Tuesday, November 8, 2011

Tổng thống Obama mang cam kết về kinh tế, an ninh đến Châu Á-Thái Bình Dương

Trong tuần này, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama lên đường đi Hawaii, nơi ông sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác châu Á Thái Bình Dương, tức APEC, tổ chức được thành lập vào năm 1989 để cải thiện hợp tác kinh tế và tự do hóa mậu dịch giữa các quốc gia thành viên. Theo thông tín viên VOA Dan Robinson, ông Obama đem theo những lời cam kết về kinh tế và an ninh trong chuyến đi 9 ngày, trong đó ông còn ghé qua Australia và dự cuộc họp thượng đỉnh Đông Á ở Bali, Indonesia.

Dan Robinson | Tòa Bạch Ốc

Hình: AP. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama phát biểu tại Vườn Hồng Tòa Bạch Ốc, ngày 7/11/2011

Lần cuối 21 nhà lãnh đạo trong khối APEC tề tựu ở Hoa Kỳ là vào năm 1993, khi cựu Tổng thống Bill Clinton chủ trì cuộc họp ở thành phố Seattle.

Cuộc họp thượng đỉnh lần này diễn ra vào lúc Tổng thống Barack Obama tiếp tục các nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế Hoa Kỳ thoát ra khỏi cuộc suy thoái và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của mậu dịch tự do trong việc giúp tạo dựng công ăn việc làm và sự thách thức cạnh tranh từ phía các nền kinh tế Á Châu, nhất là Trung Quốc.

Ông Ernest Bower thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Sách lược cho hay ông Obama cũng sẽ gửi một thông điệp cho người dân Mỹ trong nước.

Ông Bower nói: “Tổng thống cần phải bênh vực cho lập trường rằng nếu chúng ta muốn thoát ra khỏi cuộc suy thoái kinh tế, thì châu Á là một phần của câu trả lời, và trở lại chiếm ưu thế về mậu dịch sẽ dứt khoát là điều chủ yếu.”

Từ hơn 1 thập niên, APEC đã tìm cách xây dựng một khu vực tự do mậu dịch rộng lớn ở Châu Á Thái Bình Dương. Nhưng Hoa Kỳ và 8 thành viên khác của APEC dự trù sẽ loan báo một thỏa thuận khung cho một nhóm mậu dịch nhỏ hơn, đó là nhóm Đối tác Xuyên Thái Bình Dương.

Trung Quốc đã bầy tỏ quan ngại về nhóm mậu dịch này. Sau đây là ý kiến của chuyên gia phân tích Michael Green, cũng thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Sách lược:

Ông Green nói: “Cho dù APEC không phải là một tổ chức thương nghị về mậu dịch, đây chính là khung sườn thích hợp để các nước xúc tiến với cấu trúc mậu dịch xuyên Thái Bình Dương vào một thời điểm mà nhiều nước ở châu Á nói rằng chúng ta nên có một cấu chỉ bao gồm có Đông Á mà thôi.”

Mối quan hệ kinh tế và an ninh phức tạp với Trung Quốc, kể cả những vụ kình chống về biển Nam Trung Quốc, là một bối cảnh cho các chuyến du hành của ông Obama.

Trước APEC, các giới chức Hoa Kỳ đã đi thăm khu vực, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta, và Thứ trưởng Ngoại giao William Burns. Ông Burns nêu nhận định:

Ông Burns nói: “Trong một mối quan hệ phức tạp như thế này, thì xung đột và hợp tác đều là những điều không thể tránh khỏi. Vì vai trò của Trung Quốc trong các vấn đề thế giới gia tăng, giữ cho mối quan hệ đi theo một hướng xây dựng sẽ là một thách thức quyết định cho cả hai bên.”

Ông Bower, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Sách lược, nói rằng những cam kết về an ninh của Hoa Kỳ đối với khu vực là bối cảnh cho chuyến đi Australia của ông Obama, giúp mở rộng sự tiếp cận của quân đội Hoa Kỳ.

Ông Bower giải thích: “Sự hiện diện về an ninh của Hoa Kỳ rất được hoan nghênh để tạo thế quân bình cho điều mà nhiều người nhận thấy là thái độ hung hăng của Trung Quốc hồi gần đây, nhất là trong vùng biển Nam Trung Quốc, và cả ở quần đảo Senkaku, hay Điếu Ngư ở phía bắc.”

Chuyến đi của Tổng thống Obama diễn ra vào một thời điểm quan trọng trong nước, vào lúc sắp tới kỳ hạn ngày 23 tháng 11 để một ủy ban quốc hội đồng ý về việc cắt giảm 1,2 ngàn tỷ đôla ngân sách dự chi của chính phủ.

Quyết định đó, hoặc sự thất bại không đạt được một thỏa hiệp, sẽ có những ảnh hưởng sâu rộng và sẽ được theo dõi sát bởi các nhà lãnh đạo Châu Á Thái Bình Dương mà ông Obama sẽ gặp trong chuyến đi của ông.

0 comments:

Powered By Blogger