Thursday, February 16, 2012

Tiên Lãng: Ai Vi Phạm Luật Pháp ?


Teaser: Cảm nghĩ của một số người Việt Houston về vụ cưỡng chế nhà đất của ông Đoàn Văn Vươn tại huyện Tiên Lãng, tỉnh Hải Phòng.
Phóng sự của VOA - Nguyễn Phục Hưng thực hiện
Phát thanh thứ Tư, ngày 15 tháng Hai năm 2012
Nguồn
Theo tin từ các cơ quan thuyền thông quốc tế thì một vụ bạo động đã xảy ra tại huyện Tiên Lãng, tỉnh Hải Phòng vào ngày 5 tháng 1 năm 2012 khi nhà nước Việt Nam huy động khoảng 100 công an và binh sĩ để cưỡng chế, thu hồi lại khoảng 40 mẫu tây đất tại huyện Tiên Lãng mà ông Đoàn Văn Vươn đang thuê để khai khẩn từ năm 1993.
Sau nhiều năm đầu tư công sức và tiền bạc, kỹ sư nông nghiệp Đoàn VănVươn đã biến khu đất hoang thành một vùng đầm nuôi cá có lợi tức và bây giờ nhà cầm quyền Tiên Lãng dùng võ lực cưỡng chế lấy lại mà không cứu xét bồi thường thỏa đáng. Vụ đàn áp này đã gặp phải sự kháng cự của em ông Đoàn văn Vươn là ông Đoàn Văn Quí và thân nhân. Họ dùng mìn và súng tự chế để ngăn chặn công an và binh sĩ đến trục xuất gia đình họ khỏi khu đất mà họ được phép sử dụng. Kết quả là có 6 công an và binh sĩ bị thương, căn nhà của ông Đoàn văn Vươn bị chính quyền địa phương ủi sập và 7 người trong gia đình ông Vươn bị bắt. Hiện nay Ông Đoàn văn Vươn và người em là ông Đoàn văn Quí cùng 2 thân nhân nữa vẫn còn bị giam.
Vào chiều ngày 10-2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến Hải Phòng trực tiếp họp với các bộ ngành và cơ quan chức năng địa phương để cứu xét vụ này. Sau buổi họp, bộ trưởng Vũ Đức Đam đã cho báo chí biết là Ông Nguyễn Tấn Dũng đưa ra kết luận là các quan chức địa phương đã hành sử trái pháp luật và yêu cầu ban lãnh đạo Hải Phòng khoan hồng và giảm nhẹ hình phạt cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn.
SB
Vụ việc này được nhiều người Việt Houston chú ý về nhiều khía cạnh khác nhau. Ông Hoàng Bách một nhà bình luận chính trị thường xuyên trên đài phát thanh Tiếng Nước Tôi - TNT và Vietface-TV tại Houston nói rằng lý do các cơ quan truyền thông quốc nội cũng đưa tin và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng phải đích thân cứu xét vụ này vì người dân đang mất niềm tin vào nhà nước:
“ Sở dĩ sự việc này được dư luận báo chí trong nước, như chúng ta đã biết báo chí trong nước là báo chí lề phải, không bao giờ họ đưa tin về dân oan, thông tin cho ngưới dân biết, nhưng lần này buộc họ đưa lên, là vì sự việc vỡ lẽ ra, nó quá lớn. Và sự việc của ông Đoàn văn Vươn đã làm chấn động dư luận trong nước và họ thiếu niềm tin vào chính phủ qua sự cưỡng chế đất đai một cách rất là oan ức đối với người dân”

