Thursday, February 9, 2012

Lịch sử Income Tax

Tác Giả: Nguyễn Thơ Sinh

Hằng năm đến khoảng giữa tháng 01 những người đi làm sẽ nhận được các giấy tờ có liên quan đến việc khai thuế lợi tức (income tax)

như giấy chứng nhận (forms) thu nhập W-2, cùng với các mẫu chứng nhận thu nhập khác như 1099-MISC, 1099-INT, 1099-DIV, 1099-R, W-3, 1096, 1099-PATR, 1098-T, 1098, 1099-S, 1099-A, 1099-B, 1099... để có thể khai thuế lợi tức (income tax). Sau đó tùy theo [1] số tiền làm được nhiều hay ít trong năm (tính trên tổng số thu nhập dựa theo thuế biểu - tax rate), [2] có nuôi con hoặc phải chi trả những phụ cấp cho người thân hay không, [3] có đóng tiền cho mình đi học hoặc cho con em đi học (được gọi là tín chỉ miễn thuế - tax credit), [4] có quyên góp tiền cho các cơ sở xã hội, từ thiện (personal deductions)... số tiền bạn sẽ được lãnh về (tax refund) hoặc phải đóng lại vì bạn nợ thuế (tax owed).

Sở thuế IRS - Internal Revenue Service là nơi người ta nói đến nhiều nhất vì đây là nơi tất cả những ai có đi làm và khai thuế sẽ gởi hồ sơ của mình đến đây. Với một số khá đông có thu nhập thấp (và có con nhỏ) thời gian mùa khai thuế họ mong sẽ nhận được chút tiền thuế lãnh về bởi số tiền thuế được Sở thuế giữ lại (tax withholding) trong thời gian họ đi làm; cùng với một số tín chỉ miễn thuế như có con nhỏ, đi học, mua nhà lần đầu... Một điều chúng ta cần hiểu rõ là chỉ những người có đi làm và có lợi tức (income) mới cần khai thuế lợi tức. Những ai không đi làm (hoặc đi làm quá ít tiền) không phải khai thuế.

Nói đến khai thuế thu nhập, người ta nghĩ ngay (không phải chỉ có chuyện lấy tiền về hoặc sẽ đóng ra; song họ còn quan tâm đến chuyện lấy về được bao nhiêu hoặc sẽ phải đóng ra nhiều hay ít). Vì thế trong tháng 01, sau khi nhận được đầy đủ các giấy tờ liên quan đến khai thuế, người ta sẽ đi so sánh, dọ tại các văn phòng khai thuế để coi nơi nào “lạng lách” tốt nhất để giúp họ lấy về được càng nhiều càng tốt, hoặc càng đóng ít càng hay.

Tất nhiên, kỹ nghệ dịch vụ khai thuế lợi tức là một kỹ nghệ hái ra bạc trong những tháng đầu tiên của năm (tính từ 15 tháng 01 cho đến 15 tháng 04). Không chỉ có những tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực khai thuế lợi tức như H&R Block, Jackson Hewitt Tax Services, Liberty Tax Service, cùng với rất nhiều những văn phòng khai thuế cò-con mọc lên như nấm vào mùa khai thuế; vốn luôn sầm uất nhộn nhịp như một dịch vụ mang tính thời vụ. Bên cạnh những văn phòng khai thuế nhiều chương trình nhu liệu (software) giúp người dân tự khai thuế ở nhà được tung ra thị trường như Turbo Tax, Tax-ACT, Drake Software... khiến cho mùa khai thuế thêm phần rôm rả. Những ai cẩn thận và chịu khó sẽ ngồi xuống tự khai thuế cho mình. Còn những người ngại làm việc với các con số, làm biếng đọc tài liệu, hoặc không có chút kiến thức nào về thuế, họ sẽ đem các giấy tờ thuế ra văn phòng khai thuế là khỏe nhất.

