Thursday, February 9, 2012

Từ Miến Điện Tới VN

President Thein Sein và Aung San Suu Kyi

Trần Khải
Đất nước Miến Điện đang đi tới dân chủ một cách cẩn trọng. Không phảỉ là một cuộc đột phát cách mạng, nhưng chắc chắn phải là một tính toán của các tướng lãnh để dò tìm một lộ trình dân chủ hóa. Chúng ta có thể suy đoán như thế. Và như vậy, phải thấy được tính tự giác cao của các tướng lãnh Miến Điện, khi thấy đất nước nghèo mạt rệp trong khi kinh tế ngày càng lệ thuộc Trung Quốc, cách duy nhất để tự vùng vẫy ra khỏi pháo đài độc tài chỉ duy một cách là dân chủ hóa đất nước.
Các tướng lãnh Miến Điện có tấm lòng cao hơn các lãnh tụ CSVN vậy.

Bản tin Reuters hôm 31-1-2012 ghi nhận lời Tổng Thống Thein Sein rằng chính phủ của ông quyết tâm cải tổ chính trị và sẽ đặt sự ổn định của đất nước ưu tiên cao hơn phát triển kinh tế, theo báo Straits Times của Singapore.

Thein Sein lúc đó đang viếng thăm Singapore trong chuyến đi ba ngày, sau một loạt quyết định cởi mở chính trị, trong đó có việc trả tự do hàng trăm tù nhân chính trị, nới lỏng kiểm duyệt báo chí truyền thông và cam kết hợp tác với lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi để dân chủ ngày càng được thực thi hơn.

Chính phủ Miến Điện cũng đồng ý ngưng bắn với các nhóm sắc tộc nổi loạn trong ba tháng qua và đang hòa đàm với một số sắc tộc khác, trong đó có một số lực lượng du kích đòi ly khai từ nhiều thập niên.

Thein Sein nói với báo Singapore rằng, “Tương lai Miến Điện nằm trong hòa bình và ổn định, trong khi phát triển kinh tế là ưu tiên thứ hai cho đất nước.”

Có một số dấu hiệu cho thấy chính phủ Thein Sein vẫn dè dặt trong việc nới lỏng bàn tay sắt. Điển hình là trong khi trả tự do hàng trăm tù nhân chính trị và cho báo chí truyền thông nhiều quyền tự do hơn, Thein Sein lại áp lực Giáo Hội Phật Giáo để ra lệnh trục xuất nhà sư nổi tiếng Ashin Pyinna Thiha, tu viện trưởng Sardu Pariyatti Monastery.
Báo The Irrawaddy hôm 19-1-2012 nói rằng, vị tu viện trưởng này đã đồng ý vâng lệnh Đạị Hội Đồng Tăng Già Maha Nayaka Sangha Council of Rangoon để sẽ rời tu viện này trong vòng một tháng.

Nhà sư Ashin Pyinna Thiha, còn có tên là Shwe Nya Wah Sayadaw, nói, “Tôi đã đồng ý ký giấy và rời, và sống lặng lẽ như một người vâng lệnh Giáo Hội, vì tôi không muốn trở thành một lý cớ tranh cãi. Tôi muốn yêu cầu tất cả các sư và mọi người dân đừng tranh đấu gì cho hoàn cảnh của tôi vì như thế có thể ảnh hưởng tới sự hòa giải dân tộc. Tuy nhiên, tất cả công tác xã hội chúng ta làm sẽ được tiếp tục bởi các vị sư khác nơi đây.”

Sư cho biết, sư sẽ rời tu viện trước ngày 19-2-2012. Đại Hội Đồng Tăng Già gồm 47 thành viên, được xem là thân chính phủ, trước đó đã cấm nhà sư Ashin Pyinna Thiha không được thuyết pháp trong vòng một năm.

