Nguyễn Xuân Nghĩa & Vũ Hoàng RFA
...cứ vài chục năm dân Mỹ lại la trời về khủng hoảng rồi lại đổi thay mà đi tới...
Sau khi vụ khủng hoảng tài chính chớm nở tại Hoa Kỳ rồi lây lan ra toàn cầu, dư luận nhiều nơi đã nói về trào lưu suy tàn của nước Mỹ, hiện tượng đã xảy ra cho các đại cường trong lịch sử nhân loại. Cũng vì đó, một số giá trị tinh thần của nước Mỹ như quy luật thị trường, quyền tự do cá nhân, nguyên tắc dân chủ chính trị trong một xã hội cởi mở, v.v... đã trở thành vấn đề, thậm chí bị hoài nghi. Diễn đàn Kinh tế của đài Á châu Tự do sẽ xoáy vào đề tài đó để tìm hiểu những chuyện thực hư đằng sau các vấn đề gọi là nổi cộm này. Xin quý thính giả theo dõi phần trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa về đề tài kỳ này do Vũ Hoàng thực hiện sau đây.
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Sau những biến động kinh tế và chính trị từ năm 2008 đến nay, ta lại nghe thấy một số lý luận về khủng hoảng của tư bản chủ nghĩa hoặc sự suy tàn của nước Mỹ vì dù sao, những biến động ấy khởi đi từ vụ khủng hoảng tài chính Hoa Kỳ. Trong chương trình kỳ này đề nghị là ta sẽ cùng tìm hiểu về sự thể đó vì với nhiều quốc gia thì các giá trị tinh thần của Hoa Kỳ đã có sức quyến rũ đáng kể và sự hoài nghi về tương lai của xứ này có thể dẫn đến nhiều ngả chọn lựa khác. Ông nghĩ sao về đề tài này?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thật ra, tôi rất ngần ngại khi đề cập đển Hoa Kỳ vì có thể gây hiểu lẩm.
- Thứ nhất, xứ nào nào cũng có đặc tính xã hội, kinh tế, chính trị và văn hóa riêng, xuất phát từ hoàn cảnh địa dư và lịch sử của họ nên nét đặc thù của xã hội Mỹ chưa chắc có thể áp dụng tại các xứ khác như một mẫu mực. Thứ hai, vì mình sinh hoạt trên đất Hoa Kỳ nên có điều kiện hiểu rõ xứ này nhưng khen chê gì thì lại có thể gây ngộ nhận là theo "chủ nghĩa phục Mỹ" trong khi bản thân tôi trên nhiều diễn đàn khác cũng có những bình luận mang tính phê phán, có khi cũng bị xem là... "chống Mỹ". Tuy nhiên, giữa trào lưu hoài nghi chung của thiên hạ về tương lai của Hoa Kỳ thì ta cũng nên đề cập đến đề tài này một cách lạnh lùng. Đôi khi có thể giúp thính giả nhìn thấy sức mạnh của một quốc gia nằm ở đâu.
Vũ Hoàng: Như vậy, ta khởi sự từ câu hỏi sức mạnh của quốc gia nằm ở đâu. Hoặc đi vào chuyện cụ thể, ta có thể nêu câu hỏi là vì sao nhiều học giả Mỹ cũng nói về sự suy tàn của Hoa Kỳ và thậm chí đả kích lãnh đạo của họ?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Để trả lời cho câu hỏi đó mà vì thời giờ của lại có hạn tôi xin thu hẹp nội dung vào một số điểm chính mà thôi.
- Tôi nghiệm thấy một đặc điểm của Hoa Kỳ - ít thấy ở xứ khác – là biệt tài phanh phui và điều tra về những thất bại của họ trong mọi lãnh vực từ kinh tế, xã hội, đến ngoại giao, an ninh, v.v. Nếu cứ tin vào đó thì ta dễ kết luận là xứ này khó khá! Thật ra đấy là sức mạnh của Hoa Kỳ vì không ai có độc quyền chân lý và kiểm soát thông tin mà ai ai cũng có quyền phê phán, nhờ vậy mà họ tránh tái diễn sai lầm và khiếm khuyết.