Mùa thuế nhộn nhịp là thế, song mấy ai biết về lịch sử của thuế lợi tức ở Mỹ ra sao. Tất nhiên, mỗi năm sẽ có những chương trình thay đổi về thuế và người làm công tác khai thuế thu lệ phí (cũng như người tự khai thuế) cần nắm vững. Dẫu vậy những ý tưởng về thuế nói chung (và thuế lợi tức nói riêng) luôn bắt nguồn từ những nền tảng lịch sử thuế xa xưa. Từ thời cổ đại việc đánh thuế đã xuất hiện (người Ai Cập xưa) trong đó thuế được thu bằng ngũ cốc, gia súc, hoặc dầu ô-liu. Ngày nay, người ta vẫn còn giữ lại được những phiến đá mô tả về thu thuế và chuyện dân tình ca thán các khoản thuế họ nộp quá cao. Còn vào thời người Do Thái dưới ách đô hộ của Đế Quốc La-Mã, hồi đó những ai hành nghề thu thuế cho Rome bị khinh ghét và được liệt vào danh sách ngang hàng với những người tội lỗi.

Ngay từ thuở xa xưa ấy con người đã không ưa gì chuyện nộp thuế. Ngay cả bây giờ đi làm chẳng ai muốn mình bị trừ thuế, nhưng người ta an ủi nộp thuể để cuối năm sẽ lấy được thuế về (hoặc sẽ chỉ phải đóng ra ít hơn). Trường hợp chống nộp thuế sớm nhất trong lịch sử là trường hợp của Nữ hoàng Boadicea cai quản các bộ tộc British Isles và bà đã ngang nhiên đứng lên chống lại chính sách thuế khóa nặng nề của Đế quốc Rome áp đặt lên thần dân của bà những năm 60 CE. Dĩ nhiên, Đế quốc Rome không thể cho phép vị nữ hoàng này được yên ổn với thái độ đó. Kết quả là bà đã bị nọc ra đánh đòn, hai cô con gái thì bị hãm hiếp để trừng phạt tội người mẹ dám đứng lên chống lại việc nộp thuế. Tuy vậy, Nữ hoàng Boadicea sau đó đã khiến cho Đế quốc Rome phải sửng sốt khi bà mở một cuộc trả thù đẫm máu dẫn đến việc giết chết hơn 70,000 người Rome. Trường hợp chống lại chính sách thuế khóa khác là trường hợp Phu nhân Godiva (thế kỷ 11th) đã cưỡi ngựa trần truồng trên đường phố Coventry chống lại việc người chồng đã có những hành vi bóc lột tá điền bằng một chính sách thuế khóa dã man. Hiện nay hành động can đảm của Phu nhân Godiva được ghi lại qua tranh vẽ và tượng tạc để ca ngợi việc làm của bà.

Với lịch sử người Mỹ, việc chống nộp thuế cho Mẫu Quốc Anh (Great Britian) xảy ra vào năm 1773 khi những người dân Mỹ đầu tiên (colonists) cải trang như người Indian bản xứ trèo lên 3 chiếc tàu viễn dương của Anh lúc đó đang thả neo tại Cảng Boston. Họ đập phá những thùng hàng bằng gỗ (chứa trà bên trong) rồi hất xuống biển. Dạo đó người Mỹ bất bình bởi chế độ thuế khóa rất nặng do Anh Quốc áp đặt qua Đạo luật Tem thư (Stamp Act of 1765) đánh thuế lên báo chí, giấy phép đăng ký môn bài, những bộ bài tây, và những văn kiện luật pháp. Kế đó là Đạo luật Townsend (Townsend Act of 1767) đánh thuế lên giấy, sơn, và trà. Vì thế hành động của những người Mỹ đầu tiên chống lại chính sách thuế khóa của Anh Quốc vì họ tin rằng các loại thuế này bất công vì Anh Quốc đã đánh thuế mà không đếm xỉa gì đến sự hiện diện của họ (taxation without representation).

Cuộc khởi nghĩa cách mạng người Mỹ chống lại Anh Quốc một phần do áp bức thuế khóa. Vì thế khi thực hiện chính sách thuế đối với công dân của mình, Mỹ phải có những cân nhắc rất cẩn thận, vì họ cần tránh chuyện không thể lập lại chính sách thuế khóa hà khắc như của người Anh trước đó. Kết quả là vị Thư ký Ngân khố Mỹ là Alexander Hamilton (1755-1804) lúc đó đã tìm ra một cách thu tiền để trang trải cho chiến phí trong cuộc Cách mạng chống Anh Quốc (American Revolution) năm 1791 khá tế nhị khéo léo bằng cách chỉ đánh thuế lên những sản phẩm liên hệ đến xa hoa lạc thú (sin tax) trong đó rượu mạnh (distilled spirits) bị khỏ trước tiên. Dĩ nhiên, những người Mỹ sinh sống ở tiền đồn phía Tây đã tỏ ra bất mãn vì họ sản xuất nhiều rượu whiskey hơn người Mỹ sống ở bờ phía Đông. Sự kiện này đã dẫn đến Cuộc Nổi dậy của Whiskey (Whiskey Rebellion) diễn ra vào năm 1789 dưới thời của Tổng thống George Washington chống lại chính sách thuế đánh vào rượu whiskey.

