Saturday, February 18, 2012

Dân trong nước còn “lấn cấn”, huống gì Việt kiều!

LTS: Cách đây ít hôm, chúng tôi có gửi tới bạn đọc bức thư của Nguyên Dung mang tựa đề “Việt kiều còn lấn cấn“. Bài viết đã thu hút được sự quan tâm và bàn luận của nhiều độc giả. Tác giả Nguyễn Ngọc Già mới đây có bài viết cho rằng, người trong nước còn lấn cấn, nói chi tới Việt Kiều.

Tác giả là người sinh ra, lớn lên và sinh sống ở Sài Gòn, hy vọng cái nhìn của ông như một người ‘trong cuộc’ sẽ làm sáng tỏ nhiều điều.

——————————————

Lấn cấn

Sanh ra, lớn lên, và đang sống tại Saigon để nhìn, để cảm nhận và để suy nghĩ về người Việt gần 40 năm qua, kể từ ngày 30/4/1975, tôi tự hỏi: “còn bao lâu?”

Còn bao lâu cho thân thôi lưu đày chốn đây?
Còn bao lâu cho mây đen tan trên hồn người?

Còn bao lâu tôi xa anh, xa em, xa tôi?

(Phúc âm buồn – Trịnh Công Sơn)

Đúng vậy. Đúng như tác giả Nguyên Dung nói: “Chúng tôi, Việt kiều vẫn còn rất… lấn cấn”. Với tư cách người Saigon có người thân, bằng hữu mà những người này dù đã ra nước ngoài sinh sống bằng nhiều con đường (du học trước và sau 1975 rồi ở lại, ra đi diện H.O, ra đi diện ODP, kết hôn và cả vượt biên) hay đang trong nước, tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm lên tiếng cho người Việt chúng ta trước những lời chủ quan theo cách ông Dương Trung Quốc nêu suy nghĩ: “Tôi không nghĩ kiều bào còn lấn cấn nhiều về chế độ chính trị…“.

Tôi cho rằng, cách nói của ông Quốc vẫn là cách nói áp đặt, nói cho xong chuyện, mà không có dẫn chứng hay một con số điều tra xã hội học nào thuyết phục, thế nên phản ứng của kiều bào là tất nhiên.

Vừa qua, người bạn tôi làm trong ngành y cho biết: một giáo sư Việt kiều nổi tiếng về chuyên môn và tấm lòng của ông đối với quê nhà đã vì một việc rất nhỏ mà ông giật mình và hoang mang lo lắng, tuy vậy, sau đó ông cũng được giải tỏa để an tâm.

Số là, vị giáo sư này hay được mời về Việt Nam để thuyết trình và hướng dẫn một số phương cách điều trị trong chuyên môn y khoa của ông. Mỗi khi về nước, ông đều được các bệnh viện tiếp đón trọng thị vì tài năng và tấm lòng của ông. Thường thường, Ban giám đốc các bệnh viện, dù bận rộn cũng ra tiếp chuyện ông trong vài phút để nói lời cám ơn ông. Lần vừa qua, ông đến một bệnh viện lớn tại Tp.HCM để trao đổi và thuyết trình về chuyên môn như thường lệ ông vẫn làm, tuy nhiên lần này không có một bóng dáng nào trong Ban giám đốc ra bắt tay hoặc trò chuyện dăm ba phút. Ông giáo sư (tạm gọi GS.X) bỗng chột dạ, không phải ông lễ mễ hay kiêu kỳ gì cả, mà ông thật sư hoang mang về “sinh mạng chính trị” của ông, bởi có cái gì đó khác lạ so với mọi lần. Sau cùng, tìm hiểu ra, do công việc tổ chức lần này được giao cho người chưa quen việc, nên thiếu công đoạn đó. Tất nhiên, GS.X thở phào!

Người bạn tôi cho biết thêm, dù chỉ là thuần túy về chuyên môn y khoa, nhưng tài liệu phát ra luôn được kiểm duyệt từ phía an ninh, mỗi khi vị giáo sư nổi tiếng này về Việt Nam. GS. X cũng biết rõ và vui vẻ chấp nhận điều này. Vì thế, tài liệu bao nhiêu trang, phát cho bao nhiêu người dự, nhất nhất phải đúng y như thế, không thiếu không thừa, sau khi đã được kiểm duyệt.

