- Bs Thú y Nguyễn Thượng Chánh
Chuyện thịt mèo, thịt chó là một vấn đề nhạy cảm và cấm kỵ trong xã hội Âu Mỹ.
Do Thái giáo và Hồi giáo cấm ăn thịt chó và thịt mèo.
* * *
Có thể nói chó là loài vật gần gũi nhất với chúng ta và đồng thời cũng là bạn đồng hành lâu đời nhất của nhân loại. Tuy được xem là bạn, nhưng loài người đâu phải lúc nào cũng chơi đẹp với loài chó đâu. Sự phân biệt đối xử này cũng còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như hoàn cảnh kinh tế gia đình cũng như phong tục tập quán của từng quốc gia riêng biệt. Đối với người Tây phương, chó mèo là những con vật rất được quý trọng và đồng thời cũng được xem như là thành viên trong gia đình. Chúng ta không thể nào bắt chúng phải xuống cấp ngang hàng bằng con heo, con bò và con gà con vịt để làm thịt được.
Ăn thịt chó và thịt mèo là vấn đề tối kỵ đối với họ. Họ xem việc này là một hành động dã man, kém văn minh. Biết rằng mỗi quốc gia đều có nền văn hóa và tập tục ăn uống riêng biệt cho nên chúng ta không nên phán xét ai đúng ai sai. Người ta tự hỏi liệu các quốc gia siêu cường Âu Mỹ có quyền đem áp đặt nét văn hóa ẩm thực của họ vào các quốc gia khác hay không?
(Examiner.com: Eating dog meat: wrong or not? - Los Angeles LA | Examiner.com http://www.examiner.com/la-in-los-angeles/eating-dog-meat-wrong-or-not#ixzz1M2wHwG3y)
Tại Á Châu trong đó có Việt Nam, việc ăn thịt chó và thịt mèo là chuyện thường tình. Vật dưỡng nhân mà. Tuy nói vậy nhưng không phải ai ai cũng đều ăn thịt chó, thịt mèo.
Chuyện ăn thịt mèo tại Hoa Kỳ
Vào một ngày tháng 08/2010, Gary Korkuc 51 tuổi, một cư dân Cheektowaga ở New York, bị cảnh sát chận lại vì vượt bảng Stop tại một giao lộ. Khi đến gần xe, nhân viên cảnh sát nghe tiếng động lạ thường phát ra từ trong thùng xe phía sau. Mở ra, họ thấy một con mèo trắng đen bị nhốt trong lồng, toàn thân bị phủ đầy dầu ăn, muối và bột ớt đỏ. Mèo có vẻ đau đớn, khó chịu nên không ngớt kêu meo meo rất ư là thảm thiết.
Gary Korkuc nói bừa rằng anh ta chán ghét con vật này quá nên có ý định cho nó vô nồi. Anh ta bị lập biên bản đưa ra tòa vì tội hành hạ ác độc với thú vật (animal cruelty) như ướp dầu, muối, ớt bột và nhốt mèo trong thùng xe ngột ngạt nóng bức.
Con vật sau đó được giao cho hội bảo vệ súc vật địa phương. May mắn thay, sau đó nó đã được một người hảo tâm nhận về nuôi.
Riêng anh chàng Gary Korkuc đã bị đưa ra Tòa án Buffalo ngày 26/01/2011 để được xét xử. May phước cho anh ta, tòa chỉ phạt anh ta 70$ về tội vi phạm luật giao thông nhưng tha bổng anh ta về tội hành hạ súc vật nhờ anh ta đã khai là con mèo đã chạy trong bếp làm đổ dầu lên người (?)
Một câu chuyện lẽ ra không đáng gì nếu ở Việt Nam, nhưng tại Hoa Kỳ thì khác. Báo chí có khuynh hướng thổi phồng câu chuyện. Rất nhiều người đã phản hồi trên mạng internet là họ không đồng ý với phán quyết của Tòa án Buffalo.
Tại Mỹ, làm mèo làm chó quả cũng sướng thật.
* Tại New York, luật lệ rất gắt gao đối với vấn đề hành hạ súc vật.
Không ai có quyền giết chó hay mèo để lấy thịt dùng làm thực phẩm cho người hay cho thú vật, nhưng luật lại không nói rõ điểm mình có quyền ăn thịt chó hay thịt mèo hay không.
http://law.justia.com/newyork/codes/2006/agriculture-markets/agm096-d_96-d.html
* California thì còn khó hơn cả New York.
