Ngày 19/01/2012 vừa qua, trong một buổi họp báo tại Bruxelles, chính Ủy viên Y tế châu Âu, ông John Dalli, đã loan báo quyết định nói trên và khẳng định : « Chúng tôi sẽ không khoan dung với bất kỳ ai không tuân thủ của pháp luật ».
Thủ tục tương đương với việc chuẩn bị hồ sơ truy tố ra trước Tòa án Châu Âu nói trên sẽ nhắm vào Pháp và 13 nước khác là Ba Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha, Bulgari, Cyprus, Hà Lan, Hungary, Hy Lạp, Latvia, Malta, Rumani, Tây Ban Nha và Ý.
Sau một quá trình điều tra một cách kỹ lưỡng, Ủy ban Châu Âu đã từng chính thức cảnh cáo 14 quốc gia này vào tháng 11 năm 2011 về các biện pháp trừng phạt mà họ phải gánh chịu nếu cứ tiếp tục coi thường luật lệ.
Diện tích chuồng gà tối thiểu : 750 cm2
Theo một đạo luật được Châu Âu thông qua vào năm 1999, mỗi con gà đẻ trứng nuôi theo kiểu công nghiệp – tức là nhốt kín trong chuồng, đặt bên trong nhà – phải có khoang chuồng rộng ít nhất là 750 cm2, phải có một máng uống nước dài tối thiểu là 12 cm, phải có ổ để đẻ, và một số phương tiện sinh hoạt khác.
Quy định nói trên được ban hành nhằm mục đích tránh việc nuôi gà trong một môi trường cực kỳ đơn sơ, trong một không gian sinh tồn có khi không rộng quá bề mặt của một tờ giấy khổ A4.
Các quốc gia Liên Hiệp Châu Âu có 13 năm để áp dụng các luật lệ được ban hành. Thế nhưng, khi thời hạn này kết thúc vào ngày 01/01/2012 vừa qua, Ủy ban Châu Âu vẫn thấy rằng còn khoảng 51 triệu con gà đẻ không được thừa hưởng điều kiện sinh hoạt theo luật định.
Ủy ban Châu Âu đã có danh sách các trại nuôi gà không đạt tiêu chuẩn, và sản phẩm của các trại này sẽ bị cấm bán ra cho người tiêu thụ hoặc là xuất khẩu, mà chỉ có thể được sử dụng trong ngành công nghiệp chế biến mà thôi, để làm dầu gội đầu hay bánh ngọt chẳng hạn.
Tại sao Ủy ban Châu Âu lại nghiêm khắc như vậy ? Ngoài vấn đề luật lệ đã ban hành thì phải được tôn trọng, ngoài vấn đề triết lý hơn, tức là không nên hành hạ sinh vật, còn có vấn đề bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh. Các nhà chăn nuôi đã bỏ tiền đầu tư vào việc tu bổ chuồng trại theo đúng luật lệ phải được bảo vệ trước sự cạnh tranh đã trở thành « bất chính » của những người không tôn trọng luật pháp.
Một số nước châu Âu đã bắt đầu có biện pháp mạnh. Cộng Hòa Séc đã cấm nhập trứng gà từ Ba Lan, quốc gia trong danh sách 14 thành viên bị cảnh cáo. Bộ trưởng Nông nghiệp Đức, bà Ilse Aigner thì báo trước là bà sẽ không chấp nhận tình trạng trứng gà nhập từ Hà Lan cạnh tranh bất chính với trứng gà Đức.
Tẩy chay trứng gà mang mã số 3
Số lượng trứng gà « phi pháp » trên toàn châu Âu tính ra không nhỏ. Căn cứ vào số lượng 51 triệu con gà đẻ còn bị nuôi trong các chuồng không hợp chuẩn, thì mỗi ngày có đến 51 triệu quả trứng phi pháp được đẻ ra. Nước Ý hiện nắm kỷ lục trong lãnh vực này, với 18 triệu con gà nuôi trái luật, còn ở Pháp, số lượng này cũng lên đến 3,7 triệu con.
Dẫu sao thì dù phi pháp hay hợp pháp, trứng gà bán trên thị trường châu Âu chủ yếu là trứng gà công nghiệp. Tại Pháp chẳng hạn, theo tìm hiểu của Hiệp hội L214 chủ trương thúc đẩy việc nuôi gà thả, 80% trứng tiêu thụ ở Pháp hiện vẫn đến từ gà công nghiệp. Do đó, để khuyến khích việc nuôi gà thả, hiệp hội này kêu gọi người tiêu dùng tẩy chay trứng gà công nghiệp.
Công việc này không khó. Theo quy định của châu Âu, tất cả các quả trứng bán ra trên thị trường đều phải in trên vỏ một mã số : nêu rõ nước sản xuất, ngày đẻ và nhất là cách nuôi. Mã số 3 chỉ loại trứng gà nuôi nhốt kín trong chồng công nghiệp, mã số 2 dành cho trứng gà nuôi dưới đất nhưng trong nhà, mã số 1 là gà nuôi ngoài trời. Loại có chất lượng được cho là cao nhất mang mã số không, tức là loại trứng gà nuôi tự nhiên – gọi là bio hay sinh học – thả rong ngoài trời và chỉ dùng thực phẩm tự nhiên.
0 comments:
Post a Comment