- Thứ hai là qua hơn hai trăm năm hình thành, cứ dăm chục năm tức là hai thế hệ thì nước Mỹ lại có tranh luận gay gắt về tương lai và tranh luận đó có dẫn tới những đổi thay chính trị. Lý do là mỗi thế hệ lại gặp một bài toán mới mà giải pháp của thế hệ đi trước không giải quyết được. Nếu chỉ theo dõi các mâu thuẫn hay tranh luận ấy - thí dụ như giữa thế hệ lập quốc có sắc thái quý tộc ở vùng Đông Bắc với thế hệ di dân tới sau và khai phá lãnh thổ như những kẻ phiêu lưu, hoặc giữa thế hệ nông gia đã mở mang trang trại bạt ngàn với thế hệ những người khoanh vùng xây dựng đô thị – thì ta nghĩ rằng nước Mỹ thường xuyên có loạn! Thật ra sức mạnh của họ chính là tinh thần hòa đồng và tiếp nhận kinh nghiệm, nhất là sau cuộc Nội chiến thảm khốc trong lịch sử. Và ngay khi cuộc nội chiến chấm dứt, cách hành xử phải nói là hào hiệp và văn minh giữa hai phe chiến thắng và chiến bại cũng nói lên sức mạnh đó.
Vũ Hoàng: Chuyện ấy khiến ta nghĩ đến Việt Nam sau năm 1975! Nhưng trở về đề tài, ông nói đến những giá trị tinh thần của nước Mỹ khiến người ta có thể đặt các cuộc tranh luận hiện nay, vào khuôn khổ tương đối của xứ này nếu nhìn trong viễn ảnh dài của lịch sử. Nhưng phải chăng Hoa Kỳ còn một lợi thế mà ít xứ nào có được, đó là vị trí địa dư và hình thể của lãnh thổ?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi cứ hay nói đùa là khi nhận định về lẽ thịnh suy của một quốc gia hay bất cứ một biến cố chính trị kinh tế nào đó thì ta cần có tấm bản đồ để xác định không gian và tờ lịch để nhìn ra diễn tiến thời gian trước sau, may ra thì thấy được tương quan nhân quả.
- Về trường hợp Hoa Kỳ thì quả thật địa dư hình thể có thể giải thích ra sức mạnh mà không xứ nào có được, từ các đế quốc xa xưa đến các cường quốc hiện đại như Nga, Tầu, Đức, Nhật. Quốc gia này có diện tích bát ngát và vuông vức ở giữa hai đại dương lớn nhất địa cầu, bên trong có châu thổ của năm con sông lớn đan kết chứ không biệt lập với nhau, lại nằm tại vùng ôn đới khả canh, có thể đầu tư, canh tác và chuyên chở để buôn bán dễ dàng. Việc tiếp giáp với đại dương còn mở mang khả năng giao dịch quốc tế và chi phối xứ khác.
- Cũng xin nói thêm rằng Hoa Kỳ là nơi mà lực lương lao động thiểu số là nông gia lại được mua chuộc bằng đạo luật canh nông để kiềm chế sản xuất hầu giữ giá nông sản khỏi sụt trong khi nhiều xứ khác cầy xới mãi chưa đủ ăn, kể cả và nhất là Trung Quốc. Nhưng sức phát triển của nước Mỹ không chỉ có vậy vì còn cái đầu.
Vũ Hoàng: Chúng tôi đoán rằng ông sẽ nói về cách tổ chức và sáng tạo của dân Mỹ....
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Quả như vậy và sau khi nói chuyện bản đồ thì tôi xin cầm lấy tờ lịch!
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Quả như vậy và sau khi nói chuyện bản đồ thì tôi xin cầm lấy tờ lịch!
- Năm 1902, một đại trí thức có tinh thần gọi là "cách mạng" khá tiêu biểu của "Cựu thế giới" tại Âu châu là ông Lenin của nước Nga đã viết cuốn sách có tiêu đề là "Làm gì?" Chúng ta thấy ra kết quả là tư tưởng hàm hồ của Karl Marx được "đưa vào áp dụng" nhờ kỹ thuật cướp chính quyền! Nó làm thay đổi bộ mặt của thế giới một cách khá bi thảm trong suốt thế kỷ 20, cho tới khi Liên Xô tan rã cách nay 20 năm. Nhắc lại vậy thì mình cũng nhớ đến chuyện trăm năm trước.
