Sunday, February 5, 2012

CHÍNH SÁCH CỦA CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN TẠI VIỆT NAM ĐỐI VỚI NGƯỜI VIỆT HẢI NGOẠI

Phạm Hữu Trác

Từ khi chiếm được miền Nam năm 1975, chế độ Cộng Sản tại Việt Nam đã có một chính sách thay đổi tùy tiện đối với tập thể người Việt hải ngoại dựa theo hoàn cảnh nội bộ trong nước, lúc thì kiêu ngạo chiến thắng, khi gặp lâm nguy thì vận động cầu cứu bốn phương, chiêu dụ những người đã từng bị họ xỉ nhục thậm từ.

Trong những năm đầu, tự hào tự mãn, họ miệt thị người tỵ nạn bằng ngôn ngữ thô bỉ mà ngay cả cán bộ cấp cao như cựu Thủ tướng Phạm văn Đồng cũng sử dụng. Tuy nhiên hơn mười năm sau, khi phong trào vượt biên làm chấn động lương tâm nhân loại, khi cộng sản Việt Nam bị cô lập, khi đất nước lâm nguy bên bờ vực thẳm gần đến phá sản, thì đại hội đảng kỳ VI năm 1986 đã thay đổi chính sách đối với người Việt tỵ nạn. Trong Báo cáo chính trị đại hội kỳ VI năm 1986, Ban Chấp hành Trung Ương của đảng viết:

Người Việt nam sinh sống ở nước ngoài đang hình thành một cộng đồng vừa hòa nhập vào xã hội sở tại, vừa gắn bó với quê hương. Đảng và Nhà nước ta thông cảm và đánh giá cao lòng yêu nước của đồng bào, sẽ tạo thêm những điều kiện thuận lợi để đồng bào xây dựng khối đoàn kết cộng đồng, tiếp xúc với bà con trong nước, đóng góp ngày càng nhiều hơn vào công cuộc xây dựng tổ quốc”.

Nguyễn ngọc Hà, Chủ nhiệm Ủy ban Việt kiều tại Saìgòn, viết: năm 1987 là năm đáng ghi nhớ của cộng đồng người Việt nam ở nước ngoài khi Nhà nước ta mở rộng việc cho kiều bào về thăm gia đình, du lịch tham quan đất nước. Năm 1987 còn được đánh dấu bởi hàng chục hợp đồng liên doanh.[1]

Sau Đại hội kỳ VII, sau khi có hiến pháp 15-4-1992, Bộ chính trị đảng Cộng Sản Việt Nam ra nghị quyết NQ-08/TW ngày 29-11-1993 quy định chính sách đối với người Việt hải ngoại. Tiếp theo là những quyết định của chính quyền cộng sản thực thi chính sách của đảng bằng các thể thức và thủ tục hành chính.

Hai đảng viên được trao phó trách nhiệm nghiên cứu về người Việt nước ngoài là Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà, tác giả cuốn “Về Người Việt Nam Định Cư ở Nước Ngoài” xuất bản tại Sài gòn năm 1990, đã trình lên đảng một kế hoạch gồm 4 chính sách, và Giáo Sư Trần Trọng Đăng Đàn trong cuốn “Người Việt Nam ở Nước Ngoài” xuất bản năm 1997 tại Hà Nội, tuy không đề nghị một kế hoạch cụ thể nào, đã bổ sung nhiều nhận xét sâu sắc hơn về cộng đồng người Việt hải ngoại.

Về phía nhà cầm quyền, những văn bản liên tiếp sau đại hội kỳ VI, và nhất là từ 5 năm vừa qua, các quyết định 210/1999/QĐ-TTG ngày 27-10-1999, và 114/2001/QĐ-TTg ngày 31-7-2001 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản khác, cho thấy họ quyết tâm, một mặt thu hút sự hợp tác của người Việt hải ngoại, mặt khác đưa ra những kế hoạch đánh phá những người Việt hải ngoại đang chống đối độc tài cộng sản, tranh đấu cho một nước Việt nam dân chủ, tiến bộ và phú cường.

Trước đây, đảng cộng sản chỉ đề ra chính sách tổng quát, đến ngày 26-3-2004 họ quyết liệt hơn bằng Nghị Quyết 36 của Chính Trị Bộ, chỉ thị cho cán bộ đảng và các cơ quan trong chính phủ, phân nhiệm cho từng ngành, trọng tâm đặt vào chính trị, văn hóa, giáo dục, văn nghệ, khoa học kỹ thuật, thể thao, đồng thời đe dọa người chống đối. Sau Nghị Quyết 36 ngày 26-3-2004 là quyết định 110/2004/QĐ-TTg ngày 23-6-2004 của thủ tướng chính phủ, các bộ Ngoại giao ngày 01-09-2004, bộ Văn hóa-Thông tin ngày 02-07-2004, lần lượt thiết lập kế hoạch áp dụng chỉ thị của đảng đã đề ra trong Nghị quyết. Người không quen với thủ tục trong các nước Cộng Sản độc tài, nhất là các bạn trẻ tuổi, sẽ ngạc nhiên vì không bao giờ thấy một đảng chính trị có thể ra lệnh cho chính phủ thi hành, trái với những nguyên tắc dân chủ trong các nước tiến bộ, chỉ có quốc hội mới ra luật cho hành pháp áp dụng, nhưng đó là thực trạng của chế độ hiện nay ở trong nước.

Bài viết dưới đây có mục đích trình bày cách nhìn của chế độ Cộng Sản tại Việt Nam đối với người Việt hải ngoại, lược thuật và phân tích các chính sách của chế độ Cộng Sản tại Việt Nam từ 1986 đến nay, để thu hút người Việt nước ngoài, đặc biệt chú trọng đến việc chế độ Cộng Sản đánh phá cộng đồng người Việt tỵ nạn tại hải ngoại, nhất là việc tạo lập những cầu nối khoa học và văn hóa để lũng đoạn giới trí thức hải ngoại. Nội dung gồm có ba phần:

  • Phần thứ nhất là những nhận định của chế độ Cộng Sản tại Việt Nam đối với cộng đồng người Việt tại ngoại quốc.
  • Phần thứ hai bàn về các chính sách của chế độ Cộng Sản đối với người Việt hải ngoại.
  • Phần thứ ba về trung tâm William Joiner trong chính sách cầu nối văn học của chế độ Cộng Sản tại Việt Nam.

PHẦN I

NHỮNG NHẬN XÉT CỦA CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN TẠI VIỆT NAM VỀ

CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT HẢI NGOẠI

(Phần này trích dẫn những luận cứ của chế độ Cộng Sản tại Việt Nam về người Việt hải ngoại, nhiều từ ngữ vẫn giữ nguyên văn với chủ đích trình bày rõ về phong cách của nhà cầm quyền Cộng Sản tại Việt Nam)

1- Nguyên nhân cuộc tị nạn và thành phần cộng đồng người Việt hải ngoại

Theo Nguyễn Ngọc Hà, trước năm 1975, cộng đồng người Việt hải ngoại chỉ mới hình thành rõ nét ở Lào, Campuchia, Thái lan và Pháp, ở các nước khác thì chỉ có một số học sinh, sinh viên du học, một số gia đình người Việt nam đến lập nghiệp. Từ sau năm 1975, cộng đồng người Việt hải ngoại có trên 2 triệu người hiện đang sống rải rác hơn 70 nước trên thế giới, đông nhất là ở Mỹ gần 1 triệu người, tiếp đến là Pháp 200.000 người, Canada, Úc, Campuchia mỗi nước có trên 100.000, Thái lan 50.000, còn lại mỗi nước có từ 1000 đến 40.000 người. Ông nhận định thêm, dù ở thời kỳ nào, sự rời bỏ quê hương để ra nước ngoài sinh sống của đồng bào ta đều gắn với một cảnh ngộ, một biến cố của lịch sử ... Giai đoạn “chống Mỹ cứu nước” (1954-1975) và đợt di tản ồ ạt của một bộ phận đồng bào ta vào tháng 4-1975 là hậu quả của cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt nam và tiếp theo, từ sau năm 1975, những đợt ra đi của đồng bào đều gắn liền với nhiều nguyên nhân lịch sử, xã hội khác. Nhìn chung, cộng đồng người Việt hải ngoại hiện nay phần lớn gồm những người rời nước ra đi sau năm 1975, với tỷ lệ ít nhất 70%, nơi nhiều nhất trên 90%, và có nước định cư của kiều bào chỉ gồm những người mới đến.

Theo Trần trọng Đăng Đàn, kiều dân Việt nam đã có tới 2.645.750 người, sinh sống tại 79 nước vào giữa thập niên 90. Ông phỏng đoán con số sẽ tăng lên đến 3 triệu vào năm 2000. Mười nước có đông người Việt Nam nhất là Hoa kỳ (950.000), Pháp (400.000), Trung quốc (300.000), Úc (160.000), Canada (150.000), Thái lan (120.000), Campuchia (100.000), Đức (100.000), Nga (100.000), 8 nước có từ 50.000 đến 10.000 là Hồng Kông, Ba Lan, Anh, Tiệp Khắc, Đài loan, Hòa Lan, Lào, Ukraine, các nước khác chỉ có dưới 10.000 người (tính vào giữa thập niên 90).

