Tiền Tham Nhũng Chạy Ra Nước Ngoài 120 Tỉ MK
TRUNG QUỐC (VB Tổng Hợp)– Phải chăng xã hội Trung Quốc đang đến hồi bùng nổ hỗn loạn vì những bất công gồm giới cầm quyền cướp giật đất đai của dân? Hay đây chỉ là chiêu bài đánh trống lảng của chế độ độc tài Bắc Kinh để tránh sự tập trung vào tranh chấp Biển Đông? Hay đây chính là thực trạng tất yếu không thể tránh của một xã hội mà gần phân nửa nông dân bị cướp đất và tham nhũng ngập đầu giới cầm quyền để mỗi năm họ có thể gửi ra các ngân hàng ngoại quốc trên 120 tỉ MK?
Đâu là sự thật? Xin độc giả cùng Việt Báo đọc 2 bản tin được đăng tải vào Thứ Ba, ngày 7 tháng 2 năm 2012, trên 2 trang mạng toàn cầu 1 ở trong nước và 1 ở ngoài nước, đó là bài “Biểu Tình ở TQ: Hệ Lụy Kinh Tế Hay BấT Công Xã Hội?” của tác giả Viết Lê Quân trên trang mạng www.tuanvietnam.net và bản tin “Gần một nửa nông dân Trung Quốc bị trưng thu đất đai một cách bất công” trên đài RFI.
Bài của Viết Lê Quân trên trang mạng tuanvietnam.net viết rằng, “Trong khi tổng khối lượng kinh tế của Trung Quốc nhìn lên chỉ xếp sau Mỹ, thì vẫn còn quá nhiều nông dân phải cắm mặt xuống đất. Cánh cổng khép kín của quốc gia này đã khiến cho nhiều con số trở nên câm lặng. Như một sự toa rập với định hướng chỉ đạo, một phần trong hệ thống truyền thông đại chúng vẫn ca ngợi sự thịnh vượng của đất nước, thay cho chuyện mổ xẻ cái nghịch lý dân nghèo nước giàu.”
Viết Lê Quân lược qua tình hình nông dân chống cướp đất tại TQ mà tiêu biểu là vụ Ô Khảm. Bài viết viết tiếp rằng, “2011 có thể được xem là “năm bản lề” của quá trình chuyển hóa từ lượng sang chất. Khác với hoạt động khiếu kiện tuy nhiều về số lượng nhưng diễn ra manh mún và thiếu chiều sâu vào những năm trước, thời điểm tháng 12 năm 2011 lại đã đưa cái tên Ô Khảm lên bản đồ thế giới. Sự việc hoàn toàn bất ngờ đối chính quyền tỉnh Quảng Đông đã xảy ra tại làng nhỏ Ô Khảm. Tại đây, chính sách bồi thường của chính quyền địa phương với giá rẻ mạt cho phần đất được trưng thu đã khiến cho dân chúng bức xúc. Bức xúc đó lại được tích tụ theo năm tháng để trở thành bất mãn cao độ.
Nhưng thay vì điều chỉnh tăng giá bồi thường cho đất nông nghiệp và lo lắng chỗ ở mới cho người dân mà trước đó chẳng mấy quan chức lưu tâm, chính quyền địa phương lại tiến hành bắt giữ 4 người cầm đầu của cuộc khiếu kiện. Một trong 4 người bị bắt giữ, Tiết Kim Ba, đã chết tại nơi bị giam giữ. Cũng như một số cái chết với nguyên nhân mờ ám xảy ra tại những đồn cảnh sát Trung Quốc, lần này nghi vấn về việc công dân Tiết bị tra tấn cũng trở nên rất sâu sắc và do đó đã thổi bùng làn sóng phản kháng của 13.000 dân làng Ô Khảm. Làn sóng phản kháng càng trở nên quyết liệt khi chính quyền địa phương không những không trả thi thể người bị chết cho gia đình, mà còn huy động hàng ngàn cảnh sát vũ trang bao vây và phong tỏa ngôi làng, khiến cho người dân nơi đây lâm vào tình cảnh thiếu thốn lương thực. Mối quan hệ giữa dân chúng và chính quyền địa phương vì thế cũng trở nên đối đầu, thay cho trạng thái bức xúc về tư tưởng chỉ cách đó mấy tháng.”
