Friday, January 4, 2013

Biển Đông : Trung Quốc tiếp tục tung tín hiệu hù dọa láng giềng

Các chỉ huy quân sự Trung Quốc bắn súng hiệu khởi động cuộc tập trận hải quân trên biển Hoa Đông ngày 19/10/2012.
Các chỉ huy quân sự Trung Quốc bắn súng hiệu khởi động cuộc tập trận hải quân trên biển Hoa Đông ngày 19/10/2012.
REUTERS/China Daily
Quân đội Trung Quốc đã thực hiện một loạt những cuộc tập trận nhằm nâng cao tính sẵn sàng chiến đấu tại ba vùng Thẩm Dương, Tế Nam và Tam Sa. Trích dẫn báo của quân đội Trung Quốc. Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày hôm nay, 04/01/2013 đã tiết lộ tin về những cuộc thao diễn vừa được tổ chức hôm thứ Tư 02/01.
Nhật báo Hồng Kông đặc biệt chú ý đến cuộc diễn tập của binh lính thuộc Hạm đội Nam Hải đóng quân trên đảo mà Trung Quốc gọi là Sâm Hàng (Chenhang), trong nhóm đảo tên quốc tế là Duncan (Việt Nam gọi là Quan Hòa) trong quần đảo Hoàng Sa, nơi có đặt một sân bay.
Theo tờ báo của quân đội Trung Quốc, do việc đảo Sâm Hàng chiếm một vị trí chiến lược thuộc loại quan trọng nhất gần Tam Sa, đơn vị đồn trú tại nơi này đã được huấn luyện để luôn luôn đề cao cảnh giác, đặc biệt trong những dịp lễ tết. Các sĩ quan chỉ huy đã tăng cường lực lượng tuần tra vào những dịp này.
Riêng về thành phố Tam Sa mà Bắc Kinh đã quyết định thành lâp ngày 21 tháng Sáu 2012 để cai quản toàn bộ vùng Biển Đông mà Trung Quốc đòi chủ quyền, dân số thường trú tại đây chỉ khoảng 1.000 người, nhưng theo báo South China Morning Post, đơn vị quân đội đồn trú lên đến 6000 người.
Cùng ngày, các bài tập phòng không, chống khủng bố, đối phó với tình trạng khẩn cấp cũng diễn ra tại Thẩm Dương, thủ phủ tỉnh Liêu Ninh, và Tế Nam, thủ phủ của Sơn Đông. Tập trận cũng được thực hiện ở Chiết Giang, thủ phủ tỉnh Hàng Châu, vào đúng ngày đầu năm dương lịch.
Trả lời nhật báo Hồng Kông, ông Nghê Lạc Hùng (Ni Lexiong), giám đốc Viện nghiên cứu về sức mạnh hải quân và chính sách quốc phòng tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật học ở Thượng Hải, cho rằng các cuộc tập trận nhằm cải thiện năng lực của quân đội Trung Quốc trong việc đối phó với các cuộc tấn công bất ngờ, đặc biệt là từ quân đội Nhật Bản.
Nhìn chung, chuyên gia Trung Quốc này ghi nhận : « Tất cả các cuộc tập trận đều diễn ra ở các thành phố dọc theo Biển Đông và Hoa Đông, nơi mà các tranh chấp lãnh hải với các nước láng giềng vẫn chưa được giải quyết. Trong số các đối thủ, Nhật Bản là quốc gia đặt ra nhiều thách thức nhất trong biện pháp phòng ngừa vì họ đã nổi tiếng với các cuộc tấn công bất ngờ vào Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) năm 1941. »

0 comments:

Powered By Blogger