Trước ngày “dải phóng”, tôi cũng có “Đào” như ai vậy. Mẫu người tôi chọn thuở đó phải biết xí xọn, lí lắc, và có một chút “điêu ngoa” theo lối diễn tả của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên, “Em hãy giữ tính tình con gái bắc / Giấu điêu ngoa trong dáng điệu ngoan hiền” vậy. Đẹp mấy mà hiền queo, tôi cho là khờ hổng chấm.
Tiêu chuẩn người yêu của tôi chọn như vậy, dĩ nhiên cổ quay tôi như quay dế. Mà ngộ ghê nha. Biết bị quay, nhưng tôi vẫn “như con thiêu thân lao vào lửa ngọn”, tìm hạnh phúc trong những cơn quay túy lúy điên cuồng.
Nói nào ngay, nhờ nàng khéo quay mà sau ba năm đem thân làm dế, tôi đã học được vững tay nghề, biết nương theo đà quay mà tìm chiêu hóa giải, và tôi đã giải được hầu hết những độc chiêu của nàng. Duy chiêu thức “thần giao cách cảm” là tôi bí lù, đành đánh bài “lờ”, ôm ấp gần 40 năm trời chưa biết cách hóa giải ra sao?
Số là dạo đó, tôi chơi thân với ông anh chú bác của nàng. Một lần nghỉ phép thường niên, ông anh họ đó ghé thẳng nhà tôi thăm tôi trước. Hôm sau tôi chở ảnh lên lại Saigon, bỏ tôi xuống trường vô học, ảnh cỡi chiếc xe Honda Dame của tôi về thăm gia đình ảnh. Chiều ảnh xuống trường đón tôi rồi chở tôi đi tìm đám bạn bè xưa, chúng tôi vui say quên nẻo đường về, bữa thì ghé Tám Lọ cuốn đầu cá lóc hấp, bữa thì lên Trần Xuân Soạn nhắm gỏi sứa, cua rang, khi thì về Chợ Đũi uống bia ăn hột vịt lộn, hay xuống đường Nguyễn Tri Phương nhúng rau tái lẩu...
Chừng người anh về lại đơn vị rồi, tôi mới hí hửng ghé tới thăm nàng. Mặt nàng sưng to như “... trâu đến tháng đẻ”. Nàng nguýt nàng ngoéo nàng réo nàng neo, “người ta nhắn, người ta trông, người ta nhờ chở đi công chiện, mà chờ miết mấy ngày hổng thấy mặt mũi ai đâu hớt!”.
Tôi bấn lên chửi thầm trong bụng, “cái thằng Bính này thật đoảng vị, em nó nhắn mà nó làm thinh không nói lại một lời”. Nhưng ngoài mặt, tôi làm vẻ tỉnh khô, trố mắt nhìn nàng, miệng cong tớn hỏi, “Yến nhắn ai, nhắn hồi nào?”
Chẳng nói chẳng rằng, nàng nũng nịu kéo tay tôi ra chỗ dựng chiếc xe, một tay nâng chiếc yên xe tôi lên, một tay nàng chỉ vào tờ giấy xếp nhỏ gọn gàng nhét chặt dưới gầm yên xe, “đây nè, chả viết thư nhắn là gì đấy?”
Dở khóc dở cười, tôi choàng tay qua vai nàng nhẹ giọng, “Yến nhắn kiểu dấu kho tàng bố ai biết được mà lần!” Nàng hất tay tôi ra giậm chân nức nở, “người ta gọi tên Trung khan cả cổ, người ta nói mở yên xe lên đọc thư cả ngàn lần, mà Trung hổng nghe, tức là không có thần giao cách cảm, chứng tỏ rằng Trung hổng có iu người ta nè, huhuhu!”
30/04/75 là một biến cố trọng đại trong đời làm thay đổi con người tôi. Tôi có cảm giác như mình lọt vào vùng không gian vô trọng lực, người cứ lâng lâng vô định, nên trở thành lầm lì, cáu kỉnh..., không còn liến thoắng dễ thương như những tháng ngày qua, và nhất là tôi đã đánh mất đi “cảm giác”, trong những loại chuyện đuổi bướm bắt hoa của thời non trẻ.