Nhưng vụ Ô Khảm không dừng lại ở đó, tác giả Viết Lê Quân cho biết thêm sự thể trọng đại hơn, như sau: “Sau đó, một giả thuyết của giới phân tích chính trị đã trở nên có lý, khi vào đầu quý 3/2011, cùng thời gian với không khí lắng dịu lại trong nội tại Trung Quốc, những hoạt động vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam cũng “tự nhiên” mờ nhạt. Rất có thể, một chiến dịch đánh lạc hướng dư luận trong nước ra khu vực biển Đông, và do đó giúp làm dịu bớt những căng thẳng về tư tưởng, đã được các cơ quan tư tưởng và quân sự Trung Quốc dàn dựng một cách công phu.”
Từ các vụ chống đối quyết liệt của người dân TQ, Viết Lê Quân đặt vấn nạn lên bất ổn xã hội và viết tiếp rằng, “Vậy từ đâu đã phát sinh ra biểu hiện phản ứng quyết liệt của người nông dân? Do mục đích chính trị hay bởi những người dưới đáy xã hội? Câu trả lời là “sự oán giận của dân chúng”, được phát ra bởi chính thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo. Câu trả lời đó cũng ra đời trong bối cảnh xã hội Trung Quốc ngày càng đặc biệt trầm trọng với hố sâu phân cách người giàu và người nghèo – một hệ lụy không tránh khỏi của “Nước giàu người nghèo”.”
Và Viết Lê Quân đưa ra bằng chứng về sự bất công xã hội lên đến cùng cực: “Tổ chức xếp hạng tín nhiệm của Thụy Sỹ là Credit Suisse đã khẳng định một sự thật rằng Trung Quốc là một trong những nước có khoảng cách giàu nghèo lớn nhất thế giới, cao hơn nhiều so với công bố chính thức: nhóm 10% dân số giàu nhất có thu nhập bình quân đầu người 97.000 nhân dân tệ, tương đương 14.280 USD, cao gấp 65 lần so với nhóm 10% nghèo nhất. Trong khi đó, báo cáo từ Cục thống kê Trung Quốc đưa ra tỷ lệ phân cách chỉ 23 lần (năm 2010). Còn trước đó vào năm 2008, cũng Cục thống kê Trung Quốc đã đưa ra tỷ lệ phân cách chỉ có 9 lần, trong khi một cuộc điều tra độc lập của giáo sư Vương Tiểu Lỗ thuộc Quỹ Cải cách Trung Quốc đã cho thấy khoảng cách này lên đến 25 lần.”
Còn nữa, theo Viết Lê Quân, “Vào tháng 6/2011, một công bố khá bất thường của Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã cho thấy các quan tham Trung Quốc đã gửi ra nước ngoài đến 120 tỷ USD trong giai đoạn 1990-2008. Những địa chỉ được ưa chuộng gửi tiền là Mỹ, Australia, Canada và Hà Lan. Cùng với sự bốc hơi tài chính là sự bốc hơi về con người khi có đến 16.000 – 18.000 quan chức và nhân viên các công ty quốc doanh đã rời khỏi Trung Quốc.”
Mặt khác, bản tin của RFI vào Thứ Ba, 7-2-2012, cho biết rằng 43% nông dân Trung Quốc bị nhà cầm quyền trưng thu đất đai. Bản tin viết như sau: “Một tờ báo kinh tế tại Trung Quốc vào hôm nay, 07/02/2012, đã công bố một nghiên cứu cho thấy từ năm 1990 đến nay, hơn 43% nông dân Trung Quốc bị chính quyền trưng thu đất đai. Công cụ sản xuất của người nông dân sau đó được đem bán lại với giá trung bình cao gấp 40 lần so với giá đền bù. Theo AFP, việc trưng thu đất đai một cách bừa bãi là nguyên nhân chủ yếu của các vụ xung đột giữa nông dân và chính quyền địa phương đang ngày càng phổ biến ở Trung Quốc. Vụ nổi dậy của người dân làng Ô Khảm trong tỉnh Quảng Đông mới đây là một minh chứng rõ rệt nhất. Một cuộc điều tra trên 17 tỉnh và khu vực do trường Đại học Nhân dân Bắc Kinh tiến hành, được công bố trên báo 21st Century Business Herald, đã đưa ra những số liệu chi tiết như 12,7% người nông dân bị trưng thu đất mà không được nhận bồi thường, 9,8% khác bị chính quyền quỵt tiền đền bù.”
0 comments:
Post a Comment