Ông viết tiếp, cho đến khi Mỹ thất bại ở miền Nam Việt Nam, toàn bộ “ngụy quyền, ngụy quân” sụp đổ thì cả một làn sóng di cư ồ ạt từ Việt Nam ra nước ngoài, mà trước hết là đến Mỹ, Canada, Ôtxtrâylia, Pháp ... đã làm cho số lượng người Việt Nam hải ngoại tăng vọt. Số người rời khỏi Việt nam ngay trước hoặc sau ngày 30-4-1975 một phần lớn là các binh lính, sĩ quan của quân đội Sài gòn, các nhân viên trung cấp, cao cấp của “ngụy quyền” miền Nam Việt Nam cùng gia đình của họ. Những năm sau 1975-1980 cuộc di cư ồ ạt do thất bại của Mỹ đã chuyển thành những đường dây vượt biên theo nhiều cách. Cuộc chiến tranh này kéo dài đến 20 năm, cho nên những người bản xứ gắn bó với lực lượng xâm lược khá chặt chẽ. Vì vậy, có một số người trong họ, mặc cảm tội lỗi, đã tìm đủ mọi cách vượt biên, hoặc tìm cách để được xuất cảnh trước hết là sang Mỹ, sau đó là sang Canada, Ốtxtrâylia.

Cùng với số người đi ra nước ngoài do sự thất bại của Mỹ ở miền Nam còn có số người đi ra nước ngoài do sự kiện xung đột quân sự tại biên giới phía bắc và những biến động tại Campuchia, và những người thuộc khu vực Liên Xô cũ và Đông Âu. Nghị Quyết 36 ngày 26-3-2004 chỉ vắn tắt: hiện nay có khoảng 2,7 triệu người Việt nam đang sinh sống ở gần 90 nước, trong đó hơn 80% ở các nước công nghiệp phát triển.

2- CSVN nhìn về sinh hoạt, đời sống người Việt hải ngoại

Tùy theo thời điểm, các nhận định có khác biệt, nhưng tựu trung vẫn là những nhận định theo chủ quan của Chế độ Cộng Sản tại Việt Nam. Theo Nguyễn Ngọc Hà thì cộng đồng người Việt ở nước ngoài nói chung (hơn 2 triệu người) là hình ảnh thu nhỏ của xã hội thành thị miền Nam trước năm 1975, mà thành phần xã hội số đông là từ cấp trung lưu trở lên. Giờ đây chỉ một số ít những người này được tiếp tục làm những nghề nghiệp cũ, đại bộ phận còn lại đều phải xoay sang những nghề mới, chủ yếu là lao động chân tay, số lớn khác bị thất nghiệp hoặc làm nội trợ. Khi sống và làm việc ở nước ngoài, chủ yếu là các nước phương Tây, đặc biệt là ở Mỹ, nhìn chung, đồng bào di tản thường gặp phải ba kỳ thị, ba phân biệt đối xử, ngăn cản sự tiến thân của họ, đó là kỳ thị về mầu da, kỳ thị về ngôn ngữ, kỳ thị về văn bằng, học vấn. Nói chung tuyệt đại bộ phận kiều bào đều có tinh thần dân tộc, yêu nước, không có hoạt động chính trị chống đối trong nước, Có thể nói khoảng 10-15% là thành phần kiều bào có cảm tình và ủng hộ việc góp phần xây dựng đất nước, 1-2% là thành phần “phản động”, còn lại là lớp thành viên trung gian chiếm đa số trong cộng đồng. Chúng tôi (Nguyễn Ngọc Hà) nghĩ rằng về lâu về dài, số thành viên trung gian này sẽ chuyển biến khi tình hình kinh tế, xã hội của đất nước được ổn định, cải thiện, nếu hoạt động của phong trào Việt kiều được mở rộng[2]. Chúng ta được biết, hiện nay có khoảng 300.000 trí thức Việt nam ở các nước tư bản chủ nghĩa, phần lớn công tác ở ngành khoa học kỹ thuật và kinh tế. Không ít người đã có trình độ đầu đàn ở các ngành mũi nhọn của khoa học kỹ thuật[3].

Theo Trần trọng Đăng Đàn thì vào năm 1975, ưu tiên hàng đầu đối với người Việt nam tại Hoa kỳ là sự sống còn, sau vài năm trong các thập niên 70 và 80 là sự phát triển cho gia đình và cho các cộng đồng nhỏ. Từ thập niên 90, rất nhiều gia đình đã tính chuyện xa hơn, hoạch định qui mô cho tương lai, hoặc ở Hoa kỳ hoặc về Việt nam khi có điều kiện. Cùng với sự thay đổi ưu tiên sinh hoạt, là sự thay đổi về văn hóa, xã hội, gia đình, học đường, nhìều khi rất cay đắng cho thế hệ di dân đầu tiên. Dần dần sự xung đột văn hóa (cultural shock) đã giảm thiểu rất nhiều, nhưng sự bội thực văn hóa là một hiện tượng phổ biến. Hoàn cảnh kinh tế đối với người Việt Nam tại Hoa kỳ gần 20 năm đã có nhiều thay đổi. Thay đổi rõ rệt nhất là cộng đồng giầu thêm. Cứ xem sự giúp đỡ thân nhân ở Việt nam, và sự đóng góp cho chùa chiền, họ đạo, ước tính trên 500 triệu Mỹ kim một năm, chúng ta mới thấy sự phồn thịnh của cộng đồng.

Trong thời gian từ năm 1975 đến 1994 cộng đồng người Việt tại Mỹ có những thay đổi lớn, diễn ra theo 4 giai đoạn: thuần nhất, phân hóa, đa dạng (và tương lập) và dân chủ. Sinh hoạt chính trị trong cộng đồng người Việt tại Mỹ là một khía cạnh rất đáng chú ý. Những năm đầu sau sự kiện tháng 4-1975 người Việt nam đến đất Mỹ không đặt nặng vấn đề chính trị, chỉ lo làm ăn. Về sau người Việt lại thấm nhuần dân chủ, yêu tự do mà tại Hoa kỳ, tự do dân chủ (tương đối) đã có sẵn, cộng đồng Việt Nam đương nhiên được thụ hưởng những lợi ích chính trị này, nên ít ai để ý đến một khía cạnh đặc thù của xã hội Hoa kỳ đó là sự tương quan chặt chẽ giữa ba khu vực sinh hoạt: chính trị, xã hội và kinh tế. Nếu cộng đồng Việt Nam không có sinh hoạt chính trị, thế tất sẽ bị lép vế trong xã hội và bị mất quyền lợi kinh tế. Ngược lại kinh tế yếu kém sẽ làm mất tư thế chính trị và xã hội của cộng đồng. Xã hội Hoa kỳ khác xa với tình thế nước ta hồi trước. Cũng vì khuynh hướng phi chính trị nên dân Việt nam thờ ơ với các sinh hoạt tập thể, giao phó hay nói cho đúng, mặc kệ cho những người hoạt động (activist) làm việc, miễn là đừng làm phiền tới họ, Chính sự tham dự quá ít của quần chúng làm cho giới hoạt động mất uy thế và tệ hơn nữa, dân chúng ít có dịp thực tập dân chủ, rèn luyện tinh thần thượng võ trong các cuộc tranh chấp.

Theo Nghị Quyết 36[4] ngày 26-3-2004, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có tiềm lực kinh tế nhất định, có mối quan hệ với nhiều doanh nghiệp, tổ chức kinh tế nước ngoài và quốc tế, có khả năng tìm kiếm đối tác và làm cầu nối với các doanh nghiệp trong nước. Nhiều trí thức có trình độ học vấn và chuyên môn cao; một số người giữ vị trí quan trọng trong các cơ quan, cơ sở nghiên cứu, đào tạo, các công ty và tổ chức quốc tế, có khả năng tạo dựng quan hệ với các cơ sở kinh tế, khoa học ở nước sở tại

3- CSVN nhận định về trí thức, khoa học kỹ thuật.

Nguyễn ngọc Hà ước lượng số chuyên viên Việt Nam tại ngọai quốc lên đến 300.000 người. Ông cho rằng trí thức Việt nam ở nước ngoài có thể đóng góp cho vấn đề cung cấp thông tin khoa học kỹ thuật, gửi sách báo, thuyết trình khoa học, hội thảo; Cung cấp giống cây trồng có năng suất cao; Giúp trong nước hóa chất, phụ tùng để làm thí nghiệm khoa học; Hợp tác thực hiện những công trình nghiên cứu và sản xuất trên các lãnh vực thực phẩm, tin học, bảo quản, chế biến nông hải sản, nuôi trồng nông hải sản, vi sinh học, ấn loát, bưu điện, lọc dầu, may mặc, cơ khí, nông học, y tế, quản lý kinh tế, khoa học xã hội ...

