HÀ NỘI (TH) - Sau 5 năm ra Luật Phòng Chống Tham Nhũng, bây giờ Hà Nội vẫn còn đang loay hoay với chuyện “cần bảo vệ người chống tham nhũng.”
Bùi Quốc Huy, trung tướng thứ trưởng Bộ Công An ra tòa ngày 15 tháng 9, 2003 vì che dù cho băng đảng xã hội đen Năm Cam hoành hành. Ðây là một trong mấy vụ hiếm hoi mà một số quan chức cấp cao của chế độ bị xử tù, Năm Cam thì bị tử hình. (Hình: AFP/Getty Images)
Một cuộc họp được tổ chức ở Hà Nội với sự tham dự của đại diện LHQ, và Tổ chức Minh Bạch Quốc Tế, theo bản tin báo điện tử Vietnamnet, các đại biểu tham dự “đề xuất chủ động bảo vệ người tố cáo tham nhũng ngay từ đầu, kể cả khi họ không yêu cầu và phải bảo vệ cả thân nhân của họ.”
Nhiều báo ở Việt Nam tường thuật cuộc họp này, kể lại lời một số quan chức công nhận những người nào liều mình đứng ra tố cáo tham nhũng thường bị trả thù khốc liệt, đủ kiểu.
Nguyễn Ðình Phách, chánh văn phòng Ban Chỉ Ðạo Trung Ương Chống Tham Nhũng của nhà cầm quyền Hà Nội nhìn nhận trong cuộc họp là “Các quy định trong hệ thống pháp luật hiện hành bảo vệ người tố cáo, trong đó có bảo vệ người tố cáo về tham nhũng chưa thật sự đầy đủ. Nhiều người tố cáo chống tham nhũng vẫn bị trả thù, đe dọa, trù dập,” theo bản tin báo Lao Ðộng. Theo ông Lê Văn Lân, phó chánh văn phòng Ban Chỉ Ðạo Phòng Chống Tham Nhũng, được báo Pháp Luật Thành Phố thuật lại là “hiện không ít người tố cáo tham nhũng đã và đang bị đe dọa, trả thù với nhiều hình thức. Các hành động trả thù phổ biến mà người tố cáo và thân nhân của họ phải chịu là bị đánh trọng thương, bị sa thải, đuổi việc, khủng bố tinh thần… Thậm chí có người còn bị giết hại. Những cán bộ của cơ quan phòng chống tham nhũng cũng chịu những áp lực này.”
Tờ Pháp Luật Thành Phố nêu ra 3 trường hợp được ông Lân kể làm thí dụ người tố cáo tham nhũng bị trả thù:
- Ông Phạm Thanh Bình, bí thư Ðảng Ủy, chủ tịch HÐND phường Nghĩa Ðô, quận Cầu Giấy, Hà Nội, bị Quận Ủy Cầu Giấy cho thôi chức bí thư và miễn nhiệm chức chủ tịch vì tích cực đấu tranh chống tham nhũng.
- Nhà báo Phạm Thị Thanh Hương (báo Người Cao Tuổi) đấu tranh với những việc làm sai trái của một số cá nhân trong cơ quan, bị lãnh đạo cho thôi việc, thu thẻ nhà báo.
- Bà Nguyễn Thị Hòa ở phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội tố cáo sai phạm của một số cán bộ trong việc thực hiện dự án quanh Hồ Tây nên liên tục bị gọi điện thoại khủng bố, con cái bị chặn xe, dọa nạt. Nhà thì bị đổ phân, ném chuột chết, mìn,…
Theo báo điện tử VNMedia kể lại: “Một vụ nổ mìn kinh hoàng đã xảy ra vào đêm 16 tháng 9, 2011 tại nhà ông Nguyễn Văn Thành (69 tuổi), tại khối 3, thị trấn Tân Kỳ, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Rất may, không có ai bị thương. Ðược biết, ông Thành là người đi đầu trong việc chống tiêu cực tại địa phương…”
Ðỗ Việt Khoa, một giáo viên nổi tiếng về chống tham nhũng trong ngành giáo dục ở Hà Tây (bây giờ nhập vào Hà Nội) đã phải xin nghỉ dạy vì chịu không nổi các sự trả thù đủ kiểu.
Ông Nguyễn Ðình Trung, phó ban chỉ đạo chống tham nhũng ở tỉnh Bình Thuận cho biết, sau 5 năm có luật, số vụ việc tham nhũng “được phát hiện, xử lý” ở tỉnh này chỉ đạt 14.6%.
Ông Ðoàn Kim Thắng, Viện Xã Hội Học-Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam cũng nhìn nhận trong cuộc họp: “Ða số những người có hành vi tham nhũng là người có chức có quyền. Vì lợi ích cá nhân, họ sẵn sàng tấn công người tố giác mình hoặc trực tiếp hoặc thuê côn đồ ra tay giúp. Khi đó, nếu không được bảo vệ thì sẽ không ai dám tiếp tục lên tiếng.”
Nghiên cứu của ông Thắng cho thấy, trù úm là hình thức trả thù có tỉ lệ cao nhất, với 53.2%. Tiếp đó là kỳ thị, phân biệt đối xử. Theo ông, có một số hiện tượng trả thù rất nguy hiểm như xâm hại về lợi ích kinh tế, vật chất và xâm hại về thân thể, sức khỏe, Vietnamnet tường thuật. Hiện dự án Luật tố cáo và Dự thảo quy chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng đang được đưa ra lấy ý kiến để trình Quốc Hội và thủ tướng đề cập khá rõ nội dung bảo vệ người tố cáo.
Hiện cái “ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng” có mặt ở các cơ quan nhà nước và tỉnh thị CSVN nhưng lại do chính một trong những kẻ quyền hành nhất ở đó cầm đầu.
Ở cấp cao nhất, chính ông Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu “Ủy ban chỉ đạo trung ương phòng chống tham nhũng,” phòng chống kiểu tay trái “phòng chống” tay phải, chứ không phải là một bộ phận tư pháp hoàn toàn độc lập.
(TN_NguoiViet)
0 comments:
Post a Comment