- Đầu năm 1912, Hoa Kỳ vừa ra khỏi hai năm suy trầm kinh tế - và trong trăm năm đó đã bị gần hai chục lần suy trầm - khiến dân Mỹ lại có dịp tự hỏi hoặc dằn vặt nhau y như ngày nay là "làm gì bây giờ đây?" Nhưng họ không chỉ tự hỏi rất trừu tượng như vậy, mà nhiều người thực tiễn bắt tay vào việc. Kết quả là Hoa Kỳ mở đường điện khí hóa, dùng điện thoại, phát minh thép không rỉ, đã bập bẹ bật radio và tập tành lái xe tự động, v.v.... Cuộc cách mạng công nghiệp bùng phát từ đó đã đảo lộn hệ thống sản xuất và trao đổi kinh tế của nước Mỹ rồi toàn cầu trong cả thế kỷ.
- Trăm năm qua, dân Mỹ thực tế giàu gấp tám và thành phần gọi là nghèo của họ ngày nay vẫn có mức sống của dân trung lưu tại nhiều xứ khác. Đáng yêu nhất là thành phần này có quyền ta thán khiếu nại và trở thành vấn đề mà xã hội phải giải quyết chứ không bị bỏ tù hay bắt vào "lao cải" như ở nhiều xứ khác ngay trong thế kỷ 21.
- Đầu thế kỷ 21, việc công nghiệp hóa lại chuyển và cách mạng tín học với khoa điện toán đã bung rất mạnh, còn dẫn tới nạn bong bóng đầu tư bị bể rồi kinh tế suy trầm.
Khi ấy, nước Mỹ cũng tranh luận và kết án lung tung khi nhiều đại gia phá sản vì thay đổi không kịp! Ngày nay, giữa sự hoài nghi bải hoải của nhiều người, một cuộc cách mạng khác đã xuất hiện ngay trên đất Mỹ mà ít ai chú ý.
Vũ Hoàng: Ông muốn nói đến cuộc cách mạng gì? Hay là chuyện doanh nghiệp Kodak rất nổi tiếng cũng vừa khai báo phá sản vào đầu năm nay như nhiều nước đã mỉa mai nói tới?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Vào dịp nào đó ta sẽ nói chuyện Las Vegas, của tiểu bang Nevada, là "thành phố ảo" vì được dựng lên rất hào nhoáng giữa sa mạc chẳng có tài nguyên gì. Người ta cứ nhắc đến nơi đó như thiên đường của dân đánh bạc mà ít ai chú ý đến các hội chợ hay trung tâm "đấu xảo" do tư nhân tổ chức để triển lãm các sản phẩm công nghệ tiên tiến mà thị trường sẽ tiêu thụ sau này. Trong ngần ấy doanh nghiệp tham dự, họa hoằn có vài cơ sở Đông Á như Nhật Bản hay Nam Hàn mà chả thấy cơ sở nào của Âu châu. Còn lại thì toàn công ty Mỹ, với loại sản phẩm tưởng là chỉ có trong phim khoa học giả tưởng! Tức là khi Kodak bị loại thì cả trăm cơ sở khác đã xuất hiện như Kodak vào năm 1889. Hiện tượng ấy phản ảnh hai ba chuyện về Hoa Kỳ...
Vũ Hoàng: Xin hỏi ngay một câu rằng hình như với ông thì chuyện Kodak một doanh nghiệp từng chiếm lĩnh thị trường máy ảnh của thế giới từ cả thế kỷ bị phá sản cũng chẳng là điều lạ?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi nhớ cảm giác khi hãng hàng không Pan Am bị phá sản, rồi tiêu vong cách nay đúng 20 năm, thì mình cũng thấy lạ vì hãng này gần như là biểu trưng của Mỹ với thế giới bên ngoài. Dần dần rồi mới hiểu ra thực tế là sự đổi thay thường trực của Hoa Kỳ.
- Thí dụ khác là Chỉ số Kỹ nghệ Dow Jones do tư nhân lập ra trên thị trường chứng khoán. Nó có 30 doanh nghiệp tiên tiến và tiêu biểu của nước Mỹ. Danh sách này thay đổi 48 lần trong 116 năm hiện hữu và Kodak có mặt vào năm 1930 thì bị loại từ năm 2004. Thật ra chẳng cơ sở nào tại Mỹ mà tồn tại mãi trên đỉnh như mình có thể đã thấy tại rất nhiều nước khác.
Vũ Hoàng: Trở lại chuyện công nghệ tiên tiến ông vừa nhắc đến, rằng điều ấy phản ảnh hai ba chuyện về nước Mỹ, đó là những chuyện gì?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Các học giả có thể nói về sự thịnh suy của Mỹ hay của kinh tế chính trị học Hoa Kỳ, thật ra nước Mỹ vừa trải qua một cuộc cách mạng khác mà thiên hạ chưa kịp thấy.
