Friday, November 4, 2011

Phụ nữ Hmông vẫn là nạn nhân của bạo hành

Việt Hà, phóng viên RFA

Mặc dù được quốc tế đánh giá cao về những thành tựu đã đạt được trong bình đẳng giới, Việt Nam hiện vẫn còn phải đối mặt với tình trạng bất bình đẳng giới ở một số nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa, và đồng bào dân tộc thiểu số.

AFP photo. Phụ nữ Hmong ở Sapa, miền bắc Việt Nam

Nạn buôn bán phụ nữ

Những phụ nữ Hmông ở miền Bắc Việt Nam ngày nay vẫn đang là những nạn nhân của phân biệt đối xử, của bạo lực gia đình, của những vụ buôn bán phụ nữ qua biên giới.

Trên nẻo cao của gió và núi, của những thửa ruộng bậc thang xanh ngát nằm lẫn trong mây là bản làng của người Hmông ở Hà Giang, một tỉnh nằm ở phía Bắc Việt Nam. Từ quốc lộ nhìn vào, những mái nhà nhỏ thấp thoáng của người Hmông trên các sườn núi xanh mướt trông thật thanh bình. Bên dưới những mái nhà đó là những câu chuyện buồn của người phụ nữ Hmông.

Là một tỉnh nằm giáp ranh với Trung Quốc, từ nhiều năm nay, Hà Giang là một trong những nơi có nhiều phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc. Những phụ nữ Hmông hiền lành chất phác từ lâu đã trở thành món hàng bị bọn buôn người lừa bán vào các nhà thổ ở nước láng giềng.

Vàng Thị Dia, 29 tuổi, là một nạn nhân. Cô đã bị lừa bán sang Trung Quốc khi mới 16 tuổi. Dia nhớ lại kỷ niệm đau thương ngày nào:

“Trước là mình không biết gì, bọn em hay đi chơi thì họ bảo sang bên đó để mua giầy dép, quần áo mới, khi sang đấy mới tỉnh.”

Dia cùng người bạn gái thân trong bản đã bị lừa bán sang một nhà thổ ở Trung Quốc trong một lần đi chơi trong bản. Cho đến bây giờ, đã hơn 10 năm trôi qua, cô vẫn không thể nào quên được những ngày tháng đau thương trên đất người và cô cũng không có đủ can đảm để kể lại những gì mà mình đã trải qua.
Chị Vàng Thị Mai, người từng là Chủ tịch hội phụ nữ xã Lùng Tám, tỉnh Hà Giang nói những phụ nữ Hmông trẻ tuổi thường dễ bị lừa bán vì họ không biết tiếng, biết chữ.

“Họ không biết tiếng, không biết chữ, họ bị dụ dỗ đi mua giầy dép, quần áo đẹp. Lúc đầu họ rủ đi chợ gần, sau thì đi sang Trung Quốc. Lúc đầu đi chợ Việt Nam, sau đó đến chợ bên cửa khẩu, họ cho ăn kẹo ngủ mất đến lúc tỉnh thì ở bên Trung Quốc rồi. Họ bị mang bán vào các khách sạn làm mại dâm, bị đánh đập đủ kiểu.”

Lúc đầu đi chợ Việt Nam, sau đó đến chợ bên cửa khẩu, họ cho ăn kẹo ngủ mất đến lúc tỉnh thì ở bên Trung Quốc rồi. Họ bị mang bán vào các khách sạn làm mại dâm, bị đánh đập đủ kiểu.

Chị Vàng Thị Mai

Thống kê của Cục cảnh sát hình sự Bộ Công An Việt Nam cho biết trong vòng 5 năm từ năm 2005 đến 2010, cả nước đã xảy ra gần 1,600 vụ buôn bán phụ nữ trẻ em với gần 4,000 nạn nhân, trong đó 3,500 người là phụ nữ. 60% các trường hợp được đưa sang Trung Quốc.

Từ năm 2001 đến 2005, cảnh sát Trung Quốc cho biết đã giải cứu được hơn 1,800 nạn nhân người Việt.

Đã có những phụ nữ Hmông tìm cách thoát khỏi những nhà thổ ở Trung Quốc để trở về quê nhà, trong đó có Dia và người bạn của mình. Dia cũng không còn nhớ chính xác cô đã bị nhốt bao lâu trong nhà thổ, cô chỉ biết đến lúc cô chạy thoát về Việt nam, thì cô đã có mang đứa con đầu tiên.

