Tuesday, March 19, 2013

Khoảng 300.000 tín đồ công giáo dự lễ đăng quang Giáo Hoàng Phanxicô

Quảng trường Thánh Phêrô, Vatican, trong lễ đăng quang của Giáo Hoàng Phanxicô, 19/03/2013

Quảng trường Thánh Phêrô, Vatican, trong lễ đăng quang của Giáo Hoàng Phanxicô, 19/03/2013
REUTERS/Alessandro Bianchi
Tại Roma, trong ánh nắng ấm, khoảng 300 000 tín đồ công giáo đã đứng chật quảng trường Thánh Phêrô vào sáng nay, 19/03/2013. Trong lễ đăng quang, vị Giáo Hoàng đầu tiên xuất thân từ châu Mỹ la tinh nhấn mạnh đến yếu tố con người và môi trường. Ngài kêu gọi « bảo vệ sự sống cho muôn loài » và « yêu thương » người nghèo.
 Tân Giáo Hoàng giải thích « quyền lực thật sự » của một vị giáo chủ là « phụng sự và phụng sự một cách khiêm tốn và cụ thể » . Giáo Hoàng Phanxicô còn kêu gọi phải tranh đấu chống lại mọi « dấu hiệu tàn phá » và phải « bảo vệ » môi trường.   Từ Roma, thông tín viên Huê Đăng tường thuật :
Tờ mờ sáng sớm hôm nay, một số trục lộ chung quanh khu vực Tòa Thánh đã được cảnh sát giao thông phong tỏa theo kiểu “nội bất xuất ngoại bất nhập”, xe cộ ùn tắc, không được phép vào các khu vực gần Tòa Thánh. Người dân thành phố Roma lại thêm một phen lận đận với những hàng xe bus dài cả mấy cây số chở giáo dân từ khắp nơi đổ về Quảng trường Thánh Phêrô. Hàng ngàn cảnh sát an ninh, các lực lượng đặc biệt phòng chống khủng bố của Ý đã được huy động để bảo vệ an ninh chung quanh các khu vực gần Tòa Thánh.
Khoảng trên dưới 300 000 giáo dân cùng với các phái đoàn của các nguyên thủ quốc gia, của chính phủ Nhà nước của 132 nước, cùng với đại diện của các phái đoàn giáo hội và các dòng xứ đã tụ tập trong Đại sảnh đường của Tòa Thánh và trước Quảng trường Thánh Phêrô để tham dự Thánh lễ khai mạc sứ vụ giáo chủ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Đúng vào lúc 8h45, tân Giáo Hoàng đứng trên xe jeep trắng mui trần, không có kiếng an toàn chắn đạn, đã tiến vào Quảng trường Thánh Phêrô trước những tiếng reo hò nồng nhiệt của giáo dân chào vị giáo chủ mới đến từ “nơi tận cùng thế giới”. Tấm tình nồng nhiệt của giáo dân đã khiến có lúc Giáo Hoàng Phanxicô đã phải cho xe ngừng lại để Ngài xuống xe, ôm hôn những người khuyến tật hay bồng lấy các em bé được cha mẹ rối rít truyền đến tay của Đức Giáo Hoàng.
Trước khi chính thức khai mạc Thánh lễ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã xuống tầng hầm của đại sảnh đường của Tòa Thánh để cầu nguyện trước Thánh mộ của Thánh Tông Đồ trưởng. Từ mộ Thánh Phêrô, hai mục sư Phó tế đã dâng lên Giáo Hoàng hai chiếc đĩa: Một đĩa đựng khăn bào Pallium (khăn làm bằng lông chiên màu trắng, có 6 hình Thánh Giá màu đỏ, coi như biểu tượng của Giáo Hoàng, sẽ được Đức Giáo Hoàng quàng vào cổ trong những nghi lễ chính thức của Giáo hội),và đĩa kia đựng chiếc nhẫn Ngư Phủ của Giáo Hoàng.
Trong bài diễn văn khai mạc Thánh lễ, những câu chữ đầu tiên tân Giáo Hoàng dành cho người tiền nhiệm của mình: “Hôm nay là ngày Thánh San Giuseppe, cũng là tên Thánh ngày của cựu Giáo Hoàng Benedicto XVI”. Trong bài diễn văn, Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc nhở giáo dân “đừng do dự hay lo âu khi phải thực hiện những điều tốt lành, thậm chí khi cần phải có những cử chỉ chăm sóc ân cần …. Quyền lực thực sự phải được thể hiện qua tinh thần giáo vụ, nhất là đối với những thành phần nghèo khó và yếu kém trong xã hội ”.
Đám đông tín đồ trước quảng trường đã nhiều lần tung hô “vạn tuế Phanxicô” và giương cao biểu ngữ với nhiều thứ tiếng khác nhau để chúc mừng Giáo Hoàng mới.
Các phóng viên của các hãng thông tấn có mặt ở quảng trường đã phỏng vấn giáo dân, và đại đa số đều rất hồ hởi trước một Đức Giáo Hoàng đầu tiên là người Nam Mỹ, và mọi người đều xem như là một sự kiện mới, có tín hiệu thay đổi trong hàng Giáo hội.
Sau khi Thánh lễ chấm dứt, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đón tiếp để chào mừng và cám ơn các phái đoàn của các quốc gia đã đến dự thánh lễ. Trong các nhân vật trọng yếu của các quốc gia, người ta ghi nhận sự hiện diện của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, bà Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault, vua Bỉ Alberto II và Hoàng hậu Paola, Hoàng tử Alberto II của vương quốc Monaco.
Về phía Nhà nước Ý có sự hiện diện của Tổng thống Giorgio Napolitano và Thủ tướng Mario Monti.
Nguyên thủ quốc gia đầu tiên là Tổng thống Achentina Cristina Kirchner đã có những lời chúc mừng nồng nhiệt đến Đức Giáo Hoàng, dù rằng theo một số báo chí Achentina thì quan hệ giữa Tổng Giám mục Bergoglio và Tổng thống Cristina trước đây không hề đơn giản.

0 comments:

Powered By Blogger