Không những cấm giết chó mèo để bán thịt mà còn cấm lưu trữ hay sở hữu thịt chó, thịt mèo. Có nghĩa là mình không có quyền mua thịt mèo, thịt chó từ người khác để ăn.
* Missouri có vẻ rộng rãi hơn về vấn đề thịt chó, thịt mèo, ngoại trừ trường hợp giết chúng một cách quá tàn nhẫn.
* Virginia cấm giết thú vật một cách vô ích, ngoại trừ trong các sinh hoạt nông nghiệp (?). Vậy giết mèo để đánh chén có thể bị đưa ra tòa vì mèo là thú kiểng và không nằm trong nhóm thú được nuôi để lấy thịt.
Tình hình thịt chó và thịt mèo tại Hoa Kỳ
Nói chung, người Mỹ họ đại kỵ cái món này. Chỉ cần nghe kể đến việc ăn thịt chó thịt mèo không thôi cũng đủ làm họ kinh tởm. Họ sẽ nhìn người kể như nhìn một kẻ man rợ. Chuyện người Việt ở Mỹ ăn thịt chó vẫn thỉnh thoảng được nghe nói đến, thậm chí còn có chuyện người về Việt Nam chơi lúc trở qua lén đem theo một vài ký thịt chó đã được luộc chín để lai rai với bạn bè. Nên nhớ, luật Hoa Kỳ và Canada cấm ngặt việc du khách đem thịt thà (dù đã được nấu chín hay đã được chế biến rồi) khi nhập cảnh.
Cách nay không lâu, tác giả có đọc được trong báo Sóng Thần bài viết về một gia đình người Việt tại Hoa Kỳ trữ trong tủ đông lạnh thịt chó còn nguyên đầu. Chủ nhà cho biết họ mua từ bạn bè là chủ nông trại và có nuôi nhiều chó để giữ nhà. Muốn làm thịt lúc nào mà chẳng được.
Nói chung, trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ, chẳng hạn như Missouri, vấn đề ăn thịt chó mèo có hợp pháp hay không đều được căn cứ trên những điều khoản của bộ luật cấm hành hạ súc vật cũng như cách diễn giải của quan tòa.
Năm 1979, Bs Thú y Calwin Schwabe cho biết ngày xưa thịt chó cũng thấy được ăn tại Hawaii. Thịt chó có phẩm chất cao hơn thịt heo và thịt gà. Một số bộ lạc da đỏ ở Hoa Kỳ cũng có tập tục ăn thịt chó.
Tình hình tại Canada
Nhìn chung, Canada cũng không khác gì hơn Hoa Kỳ. Dân Canada không ăn thịt chó thịt mèo và xem đó là một vấn đề cấm kỵ. Luật bảo vệ thú hoang dã (Canada's Wildlife Act) cấm bán các loại thịt thú rừng. Nhưng không có điều luật nào nói đến việc cấm ăn thịt chó và thịt mèo cả.
Năm 2003, inspectors đã phát giác bốn quầy thịt chó đông lạnh trong một nhà hàng Tàu tại thành phố Edmonton, Alberta. Nhưng sau đó họ xác nhận lại đó là chó rừng (coyotes) hay chó sói (wolves) chớ không phải là chó nhà.
Cơ quan Kiểm tra Thực phẩm Canada (CFIA) nói rằng không có gì sai luật trong việc bán và ăn thịt chó (và các loại thú cùng loài với chó) nếu chúng đã được các inspectors kiểm soát lúc hạ thịt.
Tại Pháp
Người Pháp không ăn thịt chó, thịt mèo. Không thấy có luật lệ nào cấm ăn thịt chó, thịt mèo cả. Ăn thịt mèo cũng không phải là chuyện gì quá mới mẻ tại một số vùng nông thôn Âu châu. Nhưng có luật cấm bán thịt chó và thịt mèo. Nói chung, các quốc gia Âu châu rất dị ứng với việc ăn thịt chó và thịt mèo, nhưng ngày xưa tại một số vùng nông thôn ở đây hai loại thịt này cũng không phải xa lạ gì đối với một số người.
Các cuộc khai quật khảo cổ cho biết tổ tiên của người Pháp, dân Gaulois cách nay chừng vài ngàn năm, lúc khan hiếm lương thực cũng phải ăn thịt chó để sống.