Bị phân biệt đối xử

024_450472-250.jpg Một phụ nữ Hmong ở Lào Cai đang nấu cơm. Photo: hemis.fr

Sau bao nhiêu nguy hiểm, khó khăn, ngày trở về bản làng, những tưởng được mọi người đón nhận, thông cảm, và thương yêu, Dia lại bị ghẻ lạnh. Mọi người từ gia đình đến bạn bè đều coi cô không còn trong sạch. Dia ngậm ngùi nhớ lại:

“Em trở về địa phương thì hàng xóm ai cũng ghét, ai cũng không thích. Mình đi đâu họ gặp mình cũng không muốn nói chuyện, ai cũng xì xào bàn tán bảo mình là con gái không nên người, con gái hư hỏng. Mẹ đẻ em mất rồi, còn mẹ kế em thì không nói gì nhưng cũng im lặng. Mình ngồi đấy, nấu cơm xong thì họ không muốn ăn, họ bảo mình không nên người.”

Một ngày vào năm 2004, khi đang giặt áo ngoài bờ sông, Dia gặp chị Vàng Thị Mai, chủ tịch hợp tác xã dệt may Hợp Tiến, xã Lùng Tám. Chị Mai đã an ủi Dia và nhận cô vào làm tại hợp tác xã. Chị Mai dạy cô vẽ và thêu hoa. Dia rất vui vì có người hiểu được cô, cho cô một việc làm có thu nhập ổn định hơn.

“Nếu không có bác Mai thì bọn em cũng không có việc gì. Nếu có ai thuê gặt lúa thì mình đi, mình gặt lúa một ngày được 10 ngàn, hoặc không thì bọn em lên rừng chặt củi, cành cây khô mang về bán. Công việc ở nhà bác Mai thích hơn, mình chỉ ở nhà mình tước sợi, làm công việc nhẹ, không phải mất nhiều thời gian.”
Dia cho biết thu nhập trung bình một tháng của cô là 1.200.000 đồng. Còn nếu đi gặt lúa thuê hay nhặt củi thì có ngày cô không thu được đồng nào, thậm chí không có cơm để ăn.

Không chỉ có Vàng Thị Dia, hợp tác xã Hợp Tiến của chị Vàng Thị Mai còn tiếp nhận những phụ nữ khác có tình cảm giống Dia và những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình. Từ khi thành lập hợp tác xã vào năm 1999 đến nay, hợp tác xã Hợp Tiến đã thu nhận 25 phụ nữ có hoàn cảnh như vậy, trong đó có 6 người trở về từ Trung Quốc. Chị Mai nói chị không ngại ngùng khi nhận những người như Vàng Thị Dia:

“Người bị buôn bán sang Trung Quốc cả làng bản, xã hội đều không thích. Chắc chắn là xã hội không chấp nhận rồi nhưng tâm tư nguyện vọng của tôi và của họ gắn bó với nhau thì vẫn được, không có vấn đề gì, sau thì xã hội nhìn thấy, các chàng trai bản làng thấy họ tốt và họ làm việc, có thu nhập rồi thì khắc có đàn ông đến với họ đón họ về làm vợ.”

Em trở về địa phương thì hàng xóm ai cũng ghét, ai cũng không thích. Mình đi đâu họ gặp mình cũng không muốn nói chuyện, ai cũng xì xào bàn tán bảo mình là con gái không nên người, con gái hư hỏng.

Vàng Thị Dia, nạn nhân

Vốn đã từng là chủ tịch hội phụ nữ xã Lùng Tám hơn 10 năm, chị Mai rất hiểu tình cảnh của người phụ nữ Hmông. Họ không chỉ là nạn nhân của những vụ buôn bán phụ nữ qua biên giới, họ còn là nạn nhân của bạo lực gia đình. Bản thân chị Mai đã phải chứng kiến cảnh một người phụ nữ Hmông bị đánh đập ngay trước mặt mình khi hợp tác xã Hợp Tiến của chị mới thành lập vào năm 1999. Chị kể lại:

“Họ đánh phụ nữ ngay trước mặt tôi. Lúc đầu tôi làm có 10 chị, lúc đó chưa có nhà xưởng, tôi làm ở sân ủy ban nhân dân xã. Hồi đó tôi làm chủ tịch xã thì các anh cho chúng tôi làm ngoài sân của ủy ban. Đàn ông say rượu về đánh vợ trước mặt, đánh và bảo là có làm được cái gì nên hồn đâu mà suốt ngày về đây với bà Mai làm gì, có làm được tiền đâu, về đi.”