Trần trọng Đăng Đàn nhận định rằng trí thức Việt Nam tại các nước thuộc khối tư bản chủ nghĩa rất đông, cần được tìm hiểu thật kỹ lưỡng khi nghiên cứu về người Việt Nam ở nước ngoài; ông xác nhận mặc dù trí thức là đối tượng của chính sách chiêu dụ, ưu đãi, nhưng thực tế số người hồi hương vẫn chưa đáng kể. Đối với những người có trình độ học vấn trên đại học hoặc có tay nghề bậc cao thuộc các ngành nghề chuyên môn mà Việt Nam đang cần, thì việc hồi hương trong thời gian trước mắt chưa phải là điều đông đảo trí thức Việt Nam kiều ngụ ở nước ngoài đặt ra[5]. Ông cho rằng có khoảng 30% người quan tâm và hướng về đất nước, theo dõi tin tức, nhưng nắm không sát, không đúng với bản chất. Sự hồi hương hàng loạt của trí thức Việt Nam kiều cư ở nước ngoài về giúp đất nước, trong các điều kiện vật chất cũng như tổ chức hiện nay, chưa trở thành hiện thực là điều dễ hiểu. Ông cho là thế mạnh hiện nay của ngừời Việt nam ở nước ngoài chủ yếu vẫn là chất xám chứ chưa phải là tiền bạc, vì vậy vấn đề là phải tổ chức như thế nào để có thể sử dụng được chất xám của kiều bào.

Vấn đề trí thức Việt nam ở nước ngoài là một trong những vấn đề ở vào trung tâm chú ý của đảng cộng sản. Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản đã viết:

“Với hơn 40 vạn người có trình độ từ đại học trở lên, trong đó có một số người có vị trí quan trọng trong các viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện, công ty kinh doanh và các tổ chức quốc tế, tiềm lực khoa học và công nghệ của cộng đồng người Việt nam ở nước ngoài không ngừng phát triển với sự nối tiếp của các thế hệ, được tiếp cận với những thành tựu mới nhất của khoa học và công nghệ, kể cả khoa học quản lý và kinh doanh. Tuy chưa có nhiều nhà kinh doanh và ít người có vốn lớn, song cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng tích lũy được một tiềm lực kinh tế nhất định và có quan hệ với nhiều tổ chức ở nước ngoài. Tiềm lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là về khoa học và công nghệ, về vốn, về khả năng tạo các mối quan hệ giữa các tổ chức và cá nhân ở nước ngoài với nước ta là một lợi thế và một nguồn lực quan trọng cần phải phát huy để bổ sung và hỗ trợ cho sự phát triển của đất nước . . . Thấu suốt được như vậy mới có thể hoạch định các chính sách. tìm ra các biện pháp lớn [6].”

4- Về văn học, nghệ thuật, báo chí

Báo Chí: Hiện nay ở các nước tư bản, người Việt có ít nhất là 300 tờ báo các loại. Hoạt động báo chí mạnh nhất là ở California. Tại đây có báo hàng ngày, báo ra vài ba ngày một số, tuần báo, báo hai tuần, báo hàng tháng hoặc vài ba tháng ra một lần. Có báo đăng quảng cao lấy tiền, có báo in xong phát không cho độc giả... Có nhiều tờ khổ tạp chí thời sự, văn học ở nhiều nước, có vài tạp chí nhằm đối tượng trẻ như Cỏ Lau, Măng Non. Có những tờ báo chuyên đề như Võ Lâm, Khỏe Đẹp, Điện Ảnh. Các tạp chí văn học thường có đời sống bấp bênh. Phần lớn các báo đều sống nhờ quảng cáo. Một số nhỏ được tài trợ của chính quyền sở tại.

Về văn học, văn nghệ và ngành xuất bản: Văn học Sau 12 năm, người Việt ở nước ngoài có mấy chục nhà xuất bản sách. Lượng sách ở Mỹ chiếm khoảng 70 tới 80% tổng số sách xuất bản ở hải ngoại. Những cây bút của Sài gòn cũ có hoạt động lại nhưng cái hăng say và sáng tạo không còn nữa, thay vào đó là một thế hệ nhà văn nhà thơ vào tuổi trung niên xuất hiện. Giống như không khí văn học nghệ thuật ở Sài gòn thời trước, không khí sáng tác văn học, nghệ thuật của người Việt hải ngoại đượm mùi chống cộng gay gắt.

Theo Trần trọng Đăng Đàn thì cộng đồng đó có một luồng văn hóa, một mạch văn nghệ của nó. Luồng văn hóa, mạch văn nghệ ấy có những phần tốt, phần kế thừa được truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp nhận tinh hoa của văn hóa, văn nghệ thế giới và chứa đựng sức sáng tạo của những tài năng cá nhân. Đồng thời trong luồng văn hóa, văn nghệ ấy cũng có phần xấu phần sai, phần lai căng, mất gốc chống lại đường lối phát triển đi lên của nhân dân, của tổ quốc. Một số ít người chống đối Việt Nam quyết liệt đã cấu kết với nhau, nhận sự tiếp tay của các thế lực phản động quốc tế để có thể nắm giữ hầu hết các cơ quan ngôn luận, cơ quan xuất bản, phát hành truyền thanh, truyền hình cũng như các tổ chức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của người Việt Nam ở nước ngoài. Sản phẩm văn hóa văn nghệ của người Việt Nam ở nước ngoài hơn hai mươi năm qua khá nhiều và cũng khá đa dạng. Các thứ sản phẩm đó lại ít nhiều cũng đã bắt kịp các thị hiếu thưởng thức của khán, thính, độc giả trong nước, và có thể nói đã đáp ứng được nhu cầu và trình độ của một đại bộ phận công chúng phổ cập trong số hơn hai triệu người Việt Nam ở nước ngoài. Trong khi đó sản phẩm văn hóa, tác phẩm văn nghệ (ở trong nước), do nhiều nguyên nhân khác nhau nên chỉ đến được với kiều bào ở mức độ rất hạn chế.

Hoạt động văn học của người Việt nam ở nước ngoài đa dạng hơn và sội động hơn. Điều này có thể thấy thông qua những thông tin về xuất bản phẩm và về hoạt động phát hành sách trong đời sống văn hóa, văn nghệ của người Việt Nam ở nước ngoài. Chỉ căn cứ vào thư mục sách đang phát hành của khoảng mười cơ sở xuất bản, báo chí của người Việt Nam ở Bắc Mỹ và Tây Âu trong năm 1995 cũng đã có thể biết được trong thời gian này ít nhất đang có khoảng 1900 xuất bản phẩm, chủ yếu bằng tiếng Việt, đang trên mạng lưới phát hành tại các vùng có người Việt Nam cư trú ở nước ngoài. Các xuất bản phẩm đó sắp xếp theo tỷ lệ như sau:

  • Truyên dài, hồi ký văn học, hồi ký cải tạo; 23,47%;
  • Truyện ngắn, tạp bút, bút ký, tùy bút: 18,99%;
  • Sách biên khảo, nhận định, tài liệu, hồi ký chính trị: 14,58%;
  • Sách kiến thức phổ thông, học làm người, đông y, vỏ thuật: 9,89%;
  • Truyện thiếu nhi, sách song ngữ: 7,82%;
  • Từ đìển, sách học anh văn: 4,98%;
  • Thơ: 4,86% ...

TrầnTrọng Đăng Đàn còn nhận định trong năm 1993 có ít nhất 750 người tham gia vào các hoạt động văn nghệ, phân loại như sau:

  • Ca sĩ 41,20%,
  • Nhạc công 13,89%,
  • Nhạc sĩ 9,47%,
  • Chủ sản xuất băng nhạc, đĩa nhạc 8,49%,
  • Viết báo, viết văn, làm thơ 8,36%,
  • Diễn viên điện ảnh, sân khấu 4,18%,
  • Mạnh thường quân văn nghệ 3,19%,
  • Nhiếp ảnh gia 1,96%,
  • Cải lương, cổ nhạc 1,47%,
  • Họa sĩ 1,11%,
  • Các thành phần khác ít người hơn, như chủ rạp hát, vũ trường, xướng ngôn viên, đạo diễn phim, vũ công, chiếm dưới 1%

Về âm nhạc, sáng tác và xuất bản: Phần lớn các giọng hát tân nhạc và một số nhạc sĩ sáng tác của Sài gòn xưa đều có mặt ở nước ngoài và lần lượt tập trung về nước Mỹ. Ở đây đã hình thành trên 20 nhà sản xuất âm nhạc. Các nhà sản xuất này in lại hầu hết các băng nhạc của Sài gòn thời trước. Về sáng tác, Phạm Duy vẫn là bố già của nền văn nghệ hải ngoại, và là người sáng tác mạnh nhất. Ông đã có thêm những tác phẩm có ít nhiều tính nghệ thuật, đồng thời cũng có những nhạc phẩm vô duyên, tồi tệ như Thông Điệp Máu hay Mùa Xuân Màu Đỏ. Bên cạnh có một số nhạc sĩ trẻ, nhất là nhạc sĩ của nhóm Hưng ca hoạt động tương đối đều đặn và có nhiều sáng tác. Một hiện tượng trong làng văn nghệ đã xuất hiện vào đầu thập niên 80, đó là Nguyệt Ánh, một người vừa sáng tác, vừa có thể đàn, vừa hát tân nhạc, vừa hát cổ nhạc. “Ngôi sao” Nguyệt Ánh lại cũng rất hăng say giương cao cờ ba sọc, hô hào chống cộng, giải phóng quê hương. Về phía ca ngâm, những giọng ăn khách ngày xưa, nay vẫn tiếp tục là những giọng hát được ưa chuộng, và ít nhiều còn hoạt động văn nghệ.

