Friday, February 17, 2012

Vì Vụ Án Tiên Lãng, Đảng Hãy Cởi Trói Cho Dân



Phạm Trần - Kết luận vụ Tiên Lãng-Đòan Văn Vươn ngày 10-02-2012 của Chính phủ Cộng sản Việt Nam chỉ có giá trị “tắm nửa người”, chẳng những không giải quyết được mầm mống bất công xã hội mà lại giúp thêm thời gian nuôi béo mỡ số đông cán bộ, đảng viên thoái hóa, gian tham đang sống giầu trên mồ hôi và nước mắt người dân ở khắp nơi và trong mọi ngõ ngách của hệ thống lãnh đạo.

Tại sao ?
Trước khi trả lời hãy đọc “những điểm nghe được” của Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:
Thứ nhất, Nguyễn Tấn Dũng nhìn nhận: “UBND huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng đã có những sai phạm trong giao đất, thu hồi đất, cưỡng chế thu hồi đất đã giao cho ông Đoàn Văn Vươn.” ở Xã Vinh Quang là một quyết định đúng, hợp với yêu cầu của dân.
Thứ hai, Chính phủ quyết định: ”Việc Lãnh đạo chính quyền địa phương chỉ đạo phá nhà của ông Đoàn Văn Vươn là có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự cần phải được khởi tố, điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh.”
Thứ ba, Dũng: “Chỉ đạo thu hồi các quyết định không đúng pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng về việc thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất đã giao cho ông Đoàn Văn Vươn. Xử lý các vi phạm về sử dụng đất của ông Đoàn Văn Vươn theo quy định của pháp luật và làm thủ tục cho ông Đoàn Văn Vươn sử dụng đất theo đúng quy định của Luật Đất đai. Chỉ đạo Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng và Toà án nhân dân huyện Tiên Lãng nghiêm túc kiểm điểm việc xét xử đối với vụ việc này. ”
Thứ tư, Dũng cũng đã nghiêm chỉnh bảo vệ quyền lợi của nạn nhân khi : “ Chỉ đạo cơ quan bảo vệ pháp luật khởi tố, điều tra và sớm đưa ra xét xử nghiêm minh theo đúng qui định của pháp luật việc phá dỡ nhà của ông Đoàn Văn Vươn. Đình chỉ công tác những cán bộ đã chỉ đạo phá dỡ nhà của ông Đoàn Văn Vươn.”
Tuy nhiên Kết luận của Nguyễn Tấn Dũng lại có nhiều điểm “nghe chói tai” không đúng với hòan cảnh bị ép vào chân tường buộc phải tự vệ của gia đình anh em ông Đòan Văn Vươn và Đòan Văn Qúy. Họ đã bị đàn áp dã man bởi nhóm quan tham đã liên kết với nhau từ Thành phố Hải Phòng xuống Huyện Tiên Lãng tới Xã Vinh Quang sử dụng súng đạn, chó săn nghiệp vụ và luật rừng ác ôn hơn cường hào ác bá thời phong kiến.
Những điểm “nghe không lọt lỗ tai” của Dũng là:
Thứ nhất, khi Dũng “Chỉ đạo cơ quan bảo vệ pháp luật khẩn trương đưa vụ án “giết người và chống người thi hành công vụ” ra xét xử công khai, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Kiến nghị các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo (Gia đình anh em hai ông Đòan Văn Vươn và Đòan Văn Qúy)do các quyết định không đúng pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng” là không đúng với trường hợp của các nạn nhân.
Các nạn nhân không giết chết một người nào. Vụ cho nổ bình ga và bắn đạn hoa cải từ căn nhà, cách xa lực lượng công an, quân đội trên 100 người, chỉ làm bị thương nhẹ 4 Công an và 2 Bộ đội là hành động tự vệ chính đáng vì căn nhà bị tấn công, sau đó bị phá bình địa, không nằm trong phạm vi đất bị cưỡng chế.
