỉnh Bắc
Giang vào năm 2010 về cái chết của một người dân trong đồn công an, một
mẫn cảm mà bất cứ ai cũng có thể bức bối là trong bối cảnh xã hội nhiễu
nhương và mất an ninh trầm trọng, ngày càng xảy ra nhiều trường hợp tử
thương do xung đột cá nhân và nạn cướp bóc, một xã hội mà “một bộ phận
không nhỏ” báo chí đã tự nguyện khoác lên mình cái áo “cướp – giết –
hiếp”, tại sao lại rất thường diễn ra những vụ “tụ tập đông người” – một
cụm từ theo cách nhìn của chính quyền và cơ quan pháp luật, hay “biểu
tình phản đối” như một cách biểu hiện đã đến mức không cần phải che giấu
của đại đa số người dân, ứng với những trường hợp cái chết của nạn nhân
liên quan đến “cơ quan bảo vệ pháp luật”, “người thi hành công vụ” hoặc
người nhà của các quan chức?
Vĩnh Yên lại là một dẫn chứng đặc thù của thái độ thiếu minh bạch rất
đặc trưng từ phía cơ quan pháp luật, bởi mối hồ nghi sục sôi về cái
gạch nối giữa cơ quan pháp luật và người nhà của quan chức, và bởi ngay
từ đầu cơ quan pháp y địa phương đã không hoặc không muốn làm rõ nguyên
nhân cái chết của nạn nhân.
Về mặt nội bộ, có lẽ giới chức chính quyền chỉ buộc phải suy ngẫm đến
việc “rút kinh nghiệm”, một khi bị dư luận người dân phản ứng quyết
liệt về thái độ nhập nhèm giữa nguyên nhân “chết do ngạt nước” với “chết
do bị sát hại”.
Rõ như đêm giữa ban ngày, có thể thái độ nhập nhèm trên càng làm cho
nhân dân có được cảm nhận sáng suốt hơn về thói quen không chỉ là vô cảm
của chính quyền.
Không chỉ giới tâm lý học mà chắc hẳn đến lúc này nhiều quan chức đã
nhận ra một quy luật: bất cứ thói quen nào được tích tụ quá lâu cũng sẽ
góp nhặt thành nhược điểm. Với những thói quen còn ẩn chứa cả động cơ cá
nhân và não trạng áp chế, nhược điểm sẽ quy nạp thành yếu điểm có tính
nguy biến.
Phải chăng cái cố hữu không thể sửa và cũng không muốn sửa yếu điểm
đó có thể đang đẩy sự nguy biến vào một giai đoạn hoàn toàn có thể xảy
ra đột biến?
Trên phương diện tâm lý, thói quen hành xử vô lối và bất chấp pháp
luật của chính quyền ở một số địa phương liên quan đến các vấn nạn giải
tỏa đất đai, hối lộ và tham nhũng, ô nhiễm môi trường… được nhấn mạnh
tràn đầy ngay trên mặt báo chí trong nước chính là nguồn cơn dẫn đến
thói quen tích tụ bất mãn, bức xúc và oán giận của người dân, kéo theo
một phản ứng xã hội ở mức độ tối thiểu và không thể tránh khỏi là “xuống
đường”.
Đồng thuận
Phản ứng xã hội ở Bắc Giang và Vĩnh Yên lại càng làm cho người ta dễ
liên tưởng đến những vụ việc tràn ngập phẫn uất đã và đang diễn ra trong
bối cảnh một Trung Quốc đương đại và rệu rã. Bất chấp vài dị biệt về
hình thức nhưng thực chất là “giương đông kích tây” liên quan đến cái
gọi là” biển Đông”, hai quốc gia quá đối kháng về lịch sử lại có nhiều
điểm nhất trí đáng kể về chính trị và phản ứng xã hội.
Vào cuối năm 2011, cái chết tại trụ sở công an của một người dân oan
đòi công bằng trong bồi thường đất đai đã khiến làng Ô Khảm thuộc tỉnh
Quảng Đông ở Trung Quốc trở thành cái tên nổi bật trên trường nhân quyền
quốc tế, tập trung mối quan tâm của hầu hết các quốc gia tiến bộ. Một
cuộc đấu tranh không khoan nhượng của 13.000 con người ở cái nơi quá nhỏ
bé ấy đã bừng nở một hành vi xã hội học đặc trưng nhất về tâm lý “vượt
qua giới hạn của sợ hãi”.
Đó cũng là lần đầu tiên, trong bối cảnh chưa hề có tiền lệ kể từ thời
cách mạng văn hóa, tầng lớp nông dân lại phát lộ vai trò đối trọng với
chính quyền một cách sâu sắc đến như thế.
Lại có một chuyện “vụn vặt” khác ở đất nước đông dân nhất thế giới.
Giữa năm 2012, một quan chức có tên là Trần Văn Á – phó chủ tịch chính
hiệp thành phố Mỹ Yển, tỉnh Giang Tô – trong khi phóng xe hơi rất nhanh
đã đâm phải một người qua đường. Nhưng sự biến thật sự xảy ra là sau khi
gây tai nạn, vị quan chức “của dân, do dân và vì dân” này đã không hề
ngó ngàng tới nạn nhân. Một tay đút túi quần, tay kia gọi điện thoại,
chỉ sau vài phút Trần Văn Á được một chiếc xe hơi khác đón đi, bỏ mặc
nạn nhân vẫn nằm sóng soài trên vũng máu tươi.