Gần 2 tháng trời, cứ sáng sáng lại tới trường trình diện ghi tên, xong ra ngồi đấu láo triền miên với bạn bè tới trưa mới giải tán. Tin đồn thì nhiều vô hạn, nhưng chưa có một chính sách nào rõ rệt đối với tình trạng của lũ sinh viên chúng tôi, ngay cả sau này, khi đã có cán bộ Thành Đoàn về trường sinh hoạt. Hôm Thành Đoàn tới phá cửa kiểm kê văn phòng Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích có tôi chứng kiến (bị niêm phong từ 30/04/75). Vừa mở ngăn kéo bàn ra, chồng hình chụp buổi kết nghĩa với tiểu đoàn 11 Dù đập ngay vào mắt, ôi những tấm hình tôi tươi cười toe toét với các Sĩ Quan của tiểu đoàn. Tôi đã tính chộp dấu chồng hình nhưng không kịp, cán bộ Hai Khánh đã lượm chồng hình nhét vội vào túi quần cùng với cây súng lục tý hon mới tinh của GS Bích còn nguyên trong hộp, dĩ nhiên trong biên bản không có 2 dữ kiện này, sau đó Hai Khánh chiếm căn phòng làm phòng ngủ riêng. Vài ngày sau, không biết ở đâu ra mà Nguyễn Tố Khanh móc bóp khoe tôi một số hình ấy, tôi xin một tấm giữ làm kỷ niệm nhưng cô nàng nhất quyết từ chối không cho.
Một sáng thứ hai tôi lên trường như thường lệ, Nguyễn Thị Kim Anh hốt hoảng chạy ra nói cho tôi biết, “chiều qua Hai Khánh và đám sinh viên chiến nạn đã phá cửa nhà GS Bích, chia nhau cướp bóc đồ đạc trong nhà, chúng còn chia nhau tẩu tán sách quý trong thư viện của trường nữa, nghe chừng hôm nay sẽ kêu người đến bán”. Nghe xong tôi lên ruột, chạy thẳng vào phòng bảo vệ giật khẩu AK47 và 2 băng đạn, trở ra kéo chiếc ghế có bánh xe ra giữa cổng trường, nạp băng đạn xong, tôi để khẩu súng lắt lẻo ngang trên đùi, rồi ngồi vắt vẻo gác chân lên cổng, miệng quay lên lầu thách thức, “đố cha đứa nào xách đồ ăn cắp qua được khỏi đây!” Hai Khánh và đám sinh viên khóa cửa trốn chui trong phòng, đến giờ cơm trưa cũng không dám bén mảng xuống ăn. Kim Anh sợ tái xanh mày mặt, cô ngồi kế bên vuốt ve năn nỉ tôi, “khổ ghê! Biết vầy Anh đã không kể anh nghe”. Khi cơn giận dịu lại, tôi nói với Kim Anh rằng tôi sẽ không lên trường nữa, Kim Anh lo lắng bảo tôi, “dù gì anh phải lo tiếp tục học cho xong!” Kim Anh là người con gái Bắc Kỳ mà Nguyễn Thanh Sơn để ý trước kia, Sơn nhờ tôi chiếu cố săn sóc cho nàng. Dĩ nhiên tôi nhận lời Sơn, được cái Kim Anh cũng có cảm tình đặc biệt với tôi, anh em chúng tôi thân tình và quyến luyến nhau lắm.