Như vậy là công an và bộ đội đã phạm tội xâm phạm gia cư bất hợp pháp theo luật pháp Việt Nam.
Tuy nhiên, chính quyền Hải Phòng đã bắt tạm giam các ông Đoàn Văn Quý (46 tuổi), Đoàn Văn Vươn (49 tuổi), Đoàn Văn Sịnh (55 tuổi) và Đoàn Văn Vệ (38 tuổi).
Hai bà Phạm Thị Báu (tức Hiền, vợ ông Quý) và Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) bị khởi tố về tội “chống người thi hành công vụ”, nhưng sau đó được tại ngoại cho về trông con nhỏ.
KẾT TỘI CÓ ĐÚNG KHÔNG ?
Việc bắt giam và truy tố các tội không đúng đối với các nạn nhân đã gây tranh luận trong nước mà hầu hết ý kiến của các luật sư, chuyên viên luật pháp, một số nhà trí thức, cựu lãnh đạo đảng và quân đội đã yêu cầu thay đổi các tội danh trong vụ án này.
Họ cho rằng khi Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận việc thu hồi đất và quyết định cưỡng chế là hòan tòan trái luật thì lực lượng đi cưỡng chế không thể coi là “thi hành công vụ”. Do đó tội danh gán cho hai bà Thương và Báu (tức Hiền) cũng phải hủy bỏ.
Liên quan đến hai tội danh “không đúng” này, đã có hàng trăm trí thức, cựu tướng lãnh và viên chức đảng và nhà nước đã ký tên vào một Kiến nghị gửi cho Ông Lương Văn Thành, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hải Phòng, đại biểu Quốc hội tại Hải Phòng yêu cầu xem xét lại các tội danh.
Trong số những người ký tên có Bà Lê Hiền Đức, 81 tuổi, người nổi tiếng chống tham nhũng trong nước; nhà giáo Hòang Tụy, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Giáo sư Chu Hảo, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, Nhà văn Nguyên Ngọc, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ CSVN tại Trung Cộng,Bác sỹ Phạm Hồng Sơn, Nhà giáo Phạm Tòan, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện, Tiến sỹ Hà Sĩ Phu, Nhà Thơ Bùi minh Quốc, Nhà văn Trần Mạnh Hảo, v.v…
Những người ký tên nói rằng, hành động tự vệ của gia đình ông Vươn “chỉ nên coi đã vượt quá phòng vệ chính đáng”.
Họ kết luận: “Vụ án Đoàn Văn Vươn sẽ là một vụ án lịch sử. Mỗi hành vi, quyết định liên quan đến vụ án này sẽ được lịch sử đánh giá. Vì vậy chúng tôi hy vọng Ông với tư cách Viện trưởng VKSNDTPHP, đồng thời với tư cách đại biểu Quốc hội tại Hải Phòng sẽ cân nhắc những ý kiến nêu trong nội dung Kiến nghị này của chúng tôi, đưa ra quyết định đúng đắn, sáng suốt, hợp lòng dân.”
Điểm Thứ hai nghe “không ổn” đối với Kết luận của Dũng là Chính phủ không dám chặt đầu rắn để diệt băng đảng cầm quyền làm gương cho cả nước.
Dũng chỉ ra lệnh cho Lãnh đạo thành phố Hải phòng “kiểm điểm làm rõ trách nhiệm” về việc:
- Chấp thuận đề nghị cưỡng chế thu hồi đất không đúng pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng.
- Khi vụ việc xảy ra chậm chỉ đạo làm rõ đúng sai và trách nhiệm của tập thể, cá nhân; báo cáo chưa đầy đủ - nghiêm túc với Thủ tướng Chính phủ; việc thực hiện cung cấp thông tin chưa kịp thời, thiếu chặt chẽ gây bức xúc trong dư luận.
Dũng cũng bảo: “Lãnh đạo thành phố Hải Phòng kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc qua vụ việc này và chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai, kiện toàn bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức làm công tác quản lý nhà nước về đất đai, không để xảy ra vụ việc tương tự.”
