Hình “cụ” rùa bị thương ở cổ, mai bị lở loét vì nước ở Hồ Gươm bị ô nhiễm trầm trọng.
1* Kế hoạch bắt rùa
Vào trung tuần tháng 2 năm 2011, câu chuyện “Rùa Hồ Gươm” đã trở thành đề tài nóng bỏng chẳng thua gì chuyện giá vàng, giá xăng dầu và điện, thực phẩm, gia tăng chióng mặt, cũng như chuyện cách mạng hoa lài, hoa sen, mùa xuân Á Rập.
Rùa Hồ Gươm bị bịnh là do ô nhiễm nước. Ô nhiễm môi trường là một đe dọa trầm trọng đối với đời sống con người hiện nay trong nước.
Không còn chiến tranh bom đạn, cuộc sống hoà bình tưởng như êm ả, nhưng lại có những cuộc chiến tranh âm thầm xảy ra vô cùng khốc liệt, tạo ra những mất mát, đau lòng không kém. Đó là tham nhũng, tội phạm, xâm lăng văn hoá, gian lận thương mại và ô nhiễm môi trường. Tất cả đã xảy ra dưới chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa ngày nay. Đương nhiên thủ phạm chính là đảng Cộng Sản Việt Nam.
Tổn thất lớn nhất là mất mạng con người và đạo đức dân tộc.
Đạo đức dân tộc ngàn năm, suy đồi cùng cực, văn hoá xuống cấp, rơi tự do, tạo ra những thế hệ con người Việt Nam vô cảm, vô trách nhiệm đối với mạng sống của đồng bào ruột thịt của mình.
Ô nhiễm tạo ra những làng ung thư giết chết 75,000 người mắc chứng bịnh nầy mỗi năm.
Hai vụ ô nhiễm điển hình là ô nhiễm nước Hồ Gươm và con sông Thị Vải bị bức tử.
Rùa Hồ Gươm ngất ngư bò lên bờ là do ô nhiễm nước.
Ngày 18-2-2011, Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân TP Hà Nội đã ký quyết định thành lập Ủy Ban Khẩn Cấp bảo vệ rùa Hồ Gươm với hơn 10 cơ quan của các ban, ngành tham dự. Một phương án dự trù là dùng trực thăng để bốc rùa lên chửa bịnh.
2. Bắt được “Cụ Rùa”
Lúc 16 giờ 50 ngày 3-4-2011, cụ rùa đã được lực lượng bộ đội đặc công dùng ròng rọc kéo lên, đưa về bể chứa đặt dưới chân Tháp Rùa. Công tác đã được Chủ tịch Uỷ Ban Nhân Dân TP Hà Nội, Nguyễn Thế Thảo chỉ đạo, xem như một cuộc hành quân đặc công để bắt cụ. Hơn 50 bộ đội đặc công “triển khai tiến hành phương án” từ lúc 7 giờ 30 sáng. Ông Nguyễn Ngọc Khôi, Phó Tổng Giám đốc công ty KAT, thành viên của Ban chỉ đạo, trưởng đội hành quân bắt cụ, cho biết, “hai chân trước của cụ chỉ còn duy nhất một móng. Gần cổ cụ có một vết rách, khắp thân mình và mai (mu rùa) xuất hiện nhiều vết xước và lở loét”.
Phó Giáo sư, TS Hà Đình Đức, người có thời gian 10 năm nghiên cứu về các loại rùa, từ rùa nước, rùa cạn, rùa mu mềm, rùa mai cứng… nêu nhận xét “Sức khoẻ của rùa hiện rất yếu, do tuổi cụ đã cao”. Vị tiến sĩ rùa cũng cho biết, “đây là rùa cụ bà”.
Tiến sĩ Bùi Quang Tề, trưởng nhóm chữa bịnh cho rùa Hồ Gươm thông báo “Sau hơn một tuần chữa trị, sức khoẻ của cụ rùa dần dần bình phục, những vết thương ngoài da sắp khỏi hẳn. Khu điều dưỡng mới của cụ rùa là một bể sắt rộng hàng trăm mét vuông, do công nhân hảng đóng tàu Sông Hồng khẩn trương thực hiện và hoàn thành cách đây hơn tuần lễ”.
3. Những ý kiến khác nhau về cụ rùa
Trước hết về danh xưng “Cụ”. Nhiều người không đồng ý gọi con rùa bằng cụ, cho rằng, cụ là những người sinh ra ông bà, cha mẹ, hoặc những nhân vật đáng kính trọng. Không có lý do gì gọi con rùa bằng cụ cả.
