Wednesday, July 4, 2012

“Tàu đêm năm cũ” – Một bản… tù ca!


Kính gửi: Ngài Đinh Thế Huynh UV/BCT/ Đảng CSVN, Trưởng Ban Tư Tưởng Văn Hóa TW.
Thường thì, kẻ ở tù người ta gọi là tù nhân. Binh lính của nhau bị bắt gọi là tù binh. Công chức, sĩ quan VNCH bị các ngài lùa đi “học tập trong rừng” gọi là tù cải tạo… v.v.., Thì một bài ca được hàng triệu người yêu thích đến thuộc lòng nhưng lại bị coi như là một thứ “bất hợp pháp” cấm sử dụng cách ly không cho tiếp cận với mọi người… thì phải gọi đó là gì cho đúng với hoàn cảnh của nó? “Tù” Ca hay “Còng” Ca? chắc cả hai đều đúng vì đều nói lên cái sự “mất tự do”.
Bắt thang lên hỏi Ngọc Hoàng thượng đế, không biết trên thế giới này có nơi nào mà những tác phẩm ca nhạc thuộc loại rất phổ biến được yêu thích ngoài công chúng lại bị “ủ tờ” hay không? thì chắc mẩm ngài cũng lắc đầu: Trên thiên đình còn không được phép có cái “lệ” kỳ cục quái đản này thì trần gian sao có được? nhưng ngài cũng lầm, để lọt sổ ….
Duy nhất tại nước CS/XHCN/VN (nhất là miền Nam) có nhiều nhạc phẩm quen thuộc đến nỗi nếu bất ngờ chận người đi đường nói lên cái tên thôi họ cũng nhớ để hát được vài ba câu, lại bị “ở tù” tới nay là 37 năm chưa được trả tự do. Buồn cười là các “Tù Ca”, “Còng Ca” ấy chưa hề biết mặt bất cứ ông “quan tòa” nào! Điển hình mới nhất là “Tù Ca: Tàu Đêm Năm Cũ”.
“Tàu Đêm Năm Cũ” là tên album ca nhạc của ca sĩ Vi Thảo, gồm 9 ca khúc trữ tình được hòa âm mới và trình bày qua giọng hát của Vi Thảo. Đặc biệt trong album này Vi Thảo giới thiệu đến khán giả Việt Nam 3 ca khúc mà nhiều người miền Nam rất yêu thương của “ngày xưa” là Tàu Đêm Năm Cũ (Trúc Phương), Hoa Nở Về Đêm (Trần Thiện Thanh) và Nếu Hai Đứa Mình (Anh Bằng – Lê Dinh). Album do Vi Thảo biên tập và sản xuất, Công Ty Văn Hóa Phương Nam (Công ty nhà Nước) phát hành.
Bất ngờ, phát hành chưa đầy một tháng, Công ty Văn hóa Phương Nam đã vội vã thu hồi toàn bộ album “Tàu đêm năm cũ” của ca sĩ Vi Thảo. với lý do có một số bài hát chưa được phép phổ biến tại Việt Nam!?.
Cụ thể hơn cục NTBD (Nghệ thuật biểu diễn) cho biết lý do thu hồi là: Ca khúc “Tàu đêm năm cũ” có một số ca từ chưa phù hợp (!??).()
Đây! Ca từ của “Tàu Đêm Năm Cũ”…
Nhạc Sĩ: Trúc Phương
(Lời I chính thức của tác giả)
Trời đêm dần tàn tôi đến sân ga
Đưa tiễn người trai lính về ngàn
Cầm chắc đôi tay ghi vào đời tâm tư ngày nay
Gió khuya ôi lạnh sao, ướt nhẹ đôi tà áo
Tàu xa dần rồi, thôi, tiếc thương chi khi biết người ra đi vì đời
Trở gót bâng khuâng, tôi hỏi lòng đêm nay buồn không,
chuyến xe đêm lạnh không
(Gió khuya ôi lạnh không)?
Để người yêu vừa lòng
Đêm nay lặng nghe gió lùa qua phố vắng,
Trăng rằm về xa xăm
Trong giây phút này, tôi mơ ước sao nằm trọn vào tay nhau
Ngày tháng đợi chờ, tôi đến sân ga nơi tiễn người trai lính ngày nào
Tàu cũ năm xưa mang người tình biên khu về chưa?
Trắng đêm tôi chờ nghe tiếng tàu đêm tìm về
Chưa nói tới trần gian, mà xin ý kiến Ngọc Hoàng trước, chắc rằng Ngài sẽ phán: “Tao đọc cả chục lần có thấy ca từ “chửi cha, mắng mẹ” đứa nào đâu mà nó cấm, bộ nó là robót cộng sản hết hay sao mà không có trái tim tình cảm của nỗi buồn lứa đôi xa cách. Đâu! bay vô bẩm báo cho Thiên Lôi họ tên địa chỉ cái đám “đầu óc bã đậu” ấy đi, đang mùa mưa ổng xuống giãi quyết rốt ráo cái lũ hình người mà trái tim súc vật đó đi…”
Quay lại trần gian – Khi mà ông Thủ Tướng Dũng còn chân thành sau hơn 30 năm để nói trước QH… “Hoàng Sa lúc đó nằm dưới sự quản lý của Việt Nam cộng hòa – Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã phản đối, lên án hành động này và đề nghị Liên Hiệp Quốc can thiệp….” thì hình ảnh người lính gian khổ ngoài biên thùy để bảo vệ biên cương lãnh thổ “chính quyền” mình, dù ở bên này hay bên kia, đều là bảo vệ lãnh thổ VN thì đó đều là những hình ảnh đẹp của những chàng trai Việt – chung dòng máu Lạc Hồng.
Như thế nào là “ca từ chưa phù hợp”?.
Hình bóng người “Chinh phu trong lòng người cô phụ” một hình tượng đẹp trong tư duy, trái tim muôn người.
Ngày xưa tại miền Nam hay ngày nay trong các ấn phẩm ca nhạc Việt Nam hải ngoại người ta vẫn thấy và dung dị thưởng thức mà không hề có chút kỳ thị nào những lời ca, bài hát khá hay mang tính nhân bản của “người”, xuất phát từ bên kia “vĩ tuyến 17” như trong bài hát mà lời ca phổ nhạc từ bài thơ “Màu Tím Hoa sim” với:
Nàng có ba người anh đi “bộ đội”
Những đứa em nàng có em chưa biết nói…
Lời ca có bối cảnh con người và sự việc ở quê hương CS/XHCN miền Bắc, hay như lời bài ca “Các Anh Đi”:
Các anh đi ngày ấy đã xa rồi
Các anh đi đến bao giờ trở lại