Ỡ những nước có dân chủ pháp trị thì khi Lãnh đạo Hài Phòng không biết tự xử, không có văn hóa “từ chức” vì đã để xẩy ra vụ đán áp dân bất chính, thất lương tâm ở Tiên Lãng thì Dũng phải có quyết định kỷ luật khắt khe làm gương cho các cấp chính quyền địa phương khác mới đúng. Đằng này, rõ ràng Chính quyền Hải Phòng đã chấp thuận kế họach cưỡng chế bất hợp pháp của Huyện Tiên Lãng, không xét xử đúng luật khi có khiếu kiện trong nhiều năm của gia đình Đòan Văn Vươn để xẩy ra biến cố ngày 5-1-2012, “cố tình báo cáo sai sự thật” (lần đầu) khiến Dũng phải bắt báo cáo lại rồi còn không “nghiêm túc với Thủ tướng” nữa thì thử hỏi lãnh đạo Hải Phòng có coi trời bằng vung không ?
Điểm Thứ ba ,mặc dù ai cũng biết Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hải Phòng, Đỗ Trung Thoại, là người trực tiếp phụ trách nông nghiệp có liên hệ mật thiết với việc chỉ đạo cưỡng chế đã bịa đặt chuyện “Việc phá nhà ông Vươn là do nhân dân bất bình và bức xúc quá nên làm vậy. Nhiều người dân không đồng tình với việc làm của ông Vươn…”
Nhưng Thọai không bị bất cứ hình phạt nào của Nguyễn Tấn Dũng cũng như của Đảng bộ và Chính quyền Thành phố Hải Phòng.
Ngược lại, vào ngày 11/02 (2012) Thọai còn được Thành phố “phân công phụ trách tổ công tác triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng liên quan đến vụ cưỡng chết ở Tiên Lãng”.
Quyết định này đã gây phẫn nộ trong dân nên ngay ngày hôm sau (12/02 (2012) Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, Dương Anh Điền đã phân công ông Đan Đức Hiệp - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng thay Thoại.
Tuy mất chức đứng đầu tổ nhưng, theo tin các báo Việt Nam, Thọai vẫn còn là “tổ phó thường trực” của tổ công tác này.
Như vậy thì Chính quyền Hải Phòng là “một Nhà nước” độc lập muốn làm gì thì làm à?
MIỆNG LƯỠI HỔ MANG
Điểm khó hiểu Thứ tư trong quyết định của Nguyễn Tấn Dũng không thấy có lời nào liên quan đến Đỗ Hữu Ca, Đại tá Giám đốc Công an Thành phố Hải Phòng, người đã chỉ huy Công an tấn công ngôi nhà 2 tầng, xây gạch, cốt sắt mà Ca gọi xách mé là “cái chòi trông cá”. Ca còn nói sai rằng ngôi nhà này nằm trong khu vực bị cưỡng chế trong khi thực tế là ở ngòai nên Ca và lực lượng Công an thành phố có thể bị truy tố về tội xâm phạm gia cư bất hợp pháp và phá họai tài sản của nhân dân.
Nguyên văn câu nói xanh rờn của Ca: “Ngôi nhà chỉ là cái chòi trông cá, lại nằm trong khu vực bị cưỡng chế, nên việc phá hay không phá không thành vấn đề”.