Một cư dân Hà Nội, ông Phạm Trường Giang, hiến kế “Đem bán cho quán nhậu là thượng sách. Dân tình đang đói khổ, thiếu lương thực, bán rẻ cho dân ăn, biết đâu còn cứu được họ một ngày”.
Trong Blog Mẹ Nấm, Như Quỳnh viết “Vì một con rùa mà phải tổ chức “hội thảo”, mời cả chuyên gia nước ngoài, rồi bao nhiêu thứ trên đời, trong khi một chuyện rất đơn giản, là làm sạch nước Hồ Gươm thì lại không làm. Chiến dịch cứu rùa chỉ có mục đích kéo sự chú ý của quần chúng vào một việc tào lao, vô bổ, để quên đi những vấn đề cần che đậy đang diễn ra trên đất nước”.
Có người cho rùa Hồ Gươm là biểu tượng của văn hoá VN, nhưng văn hoá thuộc về tinh thần, tư duy, được thể hiện ra bằng hành động. Con rùa không phải là văn hoá. Con rùa là con rùa, có sanh phải có tử, không ra ngoài quy luật đó được.
Con rùa bị bịnh là do môi trường sống bị ô nhiễm. Chính cái văn hoá xả rác nơi công cộng của người Hà Nội đã giết lần giết mòn con rùa đó. Cái gì dơ bẩn, rác rến đều tuồng ra đường, đổ xuống hồ.
Chuyện xả rác nơi công cộng, xả rác lén ngoài đường phố là thói quen của một số người Hà Nội, thậm chí tại những nơi như Hồ Gươm, người ta đến đó tham quan, ăn uống tại đó, rồi cũng vứt tất cả ngay ra đó. Các hồ tại Hà Nội cũng đều bị ô nhiễm bởi những bọc nylong, đủ thứ… bánh trái ăn xong, vứt ngay xuống hồ.
Cái văn hoá được thể hiện qua kết quả của Lễ Hội Ngàn Năm Thăng Long là những bãi rác khổng lồ.
Tóm lại, cụ rùa bị ngất ngư là do ô nhiễm nước, hậu quả của một nếp sống chưa đủ văn minh của người Hà Nội.
Nhiều người đem so sánh ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng của người Hà Nội với người dân Singapore, rồi kết luận là con người của thủ đô ngàn năm văn vật còn thua kém xa.
4. Cụ rùa bị ném đá
Nhận thấy nhà nước không quan tâm đến đời sống của nhân dân, mà bỏ nhiều công sức, tiền bạc ra để phục vụ cho con rùa, nên họ “bức xúc”. Cho nên, chiều ngày 13-3-2011, cụ rùa nổi lên mặt nước thì làm tấm bia cho những người dùng gạch đá, thẳng tay ném vào rùa. Nguồn tin báo chí như sau “Giữa lúc đảng và nhà nước đang lo lắng cho sức khoẻ của cụ rùa, thì tại Hồ Gươm, một hình ảnh vô cùng phản cảm đã diễn ra. cụ bà ốm yếu trở thành cái bùng xung hứng gạch đá của một nhóm người vô ý thức, khi cụ bà vừa nổi lên chiều ngày 13-3-2011”.
5. Dòng họ nhà rùa
Dòng họ nhà rùa có nhiều giống khác nhau, rùa đất, rùa biển, đồi mồi, ba ba…được phân biệt nhau bằng cái mai.
Rùa Hồ Gươm thuộc loại mai mềm, có tên khoa học là Rafetus, họ ba ba (Triomychidae) thuộc bộ rùa (Testudies). Rùa Hồ Gươm có 4 con, đã chết 3, trong đó 1 con bị giết làm thịt năm 1963. Rùa Hồ Gươm hiện nay nặng 169 Kg, rộng 0.8 mét, dài 1.6 m.
Rùa là một trong 10 loài thú sống lâu nhất trên thế giới. Chú rùa Harriet sống ở đảo Galapagos đã chết năm 2006 ở tuổi 175. Kỷ lục loài rùa Adwaita, là rùa khổng lồ ở đảo Galapagos “thọ” 250 tuổi.
Ở Hoa Kỳ, năm 1938, các nhà khoa học bắt được con rùa, ở trên mai mang vết đạn bắn từ thời nội chiến HK (1861-1865), lúc đó 74 tuổi. Lần khác, năm 1960, người ta bắt được con rùa trên mai có viết chữ năm 1884. Lúc đó rùa 76 tuổi.