Theo người bạn cho biết, GS.X là người giản dị, cởi mở, nhưng ông vẫn còn bị ám ảnh rất nhiều về cách ứng xử (theo dõi, rình rập…) từ phía an ninh. Mặc dù ông chẳng tham gia làm chính trị gì cả, nhưng ông rất sợ bị… chụp mũ, vu cáo (bằng cách chèn vô trong tài liệu “cái gì đó”, việc này hoàn toàn có thể xảy ra, đôi khi chỉ là sự vớ vẩn của lòng ganh ghét, đố kỵ, thậm chí “buồn buồn”, “bữa nay nhìn mặt cha này sao thấy ghét quá” v.v… cũng có thể sanh chuyện).

Trường hợp nữa, Thạc sĩ Lê Duy Loan hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Chị Lê Duy Loan (1), người phụ nữ tài năng, nhân hậu mà tấm gương chị đáng để khâm phục, ngưỡng mộ, cảm kích cho rất nhiều người Việt trong và ngoài nước, cũng không tránh được việc theo dõi, bám sát, kiểm duyệt tài liệu, mỗi khi về Việt Nam, dù làm từ thiện hay chuyên môn giúp cho các trường đại học, viện nghiên cứu…. Có vẻ như, dù việc làm thiện nguyện của chị gây xúc động lớn tại Việt Nam, vẫn không xóa được những đầu óc lạc hậu xưa cũ, với những nghĩ suy đã hằn vào từng nếp gấp trong não bộ của giới cầm quyền. Dường như, lấp ló sau việc làm thiện nguyện của chị Lê Duy Loan, họ vẫn săm soi và dòm ngó bởi cái đặc trưng của người CS: không tin bất kỳ ai, kể cả “đồng chí” của họ.

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng (như Lê Duy Loan)
(Trịnh Công Sơn)

trở nên xa xỉ, hào nhoáng hoặc vô nghĩa đối với người CS! Tình yêu quê hương, đồng bào ruột thịt của chị Lê Duy Loan, bất chấp trải qua nhiều năm vẫn không thể gột rửa những vết bợn trong nghĩ suy của người CS? Phải chăng vì đa số giới cầm quyền xuất thân và được nuôi dưỡng quá lâu trong hận thù, thủ đoạn, dối trá và tàn bạo, nên cách sống lạnh lùng và đầy hoài nghi (vô căn cứ) không thể gỡ bỏ trong óc họ? Đặc biệt nhất là đối với những người CS xuất thân từ lãnh vực công an, ngoại giao và tuyên truyền? Bạn có quyền suy ngẫm điều này, nếu nó đáng để suy ngẫm.

Đương nhiên, đối với Việt kiều bình thường về quê chơi, thăm thú, du lịch v.v… giới cầm quyền chẳng bận tâm lắm. Khốn nỗi, đây lại là số lớn, những Việt kiều bình thường này được ứng xử dễ chịu, thậm chí còn… thoải mái và khá tự do(!) bởi tầng lớp này là… “người nước ngoài”(?!). Chính vì vậy, giới cầm quyền càng có căn cứ để che mắt phần lớn Việt kiều, dân trong nước và thế giới về việc vi phạm nhân quyền. Viết đến đây, thấy sao chua xót cho dân quèn trong nước quá!

