Saturday, February 11, 2012

VN : Du khách đua nhau tố các chiêu 'chặt chém'

Du khách đua nhau tố các chiêu 'chặt chém'

(VEF.VN) - Từ kỳ quan thế giới cho đến nhà hàng khách sạn bình dân, từ địa điểm du lịch ở tỉnh cho đến thành phố, khách du lịch cả trong và ngoài nước khi đi du lịch ở Việt Nam, khả năng bị 'chặt, chém' là rất cao. Độc giả VEF cùng kể tội các chiêu 'chém' khách tại Việt Nam.

>> 'Bêu xấu' du lịch Việt: Nên cảm ơn blogger người Mỹ / >>Khi khách du lịch làm mồi cho 'máy chém'

LTS: Sau 'Bêu xấu' du lịch Việt: Nên cảm ơn blogger người Mỹ, bài viết "Khi khách du lịch làm mồi cho 'máy chém'" của tác giả Trần Thế Dũng - Ủy viên BCH Hiệp hội Lữ hành Việt Nam đăng trên Diễn đàn kinh tế Việt Nam nhận được nhiều phản hồi của độc giả, trong đó hầu hết 'kể tội' các chiêu chém khách của của các dịch vụ du lịch, nhà hàng tại Việt Nam.

Diễn đàn kinh tế Việt Nam xin trích đăng chia sẻ của độc giả về những chiêu 'chặt chém' khách du lịch tại Việt Nam.

Bị 'chém' từ kỳ quan nổi tiếng...

Độc giả Phan Bảo Lâm chia sẻ, tình trạng chặt chém khách du lịch (kể cả khách nội địa) là chuyện "thường ngày ở huyện" vì nhiều lí do.

Thứ nhất, khách ngoại không quá nhiều và dồn dập, nhưng đến - đi quanh năm trong khi hách nội chiếm tỷ lệ cao nhưng chỉ đi vào những dịp Lễ Tết. Ngày thường thì khách nội cũng ít như khách ngoại. Vì thế, người làm du lịch không chuyên thường có tâm lý 'tranh thủ': tranh thủ kiếm lời.

Thứ hai, ý thức làm du lịch của người Việt Nam còn kém, nên không tránh khỏi nạn 'chặt chém', ăn xổi. Thứ ba, người dân thường tập trung đi du lịch vào các dịp lễ, Tết, kỳ nghỉ đặc biệt. Số lượng khách du lịch tăng đột biến, trong khi công suất phục vụ, các dịch vụ du lịch còn hạn chế, khi mà mọi dịch vụ bị quá tải vào những ngày đặc biệt ấy, giá cả càng được thể tăng cao. Thứ tư, do du lịch chưa phát triển, nhiều người làm du lịch đầu tư tiền tỷ nhưng chỉ thu được vào ngày Lễ Tết, nên họ có suy nghĩ thu "đậm" để bù cho những ngày không có doanh thu.

"Bởi vậy, du lịch ở Việt Nam rất "thị trường", rất đúng quy luật kinh tế không chê vào đâu được. Khách ngoại tất nhiên là "lãnh đủ" dù họ không có tội", độc giả Phan Bảo Lâm kết luận.

Độc giả Đỗ Đình Khái nêu ý kiến, "Tôi là người việt nam tôi đã đi Hạ Long một lần nhưng bây giờ có cho tôi thêm tiền tôi cũng chẳng bao giờ quay lại bời vì nơi đây toàn kinh doanh máy chém."


Du lịch càng phát triển, việc quản lý càng khó, khách càng dễ bị chém? (Ảnh minh họa)

Cùng chung tâm trạng với Đỗ Đình Khái có độc giả Diemquynh, độc giả này viết, "Tôi không phải là dân Quảng Ninh, thực ra mới dến làm việc nhưng thấy uổng công cho toàn dân ta bầu chọn cho Hạ Long. Từ cách làm du lịch thì chụp giật, chặt chém... thật xấu hổ cho người Việt Nam. Hạ Long có tên trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới mà như vậy thì không xứng đáng..."