Hoàng hậu Eugenie của Pháp, được tặng một món quà là con rùa 140 tuổi. Năm 1869, bà mang theo con rùa đến dự lễ khánh thành kinh đào Suez, Ai Cập. Chẳng may, con rùa xổng mất. Nhiều năm sau, người ta tìm thấy nó ở gần các kim tự tháp. Vua Ai Cập Farouk cho đem về nuôi trong hoàng cung. Sau đó, được đem ra vườn bách thú Cairo, năm nay nó gần 280 tuổi.
Ở nhiều nơi trên trái đất, cảnh rùa sinh sản được du khách xem như một hiện tượng lý thú. Mùa Xuân, vào độ trăng tròn, khi nước lớn, rùa biển (con vích) lên bờ, đào một cái hố cát rộng khoảng 1.5 m, sâu hơn nửa mét để đẻ trứng. Rùa đẻ chừng 150 trứng tròn bằng quả bóng bàn.
Trong khi đẻ, rùa vươn thẳng mình lên, như cố rặn, đầu ngóc cao và từ đôi mắt hiền hậu, tuôn tràn những dòng lệ. Cảnh tượng làm xúc động lòng người. Đẻ hết trứng, rùa khoả cát lấp lại, rồi ra biển đi biền biệt. Trứng rùa bị rắn ăn, rùa con mới nở bị chim mổ chết ăn thịt. Con nào sống sót thì chạy xuống biển, lại gặp nguy cơ làm mồi cho những con thú ăn thịt lớn hơn.
Đặc điểm của rùa biển (con vích) là đi đâu thì đi, cho dù ngàn dặm, cứ đến mùa đẻ trứng, thì lại trở về đúng bãi cát cũ, tiếp tục đẻ trứng. Ngư dân biết được thói quen đó, cho nên mỗi năm đến bãi cát cũ mà hốt ổ. Trứng rùa bán nhiều và rẻ ở chợ Vủng Tàu và tỉnh Côn Sơn. Một con vích lớn, phải 4 người khiêng mới nổi. Thịt vích giống như thịt bò nhưng dai và cứng hơn.
Rùa sống lâu, nên được xếp vào loại Tứ Linh: Long, Lân, Quy, Phụng. Vì thế, đến Rằm tháng bảy, người ta mua rùa đem thả vào sông, hồ, gọi là phóng sanh để cầu phước. Một con rùa có thể không ăn, không uống trong một thời gian dài mà vẫn sống.
Có nhiều người thích chơi rùa, như Dương Quá trong chuyện Thần Điêu Hiệp Lữ của Kim Dung chẳng hạn. Vì biết Dương Quá thích chơi rùa, cho nên Quách Phù ra chợ mua hết cả thúng rùa, trong lúc đó, thì Tiểu Long Nữ cũng biết Dương Quá thích rùa, nên dừng lại chỗ bà bán rùa và gặp Quách Phù, do đó, trên đường đi tìm Dương Quá, con rùa đã đưa Tiểu Long Nữ đến gặp Dương Quá đang sống với Quách Tỉnh-Hoàng Dung ở Thành Tương Dương.
6. Huyền sử Việt Nam về rùa
6.1. Thành Cổ Loa và nỏ thần
Theo truyền thuyết, vua An Dương Vương xây thành Cổ Loa mấy lần đều thất bại, xây xong thì bị sụp đổ sau một thời gian ngắn. Nhà vua lập đàn tế lễ bên bờ sông, một vị thần hiện lên cho biết, một sứ giả tên Thanh Giang sẽ đến giúp. Thời gian sau, một con rùa nổi lên, tự xưng là sứ giả Thanh Giang. Rùa giúp vua trừ yêu quái. Thành xây trong nửa tháng là xong.
Sứ giả Thanh Giang ở với vua An Dương Vương 3 năm. Trước khi ra đi, tháo móng trao tặng cho nhà vua làm lẫy nỏ. (Giống như cò súng, Trigger). Lẫy nỏ được lắp vào, thành nỏ thần, còn gọi là Nỏ Liên châu, có thể bắn nhiều mủi tên liên tiếp, được đặt tên là Linh Quang Kim Trảo Thần Nỏ. Kim trảo là móng bằng vàng. Rùa được gọi là Thần Kim Quy tức Thần Rùa Vàng.
Sách Lĩnh Nam Chích Quái viết rằng “Cứ đem nỏ ra, chỉa vào quân giặc là chúng không dám đến gần”.