- Thứ nhất là khả năng vận trù - là sử dụng và khai thác - một lượng thông tin vĩ đại trong thời khoảng cực ngắn. Ngày nay mọi phương tiện đối thoại, thông tin và trình bày bằng điện thoại hay máy điện tử cầm tay đều vận trù cả tỷ tỷ dữ liệu với vận tốc gọi là tức thời, và gọi đó là kỷ nguyên Big Data, viết hoa. Từ nay, loài người sẽ giải quyết vấn đề của mình trong không gian theo phương thức khác với kết quả phát triển kinh tế chưa thể lường được. Mà trẻ em Mỹ thì đã thực tế sống trong không gian đó rồi.
- Thứ hai là khả năng chế biến, tức là thiết kế và sản xuất, cũng đổi khác từ khâu đầu tiên là tư duy, là thử nghiệm sáng kiến trong không gian ba chiều, cho đến khi hoàn thành sản phẩm. Từ khi người Mỹ nghĩ ra tiến trình sản xuất quy mô, như xưởng ráp chế xe hơi cách nay trăm năm, cho đến ngày nay thì hệ thống sản xuất đã đổi và sẽ còn đổi khác rất nhanh. Quan hệ giữa con người trong hệ thống đó cũng đã và sẽ còn thay đổi theo cái hướng thông minh và tinh tế hơn.
- Thứ ba là dân Mỹ đã đi vào thế giới gọi là "vô tuyến" – wireless – và điều ấy giải phóng con người còn triệt để hơn là khi phát minh ra điện thoại. Chẳng những vậy, hiện tượng vô tuyến đã huy động con người vào mạng lưới hay "đám mây điện toán" với giá cực rẻ và tầm liên kết cực rộng, thực ra là toàn cầu. Ta nên học hỏi thêm từ các kỹ sư và giới xã hội học về hiện tượng này.
- Quan trọng nhất, ngần ấy phát minh đều do tư doanh chứ chẳng phải là một bộ máy phi thường nào của nhà nước hay do kỹ nghệ chiến tranh hoàn thành với các nhà bác học mặc áo công chức. Hoa Kỳ tạo cơ hội cho những Steve Jobs, Bill Gates hay Mark Zuckerberg phát huy sáng kiến đến thành công, có thể là trên sự hoang tàn của nhiều doanh nghiệp khác. Nếu chỉ thấy sự sa sút của các đại gia bị lão hoá, như IBM hay Hewlett-Packard, thì ta chưa thấy ra sức năng động của văn hoá và xã hội Hoa Kỳ.
Kinh tế xứ này cũng thế, nó sẽ phải thay đổi và có khả năng thay đổi.
Vũ Hoàng: Ông vừa nói đến chữ "lão hóa", phải chăng Hoa Kỳ có khả năng xin tạm gọi là "chống lão hóa"?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ rằng ngoài địa dư hình thể, sức mạnh của một quốc gia tùy thuộc vào dân số, dân trí và dân chủ. Hoa Kỳ có dân số khá đông với năng suất rất cao, mà lãnh thổ còn thừa sức hấp thụ một dân số gấp ba thì mới có mật độ tương tự như nhiều xứ khác. Nhờ đón nhận di dân, xứ này lại có dân số trẻ nhất trong các nước công nghiệp hoá - và mươi năm tới sẽ trẻ hơn dân Trung Hoa - nên không bị hiện tượng lão hóa như đã có tại Nhật, Nga hay Đức rồi sẽ thấy tại Trung Quốc. Sau cùng, nền dân chủ ưa ồn ào tranh cãi như ta đang thấy còn khiến các giải pháp và cơ chế vận hành trong xã hội không bị sơ cứng trong thành quả nhất thời mà cứ phải đổi mới.
- Kết luận thì cứ vài chục năm dân Mỹ lại la trời về khủng hoảng rồi lại đổi thay mà đi tới và họ có quyền đi trước cả nhà nước. Giữa vụ khủng hoảng trầm trọng hiện nay, xứ này vừa lặng lẽ hoàn tất một cuộc cách mạng tôi xin gọi là "thuật lý", technology hay công nghệ, mà vài chục năm nữa thiên hạ mới thấy hết hậu quả. Vì vậy, có lẽ người ta đừng vội nói về sự suy tàn của nước Mỹ!
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nguyễn Xuân Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.
0 comments:
Post a Comment