Có lẽ cả đời “sự nghiệp Công an” chưa bao giờ Ca tham dự hay chỉ huy một trận tập kích nào “ngọan mục đầy thú vị” như khi cầm quân tấn công vào nhà ông Vươn nên viên sỹ quan này đã hồ hởi mô tả không biết xấu hổ: “Phải nói rằng việc hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay. Tôi bảo, không có cuộc diễn tập nào thành công bằng cuộc diễn tập lần này. Một là, anh em cơ động dùng thuyền để tiếp cận là chưa có bao giờ trong giáo án, đã phải dùng thuyền nan để chèo vào, bí mật áp sát mục tiêu đấy. Đánh mũi trực diện nghi binh ra làm sao. Rồi là tác chiến vòng ngoài, vòng trong thế nào. Tôi nghĩ là rất hay, có thể viết thành sách. Tôi nói với các đồng chí Thường trực rằng đây không phải kế hoạch tập trận nhưng đúng là phải rút kinh nghiệm, cái này nó rất là hay, có sự kết hợp giữa địa phương, giữa công an, quân đội, biên phòng rất là đẹp, đâm ra không có gì phải phàn nàn về cái chuyện ấy cả. (VnMedia, 8/1)
Phê bình về lời nói đây thú tính, không coi mạng sống người dân ra gì của Ca, nguyên Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói:”Khi thấy ông Đỗ Hữu Ca nói rằng "vụ cưỡng chế là một chiến tích lớn của công an Hải Phòng", tôi vô cùng sửng sốt, không thể tin nổi đây là ý kiến của một giám đốc công an TP. Ông Ca dùng các cụm từ "rất là hay", "rất là đẹp" nói về sự phối hợp tác chiến trong vụ cưỡng chế. Thú thật là tôi không biết bình luận thế nào. Bác Hồ đã gạch bỏ cụm từ "trận đánh đẹp" trong một văn bản trình lên Bác. Bác nói một trận chiến làm chết nhiều người, dù người ở phía nào chăng nữa, đều không thể gọi là một trận đánh đẹp. Đấy là đánh nhau với địch, còn đây là quan hệ với dân. Cái này hết bình luận nổi. Có lẽ ông này cần có một bác sỹ chuyên khoa tâm lý chăm sóc.”
Tư cách cán bộ chỉ huy như Ca mà vẫn còn được Thành phố Hải Phòng phân công là thành viên trong “tổ công tác triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng liên quan đến vụ cưỡng chết ở Tiên Lãng” thì chỉ có ở Việt Nam thời Cộng sản cai trị mới có chuyện “chói tim” này.
Như vậy thì có phải “nhà nước” Hải Phòng đã “ vừa đá bóng vừa thổi còi” không ?
Quyền dân phép nước ở đâu mà Thủ tướng Dũng, Đại biểu Quốc hội Đơn vị 3 có Huyện Tiên Lãng và 8 người khác của Đòan Đại biểu Quốc hội Hải Phòng vẫn chưa vào cuộc “thăm dân cho biết thực,hư thế nào” ?
Cho đến ngày 15-02 (2012), mới chỉ có 4 viên chức nhỏ bị “tạm đình chỉ công tác trong thời hạn 15 ngày để điều tra” gồm : Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng và ông Nguyễn Văn Khanh, Phó chủ tịch UBND (Tiên Lãng) ; Phạm Đăng Hoan, Bí thư Đảng ủy (Xã) và Lê Thanh Liêm, Chủ tịch UBND xã Vinh Quang.
LÊ ĐỨC ANH-VŨ KHOAN
Vì những việc làm còn bôi bác này mà Lê Đức Anh, Đại tướng, nguyên Chủ tịch Nước đã nói với Báo điện tử Chính phủ ngay sau khi có quyết định của Nguyễn Tấn Dũng: “Nếu vụ việc này không được kịp thời xử lý nghiêm minh thì hậu quả sẽ thật khó lường. Bởi vì từ quan hệ nhà nước phục vụ dân mà với các quan chức suy thoái như thế, quan hệ phục vụ thành quan hệ đối kháng, điều đó gây mất niềm tin đối với sự lãnh đạo của Đảng. Vụ việc ở Tiên Lãng nếu không xử lý nghiêm minh nó sẽ lan tỏa ra cả nước.”
“Có thể nói vui thì rất vui trước kết luận của Thủ tướng, nhưng lo không nhỏ. Tôi đề nghị Thủ tướng cần kiểm tra việc thực hiện của thành phố Hải Phòng đối với kết luận này, việc tổ chức thực hiện là rất quan trọng.”