Viên tướng chế ra thần nỏ tên Cao Lỗ. Cao Lỗ huấn luyện hàng vạn binh sĩ ngày đêm tập bắn nỏ. Vua An Dương Vương thưòng xem tập trận trên “Ngự xạ đài”, dấu vết ngày nay còn ở phía đông bắc ngoại thành Hà Nội.
6.2. Chuyện tình Trọng Thủy-Mỵ Châu
Năm 210 TCN (Trước Công Nguyên), Mỵ Châu là con gái duy nhất của vua An Dương Vương.
Triệu Đà là viên tướng của Tần Thủy Hoàng, đóng quân ở Quảng Đông đem quân sang xâm chiếm nước Âu Lạc, nhưng lần nào cũng bị nỏ thần đánh bại. Triệu Đà dùng kế, cho con trai là Triệu Trọng Thủy sang cầu hôn Mỵ Châu, kết thông gia với An Dương Vương.
Trong thời gian ở rể, Trọng Thủy đánh cắp được bí mật quân sự và bẻ gảy nỏ thần, thay vào một nỏ giả.
Trước khi về thăm cha mẹ, Trọng Thủy dặn vợ là khi có biến động, thì dùng lông ngổng trên áo choàng, làm dấu trên đường đi để chàng biết đường tìm vợ.
Triệu Đà phát binh. An Dương Vương thua trận, vì nỏ thần không còn hiệu lực. Nhà vua và con gái chạy về hướng nam, đến bờ biển thì cùng đường, bèn gọi thần Kim Quy lên cứu. Thần hiện lên và nói “Kẻ ngồi sau ngựa là giặc đấy”. Nhà vua quay lại thì thấy lông ngổng từ áo choàng Mỵ Châu rải xuống đất. Trước khi bị cha chém., Mỵ Châu khấn rằng “Trung tín trọn tiết, bị người đánh lừa, xin hoá thành ngọc châu để rửa thù nhục nầy”. Sau khi bị cha chém., máu loang mặt nước biển, loài trai biển nuốt vào bụng, hoá thành hạt minh châu.
Trọng Thủy đuổi theo, đến nơi thì Mỵ Châu đã chết. Thương tiếc, ôm xác vợ về chôn ở Loa Thành. Cuối cùng, quá đau buồn, nhảy xuống giếng tự tử.
6.3. Giai thoại hiện đại: Mã Quy, Quy Mã
Huyền thoại thứ hai về rùa ở Hồ Hoàn Kiếm là một giai thoại hiện đại, có liên quan đến sự phát triển của đất nước Việt Nam.
Đầu thập niên 1980, công việc cách mạng xây dựng CNXH tiến hành ạch đuội, khiến cho dân tình đói khổ, ăn bo bo dài dài, tiếng kêu than vang động thấu trời xanh. Dân miền nam nhỏ to thì thầm chửi bới đảng CSVN tan nát như cái mền rách. Đồng chí Tổng Bí Thư ê mặt quá, vì đã lỡ tuyên bố là đất nước XHCN phồn vinh thật sự, chớ không phải phồn vinh giả tạo như thời “Mỹ ngụy”. Khi lên tới XHCN thì của cải vật chất thừa mứa, mọi người làm việc theo khả năng, mà được hưởng theo nhu cầu…
Có người mách nước, là lập bàn hương án bên bờ hồ Hoàn Kiếm, xin Thần Kim Quy hiến kế. Mặc dù theo chủ nghĩa duy vật, nhưng bí quá cũng đánh liều nhờ thần thánh giúp đở xem sao.
Thế là rùa thần hiện lên. Trên lưng có bọc nylong, bên trong chỉ có 2 hình vẽ, một hình rùa, một hình con ngựa.
Cả Bộ Chính Trị họp mấy ngày mà không hiểu được ý nghĩa của 2 tấm hình. Mấy ông thầy bói mù ở địa phương chỉ biết sờ mu rùa, lắc mấy đồng tiền xủ quẻ, cho nên vô dụng. Tình hình có vẻ tuyệt vọng. May thay, có một phu nhân trong Bộ, vốn là thân chủ thường trực của nhà tướng số Huỳnh Liên ở Sài Gòn, đề nghị mời thầy ra giải đáp huyền cơ trong đó.
Thế là một “chuyên cơ khẩn trương, triển khai nghị quyết, tiến hành” trực chỉ Sài gòn, nghiêm túc thỉnh thầy Huỳnh, một chiêm tinh gia danh tiếng lẫy lừng. Nhà tướng số quanh năm chỉ coi các việc cầu gia đạo, tình duyên, thời vận xui xẻo đến mức độ nào, sống hay chết, chớ không còn có dịp may trong kinh doanh hay phất lên trong lúc đánh tư sản và quốc doanh hoá các thứ. Việc chính trị kinh tế, vận nước rất to tát ngoài kiến thức của thầy.
