Saturday, February 18, 2012

Vì sao ông Nguyễn Phú Trọng không lên tiếng về vụ việc ở Tiên Lãng?



Lê Anh Hùng - Vụ cưỡng chế thu hồi đất của chính quyền huyện Tiên Lãng, Hải Phòng đối với gia đình anh Đoàn Văn Vươn vừa qua đang thu hút sự chú ý đặc biệt của công luận cả ở trong nước lẫn ngoài nước. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên là một vụ việc gây xôn xao dư luận như thế, đặt ra những vấn đề hệ trọng liên quan đến nền tảng của chế độ như thế mà ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư BCHTW Đảng CSVN, lại im như thóc, tuyệt nhiên không hề hé răng lấy nửa lời, mặc dù ông vẫn đang kêu gào thống thiết về cái gọi là “chỉnh đốn Đảng”.

Lẽ dĩ nhiên, ở đời thì cái gì cũng có nguyên do của nó cả. Và những lý do dưới đây dường như là lời giải thích hợp lý nhất cho thái độ “ngậm hột thị” của ngài TBT:
1. Ông không tin vào vụ việc ở Tiên Lãng:
Trong buổi làm việc với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ngày 13/9/2011, ông Nguyễn Phú Trọng đã nhận xét: "Nhiều khi tôi vẫn nói đùa là ở trên này nghe rất nhiều chuyện đau đầu nhưng về với nông dân là thấy khác. Không phải được tất cả mà cơ bản là được." [1]
Từ đó mà suy, ông sẽ cho rằng những vụ việc như ở Tiên Lãng, Hải Phòng kia chắc chắn là do các “thế lực thù địch” dàn dựng để bôi xấu chế độ XHCN ưu việt, chứ nông thôn Việt Nam ở “thời đại Hồ Chí Minh” thì “về cơ bản là được”, quyết không thể xảy ra những chuyện động trời như thế.
2. Ông vẫn đang nghiên cứu Luật Đất đai một cách thận trọng, kết quả nghiên cứu thế nào ông sẽ bàn giao cho TBT khoá sau để… nghiên cứu tiếp:
Cũng trong buổi làm việc với Trung ương Hội Nông dân nói trên, khi đề cập đến các kiến nghị, đề xuất của Hội Nông dân, ông Tổng Bí thư khẳng định là có nhiều việc sẽ còn phải nghiên cứu tiếp thu, không thể giải quyết nhanh được. Chẳng hạn, vấn đề sửa Luật đất đai sẽ cần phải được nghiên cứu thận trọng. Nhiều vấn đề đang còn tranh luận, chẳng hạn, khái niệm về sở hữu toàn dân... Cho dù Quốc hội đã nhiều lần đề xuất đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhưng thảo luận mãi vẫn chưa chốt lại được.[2]
Khiếu kiện liên quan đến đất đai mới chỉ chiếm 70% số vụ khiếu kiện thôi nhé, chưa việc gì phải cuống quýt lên như thế!
3. Ông không muốn sửa đổi Luật Đất đai, vì sợ “sửa rồi mai kia lại vênh”:
Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH do BCHTW Đảng khoá X trình Đại hội Đảng CSVN lần thứ XI (1/2011) nêu rõ, xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng “có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu”. Tại Đại hội, khi nhiều đại biểu đưa ra ý kiến phản bác “đặc trưng” ấy, và đòi trở về với định nghĩa trong Văn kiện Đại hội X (2006) là “có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên nền sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất” thì ngài GS.TS chuyên ngành “xây dựng Đảng” lại biện bạch thế này: “Những vấn đề đã rõ, đã chín, đã được thực tiễn chứng minh là đúng và đã có sự thống nhất tương đối rồi thì hãy sửa. Còn những vấn đề nào chưa đủ rõ, chưa đủ chín, thực tiễn còn đang vận động, ý kiến còn khác nhau thì xin phép chưa sửa đổi, sửa rồi mai kia lại vênh.”[3]
Rõ ràng, với tư cách là người từng đảm trách cương vị Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và giờ đây là Tổng Bí thư BCHTW Đảng, hơn ai hết, ông là người hình dung ra rõ nét nhất hình hài của CNXH ở Việt Nam. Chính vì thế mà ông sợ rằng một khi CNXH đột ngột hiện ra, khiến nhân dân Việt Nam không kịp trở tay, thì Luật Đất đai đã sửa đổi kia sẽ “vênh” với một nguyên lý chủ đạo của CNXH như tổ sư Marx của ông đã từng phán. Và việc ông không muốn sửa đổi Luật Đất đai, hay không muốn sửa đổi Dự thảo Văn kiện Đại hội XI của Đảng như đã nói ở trên, chính là sự thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của một nhà lãnh đạo tài ba xưa nay hiếm. Nếu ai đó nhận định rằng đất nước chúng ta đang đi trên một cỗ xe không phanh với một người lái không biết lùi mà cứ băm băm lao vào một tương lai đầy rủi ro thì hoặc là hàm hồ hoặc là đang “tự diễn biến” đấy.
Hiện nay, khi mà vụ việc ở Tiên Lãng đang khiến cho ý chí của ngay cả một đảng viên trung kiên nhất cũng phải lung lay, khi mà nền kinh tế nước nhà thường xuyên lạm phát vào hàng quán quân Châu Á, khi mà bối cảnh khu vực và thế giới đang biến chuyển nhanh chóng và khó lường, con thuyền đất nước quả rất cần một “người cầm lái vĩ đại” như ông./.
L. A. H.
Tác giả trực tiếp gửi cho BVN.
Ghi chú:
[1] Báo Vietnamnet ngày 13/9/2011: Tổng Bí thư: Sửa Luật Đất đai cần thận trọng (vietnamnet.vn).
[2] Báo Vietnamnet ngày 13/9/2011: Tổng Bí thư: Sửa Luật Đất đai cần thận trọng
[3] Báo Pháp Luật Tp HCM ngày 19/1/2011: Biểu quyết về công hữu tư liệu sản xuất chủ yếu: Còn tranh luận thì chưa vội sửa (phapluattp.vn).
http://boxitvn.blogspot.com/2012/02/vi-sao-ong-nguyen-phu-trong-khong-len.html#more

0 comments:

Powered By Blogger