Cái chết của nạn nhân bị quan chức đâm xe đã gây nên một cơn bão phản
ứng đầy uấn hận của hàng trăm ngàn người, từ thế giới cư dân mạng đến
dư luận người dân và báo chí ở Trung Quốc. Ngay lập tức, giới xã hội học
ở ở quốc gia được xếp vào nhóm có thành tích nhân quyền tồi tệ nhất thế
giới này lại có một cơ hội tốt đẹp hơn hẳn để tìm ra nguồn cơn sâu xa
vì sao lại xảy ra phản ứng gần như bùng nổ như thế từ phía xã hội công
dân.
Xã hội công dân?
Khác hẳn các nước Bắc Âu, xã hội công dân ở Việt Nam lại như được
hình thành từ những phản ứng tự phát. Vào năm 2010, vùng đất Hà Tĩnh
giáp với Nghệ An đã chứng kiến một vụ đốt xe bán tải của cảnh sát giao
thông tại huyện Kỳ Anh. Nguyên nhân phát xuất từ cái chết của một thanh
niên lái xe máy trên đường khi trốn chạy khỏi sự truy đuổi của cảnh sát.
Đến tháng 4/2011, cũng tại huyện Kỳ Anh lại xảy ra một vụ phản ứng
của người dân đối với chính quyền địa phương, nhưng với tính chất quyết
liệt hơn hẳn. Vụ việc bắt nguồn từ chuyện một doanh nghiệp có vốn đầu tư
của Đài Loan có tên là Formosa, được sự bảo trợ của nhiều cấp từ trung
ương đến địa phương, đã tiến hành dự án cảng nước sâu mà do đó làm ảnh
hưởng đến môi trường tự nhiên lẫn môi trường sinh sống của người dân địa
phương.
Sau nhiều lần đơn thư khiếu nại của người dân địa phương không được
giải quyết thỏa đáng, khi Formosa sử dụng thủ thuật dùng chính quyền và
cảnh sát để dập tắt làn sóng phản đối của người dân nhằm giải phóng mặt
bằng thi công, hàng trăm giáo dân xã Kỳ Lợi đã bất ngờ bắt giữ 5 cán bộ
và nhân viên công an – những người đang “thi hành công vụ” – ngay tại
hiện trường. Nhưng khác nhiều với vụ đốt xe cảnh sát trước đó, sự việc
hy hữu này đã xảy ra một cách có tổ chức và nghiêm cẩn theo đúng tác
phong hành xử của tín đồ Công giáo. Vụ việc chỉ được giải quyết tạm ổn
thỏa sau khi chính quyền thất bại trong việc thương lượng với giáo dân
và buộc phải dựa vào sự can thiệp của tòa giáo phận Vinh để thả người –
một chuyện tréo ngoe đến khó tin. Sau đó, những nhân viên công an được
giáo dân thả ra và cũng chẳng có giáo dân nào bị quy vào tội “chống
người thi hành công vụ”.
Cũng còn khá nhiều vụ việc khác diễn ra từ Bắc chí Nam, không khác
mấy với hiện trạng hàng chục ngàn cuộc biểu tình lớn nhỏ xảy ra ở Trung
Quốc vào mỗi năm.
“Giới hạn sợ hãi”
Logic của các vụ việc diễn biến từ những năm 2006-2007 đến nay cũng
cho thấy “giới hạn sợ hãi” đã được chạm vào bởi phản ứng xã hội của
người dân Việt Nam. Không còn quá lo lắng bị gọi hỏi, điều tra hay sợ bị
bắt bớ, ngày càng nhiều người dân cố tìm cho mình một lý lẽ tạm thời để
bày tỏ phản ứng công khai với chính quyền, qua đó hy vọng giành lại cho
họ một phần quyền lợi và sự công bằng mà họ biết rõ sẽ không thể có nếu
không tranh đấu.
Bầu không khí trên khiến bất cứ ai cũng có thể nhớ về những tháng đầu
năm 2011, khi cuộc Cách mạng Hoa Nhài nổ ra ở vùng Bắc Phi từ một lý do
“cỏn con”: cảnh sát Tunisie giữ xe hàng của một người bán hoa quả dạo
và sau đó hành hung anh ta, khiến người này phẫn uất đến mức phải tự
thiêu.
Đám đưa tiễn quan tài của người xấu số đã biến thành một cuộc biểu tình vĩ đại để tống tiễn toàn bộ chính quyền đương nhiệm.
Vào thời khắc này, những hình ảnh sống động và chuyển dần từ tự phát
sang nhất quán trong các cuộc biểu tình phản đối nạn cướp đất ở Tiên
Lãng thuộc Hải Phòng, Văn Giang thuộc Hưng Yên hay đoàn người đưa quan
tài kín chật các đường phố ở Bắc Giang, Vĩnh Yên đang làm cho chính
quyền lâm vào tình thế cực kỳ khó xử: nếu đến một thời điểm nào đó, nhân
dân không chỉ chạm vào mà còn vượt qua cả “giới hạn sợ hãi”, liệu tình
hình và thế cuộc sẽ ra sao?
Ai cũng biết rằng phản ứng xã hội không quá khó để biến thành phản ứng chính trị, một khi không còn gì có thể kìm nén được nó.
Thiền Lâm, viết từ Việt Nam.
© RFA Việt Nam
0 comments:
Post a Comment