5. Chế độ Cộng Sản tại Việt Nam nhận xét về những hoạt động chống đối của người Việt hải ngoại:

Nguyễn ngọc Hà cho là từ những ngày cuối tháng 4-75, trước sự thảm hại của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai ở miền Nam, bọn phản động lưu vong bị choáng váng và co cụm lại. Sau đó vài năm. được tiếp sức của đế quốc Mỹ và bọn phản động quốc tế, “chúng” lại bung ra hoạt động chống lại phong trào của người Việt Nam ở nước ngoài. Về chính trị, “chúng” lập ra nhiều tổ chức phản động như phong trào phục quốc, kháng chiến để tập hợp người Việt Nam ở nước ngoài và ngăn cản đồng bào không được quan hệ với phong trào Việt kiều. “Chúng” sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng của chính quyền sở tại để phản tuyên truyền, xuyên tạc các chính sách, chủ trương của Nhà nước ta đối với cuộc vận động người Việt Nam ở nước ngoài, cùng lúc với sự kích động tâm lý oán ghét chế độ mới trong nước. Nhiều cuộc mít tinh, biểu tình nhân ngày 30/4, ngày nhân quyền hoặc những ngày kỷ niệm của “chúng” được tổ chức hàng năm để lôi kéo quần chúng, chống phá các sứ quán ta.

Chúng ngầm cử người hoạt động trong các tổ chức Việt kiều, tung những tin bịa đặt nhằm ly tán, gây chia rẽ trong phong trào Việt kiều, đe dọa khủng bố cán bộ của phong trào Việt kiều hoặc cán bộ trong nước ra công tác ở nước ngoài. Theo Trần trọng Đăng Đàn thì trong số trên hai triệu rưỡi người Việt Nam ở nước ngoài, số người chống đối một cách quyết liệt và dai dẳng chưa được xác định về số lượng, ước lượng khác nhau, 10% hoặc 1%, nhưng dù 10% hay 1% cũng không nhiều.

Trần Trọng Đăng Đàn viết tiếp, điều cần đặc biệt lưu ý là tuy ít, nhưng họ nắm giữ hầu hết các cơ quan ngôn luận và hệ thống truyền thông đại chúng của người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là tại Bắc Mỹ, Tây Âu, Ốtxtrâylia. Mặt khác chính họ (người Việt hai ngoại) đã và đang giúp sức đáng kể vào các cơ quan, các tổ chức chống Việt Nam của các nước sở tại trên lãnh vực chính trị tư tuởng nói chung, và trên hệ thống truyền thông đại chúng nói riêng.

Sau vài chục năm, kể từ ngày Mỹ thua trận tại Việt Nam, số người này vẫn thường xuyên viết, in và hoạt động chống đối. Số sách xuất bản tại hải ngoại mang tính chất chống đối Việt nam về mặt chính trị, tư tưởng, kinh tế, xã hội và nhất là về văn hóa, văn nghệ được chuyển về nước theo các chiến dịch chuyển lửa, chuyển tin tức về quê nhà, chiến dịch đòi dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo, chiến dịch xóa bỏ huyền thoại ... lãnh tụ (Ghi chú: Trân Trọng Đăng Đàn không dám viết rõ tên Hồ chí Minh, mà thay bằng ba dấu chấm). Đó là chưa kể các chương trình phát thanh, truyền hình, các tác phẩm dưới dạng băng tiếng, băng hình, đĩa mềm .... Chỉ tính riêng tại Sài gòn trong năm 1994 số tài liệu, sách báo được viết, được in trên giấy, từ nước ngoài tuồn vào mà đã bị phát hiện và ngăn chặn là 12.890 tài liệu. Với các loại sản phẩm ấy, phía Việt Nam có thể gạn lọc các tư liệu để phối kiểm các tài liệu sẵn có, có thể tham khảo để biết sâu hơn bản chất của phía chống đối Việt Nam, đồng thời phải hạn chế tới mức tối thiểu ảnh hưởng của “chúng” đối với đa số cư dân người Việt Nam ở nước ngoài và cả trong nước.

Trần Trọng Đăng Đàn cũng cho là những người chống đối có nhiều nhược điểm, đó là ý thức chia rẽ, không nhất quán trong lý thuyết, sụ tranh chấp thành tích chống cộng, sự kỳ thị nội bộ. Kết quả về sự am hiểu của chúng ta (chế độ Cộng Sản) đối với khối người Việt Nam tại các nước tư bản chủ nghĩa cũng đã có, nhưng trước yêu cầu mới của sự phát triển đất nước thì phải nói là kết quả đó còn khiêm tốn. Tình hình này không phải chỉ đối với số người Việt Nam ở các nước thuộc khối tư bản, mà có lẽ, ở một số khía cạnh nào đó, cũng có thể xem như là đối với cả khối người Việt nam ở các nước thuộc Liên Xô cũ và Đông Âu.

Kết luận

Qua ba chục năm, vì nhu cầu chiêu dụ, những nhận định và phân tích của cộng sản Việt Nam về tập thể người Việt hải ngoại so với lúc ban đầu phần nào có bớt miệt thị, ít dùng những ngôn từ hạ cấp, nhưng CSVN luôn luôn phủ nhận họ là nguyên nhân việc hàng triệu người bỏ nước ra đi (do sự đàn áp trả thù của họ) trong những đìều kiện vô cùng gian nan và nguy hiểm, khiến hàng trăm ngàn người hy sinh mạng sống trên biển cả. Chính sách hòa hợp đưa ra sau đại hội VI chỉ là chính sách cho những những kẻ chịu cúi đầu thần phục, mà không lừa phỉnh được người thực sự có tinh thần dân chủ tiến bộ. Những người này vẫn bị CSVN thoá mạ thậm từ. Các nhận xét của họ cũng biểu lộ sự sợ hãi sức mạnh của người Việt hải ngoại, từ đó đưa đến những kế hoạch sẽ bàn tới trong phần sau.

PHẦN II

Các chính sách của chế độ Cộng SảnViệt Nam đối với cộng đồng người Việt hải ngoại

(Phần này trích dẫn những luận cứ của CSVN về người Việt hải ngoại, nhiều từ ngữ vẫn giữ trọn nguyên văn với chủ đích trình bày rõ về thực chất phong cách của nhà cầm quyền Cộng sản)

1. Chính sách về văn hóa thông tin

Ngay từ 1990 nhận định rằng đối với cộng đồng người Việt ở nước ngoài, văn hóa, văn học nghệ thuật là vấn đề rất quan trọng, một nhu cầu vừa bức thiết vừa lâu dài, là mẫu số chung của các thành viên cộng đồng, là sợi dây liên lạc nối liền các cộng đồng người Việt trên thế giới với nhau và đặc biệt với cộng đồng dân tộc ở trong nước, chế độ Cộng Sản tại Việt Nam chủ trương chính sách văn hóa văn nghệ đối với người Việt hải ngoại vừa quan tâm tới sinh hoạt tinh thần để thỏa mãn những nhu cầu văn hóa, thẩm mỹ của kiều bào, vừa nhằm kiến tạo những người làm công tác văn hóa, những nghệ sĩ “kiểu mới” theo mục tiêu của chế độ Cộng Sản tại Việt Nam. Họ chủ trương phải đáp ứng nhu cầu của thế hệ 1, nghĩa là lớp cha anh nói tiếng Việt trôi chẩy, đã có một đời sống văn hóa khi còn ở trong nước, và cũng cần đáp đúng nguyện vọng của thế hệ thứ hai. Họ khuyến khích người Việt hải ngoại có hoạt động văn hóa để nuôi dưỡng tình cảm đối với quê hương theo chiều hướng đã vạch sẵn, và giới thiệu những sản phẩm văn hóa trong nước, phát triển giao lưu văn hóa, thông tin và tuyên truyền

Chế độ Cộng Sản tại Việt Nam cố tạo trong cộng đồng những “cầu nối”, tạo điều kiện thực hiện chính sách tuyên truyền văn hóa, kể cả với mục đích kinh tế và cho rằng kiều bào cần được thưởng thức những văn hóa phẩm đặc sắc của trong nước Nhà nước đặc biệt xúc tiến việc phát hành các sản phẩm văn hóa, văn nghệ với chất lượng cao dưới các dạng khác nhau (sách báo, băng nhạc, băng vidéo, cassette) tổ chức tốt việc xuất khẩu các sách báo (kể cả sách giáo khoa) và các văn hóa phẩm khác với chính sách miễn giảm thuế thỏa đáng. Hàng năm đưa các đoàn nghệ thuật tổng hợp gọn nhẹ ra biểu diễn ở nước ngoài [7]. Nhà nước ta cần thương lượng với chính quyền các nước sở tại để mở những lớp dạy tiếng Việt ở nhiều trình độ khác nhau. Cần tổ chức một số chương trình tham quan du lịch dành cho những em thuộc thế hệ thứ hai[8].