Nói chính xác hơn, giới cầm quyền sợ Việt kiều nổi tiếng là chủ yếu, bởi sức ảnh hưởng lớn trong chuyên môn, kể cả việc làm thiện nguyện càng ngày càng lan tỏa, dẫn đến ảnh hưởng về chính trị đối với tầng lớp trí thức trong nước là điều khó tránh khỏi, nên buộc phải bằng mọi cách kiềm chế sức ảnh hưởng rộng lớn này. Người CS tự biết rõ không đủ khả năng, lý lẽ để thuyết phục (hay lôi kéo?) những Việt kiều này, do vậy làm sao họ có thể thuyết phục được đông đảo kiều bào bình thường khác? Một trong các bằng chứng khó chối cãi, chính sách cho Việt kiều mua nhà tại Việt Nam(3) tỏ ra ngạo mạn, thiếu tôn trọng, nhuốm màu bố thí, đã thất bại hoàn toàn sau hơn 2 năm triển khai. Tất nhiên, nhiều người sẽ vịn vào cớ kinh tế thế giới đang suy trầm mà Việt Nam không tránh khỏi, đặc biệt ở lãnh vực bất động sản. Dù sao, đó cũng là cách xảo biện, bởi Nghị quyết 36 (về người VN ở nước ngoài) bị Việt kiều lên án và kêu gọi tẩy chay mạnh mẽ.

Thêm một dẫn chứng nữa cho thấy giới cầm quyền rất sợ Việt kiều nổi tiếng, đó là trường hợp nhạc sĩ Việt Khang bị bắt vô pháp vì sáng tác hai nhạc phẩm “Việt Nam tôi đâu?” và “Anh là ai?”. Ban đầu sự việc có vẻ không gây chấn động lắm, tuy nhiên, vừa qua nhạc sĩ Trúc Hồ thuộc đài SBTN kêu gọi thành công ngoài sức tưởng tượng, khi thu thập chữ ký của hơn 30.000 kiều bào Mỹ chỉ trong vòng 1 tuần lễ (vẫn đang tiếp diễn) vận động Chính phủ Hoa Kỳ gây áp lực để buộc giới cầm quyền Việt Nam trả tự do cho anh Việt Khang và nhiều tù nhân lương tâm khác, việc này càng nổi rõ vấn đề: sự kêu gọi của Việt kiều nổi tiếng tựa như làn sóng trùng trùng lớp lớp dạt dào cuộn chảy. Đó có thể gọi là “sức mạnh mềm” nhưng tựa như câu thành ngữ “nước chảy đá mòn”. Hình như “đá bảo thủ”, “đá lì lợm”, “đá cố chấp”, “đá hằn thù”… đang ngày càng bị bào mòn bởi từng “dòng nước yêu quê” trong lành của các Việt kiều nổi tiếng – như một cánh quân hữu hiệu trong công cuộc vĩ đại của người Việt Nam: DÂN CHỦ – TỰ DO – HÒA GIẢI?

Tuy thế, lý do mà tôi cho là có khác biệt giữa những Việt kiều này khi nghĩ về GS. Ngô Bảo Châu, bởi ý thức hệ là điều không phải một sớm một chiều thay đổi được. Chúng ta đều biết GS. Ngô Bảo Châu gắn chặt tuổi thơ (có thể nói là êm đềm) với miền Bắc cùng sự chăm chút đến từng lọ nước sâm (4) cũng như cha mẹ anh là những người có ý thức hệ rõ rệt thuộc về CS (dù là CS tốt như bà Lê Hiền Đức v.v…). Vì thế, tôi cho rằng giới cầm quyền dễ khuyến dụ GS. Châu hơn. Nếu anh Châu ra nước ngoài từ lúc vài ba tuổi và không còn liên hệ ruột thịt tại Việt Nam, hoặc bản thân hay gia đình đã từng bị ngược đãi, chịu đau khổ, uất ức gì đó, anh ấy có mau chóng chấp nhận cái ghế Viện trưởng Viện toán cao cấp như vừa qua? Tôi hoàn toàn tin anh Châu không hề nghĩ đến vật chất trong trường hợp này, mà trên hết anh Châu nghĩ đang góp phần nhỏ trong việc xây dựng đất nước. Vì vậy, những ai đả kích hay chê bai Ngô Bảo Châu cũng nên cảm thông và vạch ra cho anh Châu thấy việc anh bị lợi dụng để “làm màu” cho chính thể này, cũng như nguy cơ “bỏ rơi” Ngô Bảo Châu nếu có sự cố gì xảy ra, đó là điều anh Châu nên nghĩ thêm!