Chẳng phải chỉ có Alexander Hamilton là người nghĩ đến thu thuế để trang trải chi phí chiến tranh. Lịch sử xa xưa như người Ai Cập cổ, người Rome, thời kỳ Phục hưng, và nhiều nước khác đã nghĩ đến thu thuế để có tiền xây dựng quân đội. Thu thuế thực ra không hề mới lạ. Thời nào cũng có những hình thức thu thuế. Cống nạp cho vua quan cũng là một dạng thuế. Ở Việt Nam chúng ta có thuế thân (hay còn gọi là thuế đinh) đóng theo suất áp dụng đối với đàn ông có từ thời Hậu Lý (do Vua Thái Tổ lên ngôi năm 1009). Rồi đến lượt Pháp duy trì loại thuế thân (capitation) đánh lên người dân Việt Nam đã được cụ Ngô Tất Tố mô tả rất kỹ trong tác phẩm Tắt Đèn. Dạo ấy nam đinh từ 13 đến 53 phải đóng suất đinh. Theo thời giá năm 1890, thuế suất đinh hằng năm khoảng 5 đồng Đông dương trong khi đó thu nhập của người dân chỉ được 2 đồng.

Thuế lợi tức cá nhân về sau này mới xuất hiện. Vậy thuế lợi tức là gì? Đó là loại thuế người dân đi làm sẽ đóng một phần (percentage) số tiền thu nhập làm ra cho chính phủ. Người Anh đến năm 1799 đưa ra thuế thu nhập (hay thuế lợi tức) để chính phủ có đủ tài chánh chi phí cho cuộc chiến chống lại người Pháp do Napoleon (1769-1821) chỉ huy.

Vào năm 1812, Mỹ đối diện với bài toán tương tự vì chi phí cuộc chiến (War of 1812) chống lại Đế quốc Anh. Vì thế việc đánh thuế lợi tức cá nhân đã được chính phủ Mỹ nghĩ đến. Tuy vậy, cuộc chiến này đã kết thúc trước khi thuế thu nhập cá nhân chính thức trở thành luật. Khi nước Mỹ rơi vào cuộc nội chiến (American Civil War), việc đánh thuế lợi tức cá nhân một lần nữa được đem ra xét lại. Kết quả là Quốc hội Mỹ đã thông qua Luật Ngân quỹ (Revenue Act of 1861) chủ yếu nhắm vào thuế thu nhập cá nhân. Tuy vậy việc thu thuế trở nên vô cùng phức tạp nên sau nhiều lần điều chỉnh, thuế thu nhập mới được chính thức áp dụng qua Đạo luật Thuế (Tax Act of 1862) vào năm sau. Với đạo luật thuế này, một số loại hàng hóa kể từ nay sẽ bị đánh thuế như lông chim, thuốc súng, bàn bi-a, và da thuộc. Ngoài ra, thuế lợi tức được ấn định rõ: Những ai kiếm được dưới $10,000 sẽ phải nộp cho chính phủ 3% và những kiếm được trên $10,000 sẽ phải nộp 5%. Tuy nhiên, vào thời đó luật thuế cho người dân được phép trừ đi một khoản áp dụng c
hung (standard deductible) là $600. Sau đó luật thuế thu nhập được tiếp tục chỉnh sửa và cuối cùng nó được hủy bỏ hoàn toàn vào năm 1872.