Trần Trọng Đăng Đàn tỏ ra sâu sắc hơn khi đưa ra nhận định là muốn giao lưu văn hóa thì phải biết đối tượng giao lưu. Thời gian qua, do không biết kỹ về đối tượng nên không thể có chính sách thật đúng đắn. Các chính sách đã có của ta thường xem văn hóa, văn nghệ của cộng đồng Việt nam ở nước ngoài như văn hóa văn nghệ của nước ngoài! Thậm chí đôi khi đối với sản phẩm văn hóa của chính nước ngoài còn được nhập dễ dàng hơn. Chặt chẽ trong kiểm tra, chọn lọc như vậy là cần, nhưng có lúc lại chưa đủ cảnh giác đối với những hoạt động xấu, những tác phẩm xấu của các phần tử chống đối đất nước một cách cưc đoan trong số người Việt Nam ở nước ngoài. Trong thời gian tới, việc hoạch định các chính sách văn hóa, văn nghệ đối với người Việt nam ở nước ngoài, cần đặc biệt lưu ý đến khía cạnh kinh tế trong văn hóa, khía cạnh kinh doanh trong văn hóa, nghệ thuật. Đây là những khía cạnh hết sức quan trọng lúc đất nước chuyển sang kinh tế thị trường và đây cũng là những vấn đề mà phía chống đối lại văn hóa, văn nghệ ta từ thiểu số cực đoan trong người Việt Nam ở nước ngoài lại có rất nhiều kinh nghiệm. Trong cuộc đấu tranh văn hóa tư tưởng với những người chống đối này, nếu thua kém về mặt kinh tế, kinh doanh, về phương pháp chiếm lĩnh độc giả, khán thính giả, thì cũng khó có thể thắng được về mặt văn hóa, tư tưởng[9].

Để thi hành Nghị quyết 36, ngày 26-3-2004 của đảng, Thủ tướng đã công bố chương trình của chính phủ, chỉ thị các bộ Ngoại giao, Văn hóa Thông tin, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục Đào tạo, Y tế, Kế hoạch Đầu tư, Công an, Tài chính, Giao thông, Trung ương Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, đài truyền thanh truyền hình, về các công tác triển khai thông tin tuyên truyền, phát huy tiềm năng tri thức của người Việt nam ở nước ngoài, tăng cường công tác thông tin, văn hóa phục vụ cộng đồng người Việt Nam, dạy học tiếng Việt cho thế hệ trẻ người Việt Nam ngoài nước

Về các hoạt động trình diễn văn nghệ tại ngoại quốc, CSVN xuất qũy yểm trợ, chịu 50% các phí tổn vận chuyển, ấn phẩm văn hóa, giá máy bay, cho các đoàn nghệ thuật đi biểu diễn phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Thông tư liên tịch Bộ Tài Chánh- Ban Vật Giá Chính phủ- Bộ Văn hóa Thông tin- Bộ Ngoại giao, ngày 24-12-2001 quy định rõ ràng: Thực hiện trợ giá đối với cước vận chuyển phim ảnh, sách báo, văn hóa phẩm, ấn phẩm tuyên truyền quảng bá cho du lịch, các tài liệu tuyên truyền, cho cộng đồng người Việt nam ở nước ngoài, trợ giá vé máy bay cho các đoàn nghệ thuật trong nước đi biểu diễn phục vụ cộng đồng ngưới Việt Nam ở nước ngoài. Mức trợ giá đối với các phái đoàn hát không do chính phủ đứng tổ chức được ấn định là 50%. Với chính sách mới, có thể sẽ được trợ cấp hơn nữa.

2. Chính sách về trí thức và khoa học kỹ thuật

Ước lượng có từ 300.000 đến 400.000 trí thức và chuyên viên kỹ thuật người Việt Nam ở các nước kỹ nghệ, CSVN từ mấy chục năm nay ra sức huy động mọi phương pháp để chiêu dụ lớp người này. Công nhận ưu thế của trí thức Việt Nam Hải Ngoại về chất xám, chính sách chiêu dụ của CSVN nhằm:

  • Động viên và phát huy tiềm năng góp phần vào phục vụ khoa học kỹ thuật, kinh tế trong nước.
  • Tăng cường quan hệ kinh tế, khoa học kỹ thuật giữa VN và quốc tế.
  • Khuyến khích giới trí thức hợp tác với VN về các ngành kinh tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục đào tạo, thể dục thể thao, thu hút nhân tài ở nước ngoài tham gia công việc trong nước.
  • Đề xuất những phương án kinh tế, kỹ thuật nhằm giải quyết những khó khăn của CSVN ở trong nước.
  • Xây dựng chính sách ưu đãi thỏa đáng đối với chuyên gia trí thức có trình độ chuyên môn cao, có khả năng sáng chế.

Cũng như trong lãnh vực văn hóa, thông tin, tuyên truyền, chế độ Cộng Sản tại Việt Nam cố công bố trí thiết lập cầu nối sử dụng một số trí thức khoa học kỹ thuật trong cộng đồng người Việt hải ngoại, như Nguyễn Ngọc Hà nói:

“Trong mối quan hệ nói trên, trí thức khoa học kỹ thuật Việt nam ở nước ngoài có thể được nhà nước ta sử dụng như những đầu mối ở nước ngoài . . . Nhà nước khuyến khích tổ chức các chuyến du lịch kết hợp với khảo sát, tham quan chuyên ngành để trí thức có chuyên môn trong cùng một ngành có thể nắm rõ tình hình và các vấn đề. Nhà nước có thái độ trân trọng đối với trí thức có thành tích. Những anh chị em này có thể được mời về thăm đất nước và được tiếp đón với những chế độ ưu đãi, khen thưởng bằng hiện vật, tinh thần và quan tâm đến gia đình của những người [10] .”

Cho nên, chẳng có gì ngạc nhiên, khi có một số khoa bảng chuyên viên trong nhiệm vụ cầu nối, đã thuyết trình, viết sách, lên tiếng bênh vực chính sách cộng sản. Cũng may là số người này rất ít như nhận xét của phe cộng: vẫn chưa trở thành hiện thực. Trong chính sách cầu nối này, chế độ Cộng Sản tại Việt Nam còn lợi dụng các phần tử, các tổ chức thân cộng người ngoại quốc, nhất là tả phái Mỹ, Pháp; vì do những yếu tố ảnh hưởng và tâm lý, phương thế này có hiệu quả hơn đối với việc dùng khoa bảng hám danh người Việt.

3. Chính sách về kinh tế: đầu tư, du lịch xuất nhập

Tài liệu của chế độ Cộng Sản tại Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách để thu hút vốn của người Việt hải ngoại như:

  • Chính sách khuyến khích đầu tư.
  • Quy chế ưu đãi người Việt nam định cư tại nước ngoài đầu tư về nước góp phần xây dựng tổ quốc.
  • Chính sách thông tin môi giới và dịch vụ của các tổ chức chuyên trách có chi nhánh ở một số thủ đô các nước có đông đảo Việt kiều định cư.
  • Chính sách huy động nguồn vốn.
  • Chính sách miễn giảm các loại thuế.
  • Chính sách về thị thực xuất nhập cảnh
  • Chính sách mềm dẻo trong các hình thức kiểm soát Việt kiều lúc đến và lúc đi ra khỏi Việt Nam.
  • Kiểm soát mềm dẻo về mặt hành lý.
  • Chính sách nâng cao tỷ giá đổi tiền và mở rộng màng lưới bán hàng thu ngoại tệ.

Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 29-12-1987, nghị định 29/CP ngày 27-5-1993 ưu đãi người Việt kiều hơn, so với người nước ngoài, từ thuế xuất đến thể thức nhập cảnh. Trong khoảng thời gian từ 1988 đến 1995, có 54 dự án của người Việt hải ngoại đầu tư vào Việt nam, nhưng kết quả thật khiêm nhượng, số dự án tương đối nhiều vào những năm 1988 (10), 1989 (10), 1990 (12), nhưng sau đó giảm dần, chỉ có 2 dự án trong năm 1991, 6 trong năm 1992, 8 trong năm 1993 và 4 trong năm 1994. Tổng số vốn đầu tư của 54 dự án là 127 triệu Mỹ kim lúc đầu đã sụt xuống còn 36 dự án tương đương vói 81 triệu Mỹ kim. Số vốn đầu tư chia ra 7 ngành:

  • Khách sạn du lịch 49,6%;
  • Công nghiệp nặng 15,4%;
  • Công nghiệp nhẹ 12,1%,
  • Các ngành khác 12,4%;
  • Cơ khí 7,4%;
  • Giao thông vận tải 1,6%;
  • Công nghiệp khoáng sản 1,5%;

Vấn đề phân bố theo địa bàn cư ngụ của người Việt hải ngoại thì :