Từ trường, tôi hậm hực ghé qua nhà nàng, rủ nàng chạy dạo một vòng cho khuây khỏa. Đèo nàng trên xe, nàng hí hửng khoe có anh chàng kỹ sư hiền lành, sự nghiệp vững vàng thuộc gia đình cách mạng, mới ra trường mà lương đã cao gấp 4 gấp 5 kỹ sư bình thường, xin hỏi cưới nàng, nhà ai cũng khuyên nên ưng thuận cho có tương lai... Tôi biết dư nàng nói dóc, lương kỹ sư mới ra trường làm gì được mỗi tháng ba bốn trăm ngàn. Tôi cũng hiểu rằng nàng đã đắn đo chọn lựa, chỉ cốt chọc cho tôi nổi đóa nói nặng vài câu, cho nàng được êm ái rũ áo ra đi khỏi vấn vương bận bịu... Rủi cho nàng là tôi mới vừa trút xong nỗi bực, lòng trống không như giòng suối cạn nguồn, nên chỉ ẫm ờ nói giọng nhát gừng rằng, “ừ, sao Yến không ưng cho khỏe?” Nàng bấu mạnh vào bụng tôi, miệng cười đả đớt hỏi, “Yến ưng nhé?” Tôi “ừ” gọn lỏn, nàng cười lạt hỏi lại rằng, “thật nhé?” Tôi lại “ừ” lần nữa. Yên lặng một đỗi, nàng rụt tay khỏi bụng tôi, miệng hậm hực, “mặt Trung lúc sau này thấy phát ghét!” Tôi cũng “ừ” giọng mũi, rồi 2 đứa cùng yên lặng cho đến lúc tôi ngừng xe trước cửa nhà nàng. Đứng chặn đầu xe đối mặt với tôi, nàng bảo, “vậy Trung trả lại mấy tấm hình Trung giữ của Yến nha”. Tôi hẹn, “5 giờ chiều mai Trung sẽ đem đến café Chiêu chờ trả Yến”. Nàng đến hơi trễ, ngồi xuống là với tay kiểm điểm túi hình, nàng rút khung hình 11x14 tôi lộng hình nàng ra ngắm nghiá, miệng không ngớt líu lít khen, “Trung cẩn thận ghê, giữ hình kỹ quá”. Bình thường có dịp là tôi đã đưa nàng lên mây xanh rồi, hôm ấy tôi lạnh lùng ngồi im chẳng biết nói năng gì. Uống xong ly xí muội, nàng chào tôi ra về. Tôi ngồi nhâm nhi bình trà cho tới khuya mới bỏ đi. Chuyện tình chúng tôi chấm dứt từ ngày ấy, bằng văn bản trịnh trọng đàng hoàng!
Lê Trung Tín, bạn tôi, cho rằng, “Mèo giả nhân giả nghĩa như đàn bà, thấy cuộn mình nằm yên hiền từ trên salon vậy đó, chứ đố cha con chuột nào chạy ngang mà thoát khỏi nanh vuốt mèo?” Thế nhưng Tín không biết rằng, chả có con mèo nào không vờn chuột cho chán chê rồi mới giết. Đành rằng phải giết, nhưng giết như thế nào mới là điều đáng trách của mèo. Mèo khoái được vờn, thích nhìn chuột tả tơi rơi rụng trước khi chết. Con chuột nào đứng tim chết lẹ quá mèo buồn. Con mèo của tôi cũng buồn vì không vờn tôi được, mèo quay qua vờn Đức, tình địch của tôi trước kia nhưng tôi không biết mặt, là người bạn party của nàng. Khi hay tin trường Đức và trường tôi sát nhập với nhau, nàng sợ Đức gặp tôi nên tìm lời vu xấu, mong tạo cho Đức nguồn ác cảm về tôi, đó là điều tôi thất vọng ở nàng! Nàng vờn Đức thêm hơn năm sau mới dứt khoát lên xe hoa về với anh chàng kỹ sư cán bộ nọ.