Vào những năm của thập niên 1890, Chính quyền Liên bang Mỹ bắt đầu nghĩ đến chuyện đánh thuế. Trong quá khứ, nguồn thuế được thu từ nhập khẩu và xuất khẩu cùng với thuế đánh lên một số loại hàng hóa. Dĩ nhiên đánh thuế như thế sẽ ảnh hưởng đến chỉ một thiểu số cá nhân trong những phạm vi này. Vì thế chính phủ Mỹ nghĩ đến chuyện có một hệ thống thuế áp đặt công bằng lên tất cả mọi người. Mô hình thuế biểu người có thu nhập càng cao sẽ đóng thuế càng nhiều (graduated-scale) được cho là công bằng với tất cả công dân Mỹ. Vì thế chính quyền liên bang đã đưa ra chế độ thuế thu nhập áp đặt lên toàn quốc vào năm 1894. Tuy vậy khoản thuế được áp đặt cho mỗi tiểu bang dựa trên dân số của riêng tiểu bang đó nên Tòa Tối Cao của Mỹ vào năm 1895 đã bác bỏ luật này vì cho là vi hiến.

Để tạo ra một hệ thống luật thu thuế lợi tức lâu dài, Hiến pháp Mỹ cần được sửa đổi. Vì thế năm 1913, Tu chính án 16th của Hiến pháp được soạn thảo bỏ hẳn mục thuế Liên bang lệ thuộc vào dân số Tiểu bang với lời lẽ ghi lại như sau: "Quốc hội có quyền đánh thuế thu nhập từ tất cả các nguồn lợi, không cần tuân thủ đến dân số của riêng mỗi tiểu bang, và không cần đến bất cứ yếu tố phân bổ dân số nào (The Congress shall have power to lay and collect taxes on incomes, from whatever source derived, without apportionment among the several States, and without regard to any census or enumeration). Kết quả, cùng năm 1913 đó hệ thống luật thuế thu nhập cá nhân đã ra đời và mẫu thuế 1040 đầu tiên được sử dụng.

Hiện nay, Sở thuế IRS của Mỹ thu về khoảng $1.2 tỷ từ khoảng 133 triệu hồ sơ thuế khai cá nhân hàng năm. Ngoài ra, một số tiểu bang của Mỹ còn đánh thêm thuế thu nhập cá nhân cấp tiểu bang (state income tax) chồng lên thuế thu nhập cấp Liên bang (federal income tax). Hiện có 7 tiểu bang ở Mỹ không đánh thuế tiểu bang gồm: Alaska, Florida, Nevada, South Dakota, Texas, Washington và Wyoming. Còn hai tiểu bang khác là New Hampshire và Tennessee chỉ đánh thuế tiểu bang lên thu nhập tiền lời chia từ cổ phần đầu tư (dividend) và thu nhập từ lãi suất đầu tư (interest income).

Nói tóm lại, thuế thu nhập ở Mỹ là một vấn đề gay cấn, luôn thu hút sự quan tâm của người dân, đơn giản vì nó gắn liền đến một khoản thu nhập của họ sẽ phải đóng ra cho chính phủ. Hãng xưởng luôn giữ lại một phần thuế theo luật định. Nếu bạn muốn Sở Thuế giữ nhiều hơn mức ấn định - để cuối năm bạn sẽ lấy về - hoặc tránh phải nợ thuế vì thuế giữ trước (tax withholding) quá ít, hãng bạn làm việc sẽ giúp bạn trừ thêm tiền. Ngoài ra, vì chính sách thuế thu nhập thay đổi hằng năm (và cũng là nguồn tiền để chính phủ chi tiêu cho nhiều khoản chi phí) nên tại những dịp bầu cử, chính sách thuế của các ứng cử viên Tổng thống đưa ra luôn được người dân theo dõi rất kỹ lưỡng.

Thôi thì đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục. Đến Rome thì phải xử thế theo tục lệ của người Rome. Sống ở Mỹ thì phải ăn ở theo lối Mỹ. Đi làm phải đóng thuế. Ấy cũng là chuyện lẽ thường. Mà ngẫm ra thuế ở Mỹ rất công bằng (ai cũng như ai) và tiền thuế được sử dụng đâu vào đó, rất minh bạch, chứ không bị biển thủ, ăn chận, giấu đút. Rồi về già tiền trợ cấp cũng từ thuế mình đóng mà ra. Nghĩ lại chợt thấy đó cũng là cái may mắn của mình, những di dân có được cơ hội sinh sống tại đây. Chứ còn ở nhiều nơi, cơ hội để đi làm, để được đóng thuế, để có được tuổi già thong thả, mấy điều may mắn này xem ra còn khuya mới có được.

Nguyễn Thơ Sinh
Viết từ Dallas

(Theo , http://www.govspot.com/know/incometax.htm)

0 comments:

Powered By Blogger