Trong chiến tranh Pháp-Phổ (Prussia), thành phố Paris bị địch quân vây hãm trong vòng 5 tháng (09/1870 - 01/1871). Dân chúng cũng phải giết chó, giết mèo để ăn cầm hơi. Nhưng rồi Paris cũng phải thất thủ.
Năm 1910, tại Paris cũng thấy có tiệm bán thịt chó.
Nhưng dù cho bất kỳ loại vật nào đi nữa, chúng ta cũng không có quyền hành hạ. Nếu cần phải giết chúng thì phải giết một cách nhân đạo, không gây đau đớn vô ích lúc làm thịt (?).
Tại Úc châu
Cũng như hầu hết các quốc gia Tây phương, Úc châu cấm giết chó mèo để bán thịt.
Nhưng đặc biệt, Úc lại phải đương đầu với hàng triệu mèo hoang (feral cat). Chúng cắn giết chim chóc và các loài động vật nhỏ và các loài bò sát như rắn mối v.v... Chúng tàn phá môi sinh và làm thay đổi sinh thái. Mèo hoang là những thú hậu sinh của hàng ngàn mèo theo di dân đem vào Úc châu vào thế kỷ thứ 19. Một số không ít được thả trong các hầm mỏ vàng nhằm để diệt chuột. Số thú này thoát vào rừng và sanh sôi nảy nở thêm theo năm tháng. Đến nay số mèo hoang lên đến hàng triệu con và chúng trở thành một hiểm họa cho cả nước Úc. Không có cách nào có thể tiêu diệt hết chúng được.
Năm 2007, cuộc thi nấu thịt mèo đã được tổ chức rầm rộ tại thành phố Alice Springs, thuộc miền Bắc của Úc châu, nhằm mục đích quảng bá sáng kiến giải quyết vấn đề mèo hoang. Ý kiến được đề ra là nên cho chúng vô nồi để biến thành món ăn.
Rất nhiều tổ chức bảo vệ thú vật chống đối kịch liệt phương pháp này.
Tại Thụy Sĩ
Ở nhiều vùng của Thụy Sĩ như Appenzell và St Gallen người dân cũng có tập tục ăn thịt chó. Thụy Sĩ cấm bán thịt mèo nhưng không thấy có luật cấm ăn. Dân vùng Suisse Romande (vùng nói tiếng Pháp) nghe nói ngày xưa cũng ăn thịt mèo mà người ta đặt cho cái tên là “thỏ nóc nhà” (roof rabbit). Tuy bị nhóm bảo vệ thú vật Âu châu chống đối dữ dội nhưng chánh quyền Thụy Sĩ không can thiệp vì không muốn xen vào thói quen và tập quán ăn uống của người dân.
Tại Đức
Dưới triều đại của Frederick The Great (1712-1786), vua nước Phổ (tiền thân của nước Đức ngày nay), người dân thường phải ăn thịt chó mỗi khi tình thế khó khăn vì chiến tranh. Thuở đó họ gọi thịt chó là “thịt trừu lúc bị vây hãm” (blockade mutton).
Thịt mèo cũng rất được dân Âu châu chiếu cố trong những giai đoạn khó khăn của hai trận thế chiến.
Tại Ý
Ngày nay, Ý cấm bán thịt chó và thịt mèo.
Nhưng ngày xưa tại nhiều vùng nông thôn phía Bắc, người dân Ý cũng thường ăn thịt mèo. Trong thập niên 1930-1940, tình hình chiến tranh và kinh tế vô cùng khó khăn nên dân Ý cũng như một số dân các nước Âu châu cũng phải ăn thịt mèo để sống còn.
Tháng 02/2010, Beppe Bigazzi, một người chuyên giới thiệu chương trình nấu ăn The Cook's Challenge rất nổi tiếng trên TV Tuscany. Ông ta lỡ mồm dại miệng đề cao thịt mèo một cách quá lố. Theo ông ta, muốn có món thịt mèo mềm và ngon, thì phải nhúng nước con vật liên tục trong vòng ba ngày. Cách nấu thịt mèo có một không hai này đã tạo nên luồng sóng căm phẫn phản đối khắp cả nước Ý.
Người viết tự hỏi có phải ông ta đã chôm kiểu giết mèo của dân nhậu Việt Nam là trấn nước cho con mèo ngộp thở đến chết không?
Đài TV mà ông đã cộng tác từ chục năm qua bắt buộc phải “cám ơn” ông và cho ông nghỉ việc ngay lập tức.
