Monday, November 7, 2011

Bangkok đang bị lún và sẽ thấp hơn mực nước biển

Bangkok, 7/11/2011
Bangkok, 7/11/2011
REUTERS/Chaiwat Subprasom

Thụy My

Theo các chuyên gia, nạn ngập lụt tại Bangkok hiện nay chỉ là khúc dạo đầu sẽ lặp đi lặp lại trong những năm tới. Dự kiến trong 50 năm nữa hầu hết Bangkok sẽ thấp hơn mặt nước biển.

Chuyên gia về khí hậu Anond Snidvong của trường đại học Chulalongkorn, Bangkok cho biết, mực nước vùng Vịnh Thái Lan cách thủ đô nước Thái khoảng 30 km, sẽ tăng từ 19 đến 29 cm từ nay cho đến năm 2050. Mực nước con sông Chao Phraya chạy ngang qua Bangkok cũng sẽ dâng lên.

Bên cạnh đó, mặt đất đang bị lún dần do nước ngầm bị khai thác quá mức cho nhu cầu công nghiệp và tiêu dùng của 12 triệu dân. Theo một công trình nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Á châu và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, thì từ cuối thập niên 70, Bangkok bị lún mất 10 cm mỗi năm.

Hậu quả là Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế (OCDE) từ năm 2007 đã đưa Bangkok vào danh sách 10 thành phố nhiều nguy cơ bị ngập lụt nhất trên toàn cầu. Ngân hàng Thế giới cho rằng, rủi ro này có thể tăng gấp bốn lần đến năm 2050.

Thủ đô Thái Lan hiện có một hệ thống bảo vệ phức tạp gồm các con đê, kênh đào, cống ngăn, trạm bơm nước, nhưng từ hai tháng qua vẫn không chặn nổi hàng tỉ mét khối nước từ phía bắc tràn xuống, làm ngập 1/5 Bangkok.

Theo François Molle, chuyên gia về quản lý nguồn nước thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển, nguyên nhân là do quy hoạch đô thị lộn xộn, khiến diện tích phải bảo vệ tăng lên, và nước ngày càng có ít chỗ thoát. Thái Lan vốn là nước nằm trên vùng đồng bằng có thể ngập lụt, cần nghĩ đến việc di dời một số nhà máy và khu dân cư, thậm chí cả thành phố đi nơi khác.

Chuyên gia Anond Snidvongs cho rằng, nếu muốn sống ở nơi khô ráo 24 giờ/ngày và 365 ngày/năm, thì tốt nhất nên xây dựng một thành phố mới. Trong các thế kỷ qua, vương quốc Thái Lan cũng đã từng nhiều lần dời đô. Còn Robert Nicholls ở trường đại học Southampton nhận định, cần đầu tư ồ ạt cho việc bảo vệ đô thị này khỏi ngập lụt. Nhưng theo ước tính của Ngân hàng Phát triển Á châu, thì phải cần tối thiểu 10 tỉ đô la một năm để có thể thích ứng với hiện tượng thay đổi khí hậu ở châu Á – Thái Bình Dương.

Tuy mọi chú ý đang tập trung cho nạn lụt, nhưng Jerry Velasquez, giám đốc khu vực của cơ quan Liên Hiệp Quốc phụ trách về Chiến lược Quốc tế Phòng ngừa Thiên tai (UNIDSR) cảnh báo, nguy cơ thực sự lại là nạn hạn hán. Ông nói : « Làm thế nào tìm được cân bằng giữa việc bị ngập lụt mỗi 20,30 hoặc 40 năm, và nạn hạn hán cứ mỗi 5 năm lại xuất hiện ? Cần phải có một hệ thống quản lý nước hết sức hiệu quả ».

0 comments:

Powered By Blogger