Mẹ già bịn rịn áo nâu
Vui đàn con ở rừng sâu mới về
Lời ca cũng không mang hình ảnh của người lính VNCH miền Nam, mà phảng phất bóng dáng “nón cối, dép râu”… nhưng không vì “định kiến” nhỏ mọn bên này hay bên kia mà người ta từ chối sự hiện diện vô tư của nó, bởi, giống như chân lý “Hữu xạ, tự nhiên hương” có cấm thì lòng người vẫn cứ dung nạp, sự dung nạp rất tự nhiên, thiện nguyện ấy sẽ làm cho nhân cách nơi “cấm đoán” thấp xuống trong lòng mọi người, mà giá trị tác phẩm tự nó như cao lên,
Gần 40 năm… thời gian đủ để một hài nhi có thể vươn vai thành nhà toán học danh giá như Fields Tiến Sĩ Ngô Bảo Châu, cũng ngần ấy thời gian nhưng cái tư tưởng phân biệt “bên này, bên kia” không phai nhoà, làm cho nhân cách, phẩm giá của họ – CSVN – không lớn lên được chút nào, trong khi chính họ lại là những người gây nên núi xương sông máu cho dân tộc với một thứ chủ nghĩa mà ngày nay nhân loại đang phỉ nhổ!
Thứ chuyện “vặt vãnh” của ca từ một bài hát giữa lúc đất nước đã hòa bình thế kia mà hơn 1/3 thế kỷ họ vẫn xoi mói một cách hèn mọn như phường vô học như thế thì nói chi đến cái chuyện trọng đại, lớn lao hòa hợp, hòa giải dân tộc mà họ tuyên dương!? Chỉ có bịp bợm lừa gạt công luận toàn dân – “Tàu đêm năm cũ” là dẫn chứng cụ thể rất hùng hồn cho điều đó với toàn thể đồng bào trong và ngoài nước, thật không sai chút nào “đừng nghe những gì cộng sản nói – Mà hãy nhìn kỹ những gì CS làm”.
Suy cho cùng, đi khắp thế gian, cùng trời cuối đất không ai “cầm tù” một bài ca, phi lý, buồn cười, rất nhỏ mọn giống “con nít thù vặt” như thế cả, mà đã có ở chế độ CS tại VN thì nó chỉ có thể là một trong 2 khả năng:
1) Tự bài ca ấy không đủ tiền đáp ứng để bôi trơn guồng máy kẻ cầm quyền tự cho là cơ quan “văn hóa” nhưng độc tài, hèn mọn để không biết văn hóa nghệ thuật là gì.
2) Nhà cầm quyền độc tài tự cho là của do và vì dân nhưng lúc nào cũng thấp thỏm, nơm nớp lo sợ bị nhân dân lật đổ, họ sợ lời bài ca quá truyền cảm khiến nhân dân “lãnh cảm và ác cảm” hơn với chính họ.
Một hành vi thiếu văn hóa nói lên bản chất hèn mọn như vậy chắc chắn không có ở bất cứ quốc gia văn minh nào trên thế giới hiện nay, trừ chế độ Cộng sản VN.
Hoàng Thanh Trúc

0 comments:

Powered By Blogger