Trong khi đó một độc giả có nickname chán cảnh thì thẳng thắn, ai bình chọn cho Vịnh Hạ Long thì bình chọn, chứ độc giả này không bình chọn, "Tôi thấy ở các điểm du lich Việt Nam, rác thải thì bừa bãi bẩn thỉu, người dân địa phương và du khách vô trách nhiệm".

Với sự vô ý thức như thế, phong cảnh đẹp mà con người ko biết giữ gìn liệu vài năm xa hơn là vài chục năm nữa liệu còn cảnh đẹp?

Một độc giả khác có nick name khách nội kể lại kinh nghiệm đau thương, "Là du khách Việt nhưng đi đến đâu cũng bị chặt chém. Ở Hạ Long tôi đã từng phải mua con cá giò khoảng 4kg mà nhà bè cân thành 8 kg với giá 400 nghìn đ/kg." Khách nội còn vạch trần bí mật chiêu chặt chém chỉ có ở Vịnh Hạ Long: Nhiều tầu du lịch và nhà bè ở Hạ Long luôn câu kết với nhau để "cắt cổ" du khách và moi thêm tiền khi thuê tàu nếu không thưởng lái tàu không thèm chạy.

Độc giả Tien cũng chia sẻ kỷ niệm bị chém đẹp của mình: đi Hạ Long một lần mới thấy thà đừng đi vì mua khoai tây chiên bị bắt chẹt, xuống ăn Cua Đá đúng nghĩa cua Đá - cắn gãy răng nhưng không có thịt, cá quả mua ngay tại bè giữa Hạ Long giá 500.000 đ/kg.

"Đúng như anh bạn người Mỹ nói, tôi cho tiền cũng không bao giờ quay lại Hạ Long. Chính quyền để tình trạng này thì Hạ Long có là kỳ quan thế giới thì cũng không ai dám quay lại lần hai", độc giả Tienkết luận.

Cũng chia sẻ kinh nghiệm xương máu vì bị chặt chém vô tội vạ ở Vịnh Hạ Long, độc giả có nicknamePhuongdong_207 kể lại chuyến du lịch Hạ Long của mình ngay trong Tết Nhâm Thìn vừa qua khi thuê tàu. Giá niêm yết thuê tàu ghi rõ là 350.000/ giờ thuê tàu du lịch loại 3 sao, nhưng đã bị chặt đẹp tới 800.000/ giờ.

Nhà nước và du lịch Việt nam đã bỏ bao nhiêu tiền bạc công sức để vận động nhân dân trong nước và quốc tế bầu chọn cho vịnh Hạ long, vậy mà hiện tại một số thành phần đang phá hoại du lịch ở vịnh Hạ Long mà chưa thấy lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh có biện pháp mạnh mẽ để dẹp hết nạn này - Đó là băn khoăn của độc giả tansang. "Uổng phí cho sự bình chọn Hạ long lọt vào 7 kỳ quan thiên nhiên mới thế giới", độc giả tansang chia sẻ trên VEF.

... cho tới nhà hàng, khách sạn bình dân

Không chỉ bị chém tại những địa điểm du lịch nổi tiếng, khách du lịch đến Việt Nam, bất kể thành phần nào, cũng có thể bị "chém đẹp".

Độc giả Trần Anh Đức, Việt kiều Mỹ kể lại câu chuyện đặt phòng khách sạn khi về thăm quê hương,"Trước khi về Việt Nam chơi tôi có đặt phòng ở khách sạn và muốn cho chắc ăn tôi nhờ đứa cháu ra khách sạn đặc cọc tiền luôn. Tước khi lên máy bay tôi gọi về khách sạn để nhắc lại là tôi có đặt phòng và nhân viên của khách sạn trả lời là đã có phòng cho gia đình tôi rồi. Nhưng khi về tới Việt Nam thì không có phòng và trả tiền cọc lai. Gia đình tôi phải đi tìm khách sạn khác".

Một độc giả sống tại Pháp, có địa chỉ mail lekathysuon@.... đã ở Việt Nam từ 1/12/2011 nhận định,"Ở Việt Nam, mọi sự đã thay đổi không như ngày xưa nữa."