  • Singapor 23,1%;
  • Canada 15,6%;
  • Nhật 13,7%;
  • Pháp 13,3%;
  • Philippine 11,1%;
  • Đức 8,1%;
  • Úc 6,1% ;
  • Mỹ 4,9%;
  • Panama 1,3%;
  • Đài loan 1,3%;
  • Hongkong 0,8%;
  • Malasia 0,6%;
  • A Căn Đình 0,1%;

Việc đầu tư không phản ảnh đúng tiềm năng kinh tế của người Việt hải ngoại, một phần vì tệ nạn hành chánh, tham nhũng trong nước, một phần do sự chống đối của người Việt hải ngoại. Theo Trần Trọng Đăng Đàn thì:

“Áp lực chống đối đáng kể này là từ phía những người Việt Nam ở Mỹ. Tuy số này rất ít, nhưng lại thuộc loại chống đối đất nước một cách cực đoan. Gần đây những người chống đối này càng điên cuồng chống Việt nam không chỉ về mặt chính trị, tư tưởng mà cả về kinh tế. Chống đối việc đầu tư để xây dựng và phát triển Việt Nam là một chủ điểm hoạt động của họ. Qua nhiều loại báo chí của người Việt Nam ở nước ngoài, qua hệ thống phát thanh bằng tiếng Việt từ nhiều nước trên thế giới, mấy năm gần đây ta có thể thấy rất rõ sức chống đối của số người này nhằm vào lực lượng kinh tế của các nước ngoài có ý muốn đầu tư vào Việt Nam, và đương nhiên một phần khá lớn sức chống đối đó nhằm vào kiều bào ta... sự chống đối của họ đã ảnh hưởng tiêu cực đối với việc đầu tư về nước của một số kiều bào[11] .”

4. Chính sách đối với những gia đình có người thân ở nước ngoài, chính sách kiều hối.

Mười năm cực kỳ nguy nan bên bờ vực thẳm sau khi chiếm được miền Nam, những thùng quà của người Việt tị nạn gửi về cứu nguy thân nhân trong nước là một hiện tượng chế độ Cộng Sản tại Việt Nam khai thác sau khi đổi mới. Những ràng buộc gia đình, bạn bè, làng xóm của gần ba triệu người Việt hải ngoại là một mối liên hệ tình cảm sâu sắc. Chế độ này đã nhận ra điều đó và vội vã quy định các thể thức nhận hàng và tiền bằng một văn kiện lập quy ngay từ ngày 31-1-1980 do quyết định số 32/CP của Hội Đồng Bộ Trưởng và do thông tư hướng dẫn ngày 31-8-1982 . Theo các quy định này, lúc đầu đơn vị nhận tiền, nhận hàng là “hộ”. Gia đình muốn được nhận hàng thường xuyên phải làm đơn gửi đến Ủy ban nhân dân và chỉ được nhận 3 lần một năm nếu là hàng tiêu dùng. Đến Thông tư 229/CT ngày 4-9-1982 chế độ Cộng Sản tại Việt Nam khuyến khích gửi tiền thay vì gửi hàng, nhưng không được nhận ngay một lần, mà phải để ở ngân hàng, khi rút ra để chi dùng thì mỗi gia đình chỉ được nhận theo hạn mức do Ngân hàng nhà nước quy định, trường hợp có chi tiêu bất thường như ma chay, cưới hỏi, sửa nhà, thì phải có xác nhận của chính quyền địa phương. Chỉ riêng tại Sài gòn trong năm 1982 đã có 261.000 hộ gia đình nhận hàng và tiền. Nếu tính trung bình mỗi hộ có 5 hoặc 6 người, thì số người sinh sống lay lất trong thời gian đen tối đó bằng tiền của đĩ điếm theo gót đế quốc Mỹ lên tới cả triệu ruởi người.

Thực tế là những biện pháp quan liêu và chặt chẽ này không đáp ứng kế hoạch của Cộng sản, như nhận định trong Thông tư 229/CT:

“Hầu hết hàng gửi về đều được đưa bán ra thị trường tự do, đã gây thêm khó khăn cho việc quản lý thị trường. Nhân dân có sự bất bình chính đáng trước tình hình một số người, nhất là những người thuộc gia đình bọn phản cách mạng tiêu xài quá đáng bằng tiền và hàng từ nước ngoài gửi về. Việc bán hàng gửi về đã thu hút một khối lượng lớn tiền của Nhà nước chạy vào tay tư nhân, tăng thế lực kinh tế của tư nhân, gây thêm khó khăn cho công cuộc xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa”.

Năm năm sau, ngày 10-4-1987, Hội đồng Bộ trưởng mới ra quyết định126/CP sửa đổi và bổ sung, bãi bỏ thể lệ hạn định số lượng hàng và trị giá tiền, bãi bỏ sổ nhận tiền và hàng quà. Dù vậy, người Việt hải ngoại giúp đỡ thân nhân vẫn không chịu thua, con đường chuyển ngoại tệ ngầm và chui vẫn hoạt động mạnh mẽ.

Vai trò của thân nhân ở trong nước trở thành một đối tượng của công tác vận động kiều bào ngày càng thêm quan trọng. Nếu cuối thập niên 70 và trong thập niên 80, vấn đề nhận hàng và tiền do người Việt hải ngoại gửi về là quan trọng thì đến thập niên 90 chế độ Cộng Sản tại Việt Nam đã hướng vào vấn đề hợp tác giữa thân nhân và Việt kiều trong vấn đề làm ăn buôn bán hay đầu tư. Ngày 4-12-1990, ban Bí thư trung ương đảng, trong văn thư số 67/CT-TW, chỉ thị việc cần giáo dục, động viên thân nhân của kiều bào tham gia vào công tác vận động kiều bào. Ngày 22-6-1993, Mặt trận Tổ quốc cùng Ban Việt kiều trung ương ra văn thư liên bộ hướng dẫn việc thành lập “Hội Thân Nhân Người Việt Nam Định Cư ở Nước Ngoài” tại các tỉnh, thành phố, các cấp quận, huyện, thị xã, với mục đích quy tụ những người địa phương có thân nhân sinh sống tại nước ngoài, nhằm đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống vật chất và tinh thần, gìn giữ và phát triển quan hệ tình cảm với những người thân.

Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 29-11-1993 của bộ Chính trị đảng nhấn mạnh:

“Công tác vận động người Việt nam ở nước ngoài vừa thuộc chức năng của Nhà nước, vừa là hoạt động mang tính quần chúng. Công tác này không thể tách rời công tác vận động thân nhân của họ trong nước.”

Tiếp theo đó, Nhà nước còn nghiên cứu và ban hành chính sách đối với những gia đình có người thân định cư ở nước ngoài. Trước mắt có một số chính sách cụ thể:

  • Xây cất và bán nhà cho thân nhân thanh toán bằng tiền Việt kiều gửi về.
  • Chính sách bán thiết bị, vật tư cho sản xuất kinh tế gia đình của thân nhân Việt kiều.
  • Chính sách hướng dẫn việc gửi quà biếu cho thân nhân, bạn bè, chia thành hai loại: quà biếu thương mại hóa cao độ và quà biếu thuần túy tình cảm.
  • Lập hệ thống các cửa hàng bán quà biếu cho Việt kiều ở nước ngoài.
  • Chính sách tổ chức dịch vụ, gửi hàng quà biếu từ trong nước ra cho Việt kiều như: sơn mài đồ gốm, gỗ, điêu khắc, mây tre, sừng v.v...
  • Chính sách kiều hối, thiết lập qũy tiết kiệm của Việt kiều để tiêu dùng cho những chuyến đi thăm quê hương và gia đình, chi viện cho thân quyến ở Việt Nam.

Nhận thấy từ khi có quyết định số 170/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng ngày 19-8-1999 khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài chuyển tiền về nước, chính sách kiều hối vẫn không có kết quả như ý muốn, nghị quyết 36 của bộ Chính trị đảng 26-3-2004, trong phần III, đoạn 3, lại nhắc đến việc mở rộng và tạo thuận lợi hơn nữa chính sách kiều hối. Họ sẽ mở thêm cơ sở chuyển tiền với lệ phí nhẹ, có thể để chuyển tiền tham nhũng vào ngân hàng ngoại quốc, dùng tay sai vào các dịch vụ chuyển tiền. Hiện nay, tiền gửi về sẽ gửi trực tiếp vào trương mục Sở Giao Dịch II, thuộc Ngân hàng Công Thương Việt Nam hoặc qua trung gian ngân hàng ngoại quốc, Mỹ: 9 ngân hàng, Canada: 1, Pháp: 2, Anh: 2, Đức: 4, Hòa lan: 2, Bỉ: 1, Thụy sĩ: 1, Nga: 1, Úc: 1, Nhật: 3, Hongkong: 1, Đào loan: 1, Singapor: 2; Ngân hàng Công Thương đã ấn định phí tổn chuyển tiền là 0,05%. Người trong nước khi rút tiền phải chịu phí tổn tùy theo trường hợp, nếu rút tiền bằng ngoại tệ: 0,15%, nếu rút bằng tiền Việt Nam sẽ được miễn phí.