Chia tay mái trường và mối tình xong, tôi bám miết dưới nhà, loay hoay cuốc đất làm vườn hơn tháng trời không lên Saigon nữa. Hôm cuối tuần giữa tháng 8, tự dưng tôi sốt ruột kinh khủng, đứng ngồi không yên, lòng dạ rối bời, đầu óc lùng bùng không sao chịu nổi... Tôi nghĩ bụng chắc cuối tuần này đám cưới nàng chăng, nên tò mò xách xe chạy ngang nhà nàng dòm cho biết. Đi ngang thấy nhà nàng yên ắng không có vẻ gì là đám cưới. Đã lên đến đây rồi chả lẽ lại quay về liền, tôi quyết định đảo đại qua trường xem có tin tức gì mới lạ? Vì khởi hành từ nhà nàng nên tôi đến trường bằng hướng khác. Từ xa tôi thấy Kim Anh đang đứng dựa tường trước cổng trường, mắt dõi nhìn về cuối đường như trông ngóng bóng hình ai. Tinh nghịch, tôi lủi xe đụng nhẹ chân nàng. Quay lại thấy tôi, nàng nhào lại ôm cổ tôi khóc như mưa bấc. Tôi hoảng kinh đứng chết trân không biết nói lời gì, biết chắc mình đâu có đụng mạnh mà gây thương tích. Tay quyệt nước mắt, miệng lại méo xệch cười, nàng đưa hai tay chắp trước ngực, thì thầm khấn nhỏ, “Lạy Chúa! Xin cám ơn Chúa đã cho con điều ước!” Rồi nàng quay qua tôi giải thích, “em cầu Chúa dắt anh lên đây cho em gặp tuần này”... “à mà anh có sốt ruột không? Em hoảng lên không biết kiếm anh đâu nên cứ gọi tên anh, mong có thần giao cách cảm”. Bớt xúc động, Kim Anh dặn tôi qua quán nước đối diện chờ nàng, nàng chạy lên phòng lấy vật cần rồi xuống ngay nói chuyện.
Chu choa mẹ ơi tưởng chuyện gì ghê gớm lắm! Té ra là tờ giấy “Triệu Tập” đi học lại do trường Đại Học Kinh Tế Thành Phố Hồ Chí Minh cấp, tên tuổi là tôi, lớp Kinh Tế 11, tổ 3, khóa học “Chính Trị Cơ Bản”, bắt đầu 8 giờ sáng thứ hai tuần tới tại rạp chiếu bóng Quốc Tế, đường Phạm Ngũ Lão.
Thì ra trong thời gian tôi không lên trường trình diện, Kim Anh vẫn tiếp tục ghi tên tôi trong danh sách trình diện mỗi ngày. Khi dự lớp Chính Trị Đại Trà, nàng cũng lén ghi tên tôi vào danh sách tham dự. Rồi nàng tự ý ký tên điền đơn xin đi học lại nộp cho tôi, giấy triệu tập chính thức đã nhận được mấy bữa rày. Lớp học của nàng bị giải thể, ngày mai là hạn chót nàng phải dời bỏ chỗ ở và trở về nhà. Đó là lý do nàng cần gặp tôi nội tuần này. Tôi cám ơn Kim Anh đã lo lắng cho tôi, nhưng tôi đã không có ý định học tiếp. Kim Anh năn nỉ mãi không xong, nàng xin tôi tuần tới cứ đi học thử, rán cho nàng 2 tuần chẵn, nếu lúc đó không thích hẵn bỏ sau. Hai đứa thỏa thuận ngoéo tay nhau, tôi hẹn sáng hôm sau lên chở nàng về nhà lại.
Thế mà tôi học luôn một lèo cho tới Hè 1977 ra trường, rồi nhận nhiệm sở đi làm ngay. Sau 2 tháng đi công tác kiểm toán các xí nghiệp con cho Tổng Công Ty, tôi được “điều” về làm phó phòng Tài Vụ, phụ trách chuyên môn với 7 nhân viên dưới quyền, tôi ôm đồm làm Kế Toán Tổng Hợp, kiêm Kế Toán Phân Tích, kiêm Kế Hoạch Giá Thành cho Nhà Máy Xay Bình Tây (Hãng Rượu Bình Tây cũ), thuộc Tổng Công Ty Lúa Gạo Miền Nam, Bộ Lương Thực Thực Phẩm. Trưởng Phòng Tài Vụ từ quân đội chuyển sang, không biết chuyên môn, chỉ làm công tác đảng.