Dù sao, nếp nghĩ, nếp làm, nếp quản lý của phía cầm quyền, cho tới nay vẫn tỏ ra tùy tiện, cảm tính (yêu, ghét bất chợt…). Trên hết, chính cái cách kiểm duyệt tài liệu chuyên môn, theo dõi… biểu lộ sự thiếu tin tưởng và xúc phạm GS.X., Thạc sĩ Lê Duy Loan cùng nhiều Việt kiều nổi tiếng khác, thể hiện một thứ tư duy ấu trĩ, lạc hậu trong thời đại a còng. Thử hỏi, giả sử GS.X, Thạc sĩ Lê Duy Loan và nhiều Việt kiều nổi tiếng khác “làm chính trị”, thậm chí “làm gián điệp”, chẳng lẽ họ sử dụng phương pháp thô kệch bằng cách nhét vào trong tài liệu rồi đưa cho những người tham dự sao? Các ông trực tiếp kiểm duyệt tài liệu, có hiểu nổi trong đó viết cái gì không nhỉ? Những con số, những thuật ngữ, học thuật chuyên ngành mà ngay cả giới chuyên môn điêu luyện còn tranh luận phờ ra trước khi đi đến thống nhất, thì (xin lỗi) các ông kiểm duyệt có đọc, có dò, có mò từng chữ từng câu, chắc đến “tết công gô” cũng chẳng hiểu nổi! Tôi có thể gọi đó là cách làm việc vừa dốt nát vừa trịch thượng không? Đó cho thấy, Việt kiều còn lấn cấn lắm!

Vấn đề vẫn là lòng tin đối với Việt kiều – điều mà cho tới nay, chưa có gì tiến bộ từ phía cầm quyền. Dường như trong sâu thẳm, giới cầm quyền hiện nay đã vạch ra lằn ranh vô hình nhưng hiện hữu giữa kiều bào và dân trong nước. Đặc biệt, đối với người nổi tiếng trong chuyên môn nào đó và có sức ảnh hưởng, lan tỏa rộng trong giới, người CS càng rất sợ. Một điều rõ ràng, họ sợ ảnh hưởng từ chuyên môn dễ dẫn đến ảnh hưởng về chính trị. Đó lý giải thêm, tại sao GS. Nguyễn Hưng Quốc đã không dưới 2 lần bị từ chối nhập cảnh, bởi lĩnh vực chuyên môn của ông Nguyễn Hưng Quốc quả là “nhạy cảm” và thái độ chính trị của ông cũng rõ ràng không kém. Còn nhiều trường hợp các Việt kiều nổi tiếng khác như Trịnh Hội chẳng hạn. Thế nên, làm sao dám nói đến Dương Nguyệt Ánh – một Việt kiều nổi tiếng và uy tín đầy mình không chỉ trên nước Mỹ.

Cuối cùng, quay trở lại câu hỏi: “còn bao lâu?” như trong phần mở bài, chúng ta sẽ nói gì khi hỏi nhau “còn bao lâu” người Việt Nam mới được sống trong dân chủ, tự do, nhân ái và bao dung?

Có thể không lâu lắm và sẽ là tuyệt vời khi không phải đổ máu cho điều đó, nếu người CS hiểu ra một điều nhỏ nhoi:

Niềm tin không ở đâu xa, ở ngay trong tâm khảm của những ai thật sự mến yêu đất nước này. Có niềm tin là có tất cả. Sự hoài nghi, đố kỵ và hẹp hòi đã ở qúa lâu trong tâm hồn người CS, hãy giội những dòng nước mát trong lành mang tên “Yêu Quê Hương” trên những tâm hồn già cỗi. Muộn lắm rồi đó! Tuy vậy, “Better late than never”.

Nguyễn Ngọc Già (Dân Luận)
________________

http://www.youtube.com/watch?v=Vn2twnkO848 (1)

http://tuoitre.vn/The-gioi/Nguoi-Viet-xa-que/347703/Nu-chuyen-gia-tai-nang-cua-Tap-doan-Texas-Instruments-My.html (2)

http://vneconomy.vn/20100826040723704p0c17/viet-kieu-mua-nha-tren-thong-duoi-chua-thoang.htm (3)

http://vnexpress.net/gl/khoa-hoc/2010/02/3ba187a5/ (4)

0 comments:

Powered By Blogger