5. Chính sách hỗ trợ, khen thưởng và hù dọa

a) Qũy hỗ trợ, vận động cộng đồng người Việt nam ở nước ngoài (Fund for Overseas Vietnamese Community = FOVC). Qũy này thành lập do quyết định 990/QĐ-TTg của Thủ tướng ngày 30-10-2002, đặt trực thuộc Bộ Ngoại giao. Qũy do 8 nhân viên quản trị, và có thể tuyển dụng các cán bộ bên ngoài làm việc theo chế độ hợp đồng. Nguồn vốn hoạt động ban đầu là 7 tỷ đồng VN tương đương khoảng 500.000 Mỹ kim, do ngân sách nhà nước cung cấp cộng thêm các nguồn tài trợ khác. Kinh phí bổ sung hàng năm căn cứ vào các dự án sẽ được phê duyệt.

Theo văn thư của Bộ Tài chánh thì mục tiêu tài trợ của Qũy gồm có 7 điểm:

  1. Bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, duy trì và phát triển tiếng Việt trong cộng đồng.
  2. Tổ chức hoạt động giao lưu về nguồn: trại hè thanh thiếu niên, thi đấu thể thao, triển lãm, biểu diễn nghệ thuât.
  3. Hỗ trợ hoạt động thông tin, văn hóa phục vụ cộng đồng.
  4. Hỗ trợ vận động người Việt Nam ở nước ngoài về nước đầu tư, hợp tác kinh tế, khoa học.
  5. Hỗ trợ cá nhân chuyên gia, trí thức người Viêt Nam ở nước ngoài về nước làm việc hợp tác khoa học.
  6. Hỗ trợ hoạt động các hội, các tổ chức người Việt Nam ở nước ngoài.
  7. Các hỗ trợ khác phù hợp với tôn chỉ mục đích cuả Qũy.

Nhìn vào các công tác này, người Việt tỵ nạn các nơi cần theo dõi hoạt động của qũy hỗ trợ để có phản ứng, vì mục tiêu của nó nhằm trực tiếp đánh phá cộng đồng người Việt hải ngoại

b) Chính sách khen thưởng: Chính sách khen thưởng được quy định bởi quyết định của Thủ tướng ngày 23-6-2004 về việc thi đua khen thưởng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Ban Cán Sự đảng Nhà nước, tổng kết, đánh giá công tác khen thưởng đối với người Việt Nam ở nước ngoài, phổ biến, hướng dẫn và tuyên truyền các quy định hiện hành về công tác thi đua khen thưởng của Nhà nước ta cho các tổ chức và cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài góp phần vào công cuộc vận động người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp sức người, sức của, xây dựng nước; đồng thời có hình thức thích hợp khen thưởng các tổ chức, cá nhân người nước ngoài có thành tích ủng hộ, bảo vệ và giúp đỡ người Việt nam ở nước ngoài. Các Bộ, ngành và địa phương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm giới thiệu những tổ chức, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều công sức đóng góp trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt nam với Nhà nước, để có hình thức khen thưởng đích đáng. Hãy chờ xem những ai là người sẽ được khen thưởng.

Thực ra đáng khen nhất phải là những tổ chức và cá nhân đấu tranh cho một nước Việt Nam dân chủ và tiến bộ, vì những người này đang đóng góp thiết thực vào việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

c) Hù dọa: Trong Nghị quyết 36, đảng Cộng Sản dọa sẽ có biện pháp phù hợp đấu tranh với những biểu hiện cố tình đi ngược lại lợi ích dân tộc, phá hoại quan hệ giữa các nước có đông người Việt Nam sinh sống với Việt Nam hoặc gây chia rẽ trong cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại. Nhưng thế nào là đi ngược lại lợi ích dân tộc, thế nào là phá hoại quan hệ giũa ngoại quốc với Việt Nam, nghị quyết không định nghĩa một cách minh bạch. Thực ra ai gây chia rẽ trong cộng đồng, nếu không phải là cộng sản từng bôi nhọ, chửi bới, vu khống, thuê bồi bút đánh phá ... Đồng bào hải ngoại cần tỉnh trí tố cáo với nhà cầm quyền sở tại những vi phạm ngoại giao và pháp lý của bọn cầm quyền trong nước.

Kết luận

Người Cộng Sản không đếm xỉa gì đến nguyện vọng thực sự của người dân ngoài nước và trong nước, các chính sách của họ chỉ nhằm một mục đích duy nhất là duy trì và củng cố quyền chuyên chính độc tài từ 60 năm nay tại Việt Nam, đúng như Nguyễn ngọc Hà đã viết:

“Để đạt kết qủa tốt, cần tiến hành việc khơi dậy, bồi dưỡng tình cảm dân tộc, tinh thần yêu nước. Trên cơ sở này sẽ nâng dần lên tình cảm gắn bó với chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt nam, không chỉ yêu Tổ quốc Việt nam chung chung, mà yêu Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa... Do đó phải có cách thực hiện thích hợp, sát với đối tượng, với hoàn cảnh từng nơi, từng lúc. Điều chủ yếu và cơ bản vẫn là ra sức bồi dưỡng tình cảm của kiều bào gắn bó với quê hương, không làm gì chống lại Tổ quốc, chống chủ nghĩa xã hội, và tìm đến những hoạt động đóng góp cho sự nghiệp xây dựng đất nước[12].”

PHẦN III

Trung tâm William Joiner và chính sách cầu nối của cộng sản

Sinh hoạt chính trị Hoa kỳ thật đa dạng từ cực hữu sang cực tả, lúc nào cũng có những lập trường quan điểm trái ngược nhau, xen vào giữa là những thái độ thực tiễn bảo vệ quyền lợi quốc gia của đảng đang cầm quyền. Cho nên chẳng lạ gì những hiện tượng dọn đường thay đổi chính sách như chính sách thể thao pingpong đi trước cuộc tái lập bang giao Mỹ và Trung quốc giữa cựu Tổng thống Nixon và Mao trạch Đông.

Đối với Việt Nam, ngay từ trước khi bãi bỏ cấm vận và tái lập bang giao Mỹ-Việt, đã có những phái đoàn cựu chiến binh sang Việt Nam, những tổ chức tuy mang danh phi chính phủ, nhưng nhiệm vụ thăm dò trung gian khá rõ rệt, như tổ chức Reconciliation Indochina tại Nữu Ước, thực hiện các buổi thăm viếng, thuyết trình qua lại hai bên, đưa một số cựu sĩ quan Mỹ đã nhẩy dù xuống Cao Bằng hồi 1944-1945 sang thăm lại hang Pắc Bó.

William Joiner Center (WJC) thuộc đại học Massachussetts Boston, mang tên một cựu chiến binh Mỹ, thành lập từ năm 1992, cũng do một cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam (1868-1969) làm giám đốc, đó là tiến sĩ Kevin J. Bowen. Trung tâm này tuy mang danh là một trung tâm nghiên cứu về hậu quả xã hội của chiến tranh, nhuưg hoạt động rõ ràng thiên vị nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam, mà quên hẳn hậu quả thảm khốc của chính sách trả thù trá hình bằng các trại tù cải tạo, là hàng trăm ngàn người chết trên biển cả, là cuộc tỵ nạn đau thương nhất trong lịch sử dân Việt mà kẻ sống sót hiện có mặt hàng triệu người trên đất Mỹ. WJC đã có những qua lại thường xuyên với quốc nội, tổ chức các cuộc thăm viếng, trao đổi văn hóa, dịch sách của cán bộ văn hóa cộng sản sang Anh văn, tham gia các lớp dạy hàng năm tại Huế, mở lớp dạy về chiến tranh Việt Nam cho giáo chức người Mỹ mà họ quan niệm chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tranh Việt Nam - Mỹ [the Vietnam-American War], họ cho Hồ chí Minh là người có tinh thần quốc gia, và miền Nam chỉ là kế thừa của thực dân.

Có lẽ cũng như chính sách bang giao qua thể thao Mỹ-Hoa mấy chục năm về trước, ông Kevin Bowen viết quyển “Playing Basketball with the Viet Cong”, bắt chước chính sách pingpong chăng, dọn đường cho chính sách Mỹ tại Việt Nam. Chế độ Cộng Sản tại Việt Nam khôn ngoan đã biết lợi dụng “chiếc cầu nối trí thức” này trong việc trao đổi văn học. Đúng như nhận xét của nhà văn Trần Đăng Khoa:

Có thể nói Williams Joiner Centers là một nhịp cầu quan trọng để văn học Việt Nam đổ bộ vào đất Mỹ [13].”

Một mặt hội Nhà văn Cộng Sản Việt Nam ưu ái đón tiếp nhân viên của WJC sang Việt Nam, mặt khác qua cầu nối này, chế độ Cộng Sản tại Việt Nam đưa hàng loạt các nhà văn sang Mỹ như Lê Lựu, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Duy, Thu Bồn, Tô Nhuận Vỹ, Bảo Ninh, Ma văn Kháng, Trần Đăng Khoa v.v... Các nhà thơ Ý Nhi, Nguyễn Khoa Điềm, một nhân vật cao cấp phụ trách tư tưởng văn hóa của đảng cộng sản, Lâm Mỹ Dạ, Nguyễn Đức Mậu, Xuân Quỳnh, Phạm Tiến Duật đã được WJC giới thiệu, dịch thơ sang Anh ngữ.