Duyên khởi là hồi tháng 9-2011, nhà sư Ashin Pyinna Thiha nói chuyện tại trụ sở Mandalay của Liên Đoàn Quốc Gia Dân Chủ của bà Aung San Suu Kyi, nơi tu viện trưởng này cam kết vận động cho hòa bình ở Miến Điện và kêu gọi thả các tù chính trị và kết thúc cuộc nội chiến. Sư nói, sẽ không có hòa bình khi nào còn tù chính trị bị giam và còn chiến tranh ở các biên giới.
Một băng video buổi nói chuyện của nhà sư lập tức chuyển đi khắp trong công chúng Miến Điện, và dẫn ra băng video naỳ, Đại Hội Đồng Tăng Già Miến Điện đưa ra bản văn nói rằng nhà sư này “không vâng lời” trong cộng đồng các nhà sư, và là cớ để bị trục xuất ra khỏi tu viện.
Nhà sư đã gửi một lá thư xin lỗi lên Đại Hội Đồng Tăng Già và xin rút lại quyết địnht rục xuất, nhưng lời thỉnh cầu này bị bác bỏ.
Ashin Pyinna Thiha nổi tiếng về các hoạt động xã hội và đã cho phép các sinh hoạt chính trị tổ chức trong tu viện của sư, cũng như bản thân nhà sư đã thuyết trình nhiều lần về tình hình thời sự Miến Điện.

Nhưng điểm nổi bật gần nhất: sư là một trong các nhà hoạt động xã hội được mời họp với Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton khi bà tới thăm Miến Điện cuối tháng 11-2011.

Một dấu hiệu khác cho thấy thực sự chính phủ Miến Điện vẫn còn dè dặt: Bản tin AP hôm 2-2-2012 nói rằng lãnh tụ dân chủ Aung San Suu Kyi đã phải hoãn chuyến đi tới Mandalay, thuộc miền trung Miến Điện, vì bà không xin được giấy phép để tổ chức buổi họp mặt chính trị ở một sân bóng đá nơi đó lúc đầu dự kiến tổ chức cuối tuần này.

Trong khi luật đòi hỏi phảỉ nộp đơn ít nhất 7 ngày trước thời điểm sử dụng sân vận động, đảng của bà Kyi đã nộp đơn 10 ngày trước đó rồi, nhưng giấy phép sử dụng sân bóng đá để họp mặt chính trị vẫn chưa có được.
Bà Suu Kyi đích thân tranh cử dân biểu, và cùng các đảng viên cùng tổ chức Liên Đoàn Quốc Gia Dân Chủ lần naỳ tranh cử 48 ghế dân biểu dự kiến bỏ phiếu vào ngày 1-4-2012.

Ohn Kyaing, phát ngôn nhân của Liên Đoàn, sẽ tranh cử vào một trong 10 ghế dân biểu mở ra ở Mandalay, nói rằng đành phải hủy bỏ chuyến đi của bà Kyi vì chưa có giấy phép để họp mặt cử tri trong sân bóng đá đó, và “Chúng tôi có một chút buồn với tình hình bất tiện này.”

Từ chuyện áp lực Đại Hội Đồng Tăng Già Miến Điện để trục xuất vị sư tu viện trưởng có lập trường thân với bà Kyi, cho tới việc không cấp giấy phép để bà Kyi họp mặt cử tri ở sân bóng đá… cho thấy chính Phủ Miến Điện vẫn còn dè dặt với lộ trình dân chủ hóa do chính các cấp cao nhất Miến Điện đề ra.

Thấy đó, các tướng lãnh vẫn còn sợ một vị sư, vẫn còn sợ một người đàn bà. Ngắn gọn, các tướng lãnh Miến Điện vẫn còn sợ sức mạnh của những người yêu thương dân chủ. Và đó là lý do, họ đòi hỏi ưu tiên là ổn định, rồi sau đó mới ưu tiên phát triển kinh tế.

Và như thế, dân chủ hóa có thể sẽ là ưu tiên cuối cùng, bất kể họ đã tuyên bố với toàn dân và toàn thế giới rằng tiến trình dân chủ hóa phảỉ đi tới, và không thể đảo ngược.

Câu hỏi nơi đây là, bao giờ các lãnh tụ CSVN thực tâm chuyển giao quyền lực cho dân, dù là theo một lộ trình dè dặt như Miến Điện, để có thể hòa giải dân tộc và để bản thân họ sẽ hạ cánh an toàn?

Trần Khải(VB)

0 comments:

Powered By Blogger