Còn Luật Sư Thiện Ý Nguyễn văn Thắng là người chuyên viết về chính trị khá quen thuộc của Houston thì nhận xét rằng vụ này có thể có hậu quả chính trị rất lớn cho chế độ hiện tại:
“ Vụ này không phải là một vụ có tính chính trị nhưng lại có một ảnh hưởng chính trị rất lớn bởi vì nó không phải chỉ là vụ việc của địa phương đó mà nó là vụ việc mang tính chất chung của nhiều vùng khác, ở nhiều nơi khác, nó thể hiện một tính chất gọi là "cường hào ác bá" ở địa phương, nó tạo ra tình trạng ‘Tức nước’ mà nếu không kịp tháo gỡ thì có thể sẽ đến biên độ ‘vỡ bờ’ ”
Bình luận về kết luận của Ông Nguyễn Tấn Dũng khi ông Dũng chỉ thị ngưng chức các quan chức địa phương vì đã làm sai luật pháp, ông Hoàng Bách cho rằng sự kiểm điểm trừng phạt các quan chức địa phương này chưa đủ. Ông nhắc đến sự chồng chéo trong guồng máy đảng và nhà nước:
“Bí thư thành ủy Hải Phòng nằm trong Trung ương đảng, mà Trung ương đảng bầu ra 14 người trong bộ chính trị, cũng như bầu ra Thủ tướng, Tổng Bí Thư, Chủ Tịch nhà nước, do đó mà hệ thống đảng chằng chịt với nhau, có vây cánh với nhau nên Nguyễn Tấn Dũng biết không thể khai trừ ông Bí Thư tỉnh ủy Hải Phòng được mà phải tạm thời tìm cách xoa dịu vết thương mà người dân rất phẫn uất, phẫn nộ trước sự việc Tiên Lãng”

Luật Sư Thiện Ý thì nói là vấn đề căn bản là Việt Nam bây giờ chỉ có cái vỏ là Xã Hội Chủ Nghĩa mà thực chất là Tư Bản Nhà Nước nên các địa phương vẫn cố tình lợi dụng qui luật Sở Hữu Toàn Dân và phủ nhận quyền Tư Hữu của người dân để trục lợi:
“Thực tế không phải là xã hội chủ nghĩa nhưng lại cứ bám vào cái vỏ XHCN để tạo ra những mâu thuẫn nội tại ở trong lòng chế độ đó thì tôi nghĩ rằng một sự cải tổ luật pháp sẽ không đi đến đâu cả mà nó chỉ vẫn là sự chòng chéo như ông NTD nhận định là luật rất chòng chéo. Bởi vì ngay từ căn bản nó đã phủ định quyền tư hữu đất đai của người dân, họ ôm lấy cái đó để nó trở thành một ưu quyền đặc lợi cho một tập đoàn thống trị để họ khai thác lợi nhuận đó”

Đề cập đến những cải tổ cho đất nước để giải quyết tình trạng đất đai tại Việt Nam, ông Hoàng Bách cho rằng Việt Nam cần những thay đổi toàn diện hướng về dân chủ hóa như tại Miến Điện:
“Nếu nhà nước muốn giải quyết toàn bộ vấn đề giống như quốc gia Miến Điện mà cách đây một thời gian tổng thống Thein Sein đã thay đổi chính sách, cũng như thả tù nhân chính trị, cho tự do báo chí và cho đa đảng hoạt động thì VN lúc bấy giờ mới bước những bước mới tốt hơn. Còn nếu thay đổi hiến pháp mà vẫn để một đảng duy nhất độc quyền lãnh đạo và độc quyền cai trị đất nước thì đây vẫn là một giai cấp thống trị cho người dân, đại đa số người dân đều là bị trị hết”

Luật sư Thiện Ý cũng đồng quan điểm. Theo Ông, điều kiện tiên quyết để giải quyết tình hình đất đai là phải thay đổi thể chế chính trị:
“Nếu Điều 4 Hiến Pháp còn tồn tại thì không có cách gì có thể ổn định tình hình đất đai. Cho nên vấn đề tiên quyết vẫn là phải thay đổi đường lối chính trị.”

Không chỉ những người Việt yêu chuộng tự do và công bằng đang phải sống tha hương mới nhận ra sự bất cập của guồng máy nhà nước Việt Nam mà ngay cả Ông Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, đã có một bài viết chia sẻ tâm tư xung quanh vụ việc xảy ra ở Tiên Lãng, được đăng trên TuanVietNam.net ngày 10 tháng 2 năm 2012. Trong bài này Ông đã nhắc đến những khuyết điểm của hệ thống đảng trị tại Việt Nam và kết luận rằng: “Vụ việc này đồng thời cũng gợi mở nhiều điều trong quá trình sửa đổi Hiến pháp, nhất là xung quanh vấn đề đất đai và hệ thống chính trị.”

Nguyễn Phục Hưng, tường trình từ Houston, Texas

0 comments:

Powered By Blogger