Trong khi đó, ông Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng phát biểu: “Vụ việc này phản ánh rất nhiều điều bất ổn khá phổ biến ở nước ta trong lúc này, đòi hỏi phải rút ra những bài học thích đáng để chấn chỉnh, nếu không có thể nẩy sinh những tình huống phức tạp khôn lường.”
Ông Khoan nói thêm rằng : “Có lẽ trong số các đạo luật về kinh tế ở nước ta Luật đất đai có tầm quan trọng hàng đầu vì dù sao nước ta vẫn là nước nông nghiệp, trên 70% dân số sống ở nông thôn; quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang được đẩy mạnh ảnh hưởng rất nhiều tới đất đai; đây cũng là nơi phát sinh nhiều tệ nạn tiêu cực, tham nhũng nhất vì thực ra tài sản quốc gia của ta chủ yếu cũng nằm ở đất và một số ít khoáng sản; phần lớn các vụ khiếu kiện đông người và gay gắt đều liên quan tới đất đai.
Nói một cách khác, phát triển kinh tế, kể cả tiến trình CNH,HĐH, ổn định xã hội, chống tham nhũng về nhiều mặt đều nằm ở đây cả!… Mọi chuyện rắc rối liên quan đến giao, thu hồi, tranh chấp, bồi thường, giá cả, tiêu cực, tham nhũng... đều liên quan đến các khía cạnh này; không giải quyết chúng một cách thích hợp thì sự bất ổn còn kéo dài.” (Báo Tuần Việt Nam, 10-02-2012)
Đây chính là vấn đề nan giải của đảng Cộng sản việt Nam trong giai đọan sống còn hiện nay mà nội dung Nghị quyết 4 ngày 31/12/011 nói về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" đã phản thật rõ trong vụ Tiên Lãng sau “tiếng bom” của gia đình Đòan Văn Vươn.
Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đã cảnh giác tại Hội nghị tòan quốc Xây dựng đảng ngày 11/01/2012 rằng: “ Nếu Đảng ta không thật sự vững vàng về chính trị, tư tưởng, không thống nhất cao về ý chí, hành động, không trong sạch về đạo đức lối sống, không được nhân dân ủng hộ, thì không thể đứng vững và đủ sức lãnh đạo đất nước đi lên. Một lần nữa, Tổng Bí thư khẳng định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, là vấn đề sống còn của Đảng, là sự tồn vong của chế độ ta.” (Báo Điện tử Trung ương Đảng)
Trọng cũng nói nhiều đến tình trạng “tự diễn biến” và “tự chuyển hoá” lan rộng trong đảng như mối lo cho sự tồn vong của chế độ.
Vì vậy, nhiều cấp trong đảng đang sợ vụ Tiên Lãng sẽ là tiền đề cho nhiều vụ Tiên Lãng khác nổi lên trong dân đòi lại công bằng, đền bù cho những đất đai đã bị chiếm đọat hay cưỡng chế từ khi có Luật Đất Đai đầu tiên năm 1987 cho đến Luật sau cùng ra đời năm 2003.
Vấn đế là quyền làm chủ đất nước và quyền sở hữu đất đai thuộc về tòan dân đã được quy định trong Hiến Pháp, nhưng đảng lại dành quyền quản lý và trao quyền cho địa phương giao đất, thu hồi đất và cho thuê đất theo ý muốn nên nhiều quan chức đã “bẻ Luật” ra thành nhiều mảnh để tự biên, tự diễn có lợi cho cá nhân, phe phái có chức có quyền nên đã đẻ ra tham nhũng và nạn cường hào ác bá làm khổ dân như xẩy ra ở Tiên Lãng.
Không khéo rồi chính đảng và nhà nước CSVN lại ép dân phải nổi lên để đòi lại quyền “người cầy có ruộng” chăng ?
Hay là hãy cởi trói cho dân để tránh đổ máu ?
Phạm Trần
(02/012)

0 comments:

Powered By Blogger