Có đêm, chị Mai phải giấu những phụ nữ này trong nhà của mình vì sợ họ bị chồng say rượu đánh.
Hợp tác xã Hợp Tiến của chị Vàng Thị Mai dệt vải lanh truyền thống của người Hmông để phục vụ xuất khẩu. Trước khi hợp tác xã Hợp Tiến ra đời, những người Hmông ở đây chỉ trồng và dệt rất ít lanh, chủ yếu là để phục vụ cho nhu cầu của bà con trong bản.

Những sản phẩm hoa văn sặc sỡ được làm bởi những bàn tay khéo léo của người phụ nữ Hmông của hợp tác xã Hợp Tiến giờ đã xuất hiện tại nhiều hội chợ thế giới, từ Pháp, đến Indonesia, Thái Lan, Philippine, Malaysia.

Vòng tay nhân ái

024_450443-250.jpg Ruộng bậc thang ở Lào Cai. Photo: hemis.fr

Sau hơn 10 năm, hợp tác xã Hợp Tiến của chị Vàng Thị Mai từ 10 phụ nữ ban đầu đến nay đã có 110 xã viên. Có nhiều chị đến từ các xã khác, huyện khác. Chị Mai nói sau khoảng một năm đầu vất vả, họat động của hợp tác xã dần dần cho thấy hiệu quả. Năm 2001, doanh thu của hợp tác xã đạt 300 triệu đồng, năm 2010 là hơn 600 triệu. Thu nhập của xã viên trung bình một tháng khoảng 1 triệu đồng. Chị cho biết người chồng đánh vợ hồi nào giờ cũng không còn đánh vợ nữa vì thấy hiệu quả thực sự của việc vợ mình làm.

Có những phụ nữ từng là nạn nhân của buôn bán phụ nữ, của sự ghẻ lạnh ở bản làng, nhưng sau khi gia nhập hợp tác xã Hợp Tiến, có việc làm, thu nhập ổn định, giờ cũng đã lập gia đình và có con.

Vàng Thị Dia đã kết hôn được 5 năm và có thêm hai con trai nhỏ. Vợ chồng cô sống ở xã Cán Tỉ cách xã Lùng Tám, nơi cô làm việc, 15 cây số. Cứ sáng sớm mỗi ngày, chồng cô lại đạp xe đưa cô đi làm và 4 giờ chiều lại đạp xe đến đón cô về. Vàng Thị Dia rất hạnh phúc khi nói về chồng và các con mình. Có nói cô chỉ ước mong các con mình lớn lên thành người và sẽ không bao giờ phải chứng kiến những cảnh khổ cực mà cô và những người phụ nữ Hmông đã phải trải qua.

Điện đã về với bản làng của người Hmông Hà Giang từ vài năm nay. Đã có những gia đình người Hmông xây nhà mới, sắm TV. Chị Vàng Thị Mai rất vui vì những phụ nữ của hợp tác xã Hợp Tiến đã có thu nhập ổn định. Nhưng chị cũng buồn vì cuộc sống của đa số người Hmông vẫn còn khổ cực, vẫn còn những phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc, bị chồng đánh đến mức phải bỏ nhà ra đi. Chị chỉ mong công việc mà chị đang làm sẽ giúp được những phụ nữ Hmông thấy được vai trò quan trọng của họ trong cuộc sống

“Mình cảm thấy mình làm được như thế này để cho phụ nữ mình có tầm nhìn, mắt sáng lên để biết được cái sự làm việc, năng động sáng tạo của người phụ nữ có thể giáo dục được nhiều người, nhiều người tham gia, nhiều người có thu nhập thì họ cũng quý trọng mình.”

Mọi thư từ đóng góp ý kiến cho chương trình, xin quý vị gửi về www.facebook/VietHaRFA hoặc email về địa chỉ vietha@rfa.org

0 comments:

Powered By Blogger