Nhưng nhờ nhanh trí, thầy đặt tấm hình con ngựa trước, tiếp theo là hình con rùa.
Con ngựa chữ Hán là Mã. Con rùa chữ Hán là Quy. Như thế đọc là Mã-Quy, nói láy lại là Mỹ qua. À, thế thì chỉ có Mỹ qua thì vận nước mới đổi thay, cụ thể là dân không còn ăn bo bo nữa.
Tướng Võ Nguyên Giáp lắc đầu lia lịa. Quân đội nhân dân anh hùng vừa đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào, thì làm thế nào mà mời Mỹ trở qua cho được. Gọi Mỹ qua còn khó hơn lên trời nữa. Cho dù có dùng phương pháp của Tiết Đinh San đi cầu Phàn Lê Hoa, là nhất bộ tam bái đi nữa, cũng khó thành công. Kế nầy của thần rùa không thể triển khai hành động được. Lại bế tắt.
Cũng do kinh nghiệm tháo vát, chiêm tinh gia họ Huỳnh đổi vị trí của 2 tấm hình, rùa trước, ngựa sau, đọc là Quy Mã, nói láy là Qua Mỹ. Kế nầy khả thi.
Thế là Thủ tướng Phan Văn Khải chuẩn bị lên đường. Thế nhưng đường đi không khó vì ngăn sông cách biển, mà khó vì lòng người không thích chủ nghĩa độc tài, cho nên cuộc hành trình cũng gần giống như Tam Tạng đi thỉnh kinh vậy. Đó là, phái đoàn phải lấm lét chui vào cửa hông, thụt thò ra ngỏ hậu môn. Có lúc phải chạy sút quần mà chẳng thoát. Vô phúc cho vị Phó chủ tịch Văn phòng Thủ tướng tên Nguyễn Quốc Huy đã bị anh Lê Phước Tuấn xử dụng Hàn Long Thập bát chưởng đánh cho phù mỏ, sưng vù và bầm tím mặt mày trước khách sạn Willard ở WA D.C. ngày 21-6-2005. Anh Tuấn bị toà án HK kết tội đả thương trí mạng.
Sau đó, Hà Nội trải thảm đỏ mời Mỹ qua. Tổng thống Bush bước chân trở lại mảnh đất Việt Nam, làm cho các thương phế binh bị ăn đạn Mỹ phiền lòng không ít. Kể như chiến công của họ tan tành theo mây khói, chả còn ý nghĩa gì nữa. Đế quốc Mỹ không còn là kẻ thù của nhân dân ta nữa.
Một kỷ nguyên mới ra đời, người dân không còn ăn độn nữa. Thần Kim Quy hiển linh vô cùng. Có lẻ từ đó, con rùa nầy được gọi bằng Cụ hổng chừng.
7* Các làng ung thư ở Việt Nam
Những chất độc hại do những nhà máy thải ra, không được “xử lý” hợp lý, đã gây tai hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người dân trong vùng phụ cận. Làng ung thư Thạch Sơn là một điển hình.
7.1. Làng ung thư Thạch Sơn
Xã Thạch Sơn thuộc huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, là “Làng ung thư” có người chết nhiều nhất ở Việt Nam. Xã có 1,848 hộ dân với 7,500 nhân khẩu. Từ năm 1991 đến 2005, đã có 304 người chết, trong đó 106 người bị ung thư.
- 9 gia đình chết cả vợ và chồng
- 7 gia đình chết cả bố mẹ và con
- 3 gia đình chết từ 3 người trở lên.
Những cái chết do ung thư gan, vòm họng, dạ dày, ngoài ra còn nhiều chứng bịnh khác như bịnh ngoài da, răng miệng, hô hấp, viêm cuống phổi, viêm họng.
Ngày 4-4-2011, một bài viết trên báo trong nước đưa tin:
Năm 2010: 49 người ở Thạch Sơn bị ung thư, 17 người chết.
Năm 2011: Thêm 34 người phát hiện bị ung thư, trong đó, 10 người từ 10 đến 48 tuổi. Đó là chưa kể đến những người chưa đi xét nghiệm.