Làm thế nào để hạn chế tình trạng 'chặt chém' khách du lịch vô tội vạ, nâng cao chất lượng dịch vụ và hình ảnh Việt Nam trong mắt khách du lịch?
Ở Việt Nam bây giờ mọi thứ đắt đỏ hơn rất nhiều so với năm 2009, nhất là du lịch trong nước thì đắt hơn hẳn du lịch các nước lân cận như Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaysia,.... Không những thế, sự lưu manh, gian lận có ở khắp nơi, ăn uống cũng bị gian lận, kể cả nhà hàng lớn.

Độc giả này thẳng thắn 'điểm mặt' những nhà hàng mình đã bị 'chém' đẹp.

Tại quán ăn Ngọc Sương trên đường Sương Nguyệt Ánh. Khi ăn xong, hóa đơn ghi 1 gói thuốc 555 giá 75.000 trong khi cả bàn không ai hút thuốc. Khi kiểm tra lại, nhóm khách chỉ uống 10 lon bia nhưng đã bị tính lên 16 lon, ăn 2 gói đậu phộng ghi hóa đơn 8 gói, v..v... Cá biệt, đây không phải lần duy nhất. Trong một lần khác khi độc giả này ăn ở quán Tibs trên đường Hai Bà Trưng, chỉ uống 4 lon bia nhưng bị tính 14 lon. Menu ghi đồ ăn có giá 110.000 đồng nhưng khi vào hóa đơn đã 'hóa' thành 160.000 đồng.

Một lần tại nhà hàng Cơm niêu Sài Gòn ở đường Tú Xương, sau khi ăn xong ngoài tiền thức ăn có một mục gọi là phí dịch vụ. Mức phí này thật ra là không nhiều lắm nhưng nhóm khách này muốn biết đó có phải là tiền tip tính luôn trong hóa đơn hay là tiền thuế thì quản lý của nhà hàng trả lời, " Đó là tiền đóng vào cho sự xây cất và sửa đổi tiệm và tiền may đồng phục cho nhân viên". Thấy quá vô lý vì khách lại phải trả phí sửa chửa, tu bổ cho nhà hàng và cả tiền... may quần áo cho nhân viên, nhóm khách không đồng ý. Nhà hàng sau cùng cũng chấp nhận. Độc giả kết luận, nhà hàng này mang tư tưởng Việt kiều nên dễ lừa gạt.

Cũng trường hợp bị tính độn tiền. Tại tiệm phở gà Cát Tường ở đường Thủ khoa Huân. Hai người ăn hai tô miến gà, một dĩa xôi gà và hai ly sửa đậu nành nhưng người tính tiển tính là 340.000. Sau khi gọi chủ hàng ra tính lại tổng tiền thực phải trả chí có 144.000 đồng. Độc giả này cho hay, tiệm cơm Minh Đức ở đường Tôn Thất Tùng cũng chuyên có chiêu tính tiền gấp đôi so với thực đơn.

Những sự việc như thế này, đã gây nhiều ấn tượng xấu cho Việt kiều khi về thăm quê hương, không cần nói đến khách du lịch lần đầu tiên đến Việt Nam.

"Nhìn chung, nạn 'chặt chém' khách du lịch như thế này phản ánh văn hoá của người Việt Nam.", độc giả Tranminhthai thẳng thắn nêu quan điểm.

Độc giả ledohuy thì kêu gọi, "Chúng ta hãy cùng là những Matt Kepnes để giúp du lịch Việt Nam sớm thoát ra khỏi những tiếng xấu đeo bám lâu nay".

Người làm du lịch Việt Nam cần coi khách du lịch là thượng đế, phải phục vụ chuyên nghiệp. Môi trường du lịch cần sạch sẽ, nạn chặt chém du khách, ăn xin, bán hàng rong, taxi đưa 'ăn quỵt' tiền của khách cần phải dẹp bỏ... Du lịch Việt Nam cần đổi mới, phải chuyên nghiệp hóa thì mới phát triển được.

"Tất cả những điều đó dù là rất nhỏ cũng làm nên một VN hấp dẫn", độc giả Dao Bien Dong kết luận.


++++++++++++++


Ăn xin, bán hàng luôn quất rầy du khách đến Việt Nam. (Ảnh: PV)



0 comments:

Powered By Blogger