Tại Ba Lan
Tại nông thôn Ba Lan, người dân không ăn thịt chó nhưng họ lại sử dụng mỡ chó trong trị liệu, đặc biệt cho các vấn đề về phổi. Năm 2009, một xì-căn-đan đã xảy ra tại một nông trại gần Czestochowa. Đó là trại chuyên nuôi chó để lấy mỡ làm thuốc (theo Wikipedia).
Bán thịt chó và thịt mèo qua mạng, chuyện dỏm
Tác giả thấy trên internet có trang Kitty Beef.com Premium online cat butchery. Theo quảng cáo, họ là nhà phân phối thịt chó thịt mèo lớn nhất thế giới. Có mặt ngay tại Hoa Kỳ. Có 4 trại nuôi mèo thả rong. Thịt mèo thượng phẩm được gởi bán trên 10 quốc gia.
Theo tổ chức bảo vệ thú vật (People for the Ethical Treatment of Animal hay Peta), hai trang rao bán thịt chó và thịt mèo, PuffyBeef.com và KittyBeef.com, là dỏm. Tin họ là bán lúa giống đó.
Món “chó nóng” nhưng không có gì là chó hết
Chó nóng (hot dog) là tên một món ăn rất phổ thông và rất quen thuộc tại Bắc Mỹ và Âu châu. Có nhiều người di dân lúc ban đầu lầm tưởng nó được làm từ thịt chó.
Cũng có người nghĩ hot dog ám chỉ cây súng đỏ hoét của con chó đực lúc lâm trận. Thật ra, không phải thế. Danh từ hot dog cũng chỉ mới xuất hiện từ 100 năm nay mà thôi.
Hot dog là một món ăn rất bình dân tại Bắc Mỹ. Đây là một loại saucisse nhỏ mềm dài như lạp xưởng và được làm từ thịt heo, bò, gà v.v... Tuyệt nhiên không có thịt chó trong đó vì loại thịt này bị nghiêm cấm tại Bắc Mỹ và Âu châu. Chiên, nướng, hoặc hấp cho chín, nhét vào giữa ổ bánh mì mềm dài cỡ một gang tay, trét lên một chút moutarde, ketchup, thêm một hai muỗng relish gồm dưa leo và củ hành xắt nhỏ chua ngọt, thế là xong. Danh từ hot dog thật sự đã được Harry M Stevens chế ra để chỉ loại saucisse bán cho khán giả đến dự những trận banh bầu dục (football) do đội New York Giants đấu tại New York Stadium vào đầu thế kỷ 20. Thuở đó loại saucisse nóng của Đức có tên là Frankfurter xịt thêm tí moutarde là món ăn rất được ưa thích trong những buổi đấu football. Nhưng cũng có một điều bất tiện vì món này cũng không được mấy gọn cho lắm lúc ăn. Sau đó, người ta mới nghĩ ra cách nhét saucisse vào trong một loại bánh mì đặc biệt, vừa dài và vừa mềm. Tên món này được gọi là Red hots. Đến năm 1903, một nhà hý họa thể thao tên Jad (T.A. Dorgan) đã cao hứng vẽ lên một bức tranh hài hước - một ổ bánh mì trong đó có hình con chó Dachshund (loại chó Đức, màu nâu đỏ thân dài, chân ngắn, tai dài lòng thòng hai bên).
Qua bức hý họa này, dân chúng liên tưởng ngay đến ổ bánh mì mà họ đang ăn lúc coi football. Saucisse được bán ra lúc còn rất nóng, vừa thổi vừa ăn. Danh từ hot dog đã bắt đầu từ đấy. Cùng dạo đó, một số người ngộ nhận rằng hot dog được làm từ thịt chó nên số bán bị sụt giảm thấy rõ. Sau đó, nhờ quảng cáo mạnh cho nên hot dog đã lấy lại được sự tín nhiệm và sự chiếu cố của dân chúng cho đến hôm nay.
Kết luận
Ăn uống gắn liền với phong tục, tập quán ẩm thực của từng quốc gia và từng xã hội. Mỗi nơi mỗi khác. Nếu sống tại Bắc Mỹ mà đề cao thịt mèo, thịt chó trước mặt dân bản xứ da trắng thì đây là một việc cần nên tránh. Nhập gia thì tùy tục, nhập giang thì tùy khúc vậy.
0 comments:
Post a Comment