7.1.1. Những nhà máy trong xã Thạch Sơn
- Nhà máy Super Phốt Phát và hoá chất Lâm Thao
- Nhà máy Pin Accu Vĩnh Phú
- 100 lò gạch
Nguyên nhân gây bịnh là, không khí, đất, nước mặt, nước ngầm bị nhiễm chất độc hoá học.
Không khí
Chất thải công nghiệp từ hai nhà máy và 100 lò gạch như SO2, SO3, Chì, H2S, NH3, HCl, HF, NO2, hàm lượng quá mức cho phép 64 lần.
Chất độc lan ra trong không khí, theo gió bao phủ các hộ dân. Mùi hôi thúi của nhà máy giấy Bãi Bằng, xả nước thải ra sông Hồng, đầy khí H2S. Những khi mưa lớn, mùi hoá chất nồng nặc xông lên, mọi người bần thần khó chịu, chảy nước mắt nước mũi. Trẻ em được đưa tới trạm y tế vì khó thở, viêm họng.
Bụi hô hấp
Khí HF vượt nồng độ 64 lần.
Nước
Nước uống, nước sinh hoạt nhiễm acid. Nước màu đỏ, có mùi hoá chất, khi đun sôi, một lớp bụi đen đóng dưới đáy ấm. Cá tôm còi cọc và chết hàng loạt.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Dần, thuộc Viện đào tạo y học dự phòng và y tế công cộng cho biết, năm 1984, một nhóm sinh viên y khoa đã đến Thạch Sơn ăn ở một thời gian dài đã ghi nhận và đúc kết những số liệu như trên.
7.1.2. Tiếng kêu cứu trong tuyệt vọng
Ngày 13-2-2011, tin báo chí cho biết, căn bịnh quái ác vẫn còn đang hoành hành ở Thạch Sơn. Hiện tại, có 50 người mắc ung thư và 7 người đang chờ chết.
Công ty Super Phốt Phát và Hoá Chất Lâm Thao nằm song song với khu dân cư đông đúc, gồm cả trường tiểu học Thạch Sơn, khói phát ra kinh khủng. Khói nhà máy đã độc hại rồi, mới đây lại còn xây thêm nhà máy phân lân, mùi phân thoát ra không chịu nổi. Cây cối héo úa rồi chết, trẻ con đi học phải mang khẩu trang. Nhiều ông chủ lò gạch đã về chầu diêm chúa vì bịnh ung thư.
Người dân đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương mà không thấy trả lời trả vốn gì cả.
Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc Hội cho biết, chuyện Thạch Sơn đã được đưa ra từ QH khóa trước *(Mỗi khoá 5 năm), nhưng tới nay chưa nghe nói có biện pháp cụ thể, thiết thực nào cả”.
Ra ngỏ gặp ung thư
Trước kia, trong chiến tranh, anh ùng diệt Mỹ lềnh khênh, cho nên có câu nói “ra ngỏ gặp anh hùng”. Thế nhưng bây giờ, thì “ra ngỏ gặp ung thư” Có xóm hàng chục gia đình chết vì ung thư, có tên là “xóm chết chóc”.
Việt Nam mỗi năm có 75,000 người chết vì ung thư.
Ngoài nổi lo về bịnh tật, hao tiền tốn của, các thiếu nữ ở đó còn có nổi lo ế chồng. Khó lấy chồng vì mang tiếng là người của đất ung thư.
Em bé Hoàng Văn Vinh, học lớp 4, đang đếm sự sống của mình qua từng ngày. Trần Thị Hằng, 10 tuổi đang bị ung thư máu và người chị cùng bịnh đã qua đời năm vừa qua.
Éo le của gia đình ông Nguyễn Công Năng
Bà vợ ông Năng sinh 4 con. Khi đứa con út 2 tuổi thì bà qua đời vì ung thư gan, bỏ lại 4 đứa con côi cút. Nhưng tai hoạ lại giáng xuống. Người con trai đầu, Nguyễn Công Thành qua đời vì ung thư gan, bỏ lại vợ goá và 4 con. Vành khăn tang chưa kịp gở xuống, thì đứa con thứ hai, Nguyễn Công Bình cũng chết vì ung thư. Hai cái tang liên tiếp, mồ chưa xanh cỏ, thì đứa con thứ ba, Nguyễn Thị Minh cũng bước theo hai anh xuống mồ.
Một sự thật đau lòng
Ông Quản Văn H., ung thư ở giai đoạn cuối, nghĩ rằng đằng nào mình cũng chết, nghe lời người khác, ăn gan cóc cầu may. Ông bắt nhiều cóc, mổ lấy gan, rồi đến cổng bịnh viện TP Việt Trì mà ăn gan cóc sống. Cho rằng, chẳng may bị trúng độc, thì được đưa ngay vào phòng cứu cấp. Sự thật đau lòng là thế, mà chẳng có ai quan tâm.