Nhờ làm ở đấy một thời gian mà tôi có dịp tiếp xúc với cán bộ nhân viên các cấp, hoặc từ ngoài Bắc điều vào, hoặc từ chiến khu đi ra, mới biết xót thương cho cái tang thương của đất nước!
Một anh kỹ sư cơ khí chỉ tôi cách bảo trì xe Honda, rằng đừng phí phạm xài một lúc cả 3 số, hãy chạy một số thôi còn giữ 2 số kia để dành, khi nào số này hư hãy dùng qua số khác!
Lúc vượt biên qua tới đảo, tôi tự khai nghề nghiệp là General Accountant. Ông thông dịch viên duyệt hồ sơ tôi trước khi giao cho Cao Ủy bảo, “Mẹ, mặt trông non choẹt thế kia mà General Accountant thế đéo nào! Tao sửa là Book-keeper chịu không?”
Phần nguyện vọng, tôi ghi, “ngoài Hoa Kỳ, xin được định cư tại bất cứ quốc gia tự do nào trên thế giới”. Cô gái trẻ trong phái đoàn Hoa Kỳ, tôi nghĩ là sinh viên mới ra trường đi làm công tác thiện nguyện, cao lắm là bằng tuổi tôi thôi, gọi loa kêu tôi lên phỏng vấn, tôi không xin đi Mỹ nên đã không lên, Ban Đại Diện trại xuống thúc bảo rằng người ta có ít câu cần hỏi, thông dịch viên là người có cùng họ Phạm Khắc như tôi. Cô hỏi, “tại sao mọi người đều muốn đi Mỹ mà bạn lại không xin?” Tôi đáp, “bởi Mỹ đã bỏ miền Nam, tôi thấy không có lý do gì để tôi muốn đi Mỹ”. Cô xấc xược nói, “nhận hay không là quyền phái đoàn Mỹ, nhưng bạn phải xin đi Mỹ chứ không được khước từ”. Tôi cười đểu, nói sorry rồi bỏ ra.
Chiều hôm đó ông thông dịch viên đến barrack kiếm tôi, ổng hỏi tôi liên quan gì với ông Hy, ông Chỉ. Tôi trả lời rằng tôi gọi hai ông bằng bác. Ổng nói, “thế thì mình cùng dây mơ rễ má cả”, nhưng không giới thiệu ông là ai, mà xổ toẹt ra rằng, “hồi trưa cô Mỹ giận nên làm càn, cô phê vào thẻ xanh cậu là VC, sẽ bất lợi rất nhiều, bây giờ cậu chi hai cây cho Cao Ủy thay thẻ khác”. Tôi nói thật lòng, “cám ơn sự chiếu cố của ông, nhưng tôi không có tiền”.
Lúc qua Singapore lấy máy bay đi Canada định cư, tôi gặp anh Phạm Khắc Long, con trai lớn bác Chỉ, đang ở trại tỵ nạn bên đó. Anh Long nhiều tuổi hơn tôi, hồi 71 hai anh em cùng trọ học nhà bác Hy ở Saigon, tôi mới học lớp 11, trong khi anh đang học Cao Học năm chót rồi. Tôi kể chuyện và đem tên người thông dịch viên ra hỏi, anh bảo, “mình gọi nó bằng chú, bố nó là em họ ông nội mình”, rồi anh nộ khí xung thiên la hét, “dòng họ mình bệ rạc như cái l..., tao mà biết vẽ, tao vẽ cái l... thật bự treo lên rồi đề tên chúng nó vào!”
Ngồi trước bàn phím gõ bài này, lòng tôi chùng xuống nhớ tới Kim Anh vô tận. Cảm ơn người đã để lại trong tôi một đời lưu luyến. Xin gửi về Kim Anh, lời chúc tụng nồng nàn nhất nhân dịp Giáng Sinh. |
0 comments:
Post a Comment