Tác phong của những nhà văn “đổ bộ” này ra sao? Xin đọc nhận xét của nhà thơ Xuân Sách, nguyên Chủ tịch hội Văn Nghệ Vũng Tầu-Côn Đảo, trong tập Chân Dung Nhà Văn, do Nhà xuất bản Văn Học Hà Nội ấn hành vào năm 1992, nhưng bị thu hồi:

Khi tôi đã tìm hìểu được những ứng xử, những tính cách của các nhà văn, ngoài những tác phẩm mà tôi thường ngưỡng mộ, tôi cứ băn khoăn tự hỏi : “Sao thế nhỉ? Với bề dầy tác phẩm như thế, với vị trí trong xã hội như thế, trong lòng người đọc như thế, sao họ còn ham muốn những thứ phù phiếm đến thế ... một chức vụ, một quyền lực, một chuyến đi nước ngoài... Mà đã ham muốn thì phải mưu mẹo, phải dối trá và nhất là phải sợ hãi[14]

Mà chuyến đi như thế nào? Trần Đăng Khoa viết:

Vui. Một cuộc du hí vui vẻ...Bây giờ thì tôi hiểu thế nào là hội thảo quốc tế rồi, Nó tương tự như ta đi hát karaokê[15]

Đến năm 2000, qua chiếc cầu nối WJC, hai cán bộ văn học Hoàng Ngọc Hiến và Nguyễn Huệ Chi “đổ bộ” vào đất Mỹ trong ý định vẽ lại diện mạo những nạn nhân của chế độ Cộng sản; những người đã gạt nước mắt xuống thuyền ra đi lập lại cuộc đời mới. Nhưng khi chương trình nghiên cứu của WJC với tiêu đề (Re)Constructing Identity and Place in the Vietnamese Diaspora (WJC dịch là (Tái) xây dựng diện mạo và quê hương của người Việt ở nước ngoài) bắt đầu thực hiện, thì sự phản đối ồ ạt đã lan rộng trong cộng đồng người Việt tỵ nạn, nhờ có sự báo động của ông Nguyễn Hữu Luyện. Có nhiều lý do chính đáng của sự phản đối tập thể chương trình nghiên cứu này:

  • Thứ nhất với một chủ đề ngạo mạn, WJC đã xúc phạm đến danh dự cộng đồng người Việt tỵ nạn. Tại sao phải tái tạo? Ai có quyền tái tạo diên mạo của của một tập thể?
  • Phương cách “tái tạo” của WJC phiến diện và thiên lệch, chắc chắn đưa tới một kết quả sai lạc. Thực ra những điều kiện bên trong và bên ngoài của một chuyển biến xã hội tùy thuộc nhiều yếu tố mà một chương trình nghiêm túc không thể bỏ qua.
  • Hơn nữa các đề tài văn học trao cho các nghiên cứu viên và cách thức thực hiện chương trình lại lạc hướng và thiếu sót, nếu đối chiếu với kế hoạch thực hiện nguyên khởi do đaị học Massachussetts Boston và cơ sở Rockefeller đã hoạch định (Rockefeller Foundation Humanities Fellowship -- Umass-Boston Program Plan).
  • Cao điểm nhất là sự hiện diện của hai cán bộ văn hóa Hoàng Ngọc Hiến và Nguyễn Huệ Chi của cộng sản trong nước, được tuyển làm việc ngay từ năm đầu của chương trình, thì sự phản đối của người Việt tỵ nạn đã lên tới tột độ. Đương nhiên đây là một âm mưu có hậu ý mà rất nhiều bài tham luận nghiêm túc đã chứng minh. Tưởng cũng nên đọc “Trở lại nước Mỹ” của Lê Lựu để rõ hội Nhà văn đã chuẩn bị thế nào mỗi khi cho một nhà văn xuất ngoại.

Vụ kiện WJC chỉ nhắm vào một mặt pháp lý để bảo vệ danh dự tỵ nạn, tuy chưa kết thúc, nhưng nếu theo dõi diễn tiến chương trình (Re)Constructing, từ khởi sự đến kết quả thực hiện, đọc qua những luận văn gọi là “nghiên cứu” này, thì rõ ràng là chương trình nghiên cứu của WJC thất bại, đã đẻ ra một con chuột bệnh hoạn. Giới trí thức khoa học nhân bản quốc tế sẽ chẳng bao giờ coi chương trình này như một tài liệu nghiên cứu có giá trị.

* *

Chính sách của Cộng sản Việt Nam đối với người Việt hải ngoại là một kế hoạch toàn diện, nhằm khai thác và đánh phá cộng đồng trên nhiều mặt: chính trị, kinh tế, thông tin văn hóa, khoa học kỹ thuật... Bài viết hôm nay chỉ mong được trình bày về một mặt: công việc móc nối văn học, thông tin mà hế độ Cộng Sản tại Việt Nam hằng khôn khéo vận dụng người làm văn học trong nước lẫn ngoài nước, kể cả những người ngoại quốc là một chính sách lũng đoạn, phản văn hóa.

Phạm Hữu Trác

Tháng 3 năm 2005

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN



[1] Nguyễn Ngọc Hà Về Người Việt Nam Định Cư ở Nước Ngoài Nhà Xuất Bản Thành Phố Hồ Chí Minh, 1990 Trang 45

[2] Sách đã dẫn trên, trang 19

[3] Sách đã dẫn trên, trang 46

[4] Nghị Quyết số 36/NQ-TW ngày 26-3-2004 của Bộ Chính Trị - Đảng Cộng Sản Việt Nam

[5] Trần Trọng Đăng Đàn NgườiViệt Nam ở Nước Ngoài” Nhà Xuất Bản Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội 1997,

trang 186

[6] Nghị Quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính Trị Dảng Cộng Sản Việt Nam ngày 9-11-1993

[7] Nguyễn Ngọc Hà Về Người Việt Nam Định Cư ở Nước Ngoài Nhà Xuất Bản Thành Phố Hồ Chí Minh, 1990 trang 91

[8] Sách đã dẫn trên, trang 92

[9] Trần Trọng Đăng Đàn NgườiViệt Nam ở Nước Ngoài” Nhà Xuất Bản Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội 1997,

trang 292

[10] Nguyễn Ngọc Hà Về Người Việt Nam Định Cư ở Nước Ngoài Nhà Xuất Bản Thành Phố Hồ Chí Minh, 1990 trang 94 - 95

[11] Trần Trọng Đăng Đàn NgườiViệt Nam ở Nước Ngoài” Nhà Xuất Bản Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội 1997,

trang 236

[12] Nguyễn Ngọc Hà Về Người Việt Nam Định Cư ở Nước Ngoài Nhà Xuất Bản Thành Phố Hồ Chí Minh, 1990 trang 82

[13] Trần Đăng Khoa “Chân Dung và Đối Thoại Nhà xuất bản Thanh niên, Hà Nội, 1999, trang 300

[14] Xuân Sách Nhận định Chân Dung Nhà Văn” Nhà xuất bản Văn Nghệ, 2000, trang 217

[15] Trần Đăng Khoa “Chân Dung và Đối Thoại Nhà xuất bản Thanh niên, Hà Nội, 1999, trang 300

* *

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(Bibliography)

  • Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành trung ương tại đại hội VI (1986).
  • Quyết định số 170/QĐ-ttg ngày 19-8-1999: Khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài chuyển tiền về nước.
  • Chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Quyết định của Thủ tướng số 210/1999 QĐ-TTg (ngày 27-10-1999)
  • Chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Quyết định của Thủ tướng số 114/2001/QĐ-TTg (ngày 31-7-2001)
  • Thông tư liên tịch 103/2001 TTLT về trợ giá ấn phẩm văn hóa, máy bay các đoàn văn nghệ biểu diễn ở nước ngoài (24-12-2001)
  • Quyết định của Thủ tướng về việc khuyến khích người Việt ở nước ngoài chuyển tiền về nước (ngày 17-6-2002)
  • Quyết định thành lập qũy hỗ trợ số 990/QĐ-TTg ngày 30-10-2002.
  • Quy chế tổ chức và hoạt động qũy hỗ trợ (27-3-2003)
  • Quy chế quản lý tài chính qũy hỗ trợ (21-4-2003)
  • Hỗ trợ việc dạy học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 22-3-2004
  • Chương trình hành động của chính phủ về công tác đối với người Việt nam ở nước ngoài (23-6-2004)
  • Quy chế biểu diễn nghệ thuật, Bộ Văn hóa Thông tin (2-7-2004)
  • Chương trình Bộ Ngoại Giao về người Việt Nam ở nước ngoài (ngày 01-9-2004)
  • Ủy ban về người VN ở nước ngoài thành lập 23-11-1959 nhận huy chương lao động hạng nhất ngày 16-11-2004.

Nguồn : http://nguoiviethaingoai.org/4_8.html

***

0 comments:

Powered By Blogger