Người dân Thạch Sơn đang sống trong lo âu, đau khổ trong bịnh tật, chết lần chết mòn trong tuyệt vọng, trong khi nhà nước mở hội nghị, bỏ tiền ra chữa bịnh cho cụ rùa, thật là con người Việt Nam đôi khi còn thua một con vật nữa.
8* Sông Thị Vải bị người Tàu giết chết
Công ty Vedan đã xả nước thải có chứa hoá chất độc hại xuống sông Thị Vải từ năm 1994 đến năm 2008, đã làm cho nước sông biến thành màu đen như nhớt máy nhiều năm chưa thay, mùi hôi thối bốc lên, đã tạo ra ô nhiễm trầm trọng, môi trường bị tàn phá nặng nề, đời sống người dân trong khu vực bị đe dọa nghiêm trọng. Thế mà chính quyền để cho kéo dài suốt 14 năm tàn phá vô tội vạ.
8.1. Sông Thị Vải
Sông Thị Vải bắt nguồn từ huyện Long Thành, chảy theo hướng đông nam, qua huyện Nhơn Trạch, Tân Thành rồi đổi hướng về phía nam, chảy ra biển ở Vịnh Gành Rái.
Sông dài 76 Km. Đoạn chảy theo hướng nam, làm ranh giới thiên nhiên giữa 2 huyện Nhơn Trạch (thuộc Sài Gòn) và huyện Tân Thành (thuộc tỉnh Bà Rịa-Vủng Tàu).
Con sông bị ô nhiễm nặng nên gọi là sông chết. Một trong những công ty gây ô nhiễm là Vedan.
8.2. Công ty Vedan
Vedan Việt Nam là một công ty thuộc Tập đoàn Vedan Đài Loan. Vedan VN là một trong 3 công ty ngoại quốc lớn nhất VN, với số vốn đầu tư 100% của ngoại quốc, trị giá 422 triệu USD.
Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị: Dương Đầu Hùng
Phó chủ tịch: Dương Khôn Tường
Địa chỉ: Quốc lộ 51. Ấp 1.A, xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Năm 1991, Tập đoàn Vedan Đài Loan triển khai dự án trên diện tích 120 hecta tại xã Phước Thái, Long Thành, Đồng Nai, đã biến vùng đất xanh tươi thành khu công nghiệp Gò Dầu. Đồng thời đã biến sông Thị Vải thành con sông chết, do xả nước thải ra sông mỗi ngày 5,000 mét khối trong suốt 14 năm liền.
Cơ sở Vedan tập trung nhiều nhà máy: nhà máy sản xuất Soud Acid, nhà máy bột ngọt, nhà máy tinh bột nước đường, nhà máy biến đổi tinh bột, nhà máy Lysine, nhà máy phát điện và hơi. Một hệ thống xử lý nước thải, hệ thống giao thông chuyên dụng. Các khu: hành chánh, sinh hoạt, giải trí.
Số lượng nhân viên là 2,700 người. Thị trường của Vedan là Trung Cộng, Nhật, Đài Loan và các nước Đông Nam Á.
8.2.1. Tác hại
Từ tháng 10 năm 1994 đến tháng 3 năm 1995, người dân các huyện trong khu vực ảnh hưởng đã nhiều lần kêu cứu vì ô nhiễm làm chết hết tôm cá.
- 5,853 hộ dân bị thiệt hại do công ty Vedan xả nước thải
- 2,600 hecta nuôi trồng thủy hải sản bị ảnh hưởng
Dòng sông nhiều tôm cá, nguồn sống vô tận bao đời, bổng nhiện cạn kiệt sức sống và đã chết. Sông Thị Vải bị ô nhiễm, bong bóng trắng xoá nổi trên mặt nước đen ngòm, mùi hôi thối xông lên nồng nặc, bà con huyện Cần Giờ lâm vào cảnh dở sống dở chết.
Sự việc nổ tung khi một số tàu của Nhật cương quyết không chịu bỏ neo đậu ở cảng Thị Vải, vì sợ nước độc ăn mòn thân tàu. Chừng đó, các cơ quan có trách nhiệm mới phát hoảng.
Thế là công an môi trường C36, phối hợp với Bộ Tài Nguyên và Môi Trường (TN&MT) mở cuộc điều tra. Sau 3 tháng theo dõi, ngày 13-9-2008 đã bắt quả tang, Vedan đang xả trực tiếp nước thải ra sông. Mẫu chứa chất độc vượt mức cho phép lên tới 3,675 lần.
Cơ quan điều tra đúc kết 10 vi phạm, tóm tắt như sau: xả nước thải không qua khâu xử lý, không nạp đầy đủ các số liệu trong báo cáo, không đăng ký cam kết bảo vệ môi trường, báo cáo láo, thải nước mùi hôi thối…
Ngày 6-10-2008, Chánh thanh tra Bộ TN&MT ra quyết định phạt hành chánh số tiền là 267.5 triệu đồng VN. Buộc Vedan truy nạp 127 tỷ đồng VN về phí bảo vệ môi trường.
Một câu hỏi khó trả lời.
Tại kỳ họp thứ 6 QH Khoá XI, các đại biểu chất vấn Bộ trưởng TN&MT Phạm Khôi Nguyên về trách nhiệm quản lý. Câu hỏi khó trả lời:
“Tại sao Vedan vi phạm ô nhiễm suốt 14 năm, cho đến nổi nước sông trở thành màu đen mà Bộ TN&MT chả thấy làm gì cả?” Ai tiếp tay cho Vedan giết chết sông Thị Vải?
Dân chúng nổi giận
Công ty Vedan đã nhận được 3 giải thưởng về “Thành tích bảo vệ môi trường”, “An toàn sức khỏe công cộng”…
Vụ việc bị phanh phui. Thủ trưởng cơ quan đổ thừa là do nhân viên đánh máy nhầm, và ông Phó cục trưởng Vệ Sinh An Toàn Thực phẩm Hoàng Thủy Tiến bị đình chỉ chức vụ. Tại sao thư ký đánh máy nhầm, mà Phó cục trưởng bị cách chức? Nếu quy trách nhiệm, thì phải là Cục trưởng chứ.
Vedan đã bỏ ra 100 triệu để mua 3 giải thưởng. Một Giám đốc xác nhận việc mua giải thưởng như sau. Giải thưởng thì giá nào cũng có, từ 10 triệu đến 15 triệu đồng, phổ biến là 20 triệu.
Giáo sư TS Lê Huy Bá nhận định, Chất thải của Vedan gây ô nhiễm hữu cơ rất lớn. Làm mất lượng Oxy tan trong nước, khiến cho các loài thủy sản không sống được. Người tiếp xúc mắc bịnh về hô hấp, thần kinh do mùi hôi thúi.
Báo chí đưa tin, suốt 14 năm, đã có hàng chục đoàn thanh tra, nhưng Vedan chỉ bị nhắc nhở và phạt hành chánh 2 lần, mỗi lần 30 triệu.
Ngày 16-9-2008, ông Hoàng Văn Tống, Chi cục trưởng bảo vệ môi trường thuộc sở TN&MT Đồng Nai khẳng định, Vedan đã từng bị phạt 4 lần, với tổng số tiền là 23 triệu đồng. Lần sau cùng vào tháng 7 năm 2005, bị phạt 9 triệu.
Nhưng vì có “bửu bối” và người chống lưng, cho nên Vedan tiếp tục giết con sông Thị Vải cho đến hơi thở cuối cùng.
8.2.2. Đề nghị rút giấy phép hoạt động
Thanh tra Bộ TN&MT đề nghị rút giấy phép hoạt động của Vedan, nhưng UBND tỉnh Đồng Nai không đồng ý, và tuyên bố sẽ làm tờ trình lên Thủ tướng. Công An Đồng Nai tuyên bố, không khởi tố hình sự.
Giữa trung ương và địa phương nổ ra một trận giặc pháp lý, không ai thắng ai, và Vedan vẫn ung dung tự tại.
9* Kết
Các quốc gia trên con đường công nghiệp hoá không thể tránh được tác hại của ô nhiễm môi sinh, nhưng sự tác hại ở mức thấp và nhất là không có tham nhũng chen vào, làm quá mức như vụ bức tử con sông Thị Vải ở Đồng Nai chẳng hạn.
Người có lương tâm hoặc một nhà nước phục vụ cho dân, không thể nào nhẩn tâm giết hại đồng bào của mình như thế được.
Chính đảng Cộng Sản Việt Nam đã rước bọn gian thương người Tàu vào làm hại dân tộc và đất nước Việt Nam. Tội ác rõ ràng, không thể chối cãi được!
Trúc Giang
Ngày 23-11-2011
0 comments